Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

THƠ THIẾU NHI LẤN ÁT SÂN THƠ TRẺ (ngày thơ VN lần thứ XIV)


 
 
(Tổ Quốc)- Nhiều màu sắc, lắng đọng, quy củ, hoành tráng… là những từ dành cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV diễn ra tại Hà Nội vào ngày Nguyên tiêu. Mặc dù vẫn còn những điều luyến tiếc nhưng Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một lễ hội đi vào trí nhớ mọi người.
 
Những điểm cộng dành cho Ngày thơ
Ngày thơ Việt Nam năm nay, bên cạnh lá cờ Thơ thì vật dụng được đem ra làm nền trang trí là nón. Bắt đầu từ cổng bước vào là nón trắng nhiều hàng so le nhau nhìn khá lạ mắt và sinh động. Gần vào đến sân khấu trung tâm, khu vực Thiên Quang tỉnh thì nón chuyển sang gam màu đỏ cùng với bóng bay và thảm đỏ dưới chân làm tôn lên màu chủ đạo của ngày hội Thơ. Rất nhiều người đến với hội Thơ năm nay tỏ ra ngỡ ngàng và thích thú với cách trang trí nổi bật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, họ đua nhau chụp ảnh kỷ niệm.

Điểm khác của ngày thơ lần thứ XIV là tất cả khu vực dành cho thơ câu lạc bộ được bố trí riêng rẽ ở một bên đường chứ không ở hai bên lối ra vào như mọi năm. Mặc dù có phần hơi tách biệt so với các sân khấu chính của Ngày thơ nhưng bù lại không còn cảnh các nhà thơ nghiệp dư phô tô từng bài thơ và phát, tặng tận tay du khách đến với hội Thơ. Các hoạt động tự phát, ngẫu hứng như hát, múa, đọc thơ với âm lượng quá mức gây sự chú ý của người dự hội Thơ cũng không còn. 

Không gian triển lãm về các nhà thơ luôn được duy trì đều đặn hàng năm với mỗi năm một chủ đề khác nhau. Phần lớn các nhà thơ, nhà văn được lựa chọn trong triển lãm đều đã mất nên đã gợi cho nhiều người nghĩ đến một mạch nguồn văn chương luôn có sự tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó cũng chính là bằng chứng cho thấy dù tác giả có mất đi, nhưng những tác phẩm họ để lại giá trị thì vẫn có sức sống với thời gian, vẫn được hậu thế nhớ tới, nhắc tới. Tên tuổi của họ vẫn hiện diện trong ngày thơ mỗi năm.

Các tiết mục dành để tôn vinh thơ được chú trọng tối đa, không còn tình trạng hát, múa lấn át thơ ca. Với màn liên khúc thơ của bốn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Anh Ngọc, Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa với chủ đề biển đảo đã tạo nên điểm nhấn khá ấn tượng. Mỗi người một giọng thơ khác nhau nhưng đều có chung tình yêu Tổ quốc, cùng cất vang tiếng thơ. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra cái nhìn về Ngày thơ lần thứ XIV: “Năm nay, ngoài sân thơ chính (sân thơ truyền thống) hoành tráng, đẹp và cảm động, đề cập đến những vấn đề lớn của đất nước như chủ quyền biển đảo đất nước, số phận nhân dân thì có một sân cho giới trẻ tung hoành và tạo ra sự sáng tạo. Đặc biệt, năm nay khôi phục lại mảng văn học thiếu nhi mà chúng ta dường như bỏ quên”. Văn học thiếu nhi năm nay đã được Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm kịp thời. Sân thơ thiếu nhi đã không nằm tách biệt với hai sân thơ Truyền thống và sân thơ Trẻ mà đàng hoàng là một phần - phần mở đầu trong sân thơ Trẻ đầy sôi động, ấn tượng. Không ít người đã bất ngờ trước phần thể hiện hồn nhiên, sinh động của các em thiếu nhi. Tại buổi họp báo Ngày thơ lần thứ XIV, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết bắt đầu từ nhiệm kỳ này, văn học thiếu nhi cũng được lựa chọn và xét trao giải bình đẳng với các lĩnh vực văn học khác trong hệ thống giải thưởng thường niên. Như vậy, cùng với việc tái thành lập Ban văn học thiếu nhi thì những việc làm thiết thực dành cho văn học thiếu nhi đã dần Hội Nhà văn thực hiện. Hi vọng, với sự quan tâm cũng như đầu tư, khích lệ tích cực của Hội Nhà văn mà văn học thiếu nhi có sự khởi sắc.

Những gương mặt của sân thơ Trẻ năm nay có sự hiện diện của các cây bút Đào Quốc Minh, Nguyễn Việt Anh và gương mặt trẻ nhất là Ngô Gia Thiên An mới 17 tuổi… Đây cũng chính là những gương mặt thơ hiện diện trong Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2, trong đó Đào Quốc Minh từng được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội như một phát hiện của đội ngũ cầm bút trẻ trẻ thủ đô. Trong nhiều năm nay việc phát hiện và tôn vinh tác giả của Hội Nhà văn Hà Nội với Hội Nhà văn Việt Nam ít khi có sự tương đồng. Nhưng sự hiện diện của một vài cây bút trong sân thơ trẻ của Hội Nhà văn từng được tôn vinh của Hội Nhà văn Hà Nội cho thấy hai hội văn học nghệ thuật lớn nhất đã ít nhiều có được sự “bắt tay nhau”, có điểm chung.

Cùng với nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân, có thể khẳng định hội Thơ 2016 là một lễ Hội khá chỉn chu, văn hóa, không có cảnh nhếch nhác như mời chào mua bán, mùi thức ăn tạp nham bủa vây, ăn xin.

Những điều còn nuối tiếc
Dịp hội Thơ hàng năm luôn là dịp các Nhà xuất bản, công ty sách tung ra các ấn phẩm mới đến với độc giả. Tuy nhiên, năm nay số lượng các đơn vị làm sách hiện diện trong ngày thơ vắng hơn rất nhiều so với mọi năm. Các hoạt động ký tặng, giới thiệu sách mới vì thế cũng không khiến người tới hội chú ý.

Điều đáng tiếc nhất của Ngày thơ năm nay chính là sân thơ Trẻ. Mặc dù nhường sân cho thiếu nhi chỉ vẻn vẹn khoảng ba mươi phút đầu nhưng sân thơ Trẻ năm nay khá nhạt nhòa và không đủ sức níu kéo đông người dừng chân lâu ở sân thơ Trẻ. Theo nhà thơ Hữu Việt - tác giả kịch bản và đạo diễn thì: “Mỗi tác giả thay vì đọc 1 bài như mọi năm thì nay sẽ đọc từ 2 đến 3 bài, đây là một đổi mới trong đọc thơ để bạn đọc có thể nhận diện đầy đủ hơn về một tác giả trẻ”. Đúng là nếu một tác giả đọc 2,3 bài thơ thì độc giả sẽ nhìn rõ hơn giọng điệu của một tác giả. Nhưng chính lựa chọn này là một con dao hai lưỡi. Điều gì khiến một tác giả lên sân khấu đọc nhiều hơn một bài thơ đủ sức níu chân người nghe và người xem?. Sau 13 Ngày thơ đi qua, không ít người đã rút ra nhận định rằng, cái mà níu chân người đến với hội Thơ hàng năm đông đảo là được gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp và để “xem” là chính, chứ chưa hẳn vì nghe. Phải thừa nhận rằng, tất cả các gương mặt được lựa chọn xuất hiện trong sân thơ Trẻ rất xứng đáng. Mỗi tác giả đều tự lựa chọn kỹ lưỡng những bài hay của chính mình để mang lên sân khấu. Tuy nhiên tất cả các gương mặt hiện diện trên sân khấu chỉ có… đọc thơ trên nền nhạc violon đã trở nên thiếu hấp dẫn với tiêu chí xem, mặc dù tiêu chí nghe được đánh giá cao tới mức nào. 

Theo “kinh nghiệm” của những người chăm chỉ đi hội Thơ thì thường thường sân thơ Trẻ luôn là tâm điểm chú ý của người đi hội. Câu hỏi “Hội Thơ năm nay có gì mới” thì dường như câu trả lời chính là nằm ở sân thơ Trẻ. Với những thể hiện phá cách, có phần táo bạo, thậm chí từng gây sốc với màn băng bó giấy vệ sinh của nhà thơ không còn trẻ Dương Tường năm nào luôn gây tò mò, ngạc nhiên, có khi… rất khó lý giải lại tạo ấn tượng mạnh.

Tại buổi họp báo được tổ chức cận kề Ngày thơ, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã đặt câu hỏi rằng đây là năm đầu tiên sân thơ Trẻ và sân thơ Thiếu nhi chung nhau. Sân trẻ thì luôn có những phá cách, thậm chí gây sốc, còn sân thơ Thiếu nhi thì hồn nhiên, trong sáng, vậy việc cùng diễn ra có gây ảnh hưởng các em không, hoặc là Hội Nhà văn phải tiết chế cho sân thơ Trẻ không có những táo bạo để không lệch, gây khó xử với sân thơ thiếu nhi. Rõ ràng, với những gì diễn ra lại sân thơ trẻ năm 2016 thì sân thơ Trẻ đã “hòa đồng” với sân thơ thiếu nhi nhưng lại không tạo ra điểm nhấn, nét riêng biệt mà bao năm qua họ đã tạo dựng được. Chương trình của sân thơ thiếu nhi sinh động bao nhiêu thì sân thơ trẻ một màu bấy nhiêu. Thậm chí có ý kiến nói vui rằng, may mà sân thơ Thiếu nhi chỉ có nửa tiếng chứ kéo dài thêm một tí thì lấn át hoàn toàn sân thơ Trẻ. 

Chính vì chồng chéo giữ sân thơ Thiếu nhi và sân thơ Trẻ mà có đến hai chủ đề trong một sân thơ. Phần chủ đề của sân thơ Thiếu nhi được thể hiện di động với mỗi từ gắn với một cái cây để ở hai bên sân khấu. Còn sân thơ Trẻ lại có chủ đề Đường xuân, được cố định chính giữa. Lẽ ra Ban tổ chức không nên làm hai chủ đề cho một sân thơ mà chỉ cần một chủ đề chung nhất cho cả văn học trẻ và văn học thiếu nhi. Còn đã trót để hai chủ đề thì khi chương trình thiếu nhi khép lại nên cất luôn chủ đề của sân Thiếu nhi đi, chứ vẫn để thì thành một dòng chữ (Reo vang Đường xuân Bình minh) rất khó cắt nghĩa, nhất là ở dưới có rất nhiều các em thiếu nhi đến từ các trường học.
Trong khu vực sân thơ Trẻ năm nay chỉ có những gian hàng của các cơ quan tổ chức như Hội Văn học nghệ thuật mà không có gương mặt thơ mới được độc lập giới thiệu. Theo Hội Nhà văn Việt Nam thì trong năm 2016 này sẽ diễn ra Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9. Vậy nhưng, một trong những hoạt động văn học đáng kể trước thềm Hội nghị Viết văn trẻ là sân thơ Trẻ thì chưa thực sự tạo được ấn tượng và chưa hé lộ gương mặt sáng giá theo lựa chọn của riêng Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là điểm còn đáng tiếc.   
Mặc dù còn một vài điều đáng tiếc trong Ngày thơ lần thứ XIV nhưng nhìn chung đây là năm Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, giữ lại được nhiều tiết mục chính làm hồn cốt cho ngày hội Thơ. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì: “Ngày thơ không chỉ là tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ mà điều rất quan trọng giới thiệu thơ ca hiện đại với công chúng yêu thơ và bạn bè quốc tế… Các nhà thơ trên thế giới đều đánh giá rằng Ngày thơ Việt Nam là ngày thơ đặc sắc nhất của 26 festival thơ nổi tiếng trên thế giớiNgày thơ Việt Nam lần thứ 14 cất cao đôi cánh tư tưởng và nghệ thuật chào mừng thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ 12 của Đảng. Cùng nhân dân cả nước giương cao cánh buồm lộng gió để tiến về tương lai của dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn và ngày càng phát triển.
Bài & ảnh: Hiền Nguyễn
Báo Tổ Quốc 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét