Bài Hình tượng vầng
trăng trong thơ Trần Đăng Khoa của Phạm Tuấn Vũ (Báo GD&TĐ, số Chủ nhật) có một phần nói về những vần thơ trăng thời "Góc sân và khoảng trời"...
Đa số trong thơ Trần Đăng Khoa là hình
tượng vầng trăng của tuổi thơ. Đó là vầng trăng hiện lên trong cách nhìn, cách
nghĩ hồn nhiên, giản đơn của con trẻ, gắn liền với kỉ niệm của một thời ấu thơ.
Đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi chiếm phần lớn, đồng thời chính là đỉnh cao trong
sự nghiệp sáng tác của ông là những bài thơ viết cho thiếu nhi khi nhà thơ vừa
hơn mười tuổi. Ở lứa tuổi trẻ con, viết cho trẻ con, trăng của “thần đồng” Khoa
vì thế cũng rất đỗi… trẻ con. Hơn nữa, trăng theo người suốt đời nhưng trong
sáng, đẹp đẽ nhất có lẽ là vầng trăng của thời thơ ấu. Điều này thể hiện rất rõ
trong thơ Trần Đăng Khoa.
Trong thơ Trần Đăng Khoa, vầng trăng
của tuổi thơ xuất hiện với số lượng khá lớn, gắn liền với những kỉ niệm thân
thương, êm đềm nơi quê nhà, bên gia đình, làng xóm, bạn bè, trường lớp của tác
giả trong thời còn nhỏ. Đó là vầng trăng của những ngày thơ bé, gắn với những
đêm ngồi học rồi chơi ngoài sân của “em” trong bài thơ Cái sân:
"Em
thường rải cái nong
Ra
góc sân ngồi học
Những
đêm có trăng mọc
Em
chơi cho đến khuya"
Đó là vầng trăng sáng ngời soi rõ sân
nhà, gắn liền với những đêm trăng của tuổi thơ êm đềm, trong sáng trong bài thơ
Trăng sáng sân nhà em:
"Ông
trăng tròn sáng tỏ
Soi
rõ sân nhà em
Trăng
khuya sáng hơn đèn
Ơi
ông trăng sáng tỏ
Soi
rõ sân nhà em".
Đó là vầng trăng rằm tròn vành vạnh,
sáng tươi, ngộ nghĩnh đến vui đùa cùng trẻ con của thế giới tuổi thơ thần tiên
cổ tích trong bài Trông trăng:
"Đêm nay trăng đang rằm
Trăng như cái mâm
con
Ai treo ông cao thế
Ông nhìn đàn em bé
Muốn khoe có mặt tròn
(…)
Em chạy nhảy tung tăng
Múa hát quanh ông
trăng
Em nhảy trăng cũng nhảy
Mái nhà ướt ánh vàng".
Tuổi thơ hồn nhiên có bao nhiêu câu hỏi
ngây ngô, khờ dại mà đáng yêu vô cùng. Trong bài thơ Trăng ơi từ đâu đến, Trần Đăng Khoa để cho “em” liên tục tự hỏi “Trăng ơi… từ đâu đến ?” và tự tìm câu
trả lời bằng cách đưa ra nhiều giả định: Hay
từ cánh đồng xa, Hay biển xanh diệu
kì, Hay từ một sân chơi, Hay từ lời mẹ ru, Hay từ lời mẹ ru… để rồi rút ra kết luận Trăng đi khắp mọi miền. Qua đó, nhân vật “em” bày tỏ tình yêu đất
nước trong sáng của mình: Trăng ơi có nơi
nào / Sáng hơn đất nước em. Đây là một bài thơ rất thành công của Trần Đăng
Khoa, một trong những bài thơ thiếu nhi viết về trăng hay nhất với những hình
tượng vầng trăng thật đẹp:
"Trăng hồng như
quả chín
Lơ lửng lên trước nhà
Trăng
tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi
Trăng bay như quả bóng
Bạn (*) nào đá lên trời
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân…
Kỉ niệm tuổi thơ trong thơ Trần Đăng
Khoa thường gắn liền với những con người thân quen cùng mối quan hệ, tình cảm
tốt đẹp, thân thiết. Thể hiện điều này, nhà thơ thường mượn hình ảnh vầng
trăng. Chẳng hạn, đó là vầng trăng trong vắt như rung rinh theo nhịp chày giã
gạo của các bạn nhỏ tuổi giỏi giang trong Chương 4 trường ca Đi đánh thần Hạn:
"Trẻ
con
Í
ới gọi nhau giã gạo
Phất
phơ áo tía áo hồng
Hạt
giòn ăn nắng
Tiếng
chày
Rung
rinh trăng trong"
Đó là vầng trăng sáng ngời như tấm lòng
hiếu thảo của cháu lo lắng cho bà, muốn tìm mọi cách để làm bà vui vì sợ bà
buồn trong bài Bà và cháu:
"Những
lúc sợ bà buồn
Hương
lượn tròn, múa hát
Bóng
chuối trùm nửa sân
Trăng
ngời ngời như bạc".
Đó là vầng trăng bát ngát trong tiếng
đàn bầu của các chú văn công quân giải phóng mà “em” được nghe khi các chú về
thăm nhà mình được thể hiện thành công trong bài Tiếng đàn bầu và đêm trăng:
"Các
chú văn công quân giải phóng
Về
nhà em chơi
Chú
gảy lên khúc đàn bầu
Chú
đập tay ngồi hát
Ánh
trăng bỗng thành bát ngát
Tiếng
chim đêm cao vời".
Từ tiếng đàn bầu ngân nga thánh thót
ấy, “em” liên tưởng về đất nước, về sức mạnh của Việt Nam:
"Tiếng
đàn bầu, tiếng đàn bầu
Ngân
nga trong đêm trăng
Giữa
hai mùa lúa
Dây
đàn tưởng không bén tay chú nữa
Mà
căng trong không gian
Tự
rung lên ngàn đời sức mạnh Việt Nam".
Không chỉ gắn với người ngày nay, vầng
trăng tuổi thơ trong thơ Trần Đăng Khoa còn là mối liên giao tương cảm của nhân
vật trữ tình “em” đối với người xưa là những bậc anh hùng, vĩ nhân của dân tộc.
Hình tượng vầng trăng ấy vì thế có phần thâm trầm, sâu lắng:
"Đồi
thông sáng dưới trăng cao
Như
hồn Nguyễn Trãi năm nào về thăm
Em
nghe có tiếng thơ ngâm…"
(Đêm
Côn Sơn).
Có thể nói, thông qua lăng kính tuổi
thơ, vầng trăng thời thơ ấu trong thơ Trần Đăng Khoa hiện lên thật đáng yêu,
ngộ nghĩnh. Đó là những vầng trăng đẹp đẽ, sáng trong, gần gũi; gắn liền với
suy nghĩ ngây thơ, hồn nhiên và tình cảm hồn hậu, tốt đẹp của chủ thể trữ tình,
xứng đáng được xem là những hình tượng vầng trăng đẹp, thành công trong thơ
thiếu nhi Việt Nam.
***
Tóm
lại, trong thơ Trần Đăng Khoa, hình tượng vầng trăng không chỉ xuất hiện với
tần số cao, gắn liền với nhiều giai đoạn sáng tác mà còn được thể hiện thành
công, mang lại nhiều giá trị thẩm mĩ độc đáo. Đó đều là những vầng trong sáng,
chan hòa, thân thuộc, gắn với nhiều cung bậc cảm xúc chân thành, mang nhiều giá
trị nhân sinh sâu sắc, là những hình tượng vầng trăng đẹp trong tiến trình thơ
hiện đại Việt Nam.
Phạm
Tuấn Vũ
(Đại học Quy Nhơn)
(*) Nguyên câu thơ của Trần Đăng Khoa là: "Đứa nào đá lên trời", đúng tính cách trẻ em hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét