Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

THẾ GIỚI CỔ TÍCH CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG





Trên thế giới, sáng tác của các nhà văn, nhà thơ mang dấu ấn và sự ảnh hưởng của văn học dân gian là một hiện tượng hết sức phổ biến và đặc sắc. 
 
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, cùng với một số nhà văn tên tuổi khác như Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Hà Ân, Đoàn Giỏi… Nguyễn Huy Tưởng là một trong số ít các tác giả có công trong việc đưa truyện cổ tích, huyền thoại vào các sáng tác của mình, đa số đều là những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Chính mảng đề tài này đã mang về cho Nguyễn Huy Tưởng nhiều “vinh quang” rực rỡ nhất.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được biết tới với sự nghiệp sáng tác và một di sản văn học phong phú ở nhiều mảng, từ tiểu thuyết, kịch, ký đến truyện ngắn… Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những thành công rực rỡ. Tuy nhiên, chỉ với mảng truyện viết cho thiếu nhi, ông mới được đánh giá cao nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng độc giả, với tư cách là người kể chuyện tài hoa. Cố nhà văn Tô Hoài đã từng viết “Trong văn học thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng”.  

Số lượng truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng không nhiều, tất cả chỉ có 8 truyện trong đó gồm cả truyện cổ tích và lịch sử như: “Tìm mẹ”, “Thằng Quẩy”, “Con cóc là cậu ông giời”, “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Hai bàn tay chiến sĩ”, “Điện Biên Phủ của chúng em”. Chỉ là một phần trong di sản sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng nhưng chính mảng sáng tạo mang dấu ấn cá nhân và đích thực này đã mãi mãi đem lại cho ông niềm mến yêu vô hạn không chỉ ở những bạn đọc nhỏ tuổi mà còn ở cả những người đọc lớn tuổi. Không khí cổ tích và huyền thoại của truyền thống truyền miệng đã gặp gỡ và tràn ngập rộng khắp trong các tác phẩm văn học có một không hai này của nhà văn hết sức thân thuộc và đáng yêu đối với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. 

Truyện của Nguyễn Huy Tưởng gần gũi, gắn bó với độc giả bởi một lẽ, ông không hoàn toàn sáng tạo ra chủ đề của những câu chuyện ông viết lại, mà chủ yếu chuyển thể từ những câu truyện truyền thống. Song ông không đơn thuần chỉ là người kể lại truyện cổ tích, những tác phẩm của ông đã có sự khác biệt với các văn bản mà ông lấy làm khuôn mẫu. Bằng sáng tạo của mình, Nguyễn Huy Tưởng vừa trung thành với truyền thống vừa để lại những dấu ấn độc đáo ở từng câu chuyện. Được viết ra do nguồn truyện kể dân gian nhưng mỗi truyện của ông đều chứa đựng một cách cô đọng những lý tưởng đạo đức và thẩm mỹ truyền thống nhưng đồng thời đã được ông đem thêm vào đó luồng không khí mới của văn chương và của tư tưởng thời đại, tạo nên những tác phẩm có sức hấp dẫn đối với mọi đối tượng bạn đọc. 

Trong các câu truyện giản dị mà ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa của mình, Nguyễn Huy Tưởng thường mở đầu câu chuyện bằng một cách vô cùng thân thuộc “Ngày xưa, ở một làng nhỏ, miền Nam nước Việt…” (truyện “Tìm mẹ”); xây dựng nhân vật dựa theo đặc trưng phiếm chỉ của dân gian, để thông qua đó, thể hiện ước vọng ấm no, thể hiện tính hướng thiện, căm ghét cái ác của cá nhân tác giả và của cả nhân dân Việt Nam. 

Có thể nói, những truyện cổ tích và huyền thoại viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng là những truyện có cách thể hiện mới với một văn phong giản dị và thanh nhã. Ông đã khéo léo thay đổi, thêm bớt các tình tiết ở mỗi cốt truyện sao cho hợp lý, với giọng điệu kể chuyện sao cho giống với giọng điệu kể chuyện dân gian đơn giản và trong sáng, nhưng vẫn lột tả được tinh thần chủ đạo ở mỗi truyện viết mới của ông. 

Một mảng đề tài rất quan trọng khác trong dòng chảy các sáng tác viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng là những truyện viết về chủ đề lịch sử. Với mảng đề tài này, ông đã không ngừng phát huy những kiến thức và sự am tường về chất liệu dân gian để xây dựng nên những nhân vật lịch sử bất hủ của mình. Là một biệt tài khi Nguyễn Huy Tưởng luôn biết cách tạo dựng hình ảnh cho nhân vật của mình với vầng hào quang đáng ngưỡng mộ, với những đặc điểm tướng mạo và tính cách khác thường, vừa vặn theo khuôn mẫu của các nhân vật anh hùng văn hóa trong các truyền thuyết dân gian. 

Sự khắc họa của Nguyễn Huy Tưởng về các nhân vật phản diện cũng hết sức sắc sảo, ấn tượng và cũng mang những nét kỳ ảo của kiểu nhân vật thuộc “phe ác” theo đúng cách nhìn nhận của dân gian. Ông đã bộc bạch về ý định xây dựng các hình tượng tướng địch trong tác phẩm kinh điển “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” như sau: “Còn như bên địch cũng nhiều tướng ly kỳ. Thoát Hoan kiêu ngạo dùng binh cực giỏi. Ô Mã Nhi tàn bạo giết người không tiếc tay, thực là kẻ tiêu biểu cho dòng Mông Cổ và những kẻ đi chinh phục người. Lại còn Toa Đô không biết lai lịch và tâm tính vị này ra sao, nhưng tôi xem Toa Đô là người dũng cảm, võ nghệ siêu cường…”. Đồng thời đối với hàng loạt các nhân vật chính, phụ, hoặc trung gian khác, Nguyễn Huy Tưởng cũng đem hết tâm sức để hình dung, mô tả.

Vừa tuân thủ nội dung cốt truyện và thi pháp truyện cổ tích dân gian, đồng thời dựa vào phong cách văn học để xây dựng nên một tác phẩm hoàn toàn mới, Nguyễn Huy Tưởng đã vận dụng cả hai, khiến cho tác phẩm truyện cổ tích và lịch sử viết cho thiếu nhi của ông có mối quan hệ với sáng tác dân gian ở tính chất huyền ảo, thần tiên mặt khác lại mang đậm dấu ấn cá nhân của một nhà văn tài hoa. 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những câu chuyện đã được Nguyễn Huy Tưởng viết bằng cả tài năng, sức lực, tâm huyết của ông vẫn giữ nguyên giá trị và sức lôi cuốn hấp dẫn đối với người đọc hôm nay, bởi một thế giới mênh mông cổ tích, huyền thoại và sự thấm đẫm truyền thống nhân văn anh hùng của dân tộc Việt Nam ngàn năm lịch sử.

PGS. TS. Nguyễn Thị Huế


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét