Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

NGUYỄN HUY TƯỞNG VÀ NHỮNG TRANG VIẾT CHO TUỔI THƠ



Với 48 tuổi đời, 20 năm cầm bút tính từ tác phẩm đầu tay Vũ Như Tô (1941), Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một sự nghiệp văn chương tuy không đồ sộ về số lượng nhưng lớn lao về tầm vóc, có ảnh hưởng sâu đậm, tạo một dấu ấn, một phong cách riêng mà có lẽ thiếu đi những tác phẩm ấy bạn đọc khó có thể hình dung một cách trọn vẹn về một giai đoạn, thời kỳ văn học dân tộc đầy những biến động, thăng trầm nhưng cũng rất sôi động, rực rỡ. 

Dành trọn đời để sáng tác về đề tài lịch sử, kháng chiến, gắn bó sâu nặng với Thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng đã gặt hái được nhiều thành công, khẳng định được tên tuổi và vị trí trong làng văn với những tác phẩm có thể coi là đỉnh cao, mẫu mực của văn chương Việt Nam thế kỷ XX như: tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống Mãi với Thủ đô; kịch Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Những người ở lại, Bắc Sơn, Lũy hoa (kịch bản phim)…Và đặc biệt phải kể đến những tác phẩm trong sáng, hồn nhiên viết cho thiếu nhi như: An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, Thằng Quấy, Cô bé gan dạ, Chiến sĩ ca nô…

Nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng là nhắc tới người nghệ sĩ tài hoa, nhà văn của Hà Nội, và trong tâm trí của nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng, ông là nhà văn của tuổi thơ, người gieo vào tâm trí trẻ nhỏ những câu chuyện lịch sử thần kì, những câu chuyện cổ tích "vừa lạ lùng xanh biếc, vừa mênh mông những tưởng tượng kì ảo mà trong đó chất chứa cả một kho vàng ngọc những tình cảm yêu thương, những lòng tin, những chí khí dời núi lấp biển của người Việt Nam, của truyền thống Việt Nam" (Tô Hoài).

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Tưởng mới thử nghiệm ở thể loại truyện viết cho thiếu nhi khi tài năng đang ở độ chín với những thành công, trải nghiệm nhất định, để rồi mỗi khi đặt bút ông luôn cân nhắc từng câu, từng chữ, viết đi sửa lại với mong muốn mang lại cho thế hệ trẻ "những câu trong sáng nhất đời văn", những tình cảm nhân ái, vị tha, cao thượng. Là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng (1957), Nguyễn Huy Tưởng đã góp phần đặt nền móng, mở ra một viễn cảnh tốt đẹp cho văn học thiếu nhi - một mảng đề tài luôn có những khoảng trống, thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao. Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng đa dạng, phong phú về đề tài, phong cách thể hiện, nhưng ấn tượng bao trùm, xuyên suốt là lòng yêu nước thiết tha, niềm tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, là tình nghĩa thủy chung, khát khao hạnh phúc, tin tưởng vào sự chiến thắng của chính nghĩa với gian tà.

Dựa vào nội dung có thể chia truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn thành 3 loại lớn: truyện viết về gương người thật, việc thật (Hà Học Hợi - học sinh gương mẫu, Chiến sĩ ca nô, Hai bàn tay chiến sĩ, Một ngày hè - kịch); truyện cổ tích (Tìm mẹ, Thàng Quấy, Con Cóc là cậu ông Giời, Cô bé gan dạ); Truyện lịch sử (An Dương Vương xây thành Ốc, Chiếc bánh chưng, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng). Ở thể loại truyện nào cũng để lại cho các em niềm thích thú, say mê, nhen nhóm và truyền cho các em lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước. Truyện của Nguyễn Huy Tưởng giản dị, chân thành, gần gũi như chính cuộc đời, phù hợp với tâm tư, suy nghĩ của trẻ thơ.

Ở mảng viết về người thật, việc thật, nhà văn bám sát vào thực tế sôi động của đất nước những năm kháng chiến chống Pháp, ghi lại kịp thời những hình ảnh cao đẹp, những tấm gương tiêu biểu cho lòng quả cảm, căm thù giặc sục sôi của những em bé tuổi nhỏ chí cao - những con người sẽ viết tiếp truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong Chiến sĩ ca nô nhà văn miêu tả những ngày đầu chống thực dân Pháp, lực lượng ta không cân sức với lực lượng địch nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí, Tý - một em bé loắt choắt, cha mẹ và anh em của em đã chết cả trong trận đói năm 1945 đã cùng năm anh em du kích kéo về cả một đoàn thuyền cho ta. Sau này Tý được Ủy ban thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhì.

Với Hà Học Hợi - học sinh gương mẫu, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện thành công, cảm động quá trình trưởng thành của một em học sinh khu Bốn sớm mồ côi cha mẹ đã cùng năm anh em tự lực cánh sinh nuôi nhau ăn học. Hà Học Hợi đã vượt qua những khó khăn, vất vả vươn lên chiếm lĩnh tri thức, trở thành một học sinh xuất sắc, được hội nghị liên khu Bốn chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Nguyễn Huy Tưởng đã ghi lại giây phút thiêng liêng khi Hà Học Hợi được gặp Bác:

" Cụ quay lại nhìn người học sinh. Trống ngực Hợi đập hơi mạnh. Mặt Hợi đỏ hồng, Hợi nghĩ;
- Không biết có phải Bác không?
Cụ bước lại phía Hợi, mắt rất sáng nhưng rất hiền. Hợi lúng túng, mặt đỏ gay. Hợi chưa biết nói gì thì Cụ đã cầm tay Hợi, cất giọng rất đầm ấm hỏi:
- Sao cháu đến chậm thế?
Và Cụ dắt tay Hợi vào hội trường. Cụ giới thiệu với các đại biểu người học sinh gương mẫu…".

Viết về những tấm gương người thật, việc thật, Nguyễn Huy Tưởng tôn trọng đến từng chi tiết nhỏ để rồi mỗi chuyện hiện lên như một thước phim gây nhiều cảm xúc. Nhân vật trong tác phẩm đều gắn liền với những hoàn cảnh cụ thể, được đặt trong nhiều mối quan hệ với nhân dân, quần chúng, trong bối cảnh chiến tranh cách mạng. Nguyễn Huy Tưởng từng ấp ủ một khát vọng "muốn viết lại cuộc trường kì kháng chiến chống Pháp như kiểu một pho truyện trường thiên cực kì hấp dẫn, một lần đã đọc qua, suốt đời không thể quên". Ước mơ, chí nguyện cao cả ấy đã được nhà văn từng bước thực hiện, chỉ tiếc rằng bệnh tật đã không để nhà văn cống hiến nhiều hơn nữa cho văn chương dân tộc. Mỗi lần đọc lại Hai bàn tay chiến sĩ, người đọc khó có thể kìm nén nổi xúc động trước những trang văn miêu tả sinh động tinh thần dũng cảm hy sinh, quyết tâm đánh đuổi quân thù của một người nông dân - đảng viên mang trong mình cái tên giản dị, mộc mạc như đất đai quê hương: Bẩm. Với cách kể chuyện tự nhiên, dung dị, Nguyễn Huy Tưởng đã dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, với những sự kiện, chi tiết, hình ảnh gây xúc động mạnh.

Vào truyện là cảnh tưng bừng của Hội nghị chiến sĩ thi đua. Anh chiến sĩ nông dân, quê Nam Định lên báo cáo thành tích trước hội nghị.

"Cả hội trường cảm động nhìn đôi bàn tay tàn tật của anh. Đôi bàn tay còng queo, teo lại. Các ngón tay đều cụt, một hai ngón tay còn lại thì dại đờ như mấy cây trơ trụi trong một cái vườn đã cháy hết".

Và câu chuyện về hai bàn tay của Bẩm được tiếp diễn qua các sự việc như: cảnh buồng giam, cuộc đối thoại giữa Bẩm và đồng chí bí thư chi bộ xã với những lời dặn dò, cảnh hai người bị tra tấn, họ bị đốt hai bàn tay và bị trôi sông. Tiếp đến là dồn dập những cảnh cụ thể: Bẩm bị lũ quạ xúm xít vào rỉa chỗ bị thương, cảnh Bẩm dúi tay vào cát nóng, cảnh đàn kiến lửa bu vào người Bẩm, rúc đầu vào đôi bàn tay đã thối rữa.

Cuối cùng Bẩm vẫn chiến thắng "Anh còn sống, phải sống để chiến đấu thay cho người đã mất". Bẩm vượt qua được những thử thách ấy "không phải vì có xương đồng da sắt, mà vì anh có một tấm lòng tin sắt đá vào Đảng, vào các đồng chí của anh, vào chính bản thân anh".

Là nhà văn cách mạng, theo sát từng bước đi của kháng chiến, gắn bó mật thiết với nhân dân, Nguyễn Huy Tưởng ý thức rõ về thiên chức của người nghệ sĩ với quan niệm tiến bộ "Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng, bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và biết thương nhau". Vì thế khi viết truyện cho thiếu nhi, nhà văn rất nhạy cảm, tinh tế trong việc lựa chọn đối tượng phản ánh, khơi gợi được trong các em những tình cảm trong sáng, vị tha, học tập những tấm gương anh hùng cách mạng để sống, học tập xứng đáng với kỳ vọng của người đã ngã xuống, của gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, mỗi hành động nhỏ, có ích của các em đều góp phần làm cho quê hương thêm tươi đẹp.

Bên cạnh những câu chuyện về người thật, việc thật mang tính nhanh nhạy, kịp thời, phản ánh không khí sục sôi của cách mạng, cổ vũ nhân dân đấu tranh, tôn vinh ngợi ca những tấm gương cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng còn dành nhiều trang viết hướng về những giai đoạn, thời kì lịch sử hào hùng, trọng đại của dân tộc trong quá khứ với những bản anh hùng ca chói lọi, bất tử. Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, và xa hơn trong tiềm thức của dân tộc là những câu chuyện thời vua Hùng, vua Thục dựng nước: Chuyện Chiếc bánh chưng, An Dương Vương xây thành Ốc.

Trở về cội nguồn lịch sử trong buổi hồng hoang dựng nước và giữ nước, Nguyễn Huy Tưởng đã thỏa sức bay trên đôi cánh của trí tưởng tưởng, hư cấu, dựa trên nền của những truyền thuyết và những câu chuyện lịch sử có thật được ghi trong sử sách. An Dương Vương xây thành Ốc là câu chuyện thấm đẫm chất thơ và sắc màu cổ tích. Hình ảnh Thục phán An Dương Vương với khát vọng xây Loa thành, nhờ sự giúp sức của thần núi Thất Diệu, Thần Kim Quy chống lại sự phá hoại của Kê tinh…, tất cả đượm sắc màu huyền ảo, hư hư, thực thực tạo nên chất men say cho người đọc, đồng thời nói lên truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông. Dù gặp phải bao khó khăn khi Kê tinh phá hoại, nhưng với ý chí quyết tâm, tấm lòng vì nước vì dân của nhà vua, cuối cùng Loa thành cũng dần dần xuất hiện với cảnh rực rỡ huy hoàng, khẳng định sức mạnh và truyền thống đoàn kết, nhân văn của nhân dân Âu Lạc, "Tiếng gà rộn ràng, ánh mặt trời chiếu sáng chào mừng thành Ốc với những bức tường xoáy vòng tròn trôn ốc, cao chót vót vào đỏ ối như son".

Với câu chuyện Chiếc bánh chưng - một truyền thuyết đẹp in sâu trong tiềm thức của nhân dân, ngợi ca vẻ chân chất, mộc mạc, gắn bó với làng quê và cuộc sống dân cày của Hoàng tử út, con vua Hùng thứ sáu. Truyện cũng đề cao tinh thần dân tộc, tình nghĩa thủy chung, phong tục làm bánh chưng, bánh dầy ngày tết. Câu chuyện ngắn gọn, giản dị nhưng có sức hấp dẫn lớn bởi đã nói lên mong ước bình dị, cao cả mà muôn đời người dân hy vọng: đất nước có vua sáng, tôi hiền, đời sống dân tình ấm no, yên vui, hạnh phúc.

Viết về lịch sử dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng đã dành nhiều trang phục dựng những trận đánh oanh liệt, oai hùng của dân tộc. Hình ảnh Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản trong thời đại nhà Trần, với tuổi trẻ, tài cao, chí lớn đã viết lên thiên anh hùng ca trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tính cách, khí phách và hành động cứng cỏi, mạnh mẽ, quyết liệt của chàng trong trận đánh ở trại Ma Lục, trong cuộc chiến trên sông Bạch Đằng với quân Nguyên - Mông hoàn toàn khác với dáng vẻ "nữ nhi" bề ngoài "mặt trái xoan với đôi má phinh phính còn bụ sữa, nước da trắng mịn óng ánh những lông tơ, môi dày đỏ chót. Đôi mắt to đen vừa trong sáng, vừa mơ màng". Sự kiện chàng bóp nát quả cam vua tặng khi không được dự Hội nghị ở bến Bình Than, về quê chiêu binh mãi mã, quyết tâm luyện tập binh thư võ nghệ, luyện chí cả gan vàng, khắc lên tay hai chữ Sát thát, gương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân"…, sẽ mãi là những hình ảnh đẹp không thể phai nhòa trong kí ức dân tộc.

Viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nguyễn Huy Tưởng được gợi hứng từ hai câu thơ trích trong Đại Nam quốc sử diễn ca (Hoài Văn tuổi trẻ chí cao / Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công), và một số chi tiết, sự kiện lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã gia công, sáng tạo để viết lên thành một tác phẩm dành tặng muôn đời sau. Đây là tác phẩm cuối cùng được viết ngay trên giường bệnh, để rồi sau này tác phẩm ấy không chỉ làm rung động bao trái tim bạn trẻ trong nước mà còn được các bạn nhỏ tuổi trên khắp thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Song song với Lá cờ thêu sáu chữ vàng là tác phẩm Kể chuyện Quang Trung. Tác phẩm ngợi ca sức mạnh thần tốc của đoàn quân áo vải Tây Sơn với hình ảnh cao đẹp, hùng dũng, uy phong của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Miêu tả những trận đánh vũ bão, câu văn Nguyễn Huy Tưởng cũng nhanh, mạnh, gấp gáp, phản ánh không khí thời cuộc và ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của quân dân đã đánh bại quân Thanh, dẹp yên tập đoàn Lê Chiêu Thống.

Viết về lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không lệ thuộc máy móc vào các những sự kiện mà luôn tinh nhạy, biết lảy ra trong vô vàn những chi tiết, sự kiện lịch sử, những tình huống, câu chuyện đặc sắc, gợi mở nhiều thú vị để gây dựng, bồi đắp, tổ chức, sắp xếp thành một tác phẩm hoàn chỉnh, giúp trẻ thơ tiếp cận một cách dễ dàng lịch sử, hiểu lịch sử để từ đó thêm yêu, thêm quí lịch sử nước nhà. Nhận xét về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài nhận định "Trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng". Đó là một nhận xét xác đáng ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của Nguyễn Huy Tưởng cho văn học thiếu nhi Việt Nam.

Viết cho lứa tuổi măng non, Nguyễn Huy Tưởng còn mang đến cho các em những câu chuyện cổ tích thần kì, những xứ sở thần tiên. Nhưng thấp thoáng và ẩn sâu sau những chi tiết li kì, kì ảo, bạn nhỏ có thể bắt gặp những hình ảnh, con người trong câu chuyện ở ngay giữa cuộc đời. Tìm mẹ là truyện cổ tích xuất sắc, hấp dẫn nhiều thế hệ bạn đọc bởi tính nhân văn và truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta: ác giả, ác báo; ở hiền gặp lành… Ngay vào đầu câu chuyện, người đọc bặt gặp cái tên của hai nhân vật chính thật đặc biệt: thằng Nhà và con Gạo.

- Đặt tên cho nó là Nhà để sau này nó có nhà trú nắng, trú mưa
- Đặt tên cho nó là Gạo để sau này nó còn có hột gạo ăn.

Có nhà để ở, có gạo để ăn, đó là ước muốn cháy bỏng ngàn đời của cha ông, và dường như đến nay câu chuyện ấy vẫn là khát vọng, mong ước không dễ thực hiện với bao người. Truyện kể thằng Nhà và con Gạo có hoàn cảnh khốn khó, phải sống dưới sự cai trị của chúa làng gian ác. Hai anh em phải trải qua biết bao gian truân, khổ cực: lạc mất mẹ, đói khát, rơi vào nanh vuốt hổ. Nhưng được sự giúp đỡ của Rận, Đại bàng, các em đã tìm thấy mẹ, được trở về mái ấm gia đình với mong ước nhỏ nhoi, bình dị: "Trở về làng từ nay có nhà có gạo, có mẹ, có con. Con ơi con ngủ cho ngoan…". Câu hát à ơi của người mẹ vang lên khi kết thúc truyện chứa đựng bao tình cảm thiết tha, lòng yêu con vô bờ với khát vọng về một tương lai no ấm, sum vầy. Tìm mẹ xứng đáng được xếp vào một trong những truyện viết cho thiếu nhi xuất sắc nhất, một đỉnh cao của văn học hiện đại Việt Nam. "Tìm mẹ của Nguyễn Huy Tưởng chỉ có vài chục trang, Đàn chim gáy của Tô Hoài chỉ mấy chục dòng, nhưng đều lớn và đẹp" (Nguyên Ngọc). Sức hấp dẫn của Tìm mẹ toát ra từ nội dung tràn đầy tính nhân văn, cách kể chuyện độc đáo, thú vị, gây bất ngờ, lối viết ngắn gọn, rõ ràng, "ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa" (Nguyên Ngọc).

Sau Tìm mẹ phải kể tới Con Cóc là cậu ông Giời, và đặc biệt là Cô bé gan dạ - một câu chuyện mới được phát hiện, in trong tủ sách Hoa Xuân được Nguyễn Huy Tưởng viết vào những năm 1940 của thế kỷ trước khi ông tham gia phong trào Hướng đạo. Đây là câu chuyện nhà văn rất thích thú, dùng để đọc cho các em trong "bầy sói" của mình khi ông đang là huynh trưởng của phong trào.

Truyện kể về một cô bé gan dạ đã vượt lên sự ngu muội, mê tín của dân làng khi ông tiên chỉ cho biết thần làng báo mộng mỗi tháng phải nộp một con lợn sống nhớn, và mỗi năm phải cống nộp một người con gái tân. Làng Thần Quyết hai mươi năm nay phải sống trong khủng bố, đe dọa với tâm lí nơm nớp lo sợ. Năm nay, cô Thứ con gái cụ Trương Nghiêm - một gia đình khốn khó tới lượt phải nộp mạng cho hung thần. Nhưng trái với tâm lí sợ sệt của thầy u, dân làng, cô Thứ không hề run sợ, không sợ đối mặt với cái chết, cô chỉ thương cha mẹ già không ai chăm nom, lo liệu sớm hôm. Với bản lĩnh cứng cỏi, trí thông minh, tinh thần dũng cảm, cô Thứ trước lúc đi vào cõi chết chỉ xin thầy u một điều hãy rèn cho cô hai con dao thực sắc để nàng quyết sống chết với con ác thú. Không tin vào những tin đồn nhảm, cô Thứ linh cảm và biết chắc trong hang động không có thần thánh nào tác oai tác quái mà chỉ có con thú dữ ăn thịt người. Nguyễn Huy Tưởng bằng tài quan sát, miêu tả, nghệ thuật kể chuyện, dẫn dắt độc đáo, khéo léo đã tái hiện rõ cuộc chiến giữa người và ác thú, giữa chính nghĩa với tàn bạo, hủ tục. Cuộc vật lộn, tấn công giữa một bên là người con gái trẻ đẹp, đơn độc với một bên là con cá sấu dũng mãnh, phi thường, “mình dài hơn một trượng" được miêu tả chi tiết, gay cấn. Cuối cùng, bằng tài năng, nghị lực và niềm tin vào cái thiện sẽ chiến thắng, cô Thứ đã giải được cơn u mê, diệt trừ mối tai họa cho dân làng, được nhân dân kính phục, ngưỡng mộ.

Với Cô bé gan dạ, Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ rõ tài năng và nghệ thuật viết truyện cho thiếu nhi bậc thầy, bởi trong văn ông luôn ngồn ngộn chất thơ của cuộc đời, chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu đồng loại. Đúng như những nhận xét của nhà văn Phạm Hổ: "Trong câu văn của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta không bao giờ thấy lộ ra bóng dáng của điều ác mặc dù anh có miêu tả kẻ ác với tất cả lòng căm ghét - nhưng căm ghét không có nghĩa là ác. Nói rõ hơn: điều ác không có ở trong lòng anh. Văn anh là yêu thương, là đầm ấm, là bao dung… Rõ ràng đọc Nguyễn Huy Tưởng, càng thấy yêu văn và càng thấy yêu người".

Có một chi tiết thú vị khi Nguyễn Huy Tưởng viết lại truyện cổ tích Tấm Cám - một truyện cổ tích kinh điển, truyện gối đầu giường thường được vang lên trước mỗi giấc ngủ của trẻ thơ qua giọng kể đầm ấm của bà của mẹ, nay được Nguyễn Huy Tưởng chấp bút viết lại, thêm một số chi tiết thú vị. Ở cuối tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng không để cho Tấm tự tay giết và làm mắn Cám mà ông đề xuất một hướng kết thúc khác nhưng vẫn tuân thủ kết cấu của văn bản cũ, bổ sung thêm một số chi tiết mới với những sáng tạo hợp lí mang tính nhân văn. Phải chăng khi viết lại tác phẩm này, nhà văn đã dự tính được những quan điểm bất đồng của người tiếp nhận ngày nay khi đánh giá, thẩm bình tác phẩm văn học dân gian? Và đến nay, câu chuyện tranh luận về Tấm Cám vẫn chưa có hồi kết. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Tưởng viết:

"Cám nghĩ thầm rằng muốn tranh ngôi hoàng hậu, tất phải được vua yêu, mà muốn được vua yêu, tất mình phải đẹp hơn Tấm bội phần. Cám soi gương thấy mình vẫn đen, vẫn xấu. Đương băn khoăn thì có một người cung nữ già đi qua. Người cung nữ thấy Cám có vẻ suy nghĩ bèn hỏi duyên cớ. Cám kể hết nỗi duyên. Người cung nữ già vốn ghét Cám vì thường bị Cám hành hạ, nay được dịp báo thù bèn bảo rằng:

- Không khó gì, lệnh bà muốn đẹp thì ngồi xuống một cái hố sâu, rồi cho một người dội một thùng nước thực sôi từ đầu đến gót. Tắm nước sôi xong, lệnh bà cũng trắng hơn tuyết và đẹp hơn tiên.

Cám mừng lắm, sai lính đào ngay một cái hố và nấu một nồi nước thực sôi. Cám ngồi xuống hố, sai người dội nước cho mình tắm. Nhưng vừa dội được nửa nồi nước sôi bỏng thì Cám đã nhăn răng ra chết.
Bọn cung nữ và lính tráng từ xưa ai ai cũng thâm thù Cám. Họ ghét cả bà mẹ Cám, vì bà này hay vào cung ton hót cho con gái và xui Cám đánh đập mọi người. Bởi thế họ bàn nhau đem Cám làm mắn và đưa về biếu người dì ghẻ độc ác, nói là của vua và Cám ban cho.

Người dì ghẻ tưởng là mắm ngự thực, ăn lấy ăn để.

Trong lúc người đàn bà cay nghiệt kia ăn mắm thì một con quạ khoang ở đâu bay đến đậu trước thềm, chõ mõ vào trong nhà cất tiếng kêu rùng rợn rằng:

- Ngon ngỏn ngòn ngon, ăn thịt con có còn, cho xin một miếng.

Người dì ghẻ tức giận chồm lên, tay cầm một cái sào xua đuổi con quạ và chửi rủa ầm ĩ. Nhưng ít lâu ăn gần hết mắm, người đàn bà tai ác mới biết là con quạ khoang nói đúng. Bà ta hét lên một tiếng, ngã vật ra, chết ngay lập tức".

Có thể khẳng định rằng với 20 năm sáng tác, thành công trên nhiều thể loại, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử văn học dân tộc, người mở đường dẫn lối, người truyền lửa, xây đắp cho nền văn học thiếu nhi của nước ta ngày càng vững mạnh. Cuộc sống không ngừng vận động, lớp công chúng mới xuất hiện với những đòi hỏi cao về nhu cầu thưởng thức những món ăn tinh thần phù hợp với tâm lí thời đại. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đặt ra cho đội ngũ văn nghệ sĩ cần phải có những thay đổi, những nỗ lực cách tân để làm phong phú đời sống văn học nước nhà, gieo mầm nhân cách, thắp sáng lí tưởng sống cho đông đảo công chúng yêu văn chương.

Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng cấu thành nên đời sống văn học dân tộc. Nhưng hiện nay khoảng trống về những tác phẩm viết cho tuổi thơ ngày càng khó lấp đầy. Vì vậy trở về với quá khứ, học tập những thế hệ đi trước, trong đó có những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng để phát huy là hướng đi bổ ích. Cuộc sống dù bộn bề, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn nhưng những câu chuyện trong sáng viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận, trân trọng, nâng niu, bởi đó là món quà, là viên ngọc vô giá mà ở đó các em có thể soi vào để thấy lịch sử hào hùng, vĩ đại của dân tộc, để tâm hồn luôn trong sáng, thánh thiện.


Tài liệu tham khảo

1. Tô Hoài (1996) Lời giới thiệu "Truyện viết cho thiếu nhi" của Nguyễn Huy Tưởng, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Phạm Hổ (1982). Nguyễn Huy Tưởng và những truyện viết cho thiếu nhi, Lời giới thiệu tập truyện Tìm mẹ, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
3. Nguyên Ngọc (1992). Nguyễn Huy Tưởng và quan niệm kẻ sĩ, Tạp chí Văn học, số 6 - 1992.
4. Bích Thu, Tôn Thảo Miên (sưu tầm, biên soạn - 2007). Nguyễn Huy Tưởng về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Nguyễn Huy Tưởng (2010). An Dương Vương xây thành Ốc, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
6. Nguyễn Huy Tưởng (2011). Cô bé gan dạ. Nxb Văn học và trung tâm văn hóa, ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
7. Nguyễn Huy Tưởng (2012). Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

NGUYỄN HUY PHÒNG










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét