Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

BÀI THI NHẬP HỌC



"Truyện Bài thi nhập học đưa ra một tình huống giải đố, khêu gợi trí tò mò và tác động tích cực vào trí não của trẻ em (...). Đây là một câu chuyện cảm động về tình thầy trò, nói lên một nét đẹp của người Việt Nam về truyền thống tôn sư trọng đạo" (Lã Thị Bắc Lý).

Ngày xưa, xưa, xưa… ở tại một nước nọ có một cậu bé rất thông minh và ham học. Lúc đầu, cậu học ở nhà. Ông bố dạy cậu được nửa năm thì hết chữ. Cậu đi học ông thầy đồ ở làng bên. Được một năm thì ông đồ cũng hết sách.

Mọi người đồn rằng ở vùng tít trên xa, có một ông thầy sách đầy ba gian. Và không phải ai cũng được ông nhận cho vào học.

Cậu bé liền xin phép cha mẹ lên đó. Cậu đã đi mấy ngày đường mà hỏi ai, ai cũng bảo: “Hãy còn xa!” Nghe nói đã có nhiều người đi đến nửa đường là đuối sức và nản trí quay về.

Đến ngày thứ mười, ngôi nhà của ông thầy mới hiện ra trước mặt. Nhà ở gần một ngôi chùa khá lớn. Cậu bé lên tiếng. Chẳng một ai thưa.

Nhìn qua cái chắn song cửa, quả là sách để chật ba gian. Cậu bé ngồi ở ngoài hiên, chờ người để hỏi. Chờ từ trưa cho đến xế chiều. Mệt quá, cậu bé nằm xuống ngủ thiếp, quên cả chuyện đem gói cơm nắm từ lúc sáng ra ăn. Hương hoa ngâu, hoa đại bay sáng, thơm phảng phất. Tiếng khánh gió khua cứ kêu lanh canh lanh canh.

Cậu bé giật mình mở mắt thì thấy một cụ già cao dong dỏng, vẻ mặt lành như mặt Phật đang cúi xuống định đánh thức cậu bé dậy.
- Cháu đến đây lúc nào? Đến để làm gì?
- Thưa cụ, cháu đến từ trưa và đến để xin cụ nhận cho vào học.
Ông cụ dắt tay cậu bé, đưa vào trong phòng của mình.
Sau khi hỏi chuyện cặn kẽ, ông cụ liền vui vẻ bảo cậu bé:
- Nhiều người đã đến đây tìm ta. Ta cũng đang muốn chọn người để mở lớp.
- Thưa cụ, xin cụ hãy rủ lòng thương, nhận cho con được vào học…
- Ta trọng sự công bằng. Vì vậy với ai ta cũng đưa một bài thi. Cứ mang về nhà ngẫm nghĩ cho kĩ rồi trở lên đây trả lời cho ta hay. Con thấy được chứ?
- Thưa cụ, con xin làm theo đúng lời cụ dạy ạ!
- Nhưng con cứ ở lại đây vài ngày, nghỉ ngơi cho lại sức rồi hãy trở về…

Cậu bé liền cám ơn ông cụ và lui vào phòng trong. Ăn cơm xong, cậu nằm im mở mắt, nghe ngóng xem ông cụ ở phòng ngoài đang làm gì.

Đêm yên tĩnh đến kì lạ. Nếu không có con chim gì đó lúc lúc lại kêu lên, cậu bé sẽ có cảm giác như gian nhà đang trôi nổi trên lưng chừng trời và trên đời này chỉ có ông cụ cùng cậu với mùi hương hoa ngâu, hoa đại, với tiếng khánh khua lanh canh, lanh canh như đang to nhỏ với nhau điều gì.

Ông cụ ở phòng ngoài vẫn thức ngồi đọc sách bên cạnh ngọn đèn dầu đến quá khuya mới đi nằm. Sáng ra, cậu bé dậy sớm định đi nấu nước pha trà cho ông cụ thì thấy ông cụ đã uống xong và đang chuẩn bị đi đâu.
- Ta đi vào rừng hái thuốc cho bà con, xẩm chiều mới về. Ở nhà con cứ nấu cơm mà ăn. Gạo có sẵn trong cái hũ kia. Còn rau quả, con tìm hái ở ngoài vườn.

Cậu bé ở lại với ông cụ hai hôm. Đến ngày thứ hai, ông cụ gọi cậu bé lên và hỏi:
- Con định sáng mai về phải không?
- Thưa cụ, vâng ạ!

Cậu bé rất nóng lòng muốn biết đề bài thi ông cụ sắp ra cho mình. Ông cụ liền đứng dậy, đến bên cái kệ con có để mấy tập sách mỏng, rút ra hai tờ giấy trắng rồi gấp đôi lại thành bốn tờ nhỏ. Cụ lấy bút, chấm vào nghiên mực rồi hoa bút vẽ rất nhanh. Ở tờ đầu, cụ vẽ một đôi đũa. Ở tờ hai, một cái nhà. Ở tờ ba, một vườn rau có cả mấy quả mướp treo lủng lẳng nhìn rất vui. Tờ cuối cùng, cụ vẽ một cây nến đang cháy.

Vẽ xong, cụ đưa cho cậu bé rồi bảo:
- Ở đây ta không viết ra mà vẫn có chữ. Vậy thì mấy chữ là chữ gì? Đấy bài thi của ta ra chỉ có thế thôi!
Ông cụ lại dặn tiếp:
- Con phải tự mình tìm ra câu trả lời, và ta chỉ muốn con trả lời ta một lần thôi! Con nhớ chứ?
- Thưa cụ, con nhớ ạ.

Cậu bé mang bốn cái tranh vẽ trở về phòng, xem đi xem lại. Đôi đũa… Cái nhà… Vườn rau…Cây nến… Bốn thứ này có liên qua gì với nhau không? Bốn cái tên ấy kết lại có thành câu và có thành ý nghĩa gì không? Trật tự những thứ ấy có thể đảo lên, đảo xuống được chứ? Ở phòng ngoài, ông cụ vẫn lại ngồi im đọc sách đến tận khuya rồi mới đi nằm.

Sáng hôm sau, cậu bé chào ông cụ trở về làng:
- Thưa cụ, khi nào tìm được lời đáp, con xin phép được lên đây ngay với cụ!
- Con càng lên sớm, trả lời đúng, ta càng vui!

Trên đường về, cậu bé đã nghĩ ra hàng trăm câu trả lời, nhưng chẳng câu nào vừa ý. Cậu rất hiểu là ông thể nào ra những câu hỏi quá dễ. Nhưng câu trả lời nào đúng nhất thì cậu nghĩ là mình chưa tìm ra. Cậu lại nhớ đến cái điều cụ đã dạy: chỉ được trả lời một lần. Nghĩa là nếu trả lời sai thì xem như hỏng hết.

Đến ngày thứ mười, sắp bước chân vào cổng nhà, cậu bé bỗng kêu lên:
- Ôi! Không khéo ta đã tìm ra được câu trả lời rồi! Nhưng liệu đã đúng thật chưa?

Thấy con trở về, cha mẹ cậu mừng rỡ hỏi han đủ mọi thứ chuyện. Cậu bé vừa trả lời cha mẹ, vừa nghĩ đến cách giải đáp mình vừa tìm ra. Sáng hôm sau, trước sự ngạc nhiên của cả nhà, cậu bé xin phép cha mẹ được trở lên ngay với cụ.

Đường lên mười ngày lần này cậu bé đi chỉ mất có năm. Chính cậu cũng hết sức lạ lùng. Vì vậy khi gặp lại ông cụ, cậu liền hỏi ngay về chuyện ấy. Ông cụ khẽ gật đầu và đáp:
- Cũng con đường ấy, nhưng thuộc rồi, ta sẽ đi chóng đến hơn… Với lại, ai lần đầu lên đây, ta cũng muốn thử thách xem họ kiên trì đến mức nào…
Cùng lên với cậu bé lần này còn có hai anh học trò khác. Cả hai đều lớn hơn cậu bé vài ba tuổi.

Ngay đêm hôm đó, ông cụ đã gọi ba người lên và hỏi anh học trò lớn tuổi nhất:
- Con hãy trả lời cho ta nghe đi. Trong bốn cái tranh ta vẽ có những chữ gì và mấy chữ?
- Thưa cụ, con xem tranh và nghĩ: sống ở trên đời phải lo cái ăn (đôi đũa), phải lo cái ở (cái nhà), phải có đất (để làm vườn) và muốn có được những thứ ấy phải biết cúng tế và cầu xin Thần Phật (cây nến). Như vậy, có tám chữ: cái ăn, chỗ ở, đất đai, Thần Phật!
Ông cụ liền khẽ mĩm cười và hỏi lại:
- Theo con, sống ở trên đời chỉ có thế và như thế thôi ư?
Anh học trò lớn tuổi lúng túng chưa biết thưa lại thế nào thì ông cụ đã chỉ vào người thứ hai rồi hỏi:
- Còn theo con, con hiểu thế nào?
- Thưa cụ, con nghĩ là đũa thì phải có đôi mới gắp được. Con người vì vậy không thể sống một mình. Nhà cửa thì phải có con, cháu, sống một thân chỉ thấy khổ. Trong thiên nhiên có cây mới có lá, có hoa mới có quả, mọi sự đều liên quan với nhau. Còn cây nến mà sáng được là chính nhờ có sáp và bấc. Theo con, cụ muốn dạy chúng con luôn phải nhớ: “Không chỉ có mình ta trên đời”. Như vậy có tất cả bảy chữ ạ!
Ông cụ liền quay sang cậu bé và hỏi:
- Còn con, con định trả lời ta ra sao?
Vẻ mặt cậu bé tuy có thoáng một chút lo âu nhưng cậu vẫn bình tĩnh :
- Thưa cụ, chắc là con đoán sai mất rồi !
- Con cứ nói đi !
- Thưa cụ, theo con nghĩ bài của cụ ra chỉ có... một chữ thôi ạ !
- Vì sao chỉ có một chữ ?
- Thưa cụ, vì ăn bằng đũa chỉ có con người, loài vật ở hang, ở hốc, cất nhà mà ở chỉ có con người ; cây cỏ không trồng cũng mọc, nhưng trồng thành vườn rau, vườn quả, chỉ có con người ; loài vật ăn rồi lo ngủ, biết học hành cũng chỉ có con người. Vì vậy, bài của cụ ra tóm lại chỉ có một chữ : Người ! Và ý cụ là muốn dạy bảo chúng con phải nhớ mình là người, và học trước hết là để làm người.
Ông cụ từ từ đứng dậy, vẻ mặt tươi hẳn lên :
- Con trả lời rất đúng ý ta...
Hai anh học trò kia nghe ông cụ nói, tỏ vẻ lo lắng. Ông cụ liền vui vẻ nói tiếp :
- Thế là được rồi ! Ta sẽ nhận cả ba con vào học vì cả ba đều ham học. Nhưng học có thành người, thành tài hay không là do chính ở các con.
Ông cụ cuối cùng đã chọn được mười người vào lớp.

Học được chừng nửa tháng, tính nết mỗi người đã lộ rõ ra. Anh học trò lớn tuổi dạo nào được trả lời bài thi trước nhất với ông cụ, hết giành chỗ nằm tốt lại tranh miếng ăn ngon với bạn bè. Còn việc học hành thì càng ngày càng lười nhác. Anh em trong lớp sau đó còn bắt gặp anh ta đang hái trộm cam của bà con ở xóm dưới. Ông cụ biết chuyện, không mắng mỏ lời nào, nhưng kiên quyết không cho anh ta học nữa. Xấu hổ, anh ta hằm hằm mang khăn gói ra về.

Chín người còn lại ai cũng tốt và chăm học, chăm làm nên ông cụ rất vui. Nhưng học đâu phải chuyện dễ. Càng học lên cao, càng thêm có người rơi rụng. Rốt cuộc chỉ có năm người đeo đuổi học đến cùng. Trong số đó, cậu bé kia, từ trước đến sau, vẫn là người học trò được ông cụ yêu quý nhất.

Mấy năm sau, anh cùng các bạn đi thi. Anh đỗ Trạng nguyên và được nhà vua trọng vọng. Anh trở về làng, võng lọng rước đưa. Anh vẫn không quên lên chốn cũ thăm thầy. Gặp ông cụ, ông Trạng trẻ sụp xuống quỳ lạy để tạ ơn. Ông cụ bây giờ râu tóc đã trắng phau.

Ông cụ giữ ông Trạng trẻ ở chơi với mình ba hôm. Ban ngày, ông cụ vẫn dắt con dao nhỏ bên hông, vào rừng hái thuốc. Tối đến thầy trò mơi bàn chuyện văn chương và chuyện đời.

Ngày thứ hai, ông cụ lên rừng, trời đã xâm xẩm tối mà vẫn chưa về. Ông Trạng trẻ sốt ruột vội đi tìm và bắt gặp ông cụ đang nằm chết giấc ở dưới một cái vực, cạnh một con suối. Ông Trạng trẻ vội cõng thầy về nhà, cứu chữa cho ông cụ tỉnh lại. Soi đèn xem kĩ thì mới thấy ngón tay út ở bàn tay bên trái của ông cụ bị đá sắc xắn gần muốn gãy lìa. Ông cụ liền bảo ông Trạng trẻ lấy con dao sắc cắt đứt hẳn đi, rồi lấy thuốc dịt vào.

Ông Trạng trẻ giấu thầy, đem ngón tay út ra chôn ở một góc vườn. Anh nghĩ : một chút gì của người thầy cũng phải được chăm lo cất giữ.

Ông Trạng trẻ vừa chôn xong, quay trở vào nhà thì thấy có người quen ở xóm trên dắt tới một người lạ mặt bị trói quặt tay ra sau lưng :
- Chính thằng này đã nấp chờ và xô ông cụ ngã xuống vực. Tôi bắt được, hỏi nó thì nó khai là có người đã thuê nó mấy quan tiền để làm việc ấy.

Ông Trạng trẻ tra hỏi thêm mới biết người đã thuê tên kia chẳng ai khác là gã học trò ngày trước đã bị ông cụ đuổi về không cho học nữa. Nó vẫn căm tức và chờ dịp để trả hận. Nghe tin ông Trạng trẻ về thăm nó càng tức sôi lên nên mới thuê tên vô lại kia rửa hộ mối hận cho mình.

Ông Trạng trẻ liền nhờ người đi báo quan, bắt luôn tên học trò khốn kiếp kia để trị tội. Anh ở lại thêm mấy ngày, chăm sóc sức khỏe ông cụ. Thấy vết thương đã đỡ, anh mới lạy tạ ưn thầy lần nữa rồi ra đi.

Ba năm sau, được tin ông cụ mất, ông Trạng trẻ và các học trò cũ cùng kéo nhau về chịu tang thầy. Theo đúng ý muốn của ông cụ, mọi người đã làm lễ hỏa táng cho thầy.Sực nhớ đến ngón tay út của ông cụ, chôn ở góc vườn, ông Trạng trẻ liền ra đó đào lên để hỏa thiêu luôn. Tại chỗ chôn ngón tay, anh bỗng thấy có một cái cây : hoa màu tím nhìn rất dung dị, hiền lành, từ trước đến giờ anh chưa hề thấy. Anh vẫn cứ đào để lấy các đốt xương lên. Chẳng thấy xương đâu cả, chỉ thấy một củ dáng vẻ rất giống hình người. Và cái củ ấy là của cây hoa kia.

Cây hoa ấy, cái củ ấy sau này thành cây nhân sâm, củ nhân sâm (nghĩa là củ sâm có hình dáng giống con người). Củ nhân sâm ấy ngày nay đã trở thành một vị thuốc bổ vào loại quý nhất. Củ nhân sâm giúp con người khỏe ra, sống lâu hơn – và ai cũng biết, ngay cả người sắp chết, cứ đổ vào miệng vài giọt nhân sâm, người ấy có thể sống thêm vài giây lát với những người thân của mình, trước khi từ giã cuộc đời.

PHẠM HỔ
(Chuyện hoa, chuyện quả - Nxb Phụ nữ, 1995)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét