Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

DẾ MÈN MÃI MÃI ĐỒNG HÀNH VỚI THẾ HỆ TRẺ


Tôi nghĩ không biết có tác phẩm văn học nào khi mới ra đời đã nổi tiếng, và sau đó gần như luôn đồng hành với các thế hệ học sinh trong nhà trường như Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài? Khi tác phẩm Con Dế Mèn được viết xong năm 1940 in vào năm 1941 là lúc tác giả mới hai mươi tuổi. Sau đó tác giả viết tiếp Dế Mèn phiêu lưu kí và năm 1955, tác giả gộp hai truyện trên, có sửa chữa, bổ sung thành truyện Dế Mèn phiêu lưu kí như hiện nay.


Không được biết trước đó các bậc cha chú có thích thú chú Dế Mèn không, nhưng trong kí ức của tôi, cuộc Đấu võ của Dế Trũi với Bọ Muỗm, của Dế Mèn với Bọ Ngựa là một cuộc đấu tuyệt vời. Khi ấy, tôi đâu có biết nhà văn Tô Hoài, cũng chẳng biết tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí. Tôi chỉ biết cuộc đấu võ trích trong sách Tập đọc ấy gây cho mình cảm giác thích thú, vì tính cách kiêu ngạo, hống hách, thù dai của mấy nhân vật ấy chẳng khác mấy với những tay choai choai trong bọn trẻ chúng tôi.
Sau này lớn lên, biết đọc, biết nhớ tên tác giả, tác phẩm, tôi đã vô cùng phấn khích khi được đọc một mạch tác phẩm hấp dẫn này. Và tôi biết, chú Dế Mèn luôn đồng hành với các thế hệ học sinh nước ta.
Vì sao tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí lại có vinh dự lớn như vậy? Đây là câu trả lời của các nhà soạn sách mà tôi thấy thật hợp lí: “Dế Mèn là một hình ảnh đẹp của tuổi trẻ, ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lí tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp” (Ngữ văn 6 tập 2, nxb Giáo dục, 2002, trang 9). Chỉ có tuổi trẻ mới mạnh mẽ, sôi nổi, ham hiểu biết, ham cái mới, ham phiêu lưu, khám phá và mới có cái nhìn về lớp người cổ hủ như hai ông anh của Dế Mèn. Một người nhút nhát không dám chống trả địch thủ bị đánh tơi bời, luôn ốm yếu, sợ sệt; một người bám vào quan niệm cổ lỗ, không muốn đi đâu xa, khư khư ngồi ở xó nhà “Tôi lại nghĩ giá tổ tiên tôi mà biết được việc này hẳn các cụ cũng phát chán cái thằng con cháu cứ khư khư ôm miếng đất đến mòn đời, chẳng làm được gì để lấy tiếng thơm cho cha ông. Anh này mới dúm tuổi mà lụ khụ hơn cả người già lẫn cẫn”.
Dế Mèn ôm hoài bão kêu gọi “muôn loài cùng nhau kết anh em”. Tư tưởng yêu hòa bình, tôn trọng lẫn nhau của Dế Mèn là một tư tưởng tiến bộ, tốt đẹp. Phải chăng vì thế mà tác giả được tặng Bằng khen của Hội đồng hòa bình thế giới về tác phẩm này? (Theo Văn học 6 tập 1 sách chỉnh lí, nxb Giáo Dục, 1995, trang 75).
Nhà sách thiếu nhi online thì giới thiệu về tác phẩm như sau: “Dế Mèn phiêu lưu ký được xem là những trang văn mẫu mực của văn học thiếu nhi. Dường như mọi câu, đoạn, hình ảnh đều tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm thẩm mỹ của người đọc[…]Những vấn đề nóng hổi như là: cái thiện và cái ác, chiến tranh và hòa bình, lí tưởng và lẽ sống được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc”.
Nhưng Dế Mèn phiêu lưu kí không chỉ hấp dẫn, cuốn hút bởi nội dung tiến bộ, tích cực mà còn hấp dẫn bởi nghệ thuật quan sát, miêu tả tinh tế của một nhà văn bậc thầy tài năng chín sớm. Các nhà nghiên cứu gần như nhất trí đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm. “Dế Mèn phiêu lưu kí thể hiện tài quan sát tinh tường, sự hiểu biết và lòng yêu mến thế giới loài vật của Tô Hoài, cùng với ngòi bút miêu tả và kể chuyện sinh động hóm hỉnh của nhà văn. Tác phẩm đã dựng lên một thế giới loài vật thật sinh động, trong trắng, ngộ nghĩnh, rất gần gũi với tâm lí tuổi niên thiếu” (Văn học 6 tập 1 sách chỉnh lí, đã dẫn, trang 75).
Kể từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã có ba lần thay đổi, chỉnh lí sách giáo khoa. Nhưng dù sao, tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí vẫn luôn có mặt trọng chương trình và trong sách.
Sách Văn 6 tập 1, nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 1986, Dế Mèn phiêu lưu kí được bố trí học 6 tiết. Ba chương được trích học là chương I: Tôi sống độc lập từ thuở bé - một sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời…; chương VI: Tranh hùng với võ sĩ bọ ngựa. Chánh phó thủ lĩnh tổng châu chấu - thề rằng sinh tử có nhau… và chương IX: Lại một chuyện rủi ro với các bạn kiến - Sự tức giận của mấy cô bé học trò - ai có công nhất?
Đến năm 1995, sách Văn học 6 tập 1 chỉnh lí, các tác giả vẫn giữ nguyên các phần trích, nhưng không ghi tên chương.
Đến năm 2002, Sách giáo khoa Ngữ văn 6 của chương trình mới vẫn có Dế Mèn. Tuy vậy, lần này tác phẩm được chuyển sang tập 2. Và thời lượng dành cho tác phẩm cũng rút bớt từ 6 tiết xuống còn 2 tiết. Chương một của tác phẩm rút bớt đi hơn một trang in. Người biên soạn đặt nhan đề mới: Bài học đường đời đầu tiên.
Đúng là một bài học lớn cho Dế Mèn. Vì sự khinh suất và nghịch ngợm của Dế Mèn mà Dế Choắt đã phải trả một cái giá bằng chính mạng sống của mình. Tuy vậy, người bạn ốm yếu đáng thương ấy không hề có một lời trách móc, mà lại đưa một lời khuyên chân thành: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biêt nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”. Chính bài học này đã làm cho Dế Mèn tỉnh ngộ, bỏ thói kiêu căng, luôn làm việc thiện, trở thành một nhân vật được các loài vật yêu mến. Và tất nhiên giành được sự cảm mến của các bạn đọc trẻ tuổi.
Với các bạn đọc nhí yêu thích tìm hiểu thế giới loài vật xung quanh, những miêu tả về họ nhà Chuồn Chuồn thật thú vị, có thể làm mẫu về sự quan sát: “Chuồn Chuồn Chúa lúc nào cũng như dữ dội, hùng hổ, nhưng kì thực đôi mắt lại rất hiền. Chuồn Chuồn Ngô nhanh thoăn thoắt, chao cánh một cái đã biến mất. Chuồn Chuồn Ớt rực rỡ trong bộ quần áo đỏ chót giữa ngày hè chói lọi, đi đằng xa đã thấy. Chuồn Chuồn Tương có đôi cánh kép vàng điểm đen thường bay lượn quanh bãi những hôm nắng to. Lại anh KỈM KÌM KIM lúc nào cũng lẩy bẩy như mẹ đẻ thiếu tháng, chỉ có bốn mẩu cánh tí tẹo, cái đuôi bằng chiếc tăm dài nghêu, đôi mắt lồi to hơn đầu, cũng đậu ngụ cư vùng này”. Nhưng đoạn miêu tả họ nhà Kiến cũng rất đặc sắc.
Nhà văn Tô Hoài chẳng những quan sát tinh tế, miêu tả sinh động từng loài vật như Xiến Tóc, Bọ Ngựa, Bọ Muỗm, Kiến Chúa, Châu Chấu Voi, Dế Mèn, Dế Trũi, Dế Choắt… mà ngôn ngữ kể chuyện cũng rất cuốn hút. Ngoài những từ ngữ hóm hỉnh, ý nhị, nhà văn còn sáng tạo ra không ít những từ mới mang thương hiệu Tô Hoài. Chỉ kể sơ qua một số từ ngữ ngẫu nhiên, nhưng rất bất ngờ và thú vị:
Ngắn hủn hoẳn, nhai ngoàm ngoạp, chết ngay đuôi, gầy vêu vao, dài nghêu, mặt ngắn củn, ngã ngoẹo càng, gươm cong hoắt, chạy ton ton, chạy liên liến,… Những từ ngữ này đã làm giàu thêm kho từ vựng và giúp miêu tả một cách chính xác các đối tượng.
Chú Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài năm nay cũng đã vào tuổi “Thất thập cổ lai hi”. Chú cũng đã đi du lịch khắp thế giới bằng các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc… Chương trình mới sau năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không rõ có đất dành cho Dế Mèn hay không. Nhưng tôi tin chắc chú Dế Mèn ấy sẽ mãi mãi đồng hành cùng các bạn đọc nhỏ tuổi, những người gần gũi với các trò đổ dế, chọi dế, gần gũi với thiên nhiên, thích tìm tòi và ưa hoạt động.
Hà Nội, tháng 11/2012
Vũ Nho
Nguồn: tonvinhvanhoadoc.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét