Ngày học chuyện Tấm Cám, tôi còn nhỏ. Hồi đó, tôi chỉ biết nhận xét hời hợt rằng con Cám đã đày đọa con Tấm nên khi Tấm được trở lại hình người từ quả thị rồi về cung làm Hoàng hậu, Tấm lừa rưới nước sôi vào người cho Cám chết để lấy thịt làm mắm biếu dì ghẻ ăn, là đáng đời con Cám.
Cô giáo dạy văn của tôi cũng kết luận: Ác giả ác báo!
Nhưng cũng vào thời gian ấy, nội tôi lại kể cho tôi nghe một câu chuyện khác có nội dung tương tự. Sự khác biệt đầu tiên là nhân vật cô chị chịu lắm khổ đau không phải tên là Tấm, mà cô ta tên Cám. Nội tôi nhắc đi nhắc lại khi kể chuyện là "con Cám khổ".
Nội tôi kể:
Ngày xưa có đôi vợ chồng kia sinh được một đứa con gái xinh đẹp, dễ thương. Chẳng may ngườì vợ thọ bệnh chết đi khi đứa con còn quá bé bỏng. Đợi mãn tang, người chồng cưới vợ kế để vừa lo việc trong nhà, vừa chăm sóc dạy dỗ đứa bé gái mồ côi mẹ. Bà vợ kế cũng sinh được một đứa con gái xinh đẹp sắc sảo hơn cả chị nó. Người đàn ông bị nạn mất đi. Bà vợ kế của ông phải nuôi cả hai đứa trẻ. Không tránh khỏi thói mẹ ghẻ con chồng, càng ngày bà ta càng đối xử tệ bạc với đứa con riêng của chồng càng lớn lên càng giống mẹ ở cái nết hiền lành, chăm chỉ.
Người trong làng gọi hai chị em cùng cha khác mẹ ấy bằng hai cái tên do họ tự đặt. Cô em tuy mồ côi cha nhưng còn mẹ ruột, họ ví như hạt gạo không lành và gọi là Tấm. Cô chị mất cả cha lẫn mẹ, họ ví như phần thừa của hạt gạo và gọi là Cám.
Gia cảnh chẳng lấy gì làm khá giả, hai chị em phải làm lụng giúp mẹ. Họ đi ra đồng bắt tôm xúc tép. Tấm biết mình đẹp sắc sảo hơn chị nên cô thường tìm cách trốn việc chân tay, để giữ gìn nhan sắc. Một hôm thấy phần tôm tép của mình ít hơn của chị, Tấm sợ bị mẹ la đã lừa bảo Cám:
- Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về dì mắng!
Con Cám khổ tưởng thật, hụp xuống nước. Tấm liền lấy trộm một ít tôm tép trong giỏ của chị bỏ vào giỏ mình. Rồi cô em đi về trước. Con Cám khổ thấy giỏ của mình vơi đi thì tự hiểu ra mọi chuyện. Hôm sau Cám khổ nói với em:
- Tấm ơi! Chị với dì chẳng ruột thịt đã đành, nhưng chị em mình thì cùng mang dòng máu của cha. Nếu em ngại lấm chân lấm tay thì em cứ ngồi trên bờ, chị bắt được bao nhiêu tôm tép sẽ chia cho em một nửa.
Tấm ngượng lắm nhưng thấy mình được nhàn hạ, đổi ngượng làm vui, chuyện trò thân mật với chị.
Con Cám khổ chẳng nề hà khó nhọc. Nó nghĩ đến một tương lai không xa, nó sẽ phải tự lo liệu lấy cuộc đời mình. Trong khi xúc tôm tép, Cám khổ thường bắt được dăm con cá bống. Nó đem về thả xuống ao nuôi riêng. Bữa cơm, Cám nhịn một phần ăn của mình để nuôi cá. Mỗi lần cho cá bống ăn, Cám đều nói:
- Bống bống bang bang. Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà tao. Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
Dì ghẻ biết được nổi lòng tham muốn chiếm đoạt đàn cá bống của con chồng. Một hôm, bà ta bảo con Cám khổ:
- Con ơi, ngày mai đi chăn trâu, con phải đi đồng xa, chớ chăn đồng nhà làng bắt mất trâu.
Con Cám khổ tin lời dì ghẻ, dắt trâu đi xa cho chúng ăn cỏ. Ở nhà, dì ghẻ sai Tấm đem lưới giăng sẵn rồi đổ cơm và gọi cá như Cám. Đàn cá nổi lên, bị thu cả vào lưới. Dì ghẻ sai Tấm đem ra chợ bán lấy tiền mua vải vóc. Hai mẹ con chừa lại vài con cá bống làm món ăn.
Khi Cám khổ trở về, nó đem cơm ra ao gọi nhưng chẳng còn con cá bống nào nữa. Vào nhà, nó thấy Tấm hí hửng với xấp vải mới, còn dưới bếp thì đầy xương cá. Nó hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra.
Từ đó Cám khổ kiếm thêm được gì thì đem bán đi, giấu tiền vào một cái lọ chôn xuống chân giường. Năm tháng trôi qua, nó đã dành dụm được một số vốn kha khá.
***
Tôi hỏi nội tôi:
- Sao trong truyện của nội không có ông bụt hiện lên mà lại có chuyện con chị chôn tiền dưới chân giường?
Nội tôi tủm tỉm cười:
- Có ông bụt đó chớ con! Những suy nghĩ tính toán của con Cám khổ để đối phó với hoàn cảnh chính là lời khuyên của một ông bụt. Ông bụt ở ngay trong trái tim, trong khối óc mỗi người đó con!
Rồi nội tôi kể tiếp:
Năm ấy nhà vua mở hội, cho phép tất cả thần dân được dự. Dì ghẻ và Tấm sắm sửa quần áo đẹp đi xem hội. Không muốn cho Cám cùng đi, dì ghẻ lấy một đấu thóc trộn lẫn một đấu gạo rồi nói ngon ngọt với Cám:
- Con ơi, con chịu khó nhặt thóc và gạo riêng nhau ra rồi hãy đi xem hội.
Những đứa trẻ con trong làng, thường ngày vẫn được chị Cám kể chuyện cho nghe, chạy tới rủ Cám khổ đi xem hội. Chúng đã giúp Cám khổ nhặt thóc và gạo, chẳng mấy chốc thì xong.
Con Cám khổ đào lọ tiền để dành dưới chân giường lên, lấy một ít mua đôi giày đẹp nhất ngoài chợ mà nó ao ước bấy lâu, xỏ vào chân rồi mặc bộ quần áo tươm tất nhất cùng lũ trẻ đi xem hội. Chị em vui đùa trên đường đi, chẳng may tới bờ hồ, Cám khổ sẩy chân làm rơi một chiếc giày xuống nước. Chưa có cách gì để lấy chiếc giày lên thì nhà vua đi tới. Voi dậm chân không chịu đi tiếp. Vua lấy làm lạ sai lính xem có chuyện gì thì họ nhặt được chiếc giày. Vua xem, nghĩ ngay đến một cô gái có đôi chân xinh đẹp. Vua tin rằng trời đất đã xui khiến cho ngài gặp ngườì đẹp để cưới làm vợ. Ngài liền truyền lệnh cho tất cả các cô gái dự lễ hội được tới ướm giày.
Dì ghẻ cũng dắt Tấm tới ướm giày. Nhưng chẳng một cô gái nào xỏ vừa chiếc giày. Đám trẻ dắt con Cám khổ tới. Cám xỏ chân vào giày vừa vặn. Vua cả mừng, sai lính đem kiệu đưa Cám về cung. Cuộc đời con Cám bước qua một giai đoạn mới với những ngày hạnh phúc bên vua.
Dì ghẻ ganh tức với Cám. Nhân ngày giỗ cha, Cám trở về nhà. Dì ghẻ sai Cám trèo hái cau cúng cha. Khi Cám leo gần đến ngọn cây cau, ở dưới đất, dì ghẻ đẵn cây. Cây cau đổ, Cám bị ngã xuống ao cạnh đấy. Dì ghẻ và Tấm vờ kêu lên là Cám bị tai nạn. Mọi người chạy tới cứu. Cám chỉ bị bất tỉnh, nhưng sau đó phải ở lại quê nhà điều trị một thời gian.
***
Tôi lại ngắt lời nội tôi để hỏi:
- Trong truyện cổ tích con học, giúp người chị nhặt thóc là lũ chim kia mà. Còn khi leo cau bị ngã, người chị bị chết.
Nội tôi gật đầu:
- Đúng như vậy. Nhưng đó là chuyện cổ tích. Còn chuyện "Con Cám khổ" nội kể chỉ là chuyện của một thời xưa. Con người ta sinh ra để sống và vượt qua những thử thách trong đời chớ đâu có chết dễ dàng được.
Nội tôi lại kể tiếp: Trong khi Cám khổ phải ở quê nhà chữa bệnh, dì ghẻ đưa Tấm vào cung gặp vua. Vua nghe kể sự tình xong, định cho lính đi đón Cám về thì dì ghẻ đã nói:
- Cám cần được yên tĩnh khi chữa trị. Xin nhà vua cứ cho nó ở quê nhà ít lâu. Trong thời gian vắng nó, em nó là Tấm sẽ thay chị hầu hạ vua.
Tấm chào ra mắt vua. Sắc đẹp sắc sảo của Tấm làm cho nhà vua mê mẩn. Trong phút chốc, ngài quên hẳn Cám.
Thời gian qua đi, nhà vua say mê cô em chẳng còn nhớ gì đến cô chị. Cám khổ lành bệnh, tìm về cung. Biết những chuyện đã xảy ra, Cám rất buồn vì nhà vua đã quên mình, còn em thì tìm cách ngăn cản không cho mình gặp vua. Cám nghĩ cách phải nhắc nhở vua.
Biết nhà vua thích chim vàng anh, Cám tìm chim vàng anh thả vào vườn của vua. Lúc ấy, Tấm đang giặt áo. Chim vàng anh hót líu lo. Tấm nghe tiếng chim hót trong tâm trạng luôn sợ chị về đòi chồng. Tiếng chim hót mà Tấm tưởng tượng là chị đang nói với mình: "Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch. Chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao". Nhà vua nghe được tiếng chim, sai lính bắt chim để nuôi và bấy giờ ngài mới nhớ đến Cám.
Tấm không vừa lòng, sai lính giết thịt chim.
Cám khổ không nản lòng. Nàng biết vua thích cây cối nên lén trồng hai cây xoan đào trong vườn. Vua mắc võng nằm chơi dưới bóng mát hai cây xoan, và ngài nhớ đến Cám. Tấm bèn sai lính chặt cây, lấy gỗ đóng khung cửi. Nhưng nỗi lo vẫn ám ảnh, ngồi dệt vải mà Tấm cứ tưởng tượng ra cái khung cửi là chị đang nói với mình: "Kẽo cà kẽo kẹt. Lấy tranh chồng chị. Chị khoét mắt ra".
Sợ quá, Tấm cho đốt khung cửi, đổ tro ra đường.
Cám khổ lấy tro bón cho cây thị mọc gần đấy. Cây thị ra trái to và rất thơm. Một bà lão hàng nước đi qua trông thấy, ao ước có những trái thị. Cám khổ biếu thị cho bà. Biết chuyện của Cám khổ, bà bảo Cám về sống với mình. Cám thu dọn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Nàng đảm nhận việc cơm canh cho bà hàng nước. Nàng còn têm cho bà những miếng trầu khéo và đẹp như đã từng têm cho vua.
Một hôm vua ra khỏi thành ngoạn cảnh, tạt vào hàng nước. Thấy những miếng trầu têm đẹp, vua nhớ đến Cám và hỏi bà chủ quán:
- Trầu này ai têm?
Bà lão gọi Cám ra nhận chồng. Nhà vua thấy Cám, bấy giờ xinh đẹp hơn xưa, lòng càng ân hận. Ngài nhận lỗi đã bỏ quên vợ rồi đưa vợ về cung.
Tấm thấy chị trở về cung thì biết ngay mình sẽ bị vua quên lãng. Cô em lén bỏ trốn về quê rồi cùng mẹ bỏ đi một nơi nào đó không ai biết được.
***
Tôi nói:
- Chuyện của nội chẳng có đoạn cô em bị làm mắm...
Nội tôi hỏi tôi:
- Vậy con có muốn cô chị nết na phạm tội giết em không?
- Dạ không.
- Con Cám khổ giống như bao người dân lành, chẳng ai nỡ xuống tay giết kẻ thù khi họ đã thất thế. Huống hồ là giết đứa em gái cùng cha khác mẹ với mình.
Tôi ngồi im lặng tư lự. Nội tôi nói tiếp:
- Kẻ ác, dù sao cũng là một con người. Còn là một con người thì vẫn còn hy vọng hoàn thiện hơn, con ạ.
Nhiều năm đã qua đi. Ngày nay nội tôi không còn nữa. Tôi vẫn nhớ chuyện "Con Cám khổ" của nội kể. Tôi tự giải thích rằng nội tôi đã kể lại một câu chuyện cổ tích bằng cách loại bỏ các yếu tố thần thoại, hoang đường đi, thay vào đó những thực tế dễ tin hơn. Quan trọng hơn cả là nội tôi đã cho nhân vật chính giữ trọn vẹn là một người nhân nghĩa.
Khi tôi kể chuyện “Con Cám khổ” cho các con tôi nghe, chúng hỏi: “Đây có phải là một phiên bản của chuyện cổ tích Tấm Cám hay không?”, thì tôi trả lời:
- Không! Đây là một chuyện khác hẳn!
Nhà văn NGUYỄN THÁI HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét