Trẩu trẩu trầu trầu
Mày làm chúa tao
Tao làm chúa mày
Tao không hái ngày
Thì tao hái đêm(Câu hát của bà em)
Thì tao hái đêm(Câu hát của bà em)
Đã ngủ rồi hả trầu
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ
Bà tao vừa đến đó
Muốn xin mấy lá trầu
Tao không phải ai đâu
Đánh thức mày để hái!
Trầu ơi, hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày chìa ra nhé
Không làm mày đau đâu...
Đã dậy chưa hả trầu?
Tao hái vài lá nhé
Cho bà và cho mẹ
Đừng lụi đi trầu ơi!
Bài thơ “Đánh thức trầu’’ tôi đã được đọc rất lâu rồi. Dạo đó,
tôi học lớp ba. Một tối, bà ngoại tôi đến chơi, muốn có mếng trầu ăn. Mẹ
tôi bảo tôi mang đèn ra vườn hái trầu, nhớ vặn to đèn, để cây trầu nhận ra
chủ, không phải là kẻ trộm. Trước khi hái phải nói: “Trẩu trẩu trầu trầu/Mày làm chúa tao/Dậy cho tao hái”. Mẹ tôi bảo ngày xưa, mẹ tôi hái trầu đêm, bà tôi cũng
dặn thế. Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi.
Tôi chẳng biết đấy có phải là
câu ca dao hay không, hay chỉ là câu vè mà mẹ nghĩ ra để dạy tôi. Khi bà
ngoại mất, mẹ tôi xé chiếc khăn tang ra thành hàng trăm mảnh nhỏ: “Con hãy
ra đeo tang cho cây cối đi, không cây nó héo lụi mất. Bà mất rồi. Con thấy
cây cối có buồn không ?”. Thế là tôi lại ra vườn, lụi cụi đeo tang cho từng
cây trầu, cây cau, cây na... Cả khu vườn nhà tôi trắng xoá màu tang. Trong
con mắt tôi thời ấy, cây cối, trâu bò, gà lợn, chó mèo… Cũng có niềm
vui, nỗi buồn như những con người . Tình cảm ấy, tôi tiếp nhận được từ mẹ,
tiếp nhận rất tự nhiên và nói ra trong những suy nghĩ của mình. Lúc ấy, tôi hoàn
toàn không biết đó là thủ pháp nhân hoá trong nghệ thuật. Mẹ tôi không có ý
định dạy tôi làm nghệ thuật. Vì bà chưa từng được cắp sách tới trường lớp ngày
nào. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu mẹ tôi. Đó là khi anh tôi lập gia đình và
có con. Mẹ tôi dặn: “Chúng mày phải dạy trẻ con yêu thiên nhiên, yêu
cây cối và các con vật trong nhà. Một đứa trẻ bẻ ngọn cây non mới trồng, bắn
chết con chim đang bay, hay phang gẫy chân con gà, con chó thì rồi sau này
lớn lên, chúng nó cũng sẽ làm điều ác đối với con người...”. Hoá ra đó là một bài học
rất sâu sắc mà mẹ tôi đã dạy cho tôi từ thủa còn ấu thơ. Tôi yêu bài thơ đánh
thức trầu cũng từ bài học ấy...”.
P/s: Nhan đề do chúng tôi đặt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét