Hoàng
Trọng Thắng là một tác giả còn khá xa lạ với nhiều người. Quê ông ở xã Nhơn
Khánh, TX An Nhơn, tập kết ra Bắc và làm việc trong ngành công nghiệp. Ngoài
công việc chuyên môn của một kĩ sư điện hóa, Hoàng Trọng Thắng còn say mê sáng
tác thơ văn. Ông đã xuất bản được năm tập thơ truyện, trong đó có hai tập đồng
thoại dành cho thiếu nhi là Bambi trong rừng và Những cuộc phiêu lưu của Ong
Mai.
Bambi
trong rừng là một truyện dịch, chuyển ngữ từ tác phẩm Bambi của nhà văn Áo
Fe’lix Salten. Đó là một câu chuyện cảm động về cuộc đời của chú nai Bambi giữa
chốn rừng xanh. Sau thời gian hạnh phúc ngắn ngủi bên mẹ, nai Bambi bước vào
cuộc sống tự lập với biết bao nhiêu khó khăn, thử thách. Ở đây, Hoàng Trọng
Thắng đã “viết lại” tác phẩm của Fe’lix Salten bằng một thứ ngôn ngữ Việt
mượt mà, đằm thắm.
Được
khuyến khích từ thành công bởi Bambi trong rừng, Hoàng Trọng Thắng nối dài
mạch văn đồng thoại của mình bằng tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai.
Tập sách dày gần 150 trang này được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào năm 2008
với số lượng lớn (5.000 bản). Hai năm sau, sách được nhà xuất bản Hải Phòng in
lại, lần này với số lượng 1.000 bản. Những ai quan tâm tới tình hình xuất bản
chắc chắn sẽ thấy đây là những con số rất ấn tượng.
Nhân
vật chính của câu chuyện là Ong Mai, một con ong mật giàu cá tính, không an
phận. Ong Mai đã bay qua nhiều vùng đất khác nhau, tiếp xúc với nhiều dạng nhân
vật khác nhau như Chuồn Chuồn, Châu Chấu, Bọ Hung, Kiến, Ruồi, Muỗi, Nhện…
Mỗi một cuộc gặp gỡ được Hoàng Trọng Thắng xây dựng thành một câu chuyện độc
lập, thuận cho việc
miêu tả những đặc điểm tự nhiên của đối tượng, đồng thời gián tiếp đề cập tới
một số vấn đề xã hội nào đó. Phải thoát ly định kiến trong vấn đề nhìn vật,
nhìn người là một ví dụ.
Nhân
vật Bọ Hung là một trong những hình tượng thể hiện thông điệp này của tác giả.
Bọ Hung khao khát tình bạn song nó bị khước từ vì làm nghề “bới phân bò”. Trước
đây, trong Dế Mèn phiêu lưu kí, nhà văn Tô Hoài dạy các em không nên đánh giá
con người qua hình thức. Đến Hoàng Trọng Thắng, quan điểm trên đã được mở rộng
sang khía cạnh “địa vị xã hội”. Đó là sự mở rộng cần thiết, có tác dụng xây
dựng lối sống nhân văn, tôn trọng muôn loài.
Tác
giả tâm tình, tôi viết tác phẩm này xuất phát từ một mục đích rất rõ ràng -
mang lại cho các em nhiều bất ngờ thú vị, bổ sung được nhiều kiến thức cần
thiết cho quá trình học tập và rèn luyện nhân cách. Khi đọc văn của Hoàng Trọng
Thắng, các em sẽ dễ thu nhận được nhiều từ ngữ cần thiết về động vật nói riêng,
thế giới tự nhiên nói chung. Các em cũng sẽ học được ở đó cách hành văn trong
sáng, biểu cảm; cách sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh…
LÊ NHẬT KÝ
(Báo Bình Định, 24/10/2016)
(Báo Bình Định, 24/10/2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét