Sau Lớp học của anh Bồ Câu Trắng (Thy Ngọc, 1957) gần nửa thế kỉ, câu chuyện dạy và học của loài vật ở một trang trại đã được nữ nhà văn Kim Hài tái hiện sinh động trong Trang trại Bình Minh (5 tập, 2004). Phần trích dưới đây thuộc tập 2, nói về giáo sư Cao, một con cáo khôn khéo đội lốt "thầy tu" đến làm thầy dạy học tại trang trại Bình Minh...
CÁI ÁO KHÔNG LÀM NÊN THẦY TU
Lớp học được tổ chức dưới một cây sao to lớn có tán lá bao trùm rợp một góc vườn. Chỗ học khá thuận tiện vì yên tĩnh, ít ai khuấy phá bởi cách xa con đường chính dẫn ra cổng, lại được một dãy nhà kho cũ ngăn cách với khu nhà ở. Sau buổi học đầu tiên, lũ trẻ kể lể rối rít với bố mẹ về bài học mới.
Lũ vịt con mặt mũi lấm lem, mỏ đầy bùn đất khoe với bố Cổ Lùn:
- Thầy dạy chúng con cách kiếm hang chuột đồng…
Vịt mẹ trố mắt:
- Để làm gì?
Vịt bố xen vào:
- Chắc có trong chương trình.
Thỏ con khoe:
- Thầy dạy con tập đi thật chậm…
Chú gà con kêu chiêm chiếp với mẹ mái Nổ:
- Thầy dạy con môn đô vật. Vui ơi là vui!
Mái Nổ nhìn đàn con bưu đầu sứt trán, buồn bực:
- Tôi đâu muốn các con làm nghề gà chọi.
Nhưng trống Tía rất vui:
- Ừ, thì học võ để khoẻ mạnh mà, tụi nó còn non nít, tính chuyện nghề với ngỗng làm gì.
Cún con thì thầm bên tai bố Vện:
- Hôm nay con biết cách đánh hơi mùi cáo rồi. Cáo là bạn. Thầy dạy thế. Mùi cáo là mùi bạn bè. Con làm được rồi, thầy khen con giỏi.
Nhưng mẹ cún thì càu nhàu:
- Cứ như thế con sẽ chẳng phải là chó săn nữa…
Ngày đầu đi học của lũ trẻ với bài học nhập môn lạ lùng làm nhiều kẻ lo âu nhưng cũng có nhiều người thích thú. Lo nhất là các bà mẹ, còn phần đông các ông bố hoặc không thích thú, hoặc ít quan tâm. Bởi thành thật mà nói, đa số các bà mẹ đều đảm nhiệm việc nuôi dạy con cái, còn các ông bố chỉ nhận nhiệm vụ kiếm mồi, tích luỹ lương thực cho gia đình.
Ngày thứ hai, mái Nổ đích thân đưa con đến trường. Nhác thấy mẹ con nhà gà, giáo sư Cao đeo vội cặp kính đen, sửa bộ dạng ngồi nghiêm trang. Mái Nổ chào hỏi:
- Thưa thầy, hôm nay các cháu bắt đầu học chữ chưa ạ?
Giáo sư Cao chẩu miệng hơi hướng lên phía trên với vẻ cao ngạo nói:
- Trẻ con học chữ sớm quá chưa phải là tốt. Tôi sẽ dạy cho chúng những bài học đánh thức bản năng con trẻ, dạy chúng hướng về cội nguồn… văn hoá dân tộc…
Giáo sư Cao nói một thôi một hồi bằng những danh từ khó hiểu, cao xa và… đôi khi không có trong ngôn ngữ loài vật. Mái Nổ không hiểu hết nhưng bản năng người mẹ cộng với tinh thần đấu tranh cho quyền lợi con cái của loài gà bao giờ cũng mạnh mẽ hơn ở các loài khác, vì vậy mái Nổ quyết gạt hết những nỗi hoang mang ban đầu và tiếp tục yêu cầu:
- Xin lỗi giáo sư, tôi những tưởng các điều đó phải do chính chúng tôi mới có đủ kinh nghiệm dạy cho con em mình. Chúng tôi chỉ muốn giáo sư dạy giúp cho các con tôi học chữ, học viết, cùng những điều hay lẽ phải càng sớm càng tốt.
Vừa lúc ấy nhà ngỗng cũng đưa con đến lớp. Vốn tính phổi bò, chị ngỗng Khàn nói oang oang như lệnh vỡ:
- Sao hôm qua giáo sư dạy con tôi nói thầm làm vợ chồng tôi hoảng hồn tưởng cháu nó bị đau cổ phải đưa đến bác lang Cò, tốn mất một mớ cá ngon.
Giáo sư Cao nhếch mép:
- Tại con chị nói to quá. Tôi phải điều chỉnh cháu để âm thanh vừa đủ nghe. Tiểu thư ngỗng phải là một tiểu thư đúng mực. Tương lai của cháu rất rực rỡ. Thử hỏi vùng này đâu có ai có cái cổ dài như tiểu thư. Nếu không vậy người đời đâu gọi ngỗng là Thiên nga.
Ngỗng Khàn cười tít mắt vì sung sướng. Chị cám ơn giáo sư Cao rối rít.
Từ bên trong căn nhà kho, mèo Mun đủng đỉnh bước ra. Mụ chen vào, giọng êm như nhung:
- Các bác đừng có lo lắng. Giáo sư Cao có học vị giỏi lại là người am hiểu về giáo dục trẻ em. Các cách dạy dỗ của chúng ta quá xưa, quá cổ lỗ rồi. Bây giờ phải học theo cách mới mà chỉ có giáo sư Cao đây mới dạy được. Các bác khỏi phải bận tâm về con cái, cứ để giáo sư dạy dỗ. Rồi một thời gian quý vị sẽ thấy sự tiến bộ của con cái mình. Mới ngày một ngày hai thì làm sao mà đánh giá cho được. Phải không giáo sư?
Giáo sư Cao mỉm cười gật gật đầu, mèo Mun tiếp tục nói:
- Trẻ em như cái hoa mới nở. Chúng ta không thể vùi dập chúng, bắt chúng học hành liên tục mà phải vừa học vừa chơi. Nếu các bác không đồng ý, giáo sư Cao sẽ từ chối không dạy nữa. Có rất nhiều nơi đang mời ngài…
Giáo sư Cao ưỡn ngực nói:
- Đúng vậy, tôi có thể đi ngay từ bây giờ…
Các phụ huynh nhìn nhau. Mèo Mun có lý. Vả lại phải khó khăn lắm mới tìm được giáo viên. Nếu giáo sư ra đi liệu có tìm được thầy giáo khác hay không? Chẳng nhẽ để bọn trẻ thất học hay sao?
Dê Trắng lên tiếng:
- Xin giáo sư tha lỗi. Chúng tôi vì nôn nóng nên có những lời làm giáo sư buồn. Xin giáo sư cứ dạy cho lũ trẻ.
Mọi người lục đục ra về. Trên đường đến bờ ao, chị mái Nổ nói với chị vịt Bầu:
- Sao tôi vẫn không ưa nổi ông giáo sư này, chị vịt ạ. Cặp mắt ông ấy lúc không đeo kính cứ láo liên. Rồi dạy toàn những thứ đâu đâu ấy…
Vịt Bầu lầm bầm:
- Tôi thì không ưa mụ Mun. Cái vụ nhà chuột không do mụ ấy thì ai vào đây? Còn giáo sư Cao bề gì cũng là người có học. Mà lạ nhỉ, người có học thức như giáo sư Cao mà lại làm bạn với mụ Mun?
Nhưng đồng ý hay không thì mọi người cũng phải lo làm lụng để trả lương cho giáo sư Cao. Vợ chồng mái Nổ phải đi xa tít ngoài đồng cỏ. Nhà thỏ nhát gan vậy mà cũng rời vườn rau sang tận ngọn đồi bên kia. Song ai ai cũng vui vẻ khi tối về nghe con mình ê a đánh vần. Niềm vui của các phụ huynh càng tăng thì giáo sư Cao nhận được lương bổng càng nhiều. Ngày nào giáo sư cũng nhận được hàng tá cá, không cá thì lươn, ếch. Giáo sư ăn phởn cả bụng, thân thể béo phì hẳn ra so với ngày mới đến trang trại.
Chẳng mấy chốc đã đến mùa mận chín. Nhà nhà đều kéo nhau ra rừng mận trẩy quả đem về phơi khô làm lương thực cho mùa đông. Mận chín rộ trong vòng mươi ngày, nếu không thu hoạch kịp sẽ chuyển sang màu tím sẫm, bên trong ruột chín ủng, không để dành được lâu. Mận chín rục rồi thì sẽ rơi xuống đất thối nát chỉ dùng làm phân bón cây. Vì vậy không ai còn tâm trí đâu để đi kiếm món ăn ngon cho giáo sư Cao. Họ chỉ đem về rặt những trái mận tươi nhất, to nhất và ngon nhất.
Ăn mận đến ngày thứ hai thì giáo Cao ngấy đến tận cổ. Ông ta nhìn tập giáo án một cách chán chường. Các cử chỉ mô phạm bỗng biến mất. Giáo Cao ngồi ngật ngưỡng trên ghế, mắt không buồn đeo kính. Cặp mắt lim dim trong khi mũi hít lấy hít để mùi thơm sữa toát ra từ những thân thể tươi non của lũ trẻ. Hành động đó không lọt khỏi cặp mắt xanh của mèo Mun. Mụ đến ngay cạnh giáo Cao nhắc nhở:
- Ngồi cho đàng hoàng lại coi, lão Vàng đang ở gần đây đấy!
Giáo Cao bĩu môi:
- Chắc mày để dành được nhiều cá lắm phải không? Tao thì dạy toát cả mồ hôi, mày ở không mà lấy của tao những con cá ngon nhất. Tao chán mận trừ cá lắm rồi. Tao cũng chán nghề dạy học này lắm rồi.
Mèo Mun cười tủm tỉm:
- Đừng nói vậy. Mày không thấy tao cũng cố gắng lắm sao? Chúng ta đâu cần gì mấy con cá. Mẻ lưới lớn còn ở phía trước. Phải biết kiên nhẫn một chút.
- Kiên nhẫn khi bụng đói meo mà phải chôn chân ở cái lớp chết tiệt này trong khi trước mặt toàn món ngon. – Cáo cười mũi.
Mèo Mun đưa tay bịt miệng cáo Cao. Mụ vừa nhìn thấy bác Vàng đang nhìn vào.
- Thôi được rồi. Tao sẽ dạy học giúp mày ít phút. Liệu mà thoát khỏi vợ chồng ngỗng bảo vệ để ra bìa rừng kiếm vài con gà rừng nhẹ dạ. Nhớ quay về nhanh nhé và đừng quên phần tao cái cánh.
Bác Vàng vừa đi khuất, cáo đã rón rén lần ra cổng. Nó nghĩ nát óc cách qua mặt ngỗng. May quá, chỉ có bác ngỗng gái. Cáo yên bụng, sửa bộ, đuôi dựng đứng, đầu ngước cao rồi bệ vệ đến gần bác ngỗng. Cáo chào to:
- Chào bác Thiên nga.
Bác ngỗng nghe tiếng chào mát lòng mát dạ, cười tít mắt cúi đầu chào đáp lại:
- Chào giáo sư, giáo sư đi dạo ạ?
Cáo lắc đầu:
- Sao lại đi dạo giờ này. Tôi đang tìm một số cây thuốc mới để dạy cho học trò, nhất là các cô gái sao cho đài các hơn, đẹp hơn.
Ngỗng mẹ xuýt xoa:
- Giáo sư vất vả quá. Hay giáo sư để tôi giúp một tay.
Giáo Cao ngần ngừ:
- Cũng được. Bác đi men theo hàng rào, kiếm cho tôi loại cỏ ba chạc. Cứ phơi ở cổng cho khô và phải trở đều tay. Còn tôi sẽ vào trong dạy lũ trẻ.
Ngỗng vừa đi khuất sau một lùm cây thì thầy giáo cáo đã chạy vèo đi như một làn khói.
Lũ sẻ ngô là chúa thích ăn mận chín. Những trái mận chín rục thơm thơm mùi rượu khiến chúng mê mẩn. Vào mùa này, người ta thường nhìn thấy lũ sẻ ngô say khướt, bay từ cành mận này đến cành mận khác, vừa hót vang ríu rít vừa ngốn ngấu chất nước chua ngọt cay cay. Trên cành ít mận chín rục, nhưng dưới đất thì đầy rẫy. Lũ sẻ ngày thường nhút nhát là thế mà bây giờ dạn dĩ luẩn quẩn dưới đất tìm mận chín. Trái lại, gà gô đâu thèm những trái mận, chúng chực chờ ở đây chỉ vì loài sâu róm nở đầy trong những hốc cây. Những con sâu róm lông dài lởm chởm suốt thân bị lũ sẻ ngô ghê tởm thì đối với gà gô lại có mùi thơm ngon quyến rũ lạ thường.
Vì những lí do đó mà thầy giáo cáo đi suốt mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chưa chộp đượ chú gà gô nào. Lũ gà mập béo nhảy nhót, chuyền cành, bay từ cây mận này sang cây mận khác trong lúc cáo ta chỉ biết ngồi chồm hỗm, miệng ứa đầy nước miếng.
Vào giờ phút ấy, giáo Cao chợt nhìn thấy một gia đình sẻ ngô trên cành mận trước mặt. Vợ chồng sẻ ngô và bốn đứa con mũm mĩm đang kì mọc lông cánh khoe từng mảng da hồng hào nõn nà. Không thấy gà gô đâu cả nhưng mấy nhóc con sẻ ngô đủ làm cáo Cao thèm thuồng. Sẻ chồng đã say, miệng nói huyên thuyên, bay chập choạng. Chỉ có sẻ ngô mẹ tỉnh táo vì mải chăm đàn con, tập cho chúng bay. Cáo Cao nở nụ cười tươi nhất:
- Chào, cả nhà khoẻ chứ?
Vợ chồng sẻ ngô trố mắt nhìn trong khi cáo Cao tiếp tục giới thiệu:
- Tôi là giáo sư Cao đang dạy học cho lũ trẻ ở trang trại Bình Minh. Chà, các cháu bắt đầu lớn rồi, phải đi học đi là vừa, hãy cho các cháu đến chỗ tôi.
Chuyện này hình như sẻ ngô đã nghe các loài chim kháo nhau. Vì vậy sẻ bố có vẻ kính phục, ông gật đầu chào.
- Dưới này có nhiều mận chín, sao hai bác không cho các cháu xuống ăn. Mỗi năm mới có một lần. Chất nước quả này rất bổ béo, nhiều vitamin, giúp cho các bé chóng lớn, khoẻ mạnh, phát triển trí óc lắm.
Sẻ mẹ ấp úng:
- Cám ơn ngài. Các cháu đang tập bay ạ!
Cáo Cao vội vàng ngắt lời:
- Ôi dào, phải khoẻ mới tập bay được chứ? Các cháu phải được uống thứ nước mật này. Mình phải nuôi con theo cách giáo dục tiên tiến, hiện đại và khoa học.
Nghe vậy, sẻ bố chuệch choạng lên cây đưa tay đỡ thằng út. Sẻ mẹ kéo cánh chồng:
- Ông say rồi…
Sẻ bố trừng mắt với vợ:
- Say gì? Bà quê mùa ngu dốt đâu có biết gì đến việc nuôi dạy con cái theo khoa học hiện đại. Có nghe giáo sư nói không? Thằng út cưng của tôi phải được cái… hiện… hiện đại đó… biết không?
Sẻ bố bế con bay xuống đậu trên cành một cây giẻ gai thấp. Ông tiếp tục quát vợ:
- Sao không dẫn con xuống?
Sẻ mẹ ríu ríu nghe lời chồng. Đám trẻ lớn đã học thuộc bài bay chậm, chúng từ từ chuyền từ cành cao xuống cành thấp theo lời hướng dẫn của mẹ.
Sẻ bố sốt ruột thả con xuống cạnh cáo Cao. Mùi thơm sữa của thịt sẻ non khiến bụng cáo Cao sôi sùng sục. Cáo Cao cố nén nhưng nước miếng tiết ra đầy mõm, chảy ròng ròng hai bên mép. Sẻ ngô mẹ chợt nhìn thấy, linh tính người mẹ kèm với phản xạ tự nhiên của loài chim báo cho sẻ mẹ biết sắp có tai ương. Sẻ mẹ hét lên.
Nghe tiếng hét, sẻ bố loạng choạng dừng bước. Cáo Cao biết chuyện không thành, nhanh như chớp vồ lấy thằng sẻ út nuốt chửng gọn gàng. Sẻ bố còn đang sững sờ, bàng hoàng thì cáo Cao lại phóng tới định vồ luôn sẻ bố. Sẻ bố hãi hùng ríu chân ngã lăn đùng xuống đất. Ai ngờ cái ngã ấy đã cứu ông thoát chết. Cáo đang chắc mẩm chớp được con mồi, nào ngờ mục tiêu thình lình biến mất. Mất đà, cáo rơi lên bụi giẻ gai. Những cái gai nhọn đâm vào mặt cáo. Nó đau quá thét lên, mắt toé lửa, miệng há hốc đuổi theo mấy con sẻ non đang bay tán loạn.
Sẻ ngô mẹ vừa sợ vừa đau khổ, căm thù khi thấy con mình bị giết và những đứa con còn lại đang bị đe doạ. Trái tim nhỏ bé của người mẹ trở nên cứng rắn, sục sôi lửa hận. Sẻ mẹ phóng thẳng vào đầu vào mắt cáo mà mổ lia lịa. Vừa đánh ngăn cáo lại gần các con, sẻ mẹ vừa kêu to đánh động bạn bè. Công bằng mà nói thì các cú đánh của sẻ mẹ chẳng nhằm nhò gì nhưng khi cả một khoảng rừng bị đánh động thì thật đáng sợ. Cáo biết rõ điều đó vì nó từ rừng mà ra… Hơn nữa sự đối đầu can đảm của sẻ mẹ khiến nó bị đau nhức tận xương. Bao nhiêu đó khiến cáo mất hết nhuệ khí, nó không còn lòng dạ nào tiếp tục săn bắt lũ trẻ. Cụp đuôi, cáo chạy về như kẻ thất trận.
Chỉ trong phút chốc, tin giáo sư Cao ăn thịt một con sẻ non và cuộc chiến đấu oanh liệt của sẻ ngô mẹ được truyền đi khắp nơi. Vợ chồng vịt Bầu tìm nhà trống Tía kể. Kẻ này truyền tai kẻ kia, nhưng ai ai cũng bán tín bán nghi. Giáo sư Cao đang dạy học cho bọn trẻ, chắc có sự nhầm lẫn. Chị dê Trắng hoàn toàn không tin. Cả chị mái Nổ không ưa giáo sư Cao nhưng cũng cho là có người ác ý. Bác bò Nâu nhắc nhở bác ngựa Ô cảnh giác trước những lời đồn đại kẻo gây mất đoàn kết.
Trong khi mọi người ngoài đồng còn nghi ngờ thì tại trang trại, lớp học vẫn yên ổn. Lũ trẻ không nhìn thấy hai cặp mắt toé lửa đang hầm hừ nhìn nhau. Mèo Mun nghiến răng kèn kẹt căn vặn cáo:
- Mi ăn uống thoả thuê, miệng còn dính lông và ta ngửi thấy mùi thịt sữa. Vậy mà mi không nhớ đến người đã giúp mi no bụng.
Cáo đang bị đau cả thể xác lẫn tinh thần vì thua lũ sẻ nhép. Hơn nữa, bụng nó vẫn đói meo. Cái miếng thịt ngon ngọt cỏn con ấy khác chi miếng khai vị, nó không những không làm cho cáo ta no bụng mà còn khiến dạ dày hắn như rỗng to thêm. Đã vậy, hắn phải xếp ve về đây ngồi trước một lũ trẻ ngon lành, thơm ngậy mà không dám làm gì, lại còn bị mèo Mun rủa xả mắng mỏ.
Tức khí Cáo vặc lại:
- Vậy thì sao nào? Tại sao tao lại phải theo đuôi mày như một kẻ ngu xuẩn? Dòng họ nhà tao thông minh, tài giỏi, đủ sức làm cho vua sư tử phải kính nể. Tao tiếc…
Mèo Mun cười ngạo mạn ngắt lời:
- Cái gì? Thông minh á? Dòng họ cáo nhà ngươi chỉ được cái thoa mỡ vào lưỡi, dụ ngọt mấy đứa hám danh để nó hớ hênh nhả miếng mỡ hôi (cái thứ pho mát thối tha đó), chứ làm gì được ai?
Vậy là quá lắm rồi. Cáo gào lên nhảy xổ vào mèo Mun. Lũ trẻ ngơ ngác nhìn thầy mình há to mồm, mắt long lên. Sợ sệt, lũ gà con chạy tán loạn, thỏ lủi nhanh vào bụi rậm, cún kêu ăng ẳng, ngỗng quàng quạc, lợn ủn ỉn… náo động cả một khoảng sân tựa như có kẻ gian đột nhập. Bác Vàng lập tức kêu đội quân bảo vệ tiếp sức.
Tiếng sủa của bác khiến cáo Cao và mèo Mun nhanh chóng tan ngay cơn giận. Mụ biến khỏi lớp học trong nháy mắt còn cáo sửa bộ mặt mô phạm rồi ngồi im trên ghế.
Bác Vàng bước vào lớp trống. Cáo Cao vội lên tiếng:
- Chào bác Vàng, chào anh em bảo vệ. Các bác đến thăm lớp…
Bác Vàng nhìn quanh rồi hỏi:
- Các cháu sao chạy tán loạn thế?
Cáo cười giả lả:
- Đang giờ chơi mà. Các cháu chơi trò bịt mắt bắt dê.
- Còn chị Mun? Hình như chị…
Cáo gạt ngang:
- Ô, lớp học tôi rất nghiêm, các phụ huynh không ai được vào lớp trong giờ học, mà chị Mun đâu có cháu nào học.
Câu trả lời của giáo sư Cao làm bác Vàng đâm nghi ngờ. Cách đây hơn một giờ, bác đã nhìn thấy mèo Mun trong lớp học. Vả lại mùi mèo vẫn còn rất nồng. Nhưng bác làm thinh không nói gì thêm rồi kéo cả đội ra về sau khi xin lỗi giáo sư Cao vì đã vào lớp đột ngột.
Khi mặt trời tắt nắng, câu chuyện ngoài cánh đồng trở thành vấn đề thời sự. Mọi nhà xôn xao bàn tán. Mái Nổ vội kiểm lại đàn con. Không mất đứa nào. Chị thở phào với chồng:
- Tôi không muốn các con đi học nữa.
Trống Tía mắng vợ:
- Đúng là đàn bà, toàn tưởng tượng…
Phía giữa sân, đội bảo vệ họp bàn rút kinh nghiệm. Mèo Mun từ trên ngọn đụn rơm chong mắt lo lắng. Trong khi đó, giáo sư Cao bấm bụng ngồi ở chỗ của mình. Hắn vẫn đang nhớ đến miếng thịt ngon hồi sáng. Hắn tức sao ông trời không cho thân hình lũ sẻ to to một chút, ít ra cũng bằng con gà tơ. Đằng này chưa bằng một trái mận nhỏ nhất, chẳng bõ dính răng. Cáo Cao vò cái bụng trống không. Dạ dày cồn cào mà trước mặt chỉ toàn mận chín. Hắn đành miễn cưỡng cầm những trái mận chín rục cho vào miệng mà tưởng tượng ra những con sẻ mập mạp. Nước men mận dần ngấm, cáo lâng lâng say quên mất sự thận trọng cần thiết. Hắn cáu kỉnh lầm bầm chửi rủa. Sá gì lũ gia súc ngu đần. Nhà cáo đủ mưu mẹo qua mặt tất cả. Cứ chén đẫy miễn là không động đến lũ gia súc nhỏ cho tới khi cha mẹ chúng không thể cung cấp cho hắn những con lươn béo ngậy. Lúc đó, tụi nhỏ sẽ phải trả giá. Khệnh khạng gã bước ra cổng hướng về phía cánh đồng ven bìa rừng. Cứ thưởng thức tạm lũ chuột đồng mùa thu đã.
Kim Hài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét