Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

VẺ ĐẸP RỪNG U MINH TRONG ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM



“Miêu tả là thủ pháp, là cách thức dùng những phương tiện ngôn ngữ để ghi lại những hình ảnh về khách thể trong hiện thực khách quan. 
Nghệ thuật miêu tả thể hiện ở chỗ, việc tái tạo lại những khách thể ấy không đơn thuần là những sự kiện khô khan, mà phải giúp người đọc cảm nhận hiện thực, y như chúng đang hoạt động nảy nở, đang sinh sôi và phát triển. Tài miêu tả là ở chỗ, không phải làm cho người ta có ý niệm về sự vật mà làm cho người ta có cảm giác về sự vật, cảm giác này sẽ đưa tới khái niệm kia” (theo Doppagne A).

Với những đặc trưng riêng, nghệ thuật miêu tả có thể đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ trước một bức tranh thiên nhiên, dù nó cách xa hàng ngàn dặm. Quan trọng hơn miêu tả bằng chất liệu ngôn từ , đã vĩnh viễn hóa những khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, thơ mộng để nó không bị biến dạng bởi sự thay đổi của tự nhiên và đặc biệt là sự tác động của con người.

Trong “Đất rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi đã gửi vào “viện bảo tàng” những vẻ đẹp của rừng U Minh. Đoạn trích “Rừng cháy” dưới đây là một ví dụ:

Những ngày nắng ráo như hôm nay, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ của nó trong ánh mặt trời vàng óng. Những thân cây tràm vỏ trắng vươn thẳng lên trời chẳng khác gì những cây nến khổng lồ, đầu lá rũ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn. Từ trong biển lá xanh rờn đã bắt đầu ngả sang màu úa, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời, tiếng chim không ngớt vang ca vọng mãi lên cao xanh thẳm khôn cùng. Trên các trảng rộng và chung quanh những lùm bụi thấp mọc theo các lạch nước, nơi mà sắc lá còn xanh, ta có thể nghe tiếng gió vù vù bất tận của hàng nghìn loại côn trùng có cánh không ngớt bay đi, bay lại trên những bông hoa nhiệt đới sặc sỡ, vừa lộng lẫy nở ra đã vội tan nhanh trong nắng. Mùi hương ngọt ngào lúc đầu của những loài hoa rừng không tên tuổi đằm vào nắng ban trưa khiến con người dễ sinh buồn ngủ và sẵn sàng ngả lưng dưới một bóng cây nào đó để cho thứ cảm giác mệt mỏi chốn rừng trưa lơ mơ đưa mình vào giắc ngủ chẳng đợi chờ...

Tôi đã ngủ một giấc dài như vậy, sau khi tía con chúng tôi đã lấy mật đấy vào hai thùng sắt tây. Cái gùi bé của tôi cũng vừa chất vun gọn những bánh sáp trắng muốt mà tôi đã tỉ mỉ vắt thành những cục tròn tròn. Như trứng ngỗng.

Tôi ngồi tựa lưng vào một thân cây lá rộng xùm xòa, lơ mơ nhìn những làn tơ nhện mỏng tan rung rung trong ánh nắng. Trong vắng lặng mệt mỏi của rừng đã xế sang chiều, mọi thứ tiếng động chung quanh tôi đều nghe như không rõ rệt, đều như bị nén lại, đùng đục, không một âm vang, mọi thứ vắng lặng mơ hồ rất là khó tả. Tôi còn đang chăm chú lắng nghe tiếng quạt cách của một con ong vàng mà không thấy nó đâu, thì bỗng nghe thấy tiếng động cơ gào rú chuyển động rung trời
”.

Bằng tài nghệ miêu tả nhà văn đã làm sống dậy, làm hiện lên trước mắt người đọc một khu rừng với tất cả vẻ đẹp và sức quyến rũ của nó. Các đối tượng được miêu tả trong một không gian xác định. Từ quang cảnh chung của khu rừng đến một thân cây, từng bông hoa, sắc lá. Nhân vật “tôi” với những dụng cụ đi lấy mật, làn tơ nhện mỏng tang và không gian vắng lặng của rừng chiều… Tất cả đều được hiện lên một cách cụ thể, sinh động qua những danh từ chỉ rõ sự vật, sự việc, hiện tượng, con người và chúng đều tập trung làm nổi bật khu rừng trong ngày nắng đẹp. Khu rừng qua nghệ thuật miêu tả của tác giả , không phải là một đối tượng lặng câm vô hồn, mà là cả một thế giới sống động. Cái thế giới sống động ấy được tạo nên trước hết bởi những động từ chỉ trạng thái: ngát đạy, vù vù, lơ mơ, ngủ, rung rung, vang ra, ngả sang, vọng lên…là những từ ngữ biểu thị ý nghĩa về sự chuyển đổi, phát triển. Một mảnh rừng Phương Nam như được Đoàn Giỏi bứng ra và trải rộng trước mắt, để ta được ngửi thấy mùi hương, nghe thấy nước âm thanh và cảm thấy cái không khí vắng lặng của rừng vào buổi ban trưa.

Trong đoạn văn, còn xuất hiện với tần số lớn các cụm từ hiện thức hóa mối quan hệ đối tượng – dấu hiệu với rất nhiều định ngữ. Các định ngữ ấy nhằm chỉ rõ dấu hiệu, bổ sung ý nghĩa cho các danh từ mà nó hạn định: ánh mặt trời vàng óng, những thân cây tràm vỏ trắng; những bông hoa nhiệt đới sặc sỡ, lộng lẫy mùi hương ngòn ngọt. Để lột tả hết sự kì diệu của rừng xanh, nhà văn còn sử dụng rất nhiều câu đơn dài với nhiều thành phần vị ngữ nối tiếp nhau. Những câu văn như thế không những đem đến cho người đọc những cảm nhận thú vị về khu rừng qua những sắc màu, âm thanh và những mùi hương quyến rũ, mà nó còn làm cho nhịp của đoạn văn trở nên chậm rãi, nhịp nhàng cân đối. Những từ láy được sử dụng hợp lí đạt hiệu quả nghệ thuật cao: phất phơ, vù vù, sặc sỡ, lộng lẫy, bạt ngàn, ngòn ngọt, xùm xòa, lơ mơ, đùng đục… Chúng đã gợi lên những hình ảnh, những âm thanh, những sắc màu thật cụ thể, khiến cho khu rừng hiện lên với tất cả vẻ mơ màng, huyền bí và cũng tiềm tàng một sức sống mạnh liệt. Đoạn văn đem đến cho ta cảm giác như đang đắm mình giữa cái vắng lặng yên tĩnh của khu rừng, mở lòng thâu nhận tất cả những hương thơm, cảnh sắc và cả bản hợp xướng muôn đời của rừng xanh. Và trong cái “tiếng gió vù vù bất tận của hàng nghìn loại côn trùng không ngớt bay đi bay lại”, trong cái nắng vàng óng được lọc qua muôn vàn kẽ lá, người ta sẵn sàng thả mình vào giấc ngủ chẳng đợi chờ. Khu rừng bỗng trở thành cái nơi yên ả, đưa nhân vật “tôi” – cậu bé An vào giấc ngủ. Rừng bạt ngàn, rừng mênh mông, rừng đầy bí hiểm nhưng lúc này rừng thật hiền từ, thật đẹp và đáng yêu biết mấy. Rừng là vàng, rừng là ngôi nhà yên oonrche chở cho tất cả những người biết yêu quí và bảo vệ rừng.

Rừng Phương Nam qua tài năng nghệ thuật và tình yêu với đất rừng nơi ấy, Đoàn Giỏi đã phác họa lên trong tác phẩm của mình một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp kì thú mà không phải nhà văn nào cũng làm được.

Đỗ Thị Hiên
Báo GD&TĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét