Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

VỀ SỨC TƯỞNG TƯỢNG CỦA ĐỒNG THOẠI

Nhà văn Nguyễn Kiên

(LNK). Nhà văn Nguyễn Kiên, tác giả tập truyện đồng thoại Chú đất nung, cho rằng: “Thế giới của loài vật và đồ vật vốn rất quen thuộc với trẻ em và cả những ai ưa thích tưởng tượng. Mong sao mỗi câu chuyện của tôi kể trong tập sách này khêu gợi được một chút gì vẫn còn nằm yên trong lòng bạn đọc, rồi bạn đọc sẽ tưởng tượng ra những câu chuyện khác, cho riêng mình” .




Đồng thoại là một thể loại thích hợp với trẻ em, thường vẫn được trẻ em say mê tìm đọc. Những năm gần đây thể loại này phát triển mạnh, số tác giả và tác phẩm xuất bản tăng lên nhiều, trên các trang báo dành cho trẻ em, đồng thoại cũng luôn có mặt. Đó là điều đáng vui mừng và điều vui mừng đó thúc đẩy chúng ta phải đi sâu hơn nữa vào những đòi hỏi và đặc điểm thể loại, nhằm nâng cao chất lượng sáng tác của chúng ta.

Đặc điểm nổi bật của đồng thoại là ở sự tưởng tượng vô cùng phong phú và rộng rãi, tưởng chừng như người viết có thể bịa đặt tha hồ. Chính đây là chỗ khởi đầu, hay nói cách khác, là điểm tựa khiến ta có thể xoay quanh nó mà bàn luận. Theo tôi hiểu thì đồng thoại , như ta gọi một cách quy ước với nhau như vậy, là một thể tài hiện đại nảy sinh trên cơ sở kế thừa và phát triển trực tiếp từ một số thể loại văn học dân gian như chuyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, chuyện vui dân gian v,v... Các loại chuyện dân gian này vốn là một phương thức nhận thức thế giới của người xưa đồng thời là món ăn tinh thần, từng giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn bao nhiêu thế hệ trẻ. Ngày nay, chúng ta viết đồng thoại, tất nhiên phải nhằm mục đích giáo dục trẻ em điều gì đó nhưng thiết tưởng cũng không nên quên rằng chính nó vẫn là một phương thức nhận thức thế giới, mặc dầu tư duy khoa học của con người hiện đại đã phát triển ở trình độ cao. Nói cho cùng, mỗi đồng thoại , dù ngắn nhất, đều là một bức tranh nhân sinh giàu ý nghĩa. Cái khó là ở chỗ bức tranh nhân sinh ấy trước hết phải là của trẻ em, được dành trọn cho trẻ em, trẻ em có thể cảm nhận ý nghĩa của chúng, theo cách các em vẫn cảm nhận. Do đó, theo ý tôi, đồng thoại đòi hỏi sự am hiểu của người viết trên ba mặt. Thứ nhất là sự am hiểu thế giới tự nhiên, bao gồm loài vật, cỏ cây, các đồ vật, v.v... 

Những thứ này vốn là nhân vật quen thuộc trong đồng thoại. Sự am hiểu chúng khiến cho người viết, khi đưa chúng vào truyện, nhân hoá chúng nhưng vẫn giữ được những nét tự nhiên sinh động vốn có của chúng. Thứ hai là sự am hiểu thế giới trẻ em. Theo ý tôi thì sự am hiểu này quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất. Không thể đứng ở bên ngoài hay bên trên để quan sát và hiểu trẻ em mà phải sống cuộc sống của trẻ em để hiểu, để có thể viết ra những điều đích thực của trẻ em, trẻ em đang cần thiết. Cuối cùng là sự am hiểu cuộc sống xã hội nói chung, thông qua sự tham gia tích cực của bản thân mình vào cuộc đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp : sự am hiểu này hứa hẹn người viết có thể tạo ra “hai câu chuyện trong một truyện”, như lời Pau-tôp-xki nói về truyện An-đéc-xen. 

Những điều tôi vừa nói trên đây thực ra không có gì mới, mọi người đều đã biết từ lâu. Ở đây tôi chỉ nhắc lại. Nhìn vào tình hình sáng tác của ta, chúng ta thấy ngày càng có nhiều tác gia đóng góp nhiều thành công vào thể loại này. Nét chủ yếu của các tác phẩm thành công, theo ý riêng tôi, là ở chỗ các tác phẩm đó đều bay lượn trong tưởng tượng với những cách rất khác nhau nhưng đều có gốc rễ, có vẻ như vô hình, bám chặt vào đời sống. Tuy nhiên, có lẽ cũng có không ít những sáng tác mà ở đó hình như tác giả đã lạm dụng cái quyền được tưởng tượng , dẫn đến chỗ tưởng tượng có phần gán ghép, thậm chí tuỳ tiện và đưa ra những triết lí hoặc những lời răn dạy có phần gượng ép, khô khan. Rút cục lại có lẽ đây cũng là một thứ bệnh minh hoạ - minh hoạ bằng tưởng tượng, thông qua tưởng tượng chủ quan. Nhà văn vô sản vĩ đại M.Gooc-ki nhân bàn về chuyện cổ tích ông đã nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục của kho tàng chuyện cổ và nói ngay rằng : “...điều có ý nghĩa giáo dục trước tiên chính là sức tưởng tượng phong phú chứa đựng trong những chuyện đó”. Ở đây, theo như tôi hiểu , Gooc-ki muốn chỉ ra rằng tưởng tượng không phải là một phương tiện đơn giản chỉ để cho ta dùng nó mà tưởng tượng là phẩm chất của tư duy và của tâm hồn, nó thuộc nội dung, thấm đượm vào nội dung của truyện. Một quan niệm như thế buộc người viết đồng thoại phải công phu, thận trọng và cũng hào hứng xiết bao, mỗi khi đặt ngòi bút lên trang giấy. 

Với cái khả năng bay lượn không cùng trong xứ sở của tưởng tượng, đồng thoại có thể góp tiếng nói riêng của mình vào mọi vấn đề của đời sống, trước hết là đời sống của trẻ em. Cũng do cái khả năng đặc biệt này, đồng thoại có thể trở thành người bạn tự nhiên và gần gũi, ngay trong bước khởi đầu của quá trình hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa trong các em. Bước khởi đầu này rất quan trọng. Bởi thế, tôi nghĩ rằng, cái thế giới của đồng thoại vừa rất là “trẻ con” lại vừa phải có cái gì vượt lên phía trước. Thế giới ấy phải thấm nhuần chất lý tưởng mà mai sau, mỗi em bé trở thành người lớn phải thực sự đấu tranh bằng mồ hôi và khi cần, bằng máu của mình cho lý tưởng đó. Thế giới ấy phải đằm thắm tình thương yêu giữa người và người, yêu chân lý, cái đẹp và tất cả những gì vì hạnh phúc con người ; do yêu mà biết ghét những điều ngược lại. Nói chung là như thế; trong thời điểm hiện tại, những tiêu cực xã hội không phải là không xâm nhập vào đời sống trẻ em và những biểu hiện của nó khiến ta không thể coi thường. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ: đôi khi ta bắt gặp những em bé, không phải những em bé hư mà là những em bé bình thường, các em này chơi những trò chơi ác một cách rất...bình thường. Chẳng hạn, thấy cái cây non ven đường, mỗi em quật một cái cho cây gãy ngọn, quật cho thích tay thế thôi chứ không có ý phá hoại gì. Tuy nhiên nếu người lớn coi thường cứ để các em tiếp tục chơi những trò tương tự thì sự tổn thương không phải là nhỏ, ở chính nơi tâm hồn thơ trẻ của các em. Cũng như chất màu trong đất nuôi mùa màng, tình thương yêu chứa đựng nơi tâm hồn làm nảy nở những hành vi cao đẹp và những rung cảm cao đẹp. Trở lại thế giới của đồng thoại, tôi nghĩ rằng những người viết chúng ta cần mang vào đây đậm đà hơn nữa cái chất cười vui , hóm hỉnh và ngộ nghĩnh. Hình như văn học thiếu nhi của ta còn hiếm chất hồn nhiên tươi trẻ này và riêng thể loại đồng thoại cũng vậy. Mà ở đồng thoại, chất tươi vui được sức tưởng tượng phóng khoáng phóng đại lên nhiều lần, chắc chắn sẽ có hiệu quả mạnh. 

Đồng thoại có thể viết dài thậm chí rất dài nhưng thông thường là ngắn, đôi khi rất ngắn. Bởi vậy điều cuối cùng tôi muốn nói là, các cơ quan chỉ đạo và các nhà xuất bản nên có những biện pháp thật cụ thể , thiết thực nhằm khuyến khích người viết, tạo thuận lợi cho sự phát triển của một thể loại vốn được trẻ em yêu thích và luôn luôn mong chờ. 

Nguyễn Kiên 
Nguồn: Báo Văn nghệ, 1986

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét