"Nó
đứng trân trân nhìn theo, lòng nặng trĩu. Nó như muốn nói ngay một điều
gì đó với mẹ nó để cho lòng nó được thanh thản hơn, để bênh vực cho
được người cô nghèo của mình".
- Thiệt không?
- Thiệt! Đúng là cô Trợ rồi!
Chị Thinh nghe con gái nói, lính quýnh chạy ngay vô buồng. Cái buồng đến nửa buổi sáng rồi mà vẫn còn lởn vởn bóng tối. Chị vừa khép cái cánh cửa bằng cót, nẹp tre, vừa dặn con:
- Mày cứ nói má đi lên Đập Đá tối mới về nghe!
Đứa con gái biết ngay vì sao mẹ mình lại tránh cô Trợ. Chính nó cũng nghĩ như mẹ nó. Chắc nghe mẹ mình sắp đi xa, cô Trợ tới xin xỏ gì đây.
Ở bên ngoài, một ngọn gió Nam thổi ào tới, cuộn tròn ở giữa sân, bốc bụi lên mù mịt. Mặt đỏ bừng vì nắng, tóc loàn xoà rối tung, người cô bưng cái rổ, bước vô nhà. Nhìn quanh một lượt, người cô lên tiếng hỏi đứa cháu gái:
- Má đâu rồi con?
- Má con lên Đập Đá tối mới về cô ạ!
- Biết mà! Ra ngõ gặp bà Lan, tao đã biết là không hay rồi mà!
- Cô cũng lên Đập Đá chớ?
- Không, má mày sắp sửa đi xa, tao lên thăm chớ cô đi đâu đâu!
Đứa con chị Thinh nhìn cái rổ của cô Trợ đoán già đoán non: "Chắc lại đi xin gạo mẹ mình đây".
- Nhà bán rồi à?
- Dạ, bán rồi!
- Chồng tiền xong xuôi đâu đó rồi chớ?
- Dạ!
Đứa cháu lại nghĩ: "Cô ấy hỏi để xin tiền chắc".
- Ba mày đi Quy Nhơn cũng chưa về à?
- Dạ chưa. Má con nói trưa mới về.
"Chắc không có má mình, lại định xin ba mình cái gì đây". Đứa cháu lại đoán thầm trong bụng.
- Bao giờ thì ba má mày lên tàu?
- Dạ sáng mai.
- Ủa sao tao lại nghe nói là tối nay?
- Đi tàu tối khổ quá, ba cháu nói ngày mai đi buổi sáng cho tiện. Ngày mai cũng là ngày tốt.
Cô Trợ đặt tay lên cái rổ, rồi cất nón ra bỏ xuống đất. Con nhỏ chị Thinh đâm lo: "Cô định ở luôn đây, chờ ba mình hay má mình về à?".
- Con lên chào ông bà ngoại chưa?
- Dạ rồi, đi chiều hôm qua.
- Ông bà ngoại có cho gì không?
- Ông bà nghèo có gì mà cho. Chỉ hái cho mấy trái xoài hườm.
- Sao đang làm ăn khá ở đây, ba má mày lại đi ra ngoài đó làm gì? Tao nghe nói ba mày khi nào cũng làm không hết việc người ta đặt kia mà!
Người cô nói đúng lắm. Ba nó theo nghề vàng bạc, chuyên làm vòng, làm nhẫn cho người có của.
- Dạ, con đâu biết!
- Chui cha! Ra tận Huế thì xa lắm chớ chơi à?
- Dạ, con nghe nói cũng xa... Qua cả đèo Hải Vân kia mà cô!
- Đèo Hải Vân à? Là đèo gì?
- Ba con nói, con cũng không biết! Chỉ biết là đèo cao lắm.
Cô Trợ xuýt xoa:
- Má mày chưa khi nào đi xa, nghe nói vậy có lo không?
- Má con thích thì có!
- Trời! Má lại thích à? Còn mày, mày đi xa vậy mày có nhớ ông bà không?
- Dạ nhớ!
- Má mày đi chuyến này, không biết bao giờ chị em mới gặp nhau?
- Dà!
- Mày không biết, hồi còn nhỏ tao với má mày thương nhau lắm. Có cái bánh tráng mè, cái kẹo cau, bà đi chợ về cho, hai chị em cũng chia nhau...
Con chị Thinh lại tiếp tục nghĩ theo cái kiểu ba má nó hay nghĩ về cô Trợ: "Nhắc chuyện cũ là có ý cả đấy!".
Cô Trợ nói tiếp:
- Có lần tao cõng má mày đi chơi, có con trâu lồng nó chạy tới, tao sợ quá, chạy vấp một cái, má mày ngã lăn ra, tao phải nằm đè lên má mày, sợ con trâu nó báng chết. May quá lại có anh mõ đi qua đó, anh chặn con trâu lại... Thiệt là hú hồn...
Cô Trợ kể chuyện một thôi, một hồi. Con bé nửa muốn nghe chuyện, nửa lại lo bà cô của nó ngồi chờ thì phiền quá. Má nó trốn ở trong buồng, chẳng lẽ cứ ngồi hoài trong đó sao. Chắc má nó cũng nghe thấy hết.
Ở trong buồng, má nó ngồi im một xó, cũng nghe hết thật, vừa nghe vừa hươ tay nhè nhẹ để xua mấy con muỗi cứ vo ve, vo ve chực đáp vào má, vào cổ để đốt.
- Thôi, trưa ba mày mới ở Quy Nhơn lên, tối má mày mới ở Đập Đá về, lâu quá, tao không đợi được.
Cô Trợ nói xong, đưa tay nhấc cái mẹt con đậy làm nắp rổ.
Con bé con chị Thinh hơi ngạc nhiên, chưa hiểu gì.
Cô nó nói luôn:
- Nhà có nuôi con gà. Nó mới đẻ lứa đầu. Trứng gà so ăn bổ lắm. Tao định luộc cho má mày mang lên tàu ăn tối nay. Không dè mai mới đi, tối nay mày chịu khó luộc vậy.
- Sao cô không để cho nó ấp mà lại đem cho hết má con?
- Hết lứa này, nó lại đẻ lứa khác. Tao không có gì hết. Chỉ có ổ trứng này.
Trong lòng đứa cháu gái như có một cái gì vừa xoay ngược lại. Và có một chút gì như là rưng rưng.
Lời nói có tình thật lúc nào cũng có một sức mạnh không ai có thể phủ nhận được.
- Mày nhớ nói với má đâm ít muối tiêu đem theo nghe con! Có chút muối tiêu không còn sợ đau bụng, đau dạ gì hết... Cô biết là má con, từ hồi còn nhỏ ưa ăn trứng vịt luộc lắm.
Cô bé nghe cô mình chuyển từ mày sang con càng ngồi im vì xúc động.
Cô bé nghe cô mình chuyển từ mày sang con càng ngồi im vì xúc động.
Người cô đứng dậy, đi lấy cái dĩa để sắp trứng ra.
Con bé bây giờ mới đếm thử là bao nhiêu trứng. Chín trứng!
- Đàn ông bảy vía, đàn bà chín vía. Gà cô nó đẻ vừa đủ chín trứng cho má con đây! Đi đường xa, nhớ luộc kĩ kĩ đừng để hồng đào nghen con!
Bàn tay người cô đưa lên xoa xoa trên mái tóc đứa cháu lúc nào không biết.
- Ra tới ngoài đó rồi, con nói với má biên thư vô cho ông bà, mấy cô, mấy chú biết. Còn con thì ráng học cho giỏi, có chụp hình thì gửi vô cho ông bà...
Con bé cầm lấy bàn tay kia của người cô và đáp nhỏ:
- Dạ!
Suýt chút nữa thì nó khóc.
Nhưng mặc dầu nó cố nén lại, cô nó hình như cũng biết là cháu mình cũng đang thương mình. Chỉ có điều là người cô hiểu hết nguồn cơn.
Người cô cúi xuống lấy cái nón.
- Cô ơi! Cô ở lại chơi cái đã!
- Thôi để cô về không con Tý nó trông. Ở nhà có một mình nó sợ lắm!
Lời nói của cô lập tức gợi lên cho đứa cháu nhớ đến cái nhà con xiêu vẹo của cô mình...
Chồng cô làm thợ máy ít khi ở nhà. Hai vợ chồng chỉ sinh có con Tý mà vẫn không đủ sức nuôi. Nó gầy nhom và hay trốn kĩ ở trong nhà. Người cô đội nón trên đầu, bưng cái rổ không ra về. Bước đi vài bước, cô bỗng quay lại:
- Nhớ nói là cô chúc ba má với con đi đường mạnh giỏi nghe con!
- Dạ!
Con bé bỗng thấy như mắt người cô của mình hoe hoe đỏ.
Nó đứng trân trân nhìn theo, lòng nặng trĩu. Nó như muốn nói ngay một điều gì đó với mẹ nó để cho lòng nó được thanh thản hơn, để bênh vực cho được người cô nghèo của mình.
Ra đến ngõ, cô nó còn quay lại:
- Cô tiếc quá, không được gặp má con. Đi xa như vậy biết bao giờ mới được gặp lại nhau?
Bây giờ thì rõ ràng là cô đang đưa cánh tay để chùi nước mắt rồi đi luôn ra phía cánh đồng.
Gió nam lại cuốn bụi chạy từng đám dài ở phía xa xa...
PHẠM HỔ
(Rút từ tập Cây bánh tét của người cô, Nxb Kim Đồng, 2003).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét