Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nói rằng, tập Phấn thông vàng (1939) là "loại sách của người ưa suy nghĩ, muốn sống một đời tinh thần đầy đủ". Ở đây, tôi muốn nói thêm, riêng về Truyện cái Giường, đó là nó được viết theo hình thức đồng thoại, dù không nhằm dành cho thiếu nhi...
Tôi
là một cái giường hư bỏ trong nhà chứa đồ cũ. Tôi buồn lắm. Cái nhà nhỏ như một
cái hộp lớn, tồi tàn, dơ bẩn, bụi đâu trên mái cứ rơi chầm chậm xuống mình tôi.
Và màng nhện! Chúng giăng qua sườn tôi tự do quá.
Nhất
là không có ai bén mảng. Lâu lắm, họa chăng là một người đầy tớ mở cửa để ẩy
vào một cái ghế rách hay một cây đèn tồi. Rồi vội vàng đóng ngay, dáng khinh
khỉnh vì sợ bụi. Trời ơi, sao chịu nổi cảnh hiu quạnh dường này! Dầu gãy, dầu
hư tôi vẫn mong được loài người đụng chạm. Tôi, xưa kia đã từng nâng da, đỡ
thịt, tôi đã nhận sự sống của loài người lây qua mình tôi. Mà bây giờ không có
sự gần gụi của người. Thực là cô đơn vắng vẻ.
Tôi
có chuyện của tôi chứ. Tôi đâu phải là cái vồ lớn dựng nơi kia, nó chỉ có một
lịch sử: suốt đời giơ đầu gỗ của mình đập lên trên búa, trên rìu. Tôi biết
nhiều lắm.
Nhưng mà tôi chưa nói đó thôi.
Nào cái bàn hư, cái ghế hỏng, cái
cũi mọt, và các ngươi nữa, chiếc xe con goá bánh, hai cây đèn chảy dầu, năm cái
thúng trật vành, và mọi vật linh tinh lủng củng, hãy nghe tôi tự thuật. Làm
thinh hoài chỉ tổ cho mọt nó ăn!
Tôi vào trong nhà này đã lâu lắm. Mười bốn năm. Tính thử xem, việc đời biết bao thay đổi!
Tôi vào trong nhà này đã lâu lắm. Mười bốn năm. Tính thử xem, việc đời biết bao thay đổi!
Xưa
kia, tôi đẹp, tôi mới. Tôi lại đẹp nhất, mới nhất, không có một kẻ nào cùng
loài có thể sánh được kiểu tối tân của tôi. Suốt tỉnh nhỏ, người ta đều biết
tiếng cái giường ở tiệm đồ gỗ X... Bao nhiêu người thèm thuồng ngó đến mặc cả,
nhưng túi tiền không đương nổi; và bao nhiêu người đã trầm trồ nhưng không hề
dám mộng, chỉ đành tới nhìn tôi để lại về ngủ trên chiếc chõng tre.
Bỗng một hôm, một người thanh niên đến ngắm nghía tôi, hai mắt sáng. Vài câu hỏi, một nụ cười, một cái gật đầu. Và ông chủ tôi mừng quýnh lên, vì đã tưởng chẳng ai dám lãnh quý vật về nhà, bởi vì cao giá quá.
Ôi
vênh vang kiêu hãnh trên chiếc xe bò nó kêu như xe thắng trận; ôi sung sướng đi
qua giữa phố, khiến nghìn con mắt phải ngước lên cho tới, để ngợi khen tôi và
ganh tị chủ mới của tôi! Mặt trời hôm ấy đỏ vàng, ánh buổi sáng chạy lượn trên
mình ngời chói. Hồi hộp khi nghe tiếng thở của phu kéo, mơ mộng khi nghĩ đến
cuộc đời mới đương chờ tôi, và rung rinh mỗi khi xe gặp một khoảng đường gồ;
sao sự sống linh đình mà vui tươi thế ấy!
Thế
là tôi đã thành một cái giường thực sự, một cái giường toàn vẹn, để cho người
ta sống, chứ không phải để mua bán. Phải đợi hai tuần, cái mùng mới mới may
xong, và phải đợi thêm một tuần, mới xong một cặp gối mới: ngót một tháng mới
hoàn thành.
Cái
thiên chân mờ mờ của tôi cũng cho tôi đoán hiểu. Hai người chủ mới, một đôi vợ
chồng trẻ, đã muốn trả thù cho sự tàm tạm khi lấy nhau. Khi được một số tiền
lớn đầu tiên, họ liền thay chỗ nằm, bỏ cái lều xoàng xĩnh không xứng với giấc
mộng ái ân, mà vào một cung điện khá đẹp, khá sang, không hổ với tình yêu thứ
nhất.
[lược một đoạn]
Chỉ cái giường là biết được bao nhiêu thầm kín của con người, chứng cho muôn
nỗi lòng vu vơ, ban ngày bị đè nén, lấn át vì công ăn việc làm, ban đêm mới
được người ta mở ra nâng niu ngắm nghía. Cái giường mục kích sự yếu đuối của
kiếp người, bao nhiêu tình thẹn, ngần nào tình e, ngần nào là tức thầm, bao
nhiêu là tủi vụng, tất cả niềm thổn thức mà trái tim che dấu đều chờ đêm thanh
cảnh vắng, tuôn trào bằng nước mắt trên giường. Chăn chiếu nhu ru, gối màn như
dỗ người ta, và chỉ có trên giường, người ta mới dám khóc...
Tội
nghiệp cho những thân thể mệt nhọc kia, nhờ giấc ngủ mà được sống đời cây cỏ,
ẩn vào giấc ngủ để nguôi cuộc đời chật vật, để tìm quên lãng, nghỉ ngơi.
Cái giường phải chăng là một bà mẹ hiền từ, ẵm bồng lấy con người, vuốt ve xoa dịu? Cái giường ở với con người gần hết nửa đời, rộng lượng nhất và nâng niu nhất. Từ khi rời cái nôi và bớt tiếng khóc, người ta đã nghỉ lưng trong lòng một cái giường. Rồi từ ấy, đêm đêm, cái giường nhận lấy ta, ban cho bao nhiêu ân ái sướng vui.
Nào
những đêm thao thức của tuổi dậy thì, nào những mộng cuồng bạo của thời thanh
niên, nào những bóng trăng vào bên mình, nào những hơi gió thổi qua má... Nào
những đêm vui, nào những đêm cưới, nào những hạnh phúc của thân thể, sum vầy
của lứa đôi. Nào những phen nhớ ai, người ta nằm ngó trăng, những lần dỗi nhau,
người ta xây hai cái lưng mà chẳng nói. Nào những lúc chỉ ốm xoàng mà người ta
cũng sợ chết, nằm trên giường và rứt từng cuống chiếu cho có việc làm, nào
những cơn đau bất tỉnh, bà mẹ rất tận tâm cũng ngủ thiếp, người ta nằm một mình
giữa khuya và giữa giường, mộng mị mê man... Rồi đêm tiếp đêm như ngày tiếp
ngày, cái giường càng lâu càng thấy rắn hơn, vì thịt càng lâu càng nhăn, xương
càng lâu càng rõ... Nào những đêm ho khù khụ, nào những đêm chảy mồ hôi... Rồi
đến một lần, lần cuối cùng, người ta ráng sức mở hết đôi mắt lờ để nhìn ánh
sáng, nhưng dần dần đời cứ tắt, tiếng cứ câm: người ta chết... ở trên cái
giường.
Lúc nào thân mật, lúc nào thảm thê, cái giường cũng sẵn sàng nâng đỡ. Cái giường biết im lặng và biết làm ồn, biết kêu khoái lạc và cũng biết than van. Cái giường! Vật bằng gỗ nhưng xứ (?) bằng mơ, chia nửa đời với con người, nhận biết bao sự sống!
Thế mà tôi là một cái giường. Sở dĩ tôi tìm cớ vênh vang, là để bớt não nùng cho số phận bị ruồng bỏ. Mười bốn năm trời, đời của tôi chẳng mấy chốc mà già với đời của người. Mọi vật đều thay bậc đổi ngôi, sự dâu bể của cuộc đời, cho đến gỗ cũng phải chịu.
Xưa
kia, tôi đẹp, tôi mới. Bây giờ tôi cũ, tôi xấu, tôi hư. Những hình dáng thuở
trước tân thời, bây giờ lại cổ hủ. Tôi đã thấy những chiếc chiếu dần dà rách,
những cái gối dần dà mềm nhũn, những cái chăn dần dà mòn thủng, những cái màn
hư hỏng từng miếng một, để lọt muỗi vào. Chiếu, chăn, màn, gối lần lượt tiếp
nhau vào cõi tan nát; cái giường ở lại làm sân khấu cho sự đổi thay.
Hai người chủ càng năm càng phát đạt, sự giàu sang cứ đến rất đều nhịp, lòng người bởi thế cũng đều nhịp mà tùy thời. Người ta mấy mươi lần bắt tôi đổi chỗ, mang từ phòng này sang phòng khác, đặt hết lối dọc đến lối ngang. Ban đầu tôi là chỗ nằm của ông chủ bà chủ, Rồi năm năm sau, một cái giường nguy nga tráng lệ đến làm bật hẳn sự hèn kém của tôi. Tôi thành chỗ nằm của những người khách đến ở vài ngày. Rồi tôi lại được thành chỗ nằm của một bọn trẻ con, chúng mình nhẹ song những cách tàn phá của chúng thì rất nặng. Chúng trèo lên mình tôi, và đi guốc, đi giầy lên, và nhảy nhót đùng đùng, và đánh lộn nhau ầm ỹ.
Tôi càng cũ đi, sự hư hỏng càng đến gấp, cũng như một người càng già, những sự yếu đuối càng rủ nhau ùa đến thật nhanh. Ðoạn sau này, mỗi tháng đem đến một sự xiêu vẹo, mỗi ngày một sự mòn mỏi, rồi bỗng chốc hiện ra nào mộng hư, nào chốt gãy, nào ván thủng, chân què. Rồi tôi run lên như một kẻ già, gỗ kêu răng rắc như một ông cụ rũ xương; tôi lòng khòng yếu đuối, mọt đến ăn tôi, cọt kẹt suốt đêm ngày...
Từ
nhà trên tôi đã xuống nhà giữa, rồi tôi lại xuống nhà dưới, rồi cuối cùng tôi
lại xuống nhà bếp, hứng lấy khói bụi mồ hóng, làm chỗ ngủ cho đầy tớ. Rồi thì
đầy tớ cũng không thèm tôi nữa: tôi thì quá già mà họ lại giàu thêm. Cuối cùng,
họ đẩy tôi vào đây, tôi sẩy vào đây. Khi họ mang tôi lên vai vứt ra khỏi cuộc
đời, bao nhiêu xương xóc của tôi đã kêu to lên một lần cuối cùng, và tôi biết
rằng tôi đã hết.
Thôi,
thế là hết. Người ta dựng tôi trong nhà chứa đồ bỏ này, bắt tôi chờ đợi cái gì
đây?
Bụi
trên mái nhà rơi xuống hay chỉ là bụi của tháng ngày dần dà lấp chôn mọi vật?
Cái giường không còn mong gì nữa; xưa nay cái giường đã để cho thiên hạ nằm,
bây giờ đến lượt nó, cái giường muốn nằm. Nằm nghỉ trên cái gì đây? Lửa đâu,
sao không tới thiêu đốt mình ta? Cho ta được thành khói, ra hơi, để bay lên
trời thẳm, để chuyển lưu trong kiếp luân hồi?
Lửa
hồng ở đâu? Ta nhớ rừng xanh! Ta nhớ đời cây! Ta muốn về quê hương, quê hương
chung của muôn vật, muôn loài, ở đó tất cả đều như nhau, không phân biệt gì
nữa.
Lửa
hồng ở đâu? Lửa hồng ở đâu?
Xuân
Diệu
(Phấn thông vàng, 1939)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét