Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

VÌ SAO VĂN HỌC THIẾU NHI CỦA CHÚNG TA CHƯA HAY?







NVTPHCM- Trong một lần gặp gỡ các nhà văn viết cho thiếu nhi gần đây, nhà văn Tô Hoài đã phát biểu tỏ ý lo ngại, sốt ruột về sự ì ạch, nhợt nhạt của văn học viết cho thiếu nhi (gọi tắt là văn học thiếu nhi) trong nhiều năm qua. 


Sự nhìn nhận và tâm trạng của nhà văn Tô Hoài cũng là sự nhìn nhận và tâm trạng của nhiều nhà văn khác quan tâm đến lĩnh vực này. Thực tế là các nhà văn cũng như nhiều bạn đọc (ở đây chủ yếu là bạn đọc nhỏ tuổi) không mấy mặn mà với món quà tinh thần được làm ra để dành cho tuổi thơ - lứa tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất trong số dân và cần “quà” hơn bất cứ lứa tuổi nào khác.

Theo sự quan sát của chúng tôi, có mấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên:

1. Số người viết cho các em đang ít dần, và số nhà văn chuyên viết cho các em lại càng thưa thớt hơn nữa.
Lâu nay, những tên tuổi dành hầu như toàn bộ sự nghiệp của mình cho văn học thiếu nhi như Định Hải, Phong Thu, Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn… là vô cùng hiếm hoi.
Một số cây bút trẻ viết được một vài tác phẩm cho tuổi thơ rồi nhanh chóng chuyển sang viết cho người lớn. Hoặc có một số nhà văn “người lớn”, nhân một cuộc thi, một cuộc vận động nào đó, liền đổi bút sang tay trái để viết cho thiếu nhi, giống như người đang làm việc giữa chừng đứng lên tập mấy động tác thể dục để thư giãn.
Làm việc một cách thiếu tâm huyết, không chuyên chú và cầu âu như thế thì kết quả nếu có chỉ là sự ăn may. Một nền văn học thiếu nhi chủ yếu trông vào ăn may thì không thể phát triển vững chắc.

2. Sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta chưa hay.
Theo chúng tôi, có mấy điểm chưa hay rõ nhất:
a- Các nhà văn quen dùng tác phẩm của mình để “dạy dỗ” các em, lèo lái các em nghĩ theo, làm theo những thứ “chuẩn” luân lý, đạo đức. Và điều đó được thể hiện khá lộ liễu. Trong khi, một tác phẩm hay theo chúng tôi, phẩm chất đầu tiên của nó phải là sự hồn nhiên, tự nhiên, gần gũi với đời sống. Cái hay biết náu mình trong sự hồn nhiên, tự nhiên. Cái hay đó có thể chưa cảm nhận được ngay tức thì, nhưng rồi sẽ thấm dần, ngấm dần. Một tác phẩm thực sự hay thường gây được ấn tượng mạnh ngay từ khi người ta chưa kịp hiểu hết ý nghĩa của nó, và sẽ còn lưu lại trong tâm trí người ta mãi mãi.
b- Thiếu sự hài hước và trí tưởng tượng. Hài hước và tưởng tượng là hai trong số những phẩm chất cốt yếu tạo nên sự hấp dẫn cho những tác phẩm viết cho các em. Hài hước giúp người đọc duy trì được trạng thái hưng phấn, đọc mãi không  chán. Tưởng tượng dẫn dắt người ta đến những vùng đất lạ, những chân trời lạ, những thế giới lạ, giống như đi du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, các em vẫn mê đọc những chuyện khoa học viễn tưởng hoặc thần tiên, ma quỷ… Tưởng tượng là một phẩm chất vô cùng quý giá của con người. Với trẻ con, trí tưởng tượng rất cần được nuôi dưỡng, kích thích, và điều này có sự đóng góp vô giá của văn học.
c- Tốc độ chậm. Tôi muốn nói đến mạch văn, sự biến hoá của câu chữ và diễn biến của những tình tiết. Nhanh tạo ra sự cuốn hút. Với trẻ em lại càng không nên rề rà. Chỉ cần chậm lại một chút là sự chú ý của các em dễ bị ngắt quãng. Và khi đã bị “ngắt” rồi thì “nối” lại rất khó. “Ngắt” độ vài ba lần trong mấy trang đầu thì cuốn sách có nguy cơ bị bỏ dở vĩnh viễn.
d- Sự bịa đặt vụng về. Cái này khác với trí tưởng tượng, và thể hiện khá rõ trong loại truyện đồng thoại. Chúng ta bắt gặp trong không ít các tác phẩm viết cho các em có “nhân vật” cái bàn cái ghế, con chó con mèo… suy nghĩ, đi lại, nói năng, hành động như người. Nhưng đấy không phải là tưởng tượng. Đấy cũng không phải là “nhân cách hoá”. Đấy chỉ là sự gán ghép thô sơ, sự mô phỏng con người, mô phỏng đời sống con người một cách vụng về, thậm chí sống sượng.


3- Bị chia sẻ bởi các loại hình nghệ thuật, thông tin, giải trí khác:  
Văn hoá đọc xuống cấp là thực tế được thừa nhận trong những năm gần đây. Đọc sách không còn là niềm say mê, thú vui của nhiều người như trước, khi xung quanh họ tràn ngập các loại hình thông tin, giải trí khác như phim ảnh, tivi, internet… Sách văn học - trong đó có văn học thiếu nhi - là món ăn tinh thần bị xuống giá. Thiếu nhi bây giờ có đọc sách thì phần lớn cũng mê đọc truyện tranh hơn là truyện chữ. Và thơ cho các em thì lại càng ế ẩm. Tác phẩm viết ra không đến được với người đọc rộng rãi đương nhiên có ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả làm việc của người cầm bút.
Tuy nhiên ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng: nhiều loại hình thông tin, giải trí xuất hiện khiến cho số người đọc sách ít đi, nhưng không phải là nguyên nhân có tính chất quyết định. Bằng chứng là vẫn có những cuốn sách có sức hấp dẫn mạnh mẽ người đọc. Trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, có thể kể những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hoặc như “Harry Potter” của J.K. Rowling (Anh) được dịch ra tiếng Việt, v.v…

4- Chất lượng giáo dục kém:
Hiện tượng đa số các em học sinh các cấp trong nhà trường phổ thông (và cả ở đại học) càng ngày càng “tệ” trong khả năng viết lách không còn là cái gì quá bất ngờ đối với chúng ta. Năm nào báo chí cũng trích dẫn những bài văn dở khóc dở cười của các “cô tú”, “cậu tú”. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, nếu không phải là chất lượng giáo dục kém? Một khi kiến thức văn chương của nhiều giáo viên dạy văn hiện nay không vượt ra ngoài sách giáo khoa; một khi giờ học Văn là giờ học nặng nề khó nhọc, môn Văn bị coi là vô bổ, đáng ghét… thì làm sao sách văn học chẳng bị ghẻ lạnh?

5- Văn học thiếu nhi và các nhà văn viết cho thiếu nhi chưa được coi trọng đúng mức:
Hội Nhà văn Việt Nam - tổ chức mang tính xã hội - nghề nghiệp cao nhất của các nhà văn - chưa từng độc lập đứng ra tổ chức một cuộc thi, một cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi (các cuộc này nếu có thì Hội thường tham gia với danh nghĩa phối hợp với các cơ quan, tổ chức chủ quản khác). Hội chưa có giải thưởng hàng năm dành riêng cho những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Các trại sáng tác văn học cho thiếu nhi cũng chỉ được tổ chức năm thì mười họa.
Một số nguyên nhân nêu ra như trên chắc chắn chưa đủ, và cũng có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng qua đó chúng tôi cũng muốn rút ra một số điều. Chẳng hạn như sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về vai trò của văn học thiếu nhi, để từ đó có những quan tâm chăm sóc thích đáng của xã hội, của nhà nước; hoặc những cố gắng tìm lại cho các em thói quen và niềm say mê đọc sách văn học… Nhưng muốn nói gì thì nói, để có tác phẩm hay thì sự nỗ lực tự vượt mình của các nhà văn vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu. Hãy thử đọc các tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất sắc của các nhà văn nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt (chỉ kể một số gần đây): Momo, Chuyện dài bất tận (M.Ende), Peter Pan (J.M. Barrie), Mắt sói (D.Pennac), Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm (M.Haddon), Nhóc Nicolas: những chuyện chưa kể (Goscinny & Sempé), Harry Potter (J.K.Rowling), Biên niên sử về Narnia (C.S.Lewis), Khu vườn bí mật (Hodgson Burnett)… Trong đó, có những tác phẩm đã ra đời cách đây nửa thế kỷ (như Nhóc Nicolas…) và cả thế kỷ (như Khu vườn bí mật). Không hiểu với người khác thế nào, chứ với chúng tôi thì những tác phẩm đó luôn luôn gây nên sự kinh ngạc, phấn khích; luôn luôn khiến mình phải đặt ra những câu hỏi: cái gì đã làm nên sự hấp dẫn lạ lùng đó? các nhà văn Việt Nam có thể viết được như thế không? tại sao không thể viết được như thế? v.v…
Đã có nhiều cây bút của chúng ta thực sự trăn trở với văn học thiếu nhi, thực sự ham học hỏi và làm việc chuyên cần, thực sự nỗ lực để tự vượt lên mình hay chưa? Câu trả lời là hình như chưa!
Tôi chỉ xin phép có một vài nhận xét cá nhân như vậy về thực trạng văn học thiếu nhi của chúng ta. Những điều vừa phát biểu là với tư cách của một kẻ cũng đã từng cầm bút viết cho các em, chưa nhiều, chưa hay, nhưng khá trăn trở về công việc mình làm. Có gì chưa thấu đáo, chưa đầy đủ, chưa đúng, cũng xin quý vị thể tất.

24/5/2001
Trần Đức Tiến
Nguồn: Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét