Người lớn đọc truyện cổ tích
để ôn lại tuổi ấu thơ, nhớ về ngày thuở nhỏ, nhớ rằng có những tài sản vô giá
của một đứa trẻ ta cần giữ lấy (hoặc tìm lại): sự nhân hậu, lòng bao dung và
niềm tin.
Muốn viết về 1 cuốn sách đã thay đổi
cuộc đời mình, tôi dành cả buổi tối để soạn lại kệ sách. Nhiều cuốn sách được
tôi lấy ra, mân mê lớp bìa, giở đọc từng trang, tôi xem lại những đoạn mình yêu
thích nhất và cảm thấy thật quá phân vân giữa những tựa sách hay, nổi tiếng và
hiển nhiên đã thành công trong việc thay đổi rất nhiều người, trong đó có cả
tôi.
Không phải một cuốn sách tạo nên
“tôi” mà là rất nhiều cuốn sách cùng làm việc đó, mỗi cuốn sách góp một chút,
gom lại làm giàu tâm hồn và suy nghĩ tôi mỗi ngày. Vậy chọn cuốn nào đây? Thật
khó nghĩ!
Thế rồi cuốn sách nằm khiêm nhường
và lặng lẽ ở góc kệ khiến tôi chú ý. Một cuốn sách đã lâu lắm tôi không đọc lại.
Cuốn sách định hình tâm hồn tôi từ những ngày bé xíu, trước khi những cuốn sách
khác kịp đến và tạo thêm những đổi thay. Nằm trong góc là cuốn sách với bìa đã
cũ: “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”.
Cuốn sách đầu tiên
Tôi gọi “Kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam” là cuốn sách đầu tiên của mình vì cuốn sách ấy đã kể cho tôi nghe những
câu chuyện, đã dạy tôi những bài học đầu tiên trong đời từ trước cả khi tôi
biết đánh vần.
Ngày tôi bé xíu, cha tôi vẫn giở
sách ra mỗi ngày và đọc cho tôi nghe những lúc ngủ trưa. Tôi đã nằm trong lòng
cha, nghe đi nghe lại những câu chuyện đến mức tôi thuộc làu từng câu chữ. Năm
3 tuổi, tôi cầm cuốn sách kể vanh vách chuyện nàng Tô Thị trong Hòn Vọng Phu.
Cha mẹ tôi ngạc nhiên vì làm sao tôi
biết chữ. Thật ra tôi không nhìn chữ để đọc, tôi đọc bằng trí nhớ tất cả những
câu chuyện đã đi vào lòng một đứa trẻ: Thạch Sanh - Lý Thông, sự tích Thạch
Sùng, Cây tre trăm đốt…
Tôi đón nhận những câu chuyện cổ
tích bằng tâm hồn trong veo nhất của một đứa trẻ. Khi mà tôi chưa lý trí đến
mức phân định rạch ròi ranh giới giữa những trang sách và cuộc sống thực tế.
Tôi tin rằng trên đời này đúng là có một cô Tấm chui ra từ quả thị, sống đâu đó
ở gần nhà tôi.
Tôi tin tất cả những câu chuyện
trong sách là có thật và sẵn sàng khóc nấc khi nghe kết thúc bi thương của Mỵ
Châu - Trọng Thủy. Tôi đã sống với những câu chuyện, như thể Tấm, Cám, Thạch
Sanh, Sọ Dừa là hàng xóm, là bạn của tôi và tôi là một phần trong thế giới của
họ.
“Kho tàng truyền cổ tích Việt Nam”
là cuốn sách đầu tiên cha mẹ mua cho tôi với một hy vọng rằng tôi sẽ lớn lên và
yêu sách, sẽ thành một người tốt và viết lên một kết thúc có hậu cho mình.
Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu học
chữ. Tôi lại học đánh vần với cuốn sách này. Những dòng chữ trong “Kho tàng
truyện cổ tích Việt Nam” trở thành những từ đầu tiên tôi chật vật ghép lại.
Những câu chuyện với ngôn ngữ đơn giản, nội dung không hề phức tạp lại đi vào
hồn tôi lần nữa.
“Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”
trở thành một phần tuổi thơ của tôi.
Người lớn và cổ tích
Trẻ con đọc truyện cổ tích là điều
vốn quen thuộc. Còn người lớn thì sao? Bao nhiêu người lớn còn đọc truyện cổ
tích? Bao lâu rồi tôi chưa đọc truyện cổ tích?
Tôi không còn là một đứa trẻ 3 tuổi,
điều duy nhất tôi tiếc nuối là mình chẳng còn ngây thơ. Không còn đủ ngây thơ
để xem Tấm, Cám là hàng xóm. Không còn đủ ngây thơ để tin vào bà tiên, ông bụt.
Đã bắt đầu hoài nghi và hiểu rằng trong đời không phải câu chuyện nào cũng kết
thúc có hậu và các nhân vật không phải lúc nào cũng sống bên nhau hạnh phúc mãi
mãi về sau.
Đó là lý do cuốn sách “Kho tàng
truyện cổ tích Việt Nam” đã bị xếp vào góc kệ lâu đến như vậy. Tôi giở cuốn
sách ra và đọc để ôn lại kỷ niệm nhiều hơn để học những điều mới. Vậy mà tôi
lại bị bất ngờ. Những câu chuyện cổ tích năm 3 tuổi giờ trở nên lạ lẫm hẳn với một
“tôi” ở năm 21.
Lạ như thể đó là những câu chuyện
mới hoàn toàn, những câu chuyện tôi chưa từng đọc qua. Cùng một câu chuyện, tôi
của năm 3 tuổi và tôi 21 tuổi lại nhìn nhận và hiểu theo những cách khác nhau.
Những câu chuyện cổ tích chưa bao
giờ xưa cũ, ngày hôm nay nó lại dạy tôi những bài học của người lớn. Chuyện
nàng Tấm xinh đẹp, chăm chỉ bị mẹ kế và Cám hãm hại bao phen vẫn lấy được hoàng
tử dạy tôi rằng ai mưu cầu hạnh phúc đều có quyền được hạnh phúc và sẽ được
hạnh phúc.
Chuyện “Ăn khế trả vàng” dạy tôi
sống trên đời không được tham lam và giữa cuộc đời nhiều cám dỗ, danh vọng và
tiền tài hãy biết đâu là điểm dừng của mình.
Sự tích “Trầu Cau” lại dạy tôi phải
bình tĩnh xem xét mọi câu chuyện, tình huống. Mọi thứ đôi khi sẽ không diễn ra
như mình suy diễn và một phút bốc đồng sẽ tạo nên bi kịch.
Cuốn sách “Kho tàng truyện cổ tích
Việt Nam” năm xưa của tôi đã được tái bản nhiều lần, in đi in lại trong nhiều
năm qua. Đôi khi được tổng hợp thêm nhiều truyện mới, lúc lại được tách ra
thành những cuốn sách nhỏ. Được nằm dưới nhiều cái tên “Tuyển tập truyện cổ
tích”, “Những truyện cổ tích hay nhất”. Được in trên giấy tốt hơn, có bìa đẹp
hơn, được vẽ minh họa.
Dù dưới dáng dấp nào, tôi vẫn mong
những câu chuyện cổ tích ấy sẽ không phai mòn theo năm tháng, sẽ vẫn đẹp đẽ và
tràn đầy niềm tin, sẽ đi vào lòng các em nhỏ một cách đơn giản, nhẹ nhàng mà
sâu sắc nhất.
Tôi chắc rằng một ngày nào đó tôi sẽ
lại đọc những câu chuyện cổ tích cho những đứa con của mình và có thể sau đó
con tôi lại đọc cho cháu của tôi. Cứ như thế, cuốn sách của những câu chuyện cổ
tích đã thay đổi cuộc đời ta ngay từ khi chúng ta là những đứa trẻ.
Tôi đang tự hỏi: bao nhiêu người sau
khi đọc những dòng này trong ngày nghỉ cuối tuần sẽ bước lại kệ sách
cũ nơi góc nhà và giở ra đọc lại những câu chuyện cổ tích?
Ngay cả khi tôi không còn là một đứa
trẻ, cuốn sách với những câu chuyện cổ tích vẫn không ngừng chạm đến và thay
đổi tôi. Một người lớn đọc truyện cổ tích để ôn lại tuổi ấu thơ, để nhớ về ngày
nhỏ, nhớ rằng có những tài sản vô giá của một đứa trẻ ta cần giữ lấy (hoặc tìm
lại): sự nhân hậu, lòng bao dung và niềm tin.
Thuở còn bé, bạn có từng đọc
truyện cổ tích? Truyện cổ tích để lại trong lòng bạn những cảm nhận gì? Câu
chuyện cổ tích nào khiến bạn nhớ nhất, ấn tượng nhất? Xin vui lòng để lại ý
kiến trong phần Bình luận bên dưới.
|
Đặng Huỳnh Mai Anh
Báo Tuổi trẻ, ngày 10/1/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét