Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

TRUYỆN CỔ VIẾT LẠI CHO THIẾU NHI




1. Khái niệm
Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ. Các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, dù đơn giản hay phức tạp thời nào cũng có. 

Ngay cả quan niệm, tư tưởng của loài người, trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử, có những cái lỗi thời, nhưng cũng có giá trị trường tồn. Không phải vô cớ mà những chuyện ngày xửa ngày xưa cho đến bây giờ, cả người lớn lẫn trẻ con ai cũng thích. Viết lại truyện cổ trước tiên là biến văn học truyền miệng thành văn học thành văn, hiển nhiên, cần những cách tân để cái cổ thành cái hiện đại.

Tất cả những câu chuyện cổ của văn học dân gian, bao gồm thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn được các nhà văn viết lại thành truyện mới, đáp ứng cho nhu cầu tinh thần của cuộc sống mới đều được xem là truyện cổ viết lại.

Do truyền thuyết và ngụ ngôn, khi viết lại, chúng có khả năng chuyển thành một thể loại hoàn toàn khác, cho nên cần phải tách riêng. Truyền thuyết với tính chất lịch sử khi đi vào văn có xu hướng tiểu thuyết hoá nên trở thành truyện lịch sử. Ngụ ngôn được viết lại với thế giới con vật loài vật, tính suy lý và nội dung tư tưởng giảm dần, thêm vào bản chất tự nhiên của chúng, ngụ ngôn ngả sang đồng thoại. Tất nhiên ngụ ngôn hiện đại vẫn có, nhưng trong thực tế sáng tác, chúng không khác với ngụ ngôn dân gian (Trừ trường hợp La Phôngten chuyển văn xuôi thành thơ ). Phần này, khi nói về truyện cổ viết lại, chúng ta chỉ khảo sát ở thần thoại và cổ tích.

2. Đặc điểm

Viết lại truyện cổ có hai dạng: Dựa vào truyện cổ có sẵn và phỏng theo truyện cổ, viết lại truyện mới. Cả hai đều phải trung thành với thi pháp cổ, từ cái nhìn, quan niệm đến các hình thức cấu trúc cơ bản của tác phẩm. Những sáng tạo mới chẳng qua làm cho câu chuyện sinh động hơn, hoặc phong cách hoá một dòng văn hoặc chưa thành văn. Một dạng khác có hình thức gần như là truyện cổ viết lại, nhưng thực ra chỉ là nhại cổ. Bởi vì, những câu chuyện ấy chỉ mượn cái vỏ cổ, còn thực chất bên trong là cái nhìn mới, quan niệm mới đảo lộn toàn bộ tư tưởng của người xưa. Truyện Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp là một ví dụ điển hình.

Nếu dựa vào truyện cổ có sẵn, truyện cổ viết lại thường dựa vào cốt truyện. Trong đời sống dân gian, những mẫu chuyện thần thoại, cổ tích chỉ tồn tại ở hình thức truyền miệng, cho nên cốt truyện là cái bất di bất dịch. Khi viết lại, nó trở thành bộ xương cho mọi tưởng tượng, hư cấu mới. Trường hợp mô phỏng, cốt truyện của truyện mới dù chưa bao gìơ được kể trong dân gian, nhưng người đọc vẫn cảm thấy quen quen như đã từng đã được nghe ở đâu đấy. Những tip và môtip như một thứ khuôn mẫu được sử dụng lại để người đọc có cảm giác đây là truyện cổ đích thực. Ở đây chúng ta chỉ nói thêm về những sáng tạo mới trong truyện cổ viết lại so với truyện cổ dân gian.

Sáng tạo mới là một yêu cầu tất yếu của mọi thứ văn học đã thành văn. Không có cái gì mới trong câu chuyện, tác phẩm trở thành nhàm chán và vô nghĩa. Viết lại truyện cổ không đồng nghĩa với sưu tầm truyện cổ. Grim, Pero, Nguyễn Đổng Chi… là những nhà sưu tầm. Nhưng, Puskin, Andecxen, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ là những nhà văn thực thụ. Chính họ đã làm cho truyện cổ mới hẳn. Nói chính xác, các nhà văn ấy đã làm cho kho tàng truyện cổ giàu có thêm, hấp dẫn thêm và gần gũi hơn với cuộc sống hôm nay.

Sáng tạo của truyện cổ viết lại, trước tiên, phải là sáng tạo một cái nhìn mới so với những gì đã cũ. Người xưa đơn giản hoá cuộc sống kéo theo những đơn giản trong sáng tạo nghệ thuật. Đơn giản, Cóc cứ kéo theo cả bầy đoàn lên Trời là có thể thắng Trời. Lidơ cứ chịu khó đan những chiếc áo gai là có ngày cứu được các anh trai mình. Nàng Tiên Cá cứ nhẫn nhục chịu đựng đến ngày rồi cũng được sống hạnh phúc với chàng hoàng tử… Truyện cổ viết lại không được phép phá vỡ nguyên tắc tư tưởng “ở hiền gặp lành”, “chính nghĩa thắng gian tà” trong cái nhìn lạc quan của dân gian, nhưng câu chuyện phải được tổ chức lại một cách hợp lý để trẻ thơ hôm nay có thể tin cậy hơn cái điều mà chúng ít thấy trong thế giới hiện đại. Ngoài tính chất tập thể bầy đoàn, đội quân Cóc còn phải có tài trí thông minh, óc tổ chức và sự kiên trì dũng cảm, Cóc mới có thể có được sức mạnh thực thụ để chiến thắng đội quân nhà Trời (Con Cóc là cậu ông Giời, Nguyễn Huy Tưởng). Để cứu được các anh trai của mình, với Lidơ không thể chỉ là đức tính kiên trì mà còn là lòng quả cảm vượt qua bao nhiêu thử thách đến đau đớn và hy sinh (Bầy chim Thiên Nga, Andersen). Có khi với hoàn cảnh như nàng Tiên Cá, việc có được hạnh phúc với chàng hoàng tử chỉ là mong manh. Andersen đã táo bạo thay đổi màn có hậu đơn giản của truyện cổ dân gian thành một màn có hậu phức tạp hơn: nàng Tiên Cá rốt cuộc chấp nhận mối tình hạnh phúc trong đớn đau, chết cho tình yêu bất tử. Nàng tan ra thành bọt biển và theo ánh sáng mặt trời bay vào không trung (Nàng Tiên Cá, Andersen). Chính cái nhìn ấy làm cho truyện cổ đi từ cái ảo chuyển dần sang cái thực, sự sống ở thì quá khứ hoàn thành có khả năng chuyển sang thì hiện tại tiếp diễn. Truyện cổ viết lại phải là cái cầu nối giữa ngày xưa và ngày nay, giữa cổ điển và hiện đại.

Tình huống, biến cố trong cốt truyện của truyện cổ viết lại vì thế có khả năng phức tạp hơn truyện cổ dân gian. Vẫn là xung đột giữa các mặt đối lập: thiện và ác, giàu và nghèo, thông minh và ngu đần, thực tế và ảo mộng trong cái mô hình phân tuyến truyền thống, nhưng người viết lại truyện cổ phải khéo thêm thắt một số tình tiết làm cho diễn biến của câu chuyện vừa căng thẳng hơn, vừa hợp lý hơn. Từ sáu con Thiên Nga trong truyện cổ dân gian đến mười hai con Thiên Nga trong truyện cổ của Andersen, công việc của nàng Lidơ thêm bề bộn với bao nhiêu thử thách. Truyện cổ dân gian chỉ miêu tả công việc đan áo của nàng đơn giản, ngắn gọn, truyện của Andersen kéo căng câu chuyện ra thành chuỗi những ngày dài lo âu, mệt mỏi, đau đớn với bao sự rình rập đe doạ của những thế lực đen tối, thù địch. Mười hai chiếc áo Lidơ đan được để cứu các anh trai của mình là một kỳ công của sức chịu đựng và lòng yêu thương, sự kiên nhẫn và đức hy sinh cao cả. 

Viết lại truyện Cóc kiện trời, Nguyễn Huy Tưởng thực sự kéo được chuyện xưa, thật xa xưa thành câu chuyện của thời đại bằng cách tạo những điểm nhấn vào tình huống, biến cố sơ lược hoặc chưa từng có trong cách kể của dân gian. Cuộc hành quân của đội quân Cóc lên trời không đơn giản thoắt cái là đến nơi mà là một cuộc trường chinh vĩ đại, khi đến nơi là cuộc chiến ác liệt của trí thông minh và lòng dũng cảm với một thế lực có sức mạnh hơn mình. Câu chuyện không chỉ thú vị hơn, mà còn gợi lên hình ảnh những cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc trong kháng chiến.

Đặc sắc của truyện cổ viết lại chủ yếu dồn vào ở yếu tố ngoài cốt truyện. Nó bao gồm nghệ thuật mô tả nhân vật, ngoại cảnh thiên nhiên và đặc biệt là một thứ ngôn ngữ đã được phong cách hoá.

Nhân vật của truyện cổ dân gian chủ yếu loại hình hoá ở hành động qua các biến cố trong cốt truyện. Cả ngoại hình lẫn nội tâm hoặc giản lược, hoặc không có. Nhân vật vì thế trở nên trừu tượng, phiếm chỉ. Truyện cổ viết lại bổ khuyết vào cái khoảng trống ấy làm cho câu chuyện sinh động hơn, cụ thể, ấn tượng hơn. Andersen miêu tả vẻ đẹp của nàng Tiên Cá: “Nàng có làn da nhỏ mịn như cánh hồng, có đôi mắt xanh thẳm như nước biển. Nhưng nàng cũng giống như các chị, không có chân, chỉ có một cái đuôi như đuôi cá”. Nỗi nhớ lẫn niềm đau khi nàng Tiên Cá lúc nhớ quê hương: “Dần dần chân bớt đau, nàng nhìn ra biển cả, chạnh lòng nhớ đến những người thân yêu dưới đáy biển. Nàng bỗng thấy các chị đang cầm tay nhau hiện trên mặt biển, vừa bơi vừa hát véo von…” Chỉ mấy nét phác hoạ về dáng vẻ và suy nghĩ của Cóc, Nguyễn Huy Tưởng đã làm cho câu chuyện xưa trở nên mới mẻ, sinh động hẳn: “Cóc ngồi xổm trong hang con, cái miệng rộng há ra, cổ họng khan như cháy bỏng. Cóc biết cây cỏ, chim chóc, muông thú chết gần hết rồi. Họ hàng nhà Cóc cũng không còn sống sót được mấy. Nhìn ra ngoài hang, chỉ thấy giời mênh mông bao la đỏ chói. Cóc mở to đôi mắt lồi nhìn trừng trừng lên giời, miệng rộng nghiến lại. Cóc giận Giời lắm. Cóc chỉ tiếc mình bé nhỏ, nếu lớn, Cóc đã nuốt chửng ngay Giời vào bụng cho đỡ tức!”… Chính sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại hình và tính cách như vậy đã làm cho truyện cổ viết lại mất dần tính chất loại hình và có khả năng chuyển thành nhân vật cá tính. Những nhân vật nổi tiếng của Andersen như Lidơ (Bầy chim thiên Nga), Cu Nhớn, Cu Con (Cu Nhớn, Cu Con), Giăng bị thịt (Giăng bị thịt)…, của Nguyễn Huy Tưởng như Gạo và Nhà (Tìm Mẹ), Cóc (Con Cóc là cậu ông Giời)… đều là những nhân vật có nét độc đáo không dễ quên.

Ngoại cảnh, thiên nhiên là nhân tố quan trọng trong sáng tạo của truyện cổ viết lại. Nó không chỉ đóng vai trò làm nền cho câu chuyện mà còn khơi sâu vào tâm hồn của người đọc chất lãng mạn trữ tình. Mất nhân tố này, câu chuyện kể lại nhiều khi khó vượt qua cái lõi cốt truyện vốn có của truyện dân gian. Một thiên tài văn học đôi khi còn biến cái ngoại cảnh tưởng chừng bị bỏ qua hoàn toàn trong văn học truyền miệng ấy thành những nhân tố nghệ thuật có chiều sâu. Trong kho tàng truyện cổ của mình, Andersen viết thật hay về thiên nhiên, ngoại cảnh. Có cảnh tuyết rơi long lanh dưới ánh nắng sặc sỡ muôn màu, cảnh hoa nở ngậm sương như những mắt ngọc, cảnh trời đêm đầy sao như đôi mắt trẻ thơ. Đây là ngoại cảnh xung quanh em bé bán diêm khi em quẹt đến cây diêm thứ ba: “Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Nôen. Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã thấy… Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành, lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc sặc sỡ như những bức bày trong các tủ hàng hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây, nhưng diêm tắt. Tất cả ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời”… Tất cả mọi khát khao hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ được thăng hoa trong cái ngoại cảnh ấy. Khi viết lại truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, Puskin không hề sơ lược khi để biển cả chỉ là cái nơi ông lão đánh cá, mà biến nó thành một nhân vật với ý nghĩa biểu trưng cho thái đô của thiên nhiên đối với con người. Lần thứ nhất, ông lão ra biển cả để xin cái máng lợn, “biển gợn sóng êm ả”, biển như hài lòng trước nguyện vọng chính đáng của bà lão, vợ ông. Lần thứ hai, khi bà lão đòi thêm cái nhà rộng, “biển xanh đã nổi sóng”, biển nhận ra lòng tham đã hiện hình ở người đàn bà ấy. Lần thứ ba, thứ tư, bà lão đòi làm nhất phẩm phu nhân, đến đòi làm nữ hoàng,“biển xanh nổi sóng dữ dội”, rồi “biển xanh nổi sóng mù mịt”, cơn giận của biển sắp đến cao trào vì lòng tham vô đáy của con người. Nhưng dù sao ở mức độ ấy, biển còn rộng lượng ban cho tất cả. Đến khi bà lão đòi làm Long Vương thống trị cả biển cả, thì lòng tham đã đẩy đến tận cùng: con người muốn vắt kiệt những gì có thể có của thiên nhiên. Biển nổi cơn thịnh nộ “một cơn giông tố mù mịt kéo đến…” trả lại cho gia đình bà lão trở về với những gì vốn có của mình. Câu chuyện đâu còn là bài học về lòng tham vô đáy của con người, mà còn là bài học về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên: thiên nhiên có thể cho con người nhiều thứ, nhưng thiên nhiên cũng có thể lấy tất cả. Trung thực, ân nghĩa với thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, mới là lẽ sống chân chính của con người.

Ngôn ngữ của truyện cổ viết lại cần phải cổ, nhưng có khả năng được phong cách hoá. Truyện cổ dân gian là ngôn ngữ chung, không có dấu ấn cá nhân. Trong khi đó, đọc truyện cổ viết lại , người đọc dễ nhận ra cái giọng văn man mác trữ tình rất riêng của Andecxen, cái đầm ấm lắng sâu trong chất giọng của Phạm Hổ, cái hóm hỉnh thâm trầm trong phong cách của Nguyễn Huy Tưởng… Ngôn ngữ của truyện cổ viết lại là thứ ngôn ngữ đã thành văn.

Cuộc sống mới đang diễn ra với nhiều đổi thay. Thế giới của cái huyền thoại, cái ngẫu nhiên bị đẩy lùi dần vào quá khứ. Truyện cổ được viết lại phải gần với sự thật và cái tất nhiên để có lý do đi vào cuộc sống hiện tại và tiến vào tương lai. Khuynh hướng tiểu thuyết hoá cái cổ kính đã làm cho truyện cổ viết lại không còn cổ xưa nữa.

Trích từ VĂN HỌC CHO THIẾU NHI (Châu Minh Hùng - Lê Nhật Ký) 
ĐH Quy Nhơn, 2003

2 nhận xét:

  1. Em xin phép được dẫn nguồn bài viết của thầy để nghiên cứu về phần sáng kiến kinh nghiệm dạy học truyện cổ tích ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Mong có nhiều bài hay để mọi người hiểu về bài . Cảm ơn thầy

    Trả lờiXóa