Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

CHÓ NHÀ ĐI LÀM XIẾC

Ngoài viết cho người lớn là chủ yếu, nhà văn Nhật Tuấn (1942 - 2015) còn viết một số truyện cho thiếu nhi. “Ở những tác phẩm viết cho người lớn của ông, cuộc sống đa dạng ngổn ngang bề bộn bao nhiêu thì ngược lại, ở những trang viết dành cho các em nhỏ, Nhật Tuấn trở lại là một chú bé hồn nhiên, hóm hỉnh, đầy mẫn cảm” (Trần Hoài Dương).

Từ trước anh Chó Nhà vẫn yên tâm công tác lắm. Chỉ từ khi có đoàn xiếc ở tỉnh về làng biểu diễn, anh mới đâm ra nghĩ ngợi.

Này nhé, anh cũng có thể trở thành diễn viên xiếc được lắm chứ. Anh thử đi bằng hai chân cho mà coi. Anh Chó Nhà nghĩ vậy rồi cố nâng bổng nửa người lên, hai chân trước chơi vơi, chơi vơi rồi ngã lăn kềnh. Chà, chưa thạo lắm, nhưng phải thừa nhận anh cũng có tài đấy chứ! Nếu không, sao lại giơ được cả hai chân trước lên thế kia? Vậy thì chỗ đứng của anh phải là dưới ánh đèn sân khấu tròn cơ. Cái chân giữ nhà này chẳng xứng đáng với anh chút nào.

Một sáng tinh mơ, bác Gà Trống leo lên chòi giơ kèn thổi bài “dậy đi thôi, dậy đi thôi”. Anh Chó Nhà dậy từ lâu rồi, gà gật nhìn bác Trâu đi ra đồng, bà Gà dẫn đám con đi kiếm ăn, cô Mèo nằm duỗi dài sưởi nắng. Chán cái cảnh quê mùa, anh Chó Nhà cất giọng ư ử: “Một ngày… như mọi ngày…”. Chà, giọng hát não nuột quá làm cô Sáo đang chải đầu trong lồng cũng phải kêu lên:

“Chán quá… chán quá…”

Chị Vẹt đang bị buộc vào cây cũng phụ hoạ:

“Chẳng có gì mới… chẳng có gì mới…”

Bác Gà Trống đứng trên chòi nghe thấy hết, trợn mắt lên gào to:

“Đời chỉ thế mà thôi … Đời chỉ thế mà thôi…”

Gào xong bác đập cánh bay một vòng quanh sân để giữ trật tự. Anh Chó Nhà chúa ghét cái lão Gà Trống bắng nhắng. Nếu không sợ chủ, anh đã đớp một phát vào cái cổ cứ gân lên dạy đời. Anh Chó đang mải nghĩ ngợi, chợt cô Sáo kêu rối rít:

“Nhà có khách, nhà có khách…”

Anh Chó vội hỏi:

“Đâu… đâu…?”

Chị Vẹt rũ ra cười:

“Làm gì có… làm gì có…”

Thì ra chẳng có ma nào tới, cô Sáo ngứa mỏ trêu anh Chó Nhà vậy thôi. Anh tức lắm, chẳng làm gì được cô Sáo tít lên cao, giận cá chém thớt, anh đớp ngay một miếng vào đuôi chị Ngan đang õng ẹo diễu qua. Chị chàng sợ quá, ríu cả lưỡi:

“Cứu…cứu… cứu…”

Chị Bồ Câu nổi tiếng hiền lành cũng phải gân cổ mắng Chó Nhà:

“Cút đi…cút đi…”

Bác Ngỗng ngoài ao, nghe ồn ào, vươn cổ khàn khàn:

“Cái gì thế? Cái gì thế?”

Bác Gà Trống vội bay lên chòi, hô hào:

“Bắt thằng Chó đền tội. Bắt thằng Chó đền tội…”.

Anh Chó Nhà hoảng quá phóng một mạch ra đường. Chạy xa rồi anh mới nghĩ: “Hoạn nạn mới biết bạn bè. Chẳng có ai bênh mình lấy một lời. Đã vậy mình biến thôi. Hay ho gì chân gác cổng. Có tài như ta, chỗ đứng phải ở sân khấu tròn”.

Thế là anh Chó Nhà bỏ nhà ra đi. Vừa tới đầu làng, gặp chị Heo, chị hỏi:

- Chú Chó Nhà đi đâu ra tận đây?

- Em lên tỉnh xin vào đoàn xiếc. Để em biểu diễn chị coi này…

Nói rồi anh Chó Nhà cố giơ cẳng trước lên và ngã bổ chửng. Chị Heo ôm bụng cười:

- Thôi thôi chú ơi, cứ quay về coi nhà cho chủ là hợp hơn cả…

Anh Chó Nhà bị cụt hứng, tức quá, nguây nguẩy bỏ đi. Ra tới đường cái, anh gặp bác Ngựa Kéo đang gõ móng xuống đường cồm cộp:

- Kìa thằng Chó Nhà đi bụi đời hay sao mà ra tận đây?

- Tôi lên tỉnh xin vào đoàn xiếc đấy ạ!

- Gớm nhỉ… Lên đây tao cho quá giang…

Thực từ bé tới giờ anh Chó Nhà mới đặt được chân lên đây. Cơ man nhà cửa, xe cộ, người đi lại… Còn chưa biết hỏi ai, anh Chó chợt thấy một toà nhà to, từ trong bốc ra mùi xào nấu thơm ngào ngạt, trước cửa có tấm biển kẻ nắn nót: “Cầy tơ đủ món…”. Anh Chó Nhà không biết chữ, chỉ thấy cái hình đầu chó lại tưởng khách sạn dành cho các quý khách như anh. Anh bèn mon men tới gần. Vừa đặt chân vào cửa, anh chợt thấy từ trong nhà phóng ra một anh bạn Cầy vừa chạy vừa la hoảng: “Cứu tôi với, cứu tôi với…”.

Rồi bao nhiêu người tay dao tay thước đuổi theo. Anh Chó Nhà thất kinh chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cũng vội vã bỏ chạy. Chạy mãi, chạy ra tận ngoại thành, anh bạn Cầy mới dừng lại thở hồng hộc. Anh bèn lại gần, cất tiếng hỏi:

- Làm gì mà bị đuổi dữ vậy?

Anh bạn Cầy tròn xoe mắt:

- Vậy ra mày không biết cái nhà đó là cái nhà gì?

-Khách sạn cho tụi mình chớ gì?

- Khách sạn… ha ha ha… khách sạn…

Anh bạn Cầy phá ra cười như một thằng Chó dại, sau cùng anh trợn mắt:

- Mày nhà quê mới ra tỉnh hả? Vậy là phước lớn cho mày đó. Mày mà vô đó hả? Tụi nó cho mày mỗi món lá húng.

Anh Chó Nhà gai ốc:

- Vậy chớ tại sao anh bị bắt vào đó?

- Tại tao là Chó Hoang mà. Chó Hoang lang thang ngoài đường ai cũng bắt được…

- Vậy sao anh không xin chân gác cổng?

Anh Chó Hoang phì cười:

- Ở thành phố người ta có cổng sắt, chuông điện, cần gì tới mình.

- Vậy sao anh không xin vào đoàn xiếc?

- Xin sao được, vào đó phải có tài lắm…

- Có tài như tôi liệu xin vào được không?

Nói rồi anh cố hết sức giơ hai cẳng trước lên và ngã lăn kềnh làm anh Chó Hoang được một mẻ cười lăn lộn. Cười chán chê rồi anh mới nghiêm giọng:

- Coi tao đây này…

Nói rồi anh Chó Hoang giơ hai cẳng trước lên, đi đi lại lại bằng hai cẳng sau.

Anh lại còn trồng cây chuối, đạp đạp hai cẳng với nhau kiểu khán giả vỗ tay trong rạp xiếc. Anh Chó Nhà phục lăn:

- Tài quá, tài quá! Anh đáng mặt sư phụ tôi!

- Đó, sư phụ mày còn chưa dám bén mảng tới rạp xiếc huống hồ mày…

Anh Chó Nhà tái mặt:

- Vậy ở đây tôi sẽ làm gì?

- Làm chó hoang như tao vậy thôi.

Nghĩ tới tiệm Cầy tơ đủ món, anh Chó Nhà lè lưỡi, lắc đầu. Anh vội hỏi:

- Ra bến xe ngựa đi lối nào?

Anh chạy thục mạng theo chỉ dẫn của Chó Hoang. May quá, bác Ngựa Kéo vẫn còn đó. Anh Chó Nhà chạy tới thở không ra hơi làm bác ngạc nhiên:

- Kìa thằng Chó Nhà, tìm được đoàn xiếc chưa?

Anh Chó Nhà lắc đầu quầy quậy:

- Thôi thôi, bác cho cháu về làm chân gác cổng thôi…

Anh vui vẻ nhảy lên xe ngựa. Sung sướng biết bao khi mình sớm nhận ra mình.

Anh nghĩ thế rồi nhắm mắt lim dim ngủ…

NHẬT TUẤN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét