Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

NHỮNG GIỌNG ĐIỆU TRONG HOẠT CẢNH "DẾ MÈN - DẾ CHOẮT"


 
Trên con đường đi tìm ý nghĩa thật sự của cuộc đời, nhân vật chính Dế Mèn trong tác phẩm nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký (của nhà văn Tô Hoài) đã từng có vài lần "trót không suy tính, lỡ xảy ra những việc dại dột".

Một trong những lần như thế, để lại ân hận suốt đời, là chuyện đã xảy ra giữa Dế Mèn với Dế Choắt. Trong tác phẩm, đó là một hoạt cảnh đầy kịch tính, bắt đầu từ lúc Dế Mèn giới thiệu Dế Choắt, rồi khinh khỉnh sang chơi nhà hàng xóm, rồi hát véo von cạnh khoé trêu chọc chị Cốc và gây ra tai nạn cho Dế Choắt, kết thúc là lúc chàng Dế Mèn ngỗ nghịch đứng lặng trước mộ Dế Choắt, lòng đầy ăn năn, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên… 


Câu chuyện - hoạt cảnh vừa nói đã được kể bằng một lối vừa rỉ rả vừa sinh động, vừa nôm na vừa dí dỏm, trong đó nổi bật lên là những giọng điệu tương phản của các nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt. Những giọng điệu này góp phần khắc hoạ tính cách các nhân vật, tạo nên sự hấp dẫn của hoạt cảnh, đồng thời thể hiện rõ tài năng tiếng Việt của Tô Hoài. 

* * * 

Cũng như trong toàn bộ tác phẩm, hoạt cảnh này đã được kể theo thể tự truyện, trong đó ngôn ngữ của tác giả trùng với ngôn ngữ của nhân vật chính ("tôi" - Dế Mèn), đúng hơn là được gán cho nhân vật chính này. Đó là ngôn ngữ nghệ thuật tồn tại dưới nhiều hình thức đan xen nhau, tuỳ thuộc vào sự đa dạng của các tình huống và trạng thái tâm lí của các nhân vật, đồng thời bao gồm cả sự "mách nước" (qua thái độ, cảm xúc của người kể trước sự kiện đang nói đến) cho người đọc. Trong hoạt cảnh, lúc thì gặp lối kể trực tiếp (nói với độc giả) lúc thì gián tiếp (qua lời các nhân vật nói với nhau), và bao trùm lên tất cả là giọng điệu "tự vấn lương tâm" của nhân vật chính Dế Mèn. 

Thoạt đầu là lời Dế Mèn giới thiệu với độc giả về hàng xóm, và thú nhận rằng Dế Choắt hoặc Choắt là cái tên do Dế Mèn đặt cho "một cách chế giễu và trịch thượng", ám chỉ chàng Choắt nọ có dáng vẻ gầy gò yếu đuối. Thế là ngay từ đầu, bằng cách gọi với giọng điệu đầy vẻ coi thường như thế, Dế Mèn đã mặc nhiên xác lập một tiền đề của sự bất bình đẳng giữa mình và Dế Choắt. Có vẻ đây là một quan hệ phi đối xứng, trong đó hình ảnh tinh thần của chính mình được Dế Mèn tự tôn lên thành một "tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ", và ngược lại hình ảnh của Dế Choắt trong tâm thức của Dế Mèn, là một kẻ đã xấu xí lại yếu đuối ươn hèn, vì vậy nên "tôi coi thường và gã cũng sợ tôi lắm". Hãy xem những hình ảnh tinh thần này sẽ chi phối cách cư xử với nhau bằng ngôn từ trong hội thoại giữa hai nhân vật như thế nào. 

Hôm ấy, Dế Mèn sang chơi nhà Dế Choắt, thấy trong nhà luộm thuộm, liền bảo: 
- Sao chú mày ăn ở cẩu thả quá như thế! Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng. (…) 
Và Dế Choắt buồn rầu đáp: 
- Thưa anh, em cũng muốn khôn nhưng khôn không được. (…) 

Trong xã hội người Việt, đặc biệt ở nông thôn, có thể xem việc sử dụng các từ ngữ xưng gọi trong giao tiếp là một chiến lược số một để xác lập và duy trì những quan hệ liên cá nhân trong hội thoại. Đặc biệt, tuổi tác thường được xem là có vai trò áp đặt quyền uy: người nhiểu tuổi hơn có thể xưng hô với người ít tuổi theo cách phi quy thức, thân mật suồng sã, mặc dù người ít tuổi này có thể có địa vị cao ngoài xã hội. Trong đoạn thoại nói trên, mặc dù Dế Mèn đã biết "Choắt nọ có lẽ cũng trạc tuổi tôi", nhưng vẫn cố ý gọi Dế Choắt là chú mày, chú mình, chú, coi như Dế Choắt thuộc vai dưới - vai em, liên tục thay đổi cách gọi, thậm chí có lúc nói trống vai gọi, đồng thời tự xưng mình là ta. Ngược lại, Dế Choắt chỉ có một cách gọi Dế Mèn là anh và xưng là em, và không tuỳ tiện thay đổi cách gọi Dế Mèn (như cách Dế Mèn gọi Dế Choắt). Trên thực tế sử dụng tiếng Việt, cách xưng gọi như Dế Mèn thường nhằm thêm "gia vị" cho lời nói, là cách cư xử của vai trên, còn cách xưng gọi như của Dế Choắt chứng tỏ sự khép nép giữ khoảng cách của vai dưới. Nói theo cách dân gian, Dế Mèn đã tự cho mình quyền được nói năng với một giọng điệu "văng mạng", còn Dế Choắt lại cố gắng có giọng điệu "tròn vành rõ chữ", "uốn lưỡi bảy lần mới nói", trước hết trong cách xưng gọi. 

Vị thế "cao sang" của Dế Mèn và thân phận "thấp hèn" của Dế Choắt không chỉ thể hiện ở cách xưng gọi, mà còn ở cách thức trao đáp trong hội thoại. Trong lần đến nhà Dế Choắt, Dế Mèn đã chủ động đề xuất và dẫn dắt đề tài cuộc thoại (về "nhà cửa" của Dế Choắt), quyết định tiếp tục trò chuyện hay không và dừng cuộc thoại ở đâu. Ở lượt lời đầu tiên, Dế Mèn mở đầu bằng cách cất cao giọng phê phán, giảng giải, và kết thúc bằng lời cảm thán mỉa mai: 
- Sao chú mày ăn ở cẩu thả quá như thế! Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng. (…). Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn. 
Ngược lại, ở lượt lời đầu tiên, Dế Choắt đã ở vào thế bị động, bị dẫn dắt, hoạ theo, sử dụng lặp lại (hay còn gọi là "dẫn lại") từ khôn đã được Dế Mèn nói ra (Thưa anh, em cũng muốn khôn nhưng khôn không được). Tiếp theo, Dế Choắt vừa phân trần vừa thở than, và cuối cùng với một giọng điệu rất dè dặt, loanh quanh ngập ngừng đề xuất ý tưởng nhờ vả Dế Mèn. 
Trong cuộc thoại này, một đặc điểm đáng chú ý là sự đa dạng các kiểu câu trong lời thoại của Dế Mèn, tương phản với sự đơn điệu trong lời Dế Choắt. Nhìn chung, Dế Mèn nói ra những câu ngắn rõ ràng, là những câu cảm thán, câu hỏi, câu trần thuật, mệnh lệnh, cùng với không ít các từ ngữ biểu thị các ý nghĩa tình thái (sao, như thế, đâu mà, thì thật, này, đâu mà, có mà, ôi thôi, mà chẳng, nào, hức, nhỉ…). Ngược lại, Dế Choắt nói ra nhiều câu rất dài hoặc dở dang, thể hiện trong một ngữ điệu nhát gừng hoặc lê thê khó dứt, không hề dùng đến các câu cảm thán hoặc câu hỏi với sắc thái tu từ. Ngay cả đến ý mệnh lệnh (cầu khiến) cũng được Dế Choắt diễn đạt ra thành một vài câu dang dở ướm hỏi và một câu dài dằng dặc giọng năn nỉ rất kém mạch lạc, với từ hay là lặp đi lặp lại: 
- (…) Hay là bây giờ em định thế này… Song anh có cho phép nói em mới dám nói… 
Được Dế Mèn "cho phép nói", Dế Choắt nói như sau: 
- Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái ngách sang bên nhà anh phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang… 

Tại sao Dế Choắt lại thích dùng cụm từ hay là như vậy? Trong tiếng Việt, hay là được dùng khi người nói muốn biểu thị điều sắp nêu ra là một khả năng chưa thể khẳng định, còn hồ nghi. Hoặc hay là được dùng để biểu thị điều sắp nêu ra là nên hoặc có thể như vậy, nhưng không thể khẳng định mà muốn được biết ý kiến của người đối thoại thế nào… Điều đó có nghĩa là Dế Choắt đã cố giảm thiểu sự áp đặt, trao quyền phán xét và quyết định cho Dế Mèn, đồng thời thể hiện sự cân nhắc thiếu tự tin của một kẻ phải đi thương lượng dựa trên điều kiện của đối tác. 

Một trong những đặc điểm ngôn từ khác nữa làm nên giọng điệu tương phản của các nhân vật là cách sử dụng từ ngữ. Trong những câu nói của Dế Mèn (với độc giả và với Dế Choắt) từ đầu câu chuyện đến hết cuộc thoại thứ nhất, có thể thấy không ít các từ láy, thành ngữ và các kết cấu so sánh. Đó là: 

Từ láy: 

- (người) gầy gò (và dài) lêu nghêu 
- (cánh chỉ) ngắn ngủn 
- (đôi càng) bè bè, nặng nề 
- (mặt mũi thì lúc nào cũng) ngẩn ngẩn ngơ ngơ 
- (nhà) luộm thuộm bề bộn 
- (nhà cửa đâu mà) tuềnh toàng 
- (lưng chú phải) lồm cồm 
- (Dế Choắt) loanh quanh, băn khoăn 
- (điệu bộ) khinh khỉnh 
- (mưa dầm) sụt sùi 

Thành ngữ (nguyên gốc hoặc cải biên): 
- (tính nết lại) ăn sổi ở thì 
- chết ngay đuôi (cải biên từ: chết thẳng cẳng) 
- (chú mày) có lớn mà chẳng có khôn 
- miệng nói tai mình nghe 

So sánh (với từ như, hoặc so sánh ngầm): 
- (người gầy gò và dài lêu nghêu) như một gã nghiện thuốc phiện 
- (hở cả mạng sườn) như người cởi trần mặc áo gilê 
- (hôi) như cú mèo 
- (điệu hát) mưa dầm sụt sùi… 

Trong tiếng Việt, các từ láy chủ yếu được dùng để miêu tả sự vật hiện tượng trong sự cảm nhận chủ quan, đồng thời qua đó thể hiện sự đánh giá và thái độ (yêu - ghét; kính trọng - coi thường; khẳng định - phủ định…) của người nói. Không xa lắm với từ láy, các thành ngữ - với tính tương đối cố định về cấu trúc và bóng bẩy về nghĩa, cũng có vai trò làm cho lời nói trở nên hàm súc và giàu tính hình tượng, tăng sức biểu cảm. Cũng gần như vậy, cách so sánh hai đối tượng có cùng một đặc điểm nào đó là nhằm biểu thị một cách hình tượng đặc điểm của một trong hai đối tượng đó, giúp người nghe hiểu rõ về đối tượng, đồng thời bày tỏ thái độ của người nói đối với đối tượng được so sánh… Ngoài ra, do đặc tính có sự hoà phối ngữ âm của từ láy và thành ngữ, việc sử dụng chúng có thể mang lại tính uyển chuyển và nhạc tính cho lời nói. Ở đây, cùng với sự liên tục thay đổi cách gọi khác nhau đối với Dế Choắt, cách sử dụng không ít các từ ngữ và kết cấu ngữ pháp với các nét nghĩa tình thái sinh động… như đã nói ở trên, ở đây một lần nữa chúng ta chứng kiến nhân vật chính Dế Mèn đã tuỳ tiện và cố ý thêm thật nhiều "gia vị" trong lời nói, theo cách của “bề trên”, như thế nào. 

Giọng điệu vừa nói của Dế Mèn càng đáng phải ghi nhận trong sự tương phản với Dế Choắt: Chàng Choắt "bẩm sinh yếu đuối" rất tránh nói năng vần vè văn vẻ và bày tỏ cảm xúc, trái lại cố nói sao cho thận trọng giữ kẽ và thể hiện sự đánh giá có chừng mực. Trong lời thoại của mình, hướng tới mục đích rõ ràng, Dế Choắt chỉ một lần dùng từ láy ròng rã (lo ròng rã) và thành ngữ tối lửa tắt đèn (phòng khi tối lửa tắt đèn), để kể lể thở than và kêu gọi tình cảm tương thân tương ái của người hàng xóm. 

Thế nhưng, mọi cố gắng thương lượng của Dế Choắt đã không đạt được kết quả nào. Chỉ là vì, như sau này Dế Mèn "tự vấn lương tâm" đã thú nhận là: "Hồi ấy, tôi có tính tự đắc, cứ miệng mình nói tai mình nghe, thậm chí cũng chẳng để ý có ai nghe mình hay không". Chàng hiệp sĩ tương lai đã bày tỏ thái độ bằng cử chỉ bề trên khinh bỉ "hếch răng lên, xì một hơi rõ dài". Đáp lại lập luận căn cứ vào lẽ thường hay nếp nghĩ dân gian vị tình "Anh đã nghĩ thương em thế thì hay là…" của Dế Choắt, là một sự bác bỏ dựa vào một lí lẽ quyền uy áp đặt rất oái oăm của Dế Mèn: "Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được”... 


* * * 

Đoạn thoại thứ hai và cuối cùng diễn ra trong hoàn cảnh thấp thoáng bóng dáng chị Cốc và "cảnh khổ đau" do chị Cốc (thực tế là do "tính hay nghịch ranh" của Dế Mèn) gây ra. 

Chiều hôm đó, Dế Mèn ra đứng cửa hang xem hoàng hôn xuống, nghĩ ngợi vu vơ về việc đời, về những kẻ yếu đuối và đám đông cãi cọ om xòm vì tranh một mồi tép… Tự dưng, Dế Mèn nảy ra ý rủ Dế Choắt trêu chị Cốc. 

Trong lời rủ rê Dế Choắt, thoạt đầu Dế Mèn sử dụng một câu hỏi thăm dò với cách xưng gọi rất thân mật là chú mình - tớ ( Xin lưu ý: Ở đoạn thoại thứ nhất, Dế Mèn gọi Dế Choắt là chú mình, chú mày và tự xưng là ta): 

- Chú mình muốn cùng tớ đùa vui không? 

Khi thấy Dế Choắt rất lừng khừng hỏi đi hỏi lại (Đùa trò gì? Cái gì thế?...), vẻ như không tin hoặc không dám tin, lại rên hừ hừ chứng tỏ ốm yếu đang lên cơn hen, hé mắt nhìn đầy vẻ kinh hãi, Dế Mèn càng cố tình nói ra những câu sỗ sàng cụt lủn chứng tỏ quyết tâm cao, lại gọi chị Cốc là con mụ Cốc với ý coi thường. Đặc biệt, khi Dế Choắt thật lòng tỏ ý chối từ và thậm chí can ngăn thôi đừng "đùa vui" như thế, thì Dế Mèn đột nhiên nổi giận quắc mắt lên. Cặp thoại sau đây có thể được xem là điển hình cho sự tương phản trong giọng điệu của hai nhân vật này: 

- Thôi, thôi… hừ hừ… Em xin vái cả sáu tay. Anh đừng trêu vào… Anh phải sợ… 
- Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa! 

Trong lượt lời của mình, Dế Choắt đã có những cố gắng để cuộc thương lượng đến đích (là không đụng chạm gì đến "chị Cốc béo xù" nọ). Chiến thuật thuyết phục của Dế Choắt là: bằng giọng điệu nhát gừng với những câu dở dang xen lẫn những tiếng rên hừ hừ, hé mắt nhìn, bày tỏ sự sợ hãi và ý từ chối của chính mình, sau đó mới tỏ ý khuyên ngăn. Chính mình rất sợ thì khuyên ngăn người khác phải sợ hẳn là hợp lẽ! Tuy nhiên, rốt cuộc điều đó lại vẫn vô tình làm mất thể diện của Dế Mèn: Một kẻ đã từng quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ, đá ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên, to tiếng cà khịa với tất cả bà con trong xóm, như Dế Mèn, lẽ nào lại phải "đừng trêu vào" và "phải sợ" ai như lời khuyên đó ư? Trong lúc cáu giận, Dế Mèn đã tự xưng là tao, gọi Dế Choắt là mày, và hỏi dồn dập như truy vấn với ý định bác bỏ hoàn toàn lập luận của Dế Choắt. Hành vi cứu vãn thể hiện chính mình của Dế Mèn đã đẩy quan hệ Dế Mèn - Dế Choắt đến chỗ mất đi sự thân tình vốn có (qua cách xưng gọi), đi ngược lại với các phương châm lịch sự trong giao tiếp, đồng thời thể hiện cực đoan sự tự đắc hung hăng của Dế Mèn… Tóm lại, lời khuyên của Dế Choắt đã bị Dế Mèn "bỏ ra ngoài tai" và rồi Dế Choắt phải chuốc lấy tai hoạ. 

Tai hoạ đó đã xảy ra. Chị Cốc nghe tiếng hát cạnh khoé (do Dế Mèn hát), đúng lúc ấy lại bắt gặp Dế Choắt đang loay hoay chui lủi, nghĩ đó là thủ phạm, liền giáng hai mỏ khiến Choắt quẹo xương sống. Khi đó, chàng Dế Mèn ngổ ngáo "sắp đứng đầu thiên hạ, còn biết sợ ai hơn tao nữa" kia đã kịp chui tọt vào hang, núp tận đáy đất, nằm im thít vì khiếp sợ. 

Đoạn kết đã diễn ra, là lúc chị Cốc bay đi, Dế Mèn mon men rón rén bò lên, thấy Dế Choắt đang khóc thảm thiết. Dế Mèn hỏi một câu chính mình cũng thấy là ngớ ngẩn (vì cất cao giọng như cách hỏi dồn, mà thực tế không hỏi gì cả): 
- Sao? Sao? 
Thấy Dế Choắt nằm thoi thóp, Dế Mèn hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà rằng: 
- Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ? 

Trong lời thoại nói trên, có thể thấy một vài điểm đáng chú ý làm nên một giọng điệu khác hẳn của Dế Mèn trong hoàn cảnh mới này: Có hàng loạt những câu cảm thán (kể cả câu hỏi cuối lượt lời với mục đích tu từ là cảm thán) - những câu được dùng chủ yếu để thể hiện những tình cảm, thái độ của người nói; Có một câu lặp lại câu khác trước nó (Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm!), không ngoài mục đích thể hiện một tâm trạng khắc khoải không dứt; Đồng thời, không phải ngẫu nhiên ở đây ta gặp một cách xưng gọi khác thường: Dế Mèn đã tự xưng là tôi và gọi Dế Choắt là anh… Cùng với những biểu hiện của ngôn ngữ cử chỉ vô thức: tự hạ mình (quỳ xuống) và trân trọng người khác (nâng đầu Choắt lên), "cuộc cách mạng xưng gọi" tôi - anh này đã chứng tỏ trong ý thức của Dế Mèn, mối quan hệ liên nhân giữa Dế Mèn và Dế Choắt giờ đây đã đổi khác - có vị thế ngang bằng nhau. Bằng lời nói, Dế Mèn đã tôn vinh thể diện của người hàng xóm. Bỗng nhiên, người đọc không còn thấy Dế Mèn "hung hăng, hống hách láo" nữa, mà chỉ thấy một Dế Mèn khiêm nhường, đang tự phán xét, ân hận và tự đặt cho mình những trách nhiệm mới, như cách nói của chính Dế Mèn trong sự "tự vấn lương tâm" sau này, là đã thấy đến lúc phải "đem thân mà trả nợ những cử chỉ ngu dại của mình thôi". 

Một điều không ngờ khác nữa: Trước khi tắt thở, Dế Choắt cũng nói năng bằng một giọng điệu khác hẳn: 
- Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy. 

Cũng đột nhiên, lúc này người đọc không còn thấy đâu một Dế Choắt thụ động rụt rè, khép nép giữ mình, rên rỉ không ngớt và ngập ngừng nói những câu vòng vo lê thê hay dang dở nữa. Lời của Dế Choắt bây giờ là những câu rõ ràng và lưu loát. Đó là lời khuyên của một "người" rất từng trải, không phải là của bề trên điềm đạm thì chí ít cũng ngang bằng với người nghe, và đằng sau lời khuyên bảo này còn có một nhận xét phê bình cái kẻ "có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ", trong triết lí sâu sắc về kết cục nhân quả ở đời. 

Hơn thế nữa, sau cả một quá trình nhún nhường xưng gọi em - anh của kẻ yếu và vai dưới, đến lúc thoi thóp yếu ớt nhất, Dế Choắt bỗng thay đổi cách xưng gọi, chẳng khác gì kẻ mạnh: tự xưng là tôi và gọi Dế Mèn là anh, tức là cũng như cách Dế Mèn bây giờ xưng gọi khi nói với Dế Choắt. Đối với người hàng xóm đáng thương này của Dế Mèn, sự đổi thay về hình ảnh tinh thần của chính mình trong mối quan hệ với "người" khác như thế, là một kết thúc có hậu, thật là muộn mằn, nhưng như người đời vẫn nói: "Thà muộn còn hơn không!". 

* * * 
Được dựng lên thành một hoạt cảnh ồn ào và đầy kịch tính, câu chuyện "Dế Mèn - Dế Choắt" đã kể lại quá trình các nhân vật phải đi tìm, và rồi cuối cùng đã tìm thấy được chính mình. Riêng đối với Dế Mèn, bài học đáng ghi nhớ suốt đời ấy giúp cho chàng hiệp sĩ tương lai này trở nên chín chắn hơn, trước khi bước chân vào một cuộc phiêu lưu đầy sóng gió và kì lạ, thực hiện những công việc to tát cho đời. 

Trong hoạt cảnh nói trên, tính phức điệu của ngôn từ nghệ thuật đã dẫn dắt người đọc đến chứng kiến câu chuyện đã xảy ra bên đầm nước nọ, trong một xã hội của loài vật, với những phong tục, những nỗi niềm và cả lời ăn tiếng nói như của con người. Ở nơi đó, nhân vật chính trong tác phẩm có lúc vừa gảy đàn vừa hát một bài chào tạm biệt ông mặt trời, có lúc nghĩ những chuyện đời vu vơ hoặc gây sự với hàng xóm, lại có khi ăn năn tội mình và ngậm ngùi thương cảm. 

PGS-TS. Tạ Văn Thông
 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét