Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

HÌNH ẢNH CON RẬN TRONG TRUYỆN KỂ CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG VÀ H. ANDERSEN




Trong tác phẩm nghệ thuật, hình ảnh luôn giữ một vai trò quan trọng. Chính nhờ có hình ảnh mà sự vật hiện tượng trong đời sống hiện thực được tái hiện một cách sinh động, thể hiện một cách rõ nét cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ đối với con người và cuộc sống. 

Một trong những hình ảnh thú vị ấy mà chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này là hình ảnh con rận trong tác phẩm Tìm mẹ của Nguyễn Huy Tưởng và Con rận và vị giáo sư của H. Andersen. Sự xuất hiện lạ lùng của hình ảnh mà xem ra có vẻ không có tính thẩm mĩ này lại kích thích mạnh mẽ trí tò mò của trẻ thơ, đồng thời thể hiện được quan niệm về cuộc sống vốn muôn màu của chủ thể sáng tạo. 

1. Những tương đồng 

Xưa nay, những hình ảnh đi vào văn thơ luôn là những hình ảnh có sức cuốn hút về thầm mĩ và có sức thuyết phục về ý nghĩa. Một hình ảnh như con rận thực không phải là một sự lựa chọn sáng suốt để thể hiện cái đẹp, cái quý, cái được trân trọng.

Tuy nhiên, quan niệm mới hiện nay cho rằng, mọi vật đều có giá trị riêng của chúng. Dẫu rằng nó chỉ là cái nền để tôn vinh những tâm điểm thì nó cũng quan trọng. Và đâu là tâm điểm của hoàn cảnh thì còn phải phụ thuộc vào những tình huống cụ thể. Nghĩa là, hình ảnh nghệ thuật đẹp hay không, không phải tự thân nó mà phải được gọt giũa và hiện diện trong tương quan với các hình ảnh khác nhằm tạo nên giá trị của tác phẩm. 

Với hình ảnh con rận, Nguyễn Huy Tưởng và Andersen đã xây dựng thành những hình ảnh đẹp, có sức thuyết phục người đọc ở nhiều phương diện, khác xa với quan niệm thẩm mĩ ấy lâu nay. Đặc biệt, đó là một cách để hướng trẻ em có cái nhìn toàn diện, linh động về thế giới, một thế giới với muôn vàn điều kì thú đang chờ đợi các em khám phá. 

Trong hai truyện này thì con rận đều là nhân vật tài năng và gắn bó mật thiết với nhân vật chính. Nếu con rận trong Tìm mẹ có tài tiên đoán mọi việc thì con rận trong Con rận và vị giáo sư có tài làm ảo thuật, nhảy múa, mua vui cho con người. Trong truyện Tìm mẹ, con rận xuất hiện trong ba cảnh là ba cảnh nó đóng vai trò là một vị tiên tri, dự báo trước những nguy hiểm mà chúa làng sẽ mang đến cho mẹ con Nhà và Gạo, đồng thời chỉ đường cho ba mẹ con tránh khỏi. Và khi cần thiết, rận ta ra mặt để cản đường chúa làng dữ tợn, thậm chí lấy cả tính mạng mình ra để đánh đổi. Điều đó thật đáng trân quý, nó ngược hẳn với ấn tượng xưa nay của chúng ta về con vật này.

Trong Con rận và vị giáo sư, hình ảnh con rận được tác giả xây dựng như một nghệ sĩ xiếc tài năng. Nó được ông giáo sư dạy cho các trò vui, dậy nó bồng sung và bắn một khẩu thần công nhỏ xíu. Và nó có thể làm trò kiếm tiền nuôi vị giáo sư, thậm chí là cả một gia đình. Đó là một hiện tượng lạ trong văn chương chưa từng thấy. Ở đây, người ta không quan tâm con rận là xấu hay đẹp nữa mà chắc hẳn chỉ chăm chăm hình dung một con vật bé tí ti ấy sẽ làm cái trò bồng súng chào và bắn khẩu thần công như thế nào? Và họ sẽ phá lên cười thú vị như thế nào khi chứng kiến sự ngộ nghĩnh của nó? Tất nhiên, họ sẽ càng hài lòng hơn khi cuối cùng, con vật này lại vô cùng trung thành, thực hiện đúng cam kết với con người. Điều quan trọng là sự trung thành ấy được xây dựng không phải vì đặc tính của loài rận chuyên hút máu người để sống, sống kí sinh vào người mà là đặc tính của của một nghệ sĩ rận tài năng, có nhiều lựa chọn cuộc sống tốt đẹp cho mình.

Có thể thấy rằng, việc đưa một hình ảnh không mấy đẹp trong thực tế cuộc sống đi vào văn chương và tô vẽ, biến hóa đối với nhân vật rận trong hai truyện là một cách xây dựng về một kiểu người trong xã hội. Đó là những con người có hình dạng xấu xí, ghê tởm nhưng ẩn trong mình là những phẩm chất tốt đẹp. Điều này khá quen thuộc trong những sáng tác của Andersen, tiêu biểu là câu chuyện Vịt con xấu xí và cũng không còn lạ gì trong truyện cổ tích Việt Nam, ví như Sọ Dừa, Vợ Cóc, Trương Chi,… Nhưng ấn tượng về một con rận quả thật mới mẻ. Bởi lẽ, những ngoại hình xấu như vịt con, Sọ Dừa, vợ Cóc, Trương Chi là những công thức nghệ thuật về quan niệm tốt gỗ hơn tốt nước sơn xưa nay. Đó là những con người không được tạo hóa ưu ái khi ban phát nhan sắc nhưng định kiến về một con rận ngoài thực tế vốn rõ ràng và không mấy tốt đẹp là có cơ sở từ đặc thù con vật này. Vì thế, để tạo nên một ấn tượng tốt về nhân vật con rận này trong truyện quả thật là điều không dễ thuyết phục. Đó là cách nhìn lại một cách sâu sắc về con người. Mỗi vật trên đời này được sinh ra với những đặc trưng sinh tồn riêng và buộc chúng ta phải tôn trọng. Con rận tuy sống bằng máu người nhưng cũng có những nguyên tắc sống riêng của chúng, cũng trọng nhân nghĩa, trọng chữ tín vậy. Một chúa làng oai danh, lắm của liệu có xứng đáng làm một con rận không? Một cô vợ đẹp có đáng trân quý hơn một con rận chung tình hay không? Đừng bao giờ mang cái nhìn mặc định hay kinh nghiệm để áp đặt cho mọi thứ xung quanh và đánh giá theo ý mình, bởi lẽ giá trị của mỗi vật phải được xác định trong mối tương quan với rất nhiều mối quan hệ và tình huống. Con rận ở hai truyện này là vậy. Đây thực sự là một kiểu nhân vật đáng yêu, đáng quý khi nó đối lập với những con người chẳng ra gì!

2. Những dị biệt

2.1. Con rận trong Tìm mẹ - nhân vật đạo đức

Con rận được xây dựng đúng với bản chất của loài rận rệp là nấp trong áo quần và hút máu người để tồn tại. Tuy nhiên, vượt lên lí do thông thường, nhà văn đã sáng tạo ra một nguyên nhân khác, gián tiếp mà rùng rợn, đó là: 

- Chúa làng sai chúng tao đến hút máu vợ chồng con cái mày. Nay hết máu rồi, chúng tao cũng đi đây.

Trong số đó, có một con rận không chỉ biết làm công việc đơn thuần của loài bọ hút máu. Nó quay lại nhìn người mẹ võ vàng, nó dung dằn không nỡ đi, động lòng trước tình yêu thương con của người mẹ. 

- Tình cảnh chị thật đáng thương. Tôi đi mà không nỡ. Tôi báo cho chị cái tin này. Chúa làng đã giết chồng chị rồi. Chúa làng đang phi ngựa đi tìm giết nốt ba mẹ con chị đấy. Trốn đi. Nhạc ngựa chúa làng đã gần rồi. 

Có thể thấy trong bầy rận thì đây là con đặc biệt nhất. Vốn dĩ, nó là tay chân của bọn chúa làng, được sai đi bóc lột máu người dân. Tuy nhiên, nó trở thành một kẻ phản chủ, âm thầm ngăn cản bước chân của chúa làng nhằm bảo vệ ba mẹ con. Trong suốt cuộc chạy trốn của ba mẹ con, rận lúc nào cũng kè kè trong manh áo của chị, động viên, an ủi và tiếp sức cho chị. Những khi cần thiết, nó trở thành một hiệp sĩ dũng cảm khi lấy thân mình ra bảo đảm cho sinh mạng hai đứa trẻ. Đó là khi nó dõng dạc tuyên bố rằng thì đã có tôi lúc hối thúc người mẹ đi tìm gạo cho con và vội vã xuống núi chận đường làm lạc lối chúa làng lúc hắn ta sắp đến gần hai đứa trẻ. Ở đây, rận vừa là nhân vật kì ảo lại vừa rất hiện thực. Nó là một nhân vật có tài, dũng cảm nhưng không phải là một vị thần, nó cũng là một nhân vật nhỏ bé dưới quyền cai trị của chúa làng, vì sự bất bình mà phản chủ, hợp sức với những con người nhỏ bé khác để chống lại cường quyền. 

Nhưng con rận sớm có kết cục thảm hại là bị tên chúa làng bỏ vào mồm cắn, nuốt chửng chỉ kịp để lại một lời nguyền rằng chúa làng giết người, ăn rận thì không được làm người nữa. Đó là lời phán xét về kết cục nhân quả cho một tên ác ôn, chứa đựng quan niệm của tác giả về con người. 

Để xây dựng hình ảnh con rận, tác giả chủ yếu dùng thủ pháp nhân hóa khiến cho nhân vật này cũng biết nói, suy nghĩ và hành động như người, thậm chí còn hơn người. Đồng thời, nhân vật này được đặt trong những hoàn cảnh có tính lựa chọn, những cuộc đối thoại gay gắt tạo nên cá tính của một con người rõ rệt. Đó là lựa chọn giữa ở lại và đi, ở lại để sống như một con người và ra đi như một loài bọ kí sinh ghê rợn, lựa chọn giữa thấy và không là lựa chọn giữa cái sống và cái chết. Tuy nhiên, con rận đã nói như một vị thánh và hành động như một người anh hùng, dám đứng lên chống lại cái ác và bảo vệ những con người nhỏ bé. Con vật anh hùng trong truyện không phải hiếm nhưng con rận anh hùng thì quả thật chưa từng thấy bao giờ. Bởi vậy, nó trở thành con vật đáng yêu, đáng quý biết nhường nào!

2.2. Con rận trong Con rận và vị giáo sư – nhân vật tài năng

Con rận không xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện mà nó được hiện diện trong một hoàn cảnh ắt phải có. Đó là khi vị giáo sư bị vợ bỏ, những thứ còn lại chỉ là sự buồn chán, nghèo đói và rách rưới. Như một lẽ tự nhiên, rận trở thành con vật được yêu quý lắm. Bằng chứng là anh ta xem nó như gia tài và anh ta nuôi nấng dạy nó các trò vui, dạy nó bồng súng chào và bắn một khẩu thần công nhỏ xíu. Vị giáo sư rất hãnh diện về nó.

Con rận được Andersen khắc họa là một ngôi sao kiêu kì với những trò xiếc vui mang đến niềm vui cho mọi người và làm lợi cho chủ. Nó đã đi qua nhiều thành phố. Vương tôn, Bá tước cũng xem nó làm trò và không tiếc lời khen ngợi. Nó tự hào lắm vì biết mình đã lừng danh. Như con người, con vật khi nổi tiếng thì cũng không thoát khỏi cái sự kiêu kì, thậm chí là kiêu ngạo. Tuy nhiên, không vì thế mà nó bỏ đi vì nó biết nó chỉ nổi tiếng khi ở bên cạnh vị giáo sư.

Mặc dù là một ngôi sao nhưng nó vẫn chấp nhận đi xe hỏa hạng tư với quan niệm rằng, hạng mấy thì cũng tới đích. Nó cam kết với người rằng sẽ không bao giờ xa nhau và không kết hôn với ai. Mối quan hệ giữa rận và người trong truyện ngắn này không chỉ là người thân, đồng nghiệp mà còn là tri âm, tri kỉ. Đến đây thì, con rận được hình dung như một người tình không bao giờ cưới của vị giáo sư. Họ sống chết cũng phải có nhau. Có vẻ hơi buồn cười nhưng trong con mắt trẻ thơ thì điều ấy vô cùng thú vị. Đâu phải chỉ có con người mới biết cam kết và kết hôn. Con người dẫu có cam kết hay kết hôn rồi cũng sẽ có ngày tìm cách vượt ra khỏi những ràng buộc ấy nhưng con rận thì sao? Cho đến cuối truyện, rận vẫn trung thành, vẫn chung tình với chủ, điều đó liệu một con người có làm được không khi đứng trước những cám dỗ vật chất?

Con rận phản ánh một hiện thực phũ phàng đối với nhân vật chính là bị vợ bỏ và mất trắng tài sản. Thế nhưng, hóa ra nó lại chính là tài sản quý giá nhất. Tài sản quý giá ấy không phải là một con rận mà là niềm tin vào cuộc sống, biết chấp nhận hiện thực và lao động để cải thiện hiện thực. Điều này là một phần trong quan niệm về cuộc đời của Andersen: Andersen cho rằng cuộc đời ông là tuyệt đẹp,… chẳng thích thú gì việc tiêu phí thời gian và sức lực trong cuộc đấu tranh với những thất bại trong cuộc sống,…không bỏ lỡ cái khoảnh khắc ngắn ngủi khi mùa xuân lướt nhẹ đôi môi trên cây cối. Hạnh phúc biết bao nếu ta không bao giờ nghĩ đến những điều rủi ro trong cuộc sống! Chúng ta đáng giá gì so với mùa xuân tốt lành và ngát hương kia. 

Andersen đã khắc họa một nhân vật con rận đi đâu cũng được quý mến, được yêu chiều như một thú cưng làm thay đổi quan niệm thẩm mĩ của con người. Nó trở thành là một tài sản mà ai cũng muốn sở hữu, đặc biệt là cô công chúa xứ sở lạc hậu. Nhưng con rận đã âm thầm chối từ cuộc sống nhung lụa và quyết định sát cánh bên ông chủ của mình để có thể đi đây đi đó. Xưa nay, những con vật thường được các bậc quý tộc yêu quý, cưng nựng vốn cũng thuộc loài vật “danh giá” như thỏ, mèo, chó, ngựa,… Ở đây, rận ta là một tài sản giá trị, vì nó có tài. Tài năng, trong cảm quan của Andersen, đó là tiêu chí để nhìn nhận giá trị một đối tượng, là một phẩm chất cao quý của con người. 

Để xây dựng nhân vật con rận tài năng này, tác giả Andersen chủ yếu tập trung vào việc miêu tả hành động. Xuyên suốt truyện, mặc dù đóng vai là một nhân vật trung tâm nhưng con vật này không hề lên tiếng hay bộc lộ cảm xúc. Tác giả không có ý nhân hóa con rận để thành một con người mà vẫn khắc họa trọn vẹn là một con bọ sống bằng máu người. Nhưng nó lại có một khả năng đặc biệt là biết làm xiếc mua vui, hiểu tiếng người và sống với những phẩm chất của con người. Điều đó nghe có vẻ vô lí nhưng lại có sức lôi cuốn trẻ em với những tưởng tượng có cơ sở.

Có thể thấy rằng, cũng là con rận với những đặc trưng của loài bọ nhưng cách xây dựng nhân vật theo ý đồ mỗi nhà văn là hoàn toàn khác nhau. Nếu con rận trong Tìm mẹ được nhân hóa thành một con người đạo đức thì con rận trong Con rận và vị giáo sư lại là một con vật tài năng. Điều này thể hiện hai cách nhìn về cuộc đời hoàn toàn khác nhau của hai nhà văn gắn liền với tư tưởng văn hóa của hai miền trái đất. Nhưng dẫu sao thì cả hai đều đã mang đến một cái nhìn mới về thế giới xung quanh, đặc biệt là cái nhìn khác về con người trong con mắt trẻ thơ. Không phải chỉ có những con người hay con vật xinh đẹp, hiền lành mới được yêu mến, được trân trọng. Bởi lẽ, đó là những phẩm chất mà ông trời ban tặng và ai cũng khao khát nhưng mấy khi được như ý. Mặt khác, việc xây dựng những con vật xấu xí ẩn chứa trong mình những phẩm chất đáng quý là một cách khuyến khích trẻ em nên có cái nhìn bao dung đối với cuộc đời này và không ngừng hoàn thiện mình chứ đừng bao giờ trông chờ hay ỷ lại tạo hóa vì Người cũng công bằng lắm!

Nguyễn Thuỳ Nhân
(Lớp Cao học, Văn học Việt Nam, K.16)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét