Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

CỎ ĐỘC LẬP


Nhân vật: 

- Núi
- Đồng cỏ
- Sông
- Cô bé
- Thần Cách Mệnh
- Quyển sử Việt Nam


MÀN I

Trong một bầu không khí nặng nề, không một gợn gió. Trời đất âm u. Nền trời rọi xuống nền đất một thứ ánh sánh tím ngắt. Mọi vật nín lặng chờ một điều quan trọng nào sắp phải xảy đến cho không gian và thời gian.

NÚI (đứng than một mình): 

- Ôi mây ơi, ôi gió ơi! Mây bay về đâu rồi? Gió chìm tắt vào đâu rồi? Lòng ta nhớ mây, sầu dâng lên cao mấy tầng. Lòng ta nhớ gió, buồn sả cánh tụt xuống mấy đáy vực. Ta nhớ mây, ta nhớ gió, ta nhớ cây. Hỡi những cây rừng của núi rừng muôn thuở, cớ sao mà chẳng còn ngàn năm xanh rì như lúc thời mới dựng cơ đồ nơi đây? Lòng ta đối với con người giữa khoảng không gian vẫn còn chứa chan gởi gắm và giữ gìn, ta nỡ lòng nào mà già yếu. Ta biết rằng ta còn phải khỏe mạnh um tùm cao cả mãi mãi để khỏi phụ lòng đến những lời kí thác của bao thế hệ con người đã đi qua dưới bóng ta đây và thứ nhất là khỏi ngã lòng cái thế hệ những con người đã sinh thành trong năm tháng của bây giờ. Hãy mau trở về với cuộc đời ta, hỡi mây ơi, hỡi cây ơi! Ta đã cằn đâu mà nhựa sống của ngàn đã già cỗi, mà xanh tươi ở đây đã trở thành màu gỗ ải. Ta đã già đâu mà mây trên đầu ta đã rụng. (Núi giơ tay lên đỉnh đầu rồi chỉ tay xuống một dòng sông cạn uốn khúc dưới chân mình). Sông ơi, hỡi sông tri kỉ, hơi của mặt dòng nước đâu, người còn đợi gì mà không bốc lên khói? Hỡi Tạo Hóa, hãy nhìn vào nỗi cô đơn này ở một bức vách xanh khô của một khoảnh đất! 

Sông tiến dần vào. Vào đến đâu thì nước rụt rè dâng đến đấy. Rồi vỗ vào chân đá, róc rách khóc: 

- Núi ơi, hãy chuyển lời tâm sự của đá xanh xây thành vào lòng nước cạn dòng này. Mây đi vắng rồi, gió khuất xa rồi, những sông này vẫn chưa là hết. Thiết tha với chốn địa dư này, chẳng riêng gì núi. Núi có biết vì đâu mà sông này cạn? Hơn một trăm năm rồi, từ lúc những con người ở đây có một gã hoàng đế rước voi vào quấy những rừng của núi thì chẳng ngày đêm nào mà sông tôi không khóc. Nước của dòng đã hết reo. Sông này trở nên khan, nước mắt đã vợi hết nước nguồn. Buồn cho cơ màu của những sinh vật ở đây, sông này bèn bỏ ra khơi, ưu du nơi bốn đại dương, dứt hẳn lòng trần. Lắm lúc sông này cũng muốn lộn về rủ núi cùng đi. Nhưng biết rằng núi còn đeo đẳng với đất địa dư này, còn bịn rịn với nhân loại nơi đây, sông lại không đành lòng. Sông này bỏ mà đi thì núi cũng đến tương tư mà chết mòn, đứng im sững đấy mà chết dần thôi. Cái chứng cớ rõ rệt là ngàn xanh trên thân núi đã ráo nhựa, cây tươi đã tàn. Cái nhuần nhụy màu mè cũng loại đã hết luôn cả mây cả gió. Mà rồi bao nhiêu sinh linh ở đây còn bị khổ lụy theo về nỗi li cách của hai ta. Hai ta không thể sống ngoài sự đoàn tụ được. Núi ơi, từ lúc này, hãy nhận lấy sự trở về của sông đây. Và nguyện cùng nhau ở mãi với lịch sử chốn địa dư này cho đến lúc "sông cạn đá mòn"(!) 

…À. 

MÀN II 

Sông, Núi, thêm Thần Cách mệnh. 

THẦN CÁCH MỆNH, hiện vào mặt đỏ ửng như khối vàng bị thổi cháy, tiếng vang như sét, mắt sáng tựa chớp, xưng danh: 

- Ta là kết tinh của Phá Hoại. Ta sinh ra từ nơi Bất Công. Bất Bình là nguyên nhân của ta. Ta là người Hỗn Loạn. Ta là sản phẩm của Chênh Lệch. Ta là … chế tạo ra Binh Lửa. Ta là cái chổi chuyên giữ vệ sinh chung cho trái đất bừa bộn những ép gượng giả vờ và không hợp lí. Ta quét mạnh vào những thứ nhân nghĩa không khoa học. Ta khai chiến với trật tự hiện đại, sống mãi mãi, để xô nhào cái nền trật tự hiện đại… Đối với cái khối của cải bất nghĩa, ta là cốt mìn ta là bom nguyên tử. Ta đốt ta quật, ta phá, ta tạo ra tan rã. Ta ngự trị lên cuộc đời mâu thuẫn. Ta là Lịch sử. Kẻ nào nghịch với ta, ta giết. (Dịu giọng). Kẻ nào không ngược với ta, ta đưa vào đời sống. Ta có mặt ở quả đất này để cắm mốc cho Công Bằng. Ta là kết tinh của Phá Hoại nhưng cũng là kết tinh luôn thể của Kiến Thiết. Ta đạp một cái trật tự để xây dựng một cái trật tự. Ta quăng lửa vào một nền kiến trúc để dựng lại trên tàn lụn ấy những lâu đài khác, nó sẽ là nơi châu tuần của đàn ca chứ không là khóc than nữa. Ta tàn bạo mà chân thành, dữ dội mà đẹp mà phải. (Bỗng lắng thấy tiếng khóc than của Sông và Núi, bèn quát): Sao lũ bay lại khóc? Bay nhân danh điều bất công nào mà than vãn giữa cuộc sống đang đi tới này? Hay bay là chức phận gì ở cuộc sống địa phương Việt Nam ta đang tuần du qua đây? 

NÚI (bẽn lẽn): 
- Tôi là khí thiêng muôn đời của chốn địa dư này. 
SÔNG (sụt sịt): 
- Thiếp là cái mạch lịch sử chốn địa dư này. 
THẦN CÁCH MỆNH: 
- Khí thiêng? Mạch lịch sử? Mà lại khóc than? Có nín đi ngay không? Lũ các người còn than thở gì nữa thì ta liệt vào đám phản động. Lũ các người tưởng khóc mà làm được lịch sử à? Lịch sử bây giờ là của Lí trí chứ không khi nào là của Tình cảm nữa nghe không! Hai đứa ngươi thông minh, cao to có, dài rộng có, vững vàng trường cửu như thế mà thực không bằng lũ người nhỏ bé ở lĩnh vực này. Hai người có biết họ đang làm gì ở quanh các người không? À, họ đang theo Ta. Từ Tháng Tám mùa Thu năm ngoái. Hai người hãy tái sinh vào đời sống, nghĩa là làm theo họ. Để rồi cùng đi tới chỗ muôn năm mùa Xuân của Hạnh Phúc. Nhớ lấy. Thôi, Ta còn phải xuống thanh tra các vùng bể miền Nam Cực (Thần Cách Mệnh ra. Không khí nhạt dần màu đỏ máu) 

MÀN III 

Sông, Núi, Cánh đồng, Cô bé, Cuốn Sử Việt Nam và Thần Cách mệnh. 

(Sông và Núi ở màn này vui lắm. Sông mặc áo màu lam. Núi mặc áo xanh. Từ sau hôm tái hợp, Sông đã nhíu mặt sóng nước để làm duyên; Núi đã trang trọng có mũ ở đầu: Mây đã lộn về đánh đai lấy đỉnh. Cỏ cây lại xum xuê. Và đặc biệt nhất là sườn Núi và nách Sông đều mọc ra một thứ cỏ mới lạ. Cỏ mới ấy, Núi nhờ Sông thả xuôi về đồng bằng. Cỏ này nhuốm vào vị ngọt. Tính dược thì dùng chữa bệnh yếm thế. Đêm giã ra, gạn lấy nước mà biên chép lên giấy thì không thứ gió mưa nào của cuộc đời làm phai bợt được. Thời nhân gọi là Độc Lập Thảo. Nhất danh nữa là Hy Vọng Thảo. 

Ở màn này, nên để ý đến những màu xanh, sau cái màu tím buồn của màn đầu và màu đỏ ác dữ ở màn hai. Chất xanh của màn này gồm có: áo lam của Sông, áo xanh của Núi, tấm chăn đơn màu hoa lý mùa xuân mặc cho Cánh đồng, mớ tóc mây thề của Cô Bé. Và Cuốn sử mở cũng màu xanh. Giữa cái xã hội xanh rờn ấy, chỉ bật lên có một màu khác, là cái áo màu hồng hoa đạm đào của Cô Bé chép đúng cái màu của bình minh tươi sáng, quang đãng) 

CÔ BÉ (đọc to những chữ khai bút vừa viết): 
- Nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam 

Mùa Xuân 
Năm Độc lập thứ hai. 
NÚI (bập bẹ đánh vần theo cái niên hiệu to đẹp ấy): 
- Mùa Xuân năm Độc lập thứ hai (Gió Núi bèn reo mạnh lên mà xô những độc âm này lên ngàn xa xanh) 

SÔNG - trôi chảy hơn:
- Việt Nam, Mùa Xuân năm Độc lập thứ hai. 
(Sóng Sông xuân cũng xô theo những vang hưởng này vào hai bờ cỏ Độc Lập mịn màng). 

QUYỂN VIỆT NAM SỬ âu yếm hỏi bé:

- Em chép vào lưng tôi cái đau tủi của Dĩ Vãng và cái hân hoan của Hiện Tại. Rồi thì chép đến cái gắng gỏi gởi vào Vị Lai. Đến bao giờ thì tôi sẽ được nghỉ hở em? 

CÔ BÉ, đoan trang: 

- Lúc nào mà dân tộc này được hoàn toàn sung sướng thì sử sách sẽ được nghỉ. (Rồi bé cười và hạ giọng nói thầm vào tai lịch sử một câu của sách cũ): Bởi vì chỉ có những dân tộc nào sung sướng thì mới không có chuyện chép! 

ĐỒNG CỎ - Không nói gì. Chỉ cho nổi những cơn gió đồng nhẹ nhàng làm rung lên cái mênh mông xuân xanh của nội cỏ. Cô Bé quên những trang sử bỏ dở, chạy ra vui rỡn với Đồng Cỏ, miệng ngậm một cuộng cỏ trắng ngần- Thần Cách Mệnh dón dén ra, nhìn Cô Bé gật gù 

Màn từ từ hạ mà không khép kín. 

Nguyễn Tuân 
(Tuần báo Thiếu sinh, số 16 và 17, ra ngày 28-01-1946). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét