Phạm Hổ cầm cọ |
Sinh ra để viết cho thiếu nhi
Hoàn toàn có thể nói như vậy khi chúng ta nhìn vào quá trình hoạt động sáng tạo
văn chương của ông. Cụ thể, ở điểm xuất phát, Phạm Hổ ít nhất có ba lần lựa
chọn con đường lập thân.
Lần đầu, ông không thuận theo ý nguyện gia đình là
theo đuổi con đường chính trị, trở thành một công chức có tước vị cao sang. Về điều này,
trong bài thơ Ngày giỗ má, ông viết như sau: “Má muốn con chức tước cao
sang/ Con chỉ mong làm thơ, viết sách”. Lần thứ hai, ông cũng không muốn trở
thành một người cầm cọ chuyên nghiệp theo định hướng của người thầy, hoạ sĩ
danh tiếng Nguyễn Đỗ Cung. Lần thứ ba, đó là lúc ông ra Bắc tập kết, hoàn toàn
có thể trở thành nhà văn chuyên viết cho người lớn. Bởi trước đó, ông đã rất
nổi tiếng với bài thơ Những ngày xưa thân ái và nhiều tác phẩm khác. Tài
năng và môi trường làm việc (Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ) đảm bảo cho
ông gặt hái những thành công mới nếu đi theo hướng này. Thế nhưng, ông chọn lối
rẽ về phía trẻ em, quyết tâm trở thành nhà văn chuyên viết cho trẻ thơ.
Sự lựa chọn của
ông, cố nhiên, là kết quả của những tương tác cộng hưởng từ nhiều điều kiện chủ
quan và khách quan. Trước hết, đó là ảnh hưởng của người anh trai, nhà văn Phạm
Văn Ký. Trong thời gian làm chủ bút tờ Gazette de Huế, ông Phạm Văn Ký
đã đưa Phạm Hổ ra Huế học tập. Trong Những kỉ niệm về anh Phạm Văn Ký,
Phạm Hổ cho biết: mỗi tháng, Phạm Hổ “phải đọc bốn quyển sách hồng (livre rose)
rồi viết tóm tắt bằng tiếng Pháp cho anh tôi xem”. Cách học này vừa giúp Phạm
Hổ trau dồi ngoại ngữ, vừa tích luỹ hiểu biết; từ đó, hình thành tình yêu đối
với văn học thiếu nhi.
Trong những năm
kháng chiến chống Pháp, Phạm Hổ hoạt động ở chiến trường Liên khu V. Ngoài những
công việc của một thư kí Chi hội Văn hoá Cứu quốc, ông còn được khuyến khích
làm sách Hoa kháng chiến, một loại sách dành cho thiếu nhi, tương tự như
loại sách Kim Đồng mà các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… thực hiện ở
Việt Bắc. Công việc này chính là sự khởi đầu cho quá trình dấn thân vào văn học
thiếu nhi sau này của ông.
Mặt
khác, sau khi
đặt chân lên đất Bắc, Phạm Hổ bắt gặp ngay không khí sôi nổi, khẩn trương của
các văn nghệ sĩ trong việc xây dựng nền văn học nghệ thuật phục vụ thiếu niên
nhi đồng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Ông nhanh chóng hoà mình vào
không khí ấy, cùng các nhà văn: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Thy Ngọc, Võ Quảng…
thường xuyên bàn bạc, chăm lo cho nền văn nghệ vì trẻ em. 1983, ông được bầu
giữ chức Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam. Công
việc này càng khiến ông có trách nhiệm hơn đối với bạn đọc nhỏ tuổi.
Cố nhiên, điều
quan trọng lại nằm ở chính bản thân nhà văn. Ông, như nhận xét của thi sĩ Trần
Đăng Khoa là “món quà đặc biệt mà Tạo hoá đã thửa riêng, làm riêng để
trao tặng các đấng con trẻ”(Người ở xứ thần tiên). Ở ông, chúng ta bắt
gặp những năng lực thiên phú, bao gồm khả năng hồn nhiên, cái nhìn trong trẻo
và phương pháp hoà điệu với tâm hồn tuổi thơ. Chính điều đó đã khiến cho những
tác động bên ngoài trở nên những nguyên cớ đẹp đẽ, có ý nghĩa đối với việc góp
phần đem lại một tên tuổi lớn trong lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam.
Thực tế cho thấy,
không ít người xem viết cho thiếu nhi là một công việc “làm thêm”, là “lấy nhi
đồng nuôi người lớn” hay chỉ là chỗ “tạm trú” trên con đường gia nhập vào đội
ngũ văn chương người lớn. Phạm Hổ trái lại, ông xem viết cho các em là một hạnh
phúc, là một cách cống hiến cho nhân dân và đất nước. Ông nói: “Đối với tôi,
được sống và viết cho các em là cả một hạnh phúc. Tôi thường lấy lòng yêu các
em bé của tôi để làm cái thước đo lòng
tôi yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu con người. Tôi yêu và say mê công việc của
tôi”. Thái độ này đã được Phạm Hổ duy trì, nuôi dưỡng trong suốt đời văn dài
tới 60 năm của ông. Trong quá trình ấy, với sự thay đổi mạnh mẽ của thời cuộc,
của đời sống văn chương, hẳn nhiên, không phải là ông không hay biết. Nhưng ông
chẳng mảy may bận tâm, so đo hơn thiệt; chỉ một mực dồn tâm huyết lên trang
viết. Sự kiên trì và chuyên tâm ấy khiến ông tạo dựng được hình ảnh, “thương
hiệu” của mình trong dư luận bạn đọc nói chung, trẻ em nói riêng.
Đặc biệt ở mảng tiểu
luận phê bình về văn học thiếu nhi, ông còn được Bộ Giáo dục và đào tạo đặt
hàng thường xuyên, nhằm phục vụ việc giảng dạy và học tập trong nhà trường,
tiêu biểu như: Những bài thơ em yêu, Văn miêu tả và kể chuyện… Những
điều ấy cho thấy Phạm Hổ là một ngòi bút đa dạng, và văn học thiếu nhi là “mảng
mạnh” trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông.
Từ “nhà thơ
tình bạn đến “bác Chuyện hoa, chuyện quả”
Lâu nay, bạn đọc
gọi ông là “nhà thơ tình bạn” và “bác Chuyện hoa, chuyện quả”. Việc định danh
như vậy phản ánh được những nét trội trong nghệ thuật văn chương của nhà văn.
Trước hết, ông là
nhà thơ viết nhiều và viết hay về tình bạn của tuổi thơ. Ngay trong kháng chiến
chống Pháp, tại quê nhà Bình Định, Phạm Hổ đã viết bài thơ Chú bò tìm bạn
nổi tiếng: “Mặt trời rúc bụi tre/Buổi chiều về nghe mát/Bò ra sông uống
nước/Thấy bóng mình, ngỡ ai/Bò chào: - Kìa, anh bạn/ Lại gặp anh ở đây!/ Nước
đang nằm nhìn mây/ Nghe bò, cười nhoẻn miệng/ Bóng bò chợt tan biến/ Bò tưởng
bạn đi đâu/ Cứ ngoái trước nhìn sau/ Ậm ò… tìm gọi mãi…”. Bài thơ về sau được
đưa vào giảng dạy trong nhà trường, đã in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ học
sinh tiểu học. Nó cũng là thi phẩm đầu tiên mang tên Phạm Hổ đã được đăng kí
đường hoàng vào lịch sử thi ca thiếu nhi Việt Nam, là một dấu chỉ quan trọng để
bạn đọc ghi nhớ, kiếm tìm về đặc điểm phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Trước bài thơ
này, ông đã được biết đến với Những ngày xưa thân ái, một bài thơ phản
chiến, đề cập đến một tình huống oái ăm trong chiến tranh. Đó là việc hai người
bạn thời thơ ấu đối đầu nhau trong một trận đánh, và người chiến thắng đã không
giấu nổi nỗi xót xa, cay đắng: “Tôi cúi nhìn mặt hắn/ Khóc hắn thời ấu thơ”...
Phạm Hổ cho biết,
ông đặc biệt quan tâm tới tình bạn của con người trong cuộc sống. Vì thế, ông
đã viết nhiều tập thơ nói về đề tài này: Chú bò tìm bạn, Bạn trong
vườn, Những người bạn im lặng, Những người bạn nhỏ, Ai kêu
đấy? và Bạn nào thích nhảy…
Chủ đề tình bạn
còn lan sang một số tác phẩm văn xuôi của Phạm Hổ: Bê và Sáo, Em bé
hái củi và chú hươu con… Đó là những đồng thoại hấp dẫn, thể hiện nguồn cảm
hứng dồi dào và sự linh hoạt trong cách thể hiện của nhà văn.
Bên cạnh thơ ca,
Phạm Hổ cũng rất thành công ở thể loại truyện cổ tích hiện đại. Ở thể loại này,
nổi bật hơn cả là tập Chuyện hoa, chuyện quả, gồm 47 truyện xoay quanh
đề tài về sự tích về một số loài hoa, quả như cây vạn thọ, hoa thiên lý, củ
nhân sâm… Nhà văn cho biết, hồi kháng chiến chống Pháp, ông có dịp đi từ Bình
Định ra Việt Bắc để tham dự Đại hội Hội Văn nghệ Việt Nam. Trong chuyến đi ấy,
ông đã nhiều lần ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của cây rừng Trường Sơn. Ý định viết về
cây, về hoa và quả nảy sinh từ đó. Nhưng phải nhiều năm sau, ông mới thực hiện
được mong muốn này. Ông chọn cổ tích, muốn thông qua thể loại này để dẫn
dắt tuổi thơ vào thế giới cỏ hoa kì thú.
Những con sóng
nhớ thương
Gần 2/3 cuộc đời,
nhà văn Phạm Hổ sống cảnh xa quê. Vì thế, không khó để nhận ra vì sao hình ảnh
quê hương lại xuất hiện thường xuyên trong thơ văn ông đến thế. Cụ thể, về thơ,
ông có Dáng đi Bình Định, Quy Nhơn, Thanh gươm nghĩa quân Tây
Sơn, Nhớ má, Người quê tôi…; Về văn, ông có Cây bánh tét
của người cô, Cụ Tú, Gió biển Quy Nhơn, Nửa đêm thức giấc,
Cuộc đời chú Hưng tôi… Trong những tác phẩm trên, chất liệu nghệ thuật
được nhà văn khai thác triệt để là các mảnh hồi ức về người thân, về những
chuyện trong gia đình mà ông hoặc chứng kiến, hoặc trải nghiệm. Chúng được bao
bọc bởi những nhớ thương, những suy nghiệm qua nhiều tháng năm xa cách. Vì thế,
mỗi một hình ảnh, mỗi một chi tiết hiện lên trên trang viết của ông đều thấm
đẫm cảm xúc, tính triết lí và niềm tự hào về quê hương xứ sở.
Nổi bật lên trong
hệ thống tác phẩm này, có thể nói, đó là cảm hứng về “những con sóng nhớ
thương” được thể hiện ở cả trong văn và thơ.
Trong bài thơ Biển
viết ngay trước ngày lên đường ra Bắc tập kết, Phạm Hổ nói rằng, biển là một
trong ba yếu tố cấu thành cuộc đời của ông. Và trong Gió biển Quy Nhơn, Nửa đêm thức
giấc, Phạm Hổ cho biết, ông có một khoảng thời gian được gia đình
cho xuống Quy Nhơn ăn học. Ngôi nhà trú học ở ngay sát biển nên “suốt ngày đêm
tôi được sống trong ngọn gió biển và nghe tiếng sóng vỗ lúc nhỏ, lúc to”, và “tôi
đã sống nhiều năm trong ngọn gió ấy, với rất nhiều kỉ niệm, vui cũng có, buồn
cũng có…”. Ông
nhớ mãi cái cảm giác lâng lâng khi đón ngọn gió biển từ dưới Giã (một tên gọi
của Quy Nhơn) thổi lên, nhớ về những đêm nằm trên bờ biển cảm nhận rõ rệt ngọn
gió “đang thổi mát bên trên người tôi” và âm thanh cuộc sống cần lao đang lắng
dần khi biển đã về khuya…
Phạm Hổ đã gắn bó
với biển cả Quy Nhơn bắt đầu bằng tình yêu đầy lãng mạn mà cũng rất thực tế của
tuổi học trò. Sau này, khi đã đi xa hay lúc trở về, sóng gió Quy Nhơn càng cho
ông thêm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tháng 7/1975, nhà thơ Phạm Hổ được trở về thăm quê hương sau hơn hai mươi năm dài
xa cách. Trong chùm thơ ngày trở về, ông có riêng bài Quy Nhơn nói về
niềm vui được “gặp lại những con sóng nhớ thương”. Bài thơ ăm ắp kỉ niệm, lâng
lâng niềm vui, chuyện xưa hoà vào chuyện nay đầy phấn chấn, rạo rực:
“Đêm nay, đêm đầu tiên
Tôi cùng với đồng bào thành phố
Sau đằng đẵng hai mươi năm xa cách
Lại kiêu hãnh cùng nhau đón làn gió mát
Của cả một đại dương bát ngát, tự do…”.
Ngòi bút của Phạm
Hổ rất dồi dào cảm xúc nhưng luôn biết cách lắng đọng cần thiết. Vì thế, bạn
đọc luôn có được những chia sẻ suy nghiệm thú vị khi đọc tác phẩm của ông.
Di sản văn
chương Phạm Hổ và ứng xử của chúng ta
Những ngày đầu 1. 2017, nhà
biên kịch Phạm Sông Đông, con gái út của nhà văn Phạm Hổ, về thăm quê. Trong
cuộc gặp gỡ giữa chị và một số văn nghệ sĩ tỉnh nhà do Hội VHNT Bình Định tổ
chức, con người và sự nghiệp văn chương của Phạm Hổ được nói tới nhiều. Các nhà
nghiên cứu, nhà văn: Nguyễn An Pha, Lệ Thu, Lê Hoài Lương, Phạm Sông Đông, Trần
Quang Khanh, Mai Thìn, Trần Xuân Toàn… đã chia sẻ nhiều kỉ niệm, nhiều ấn tượng
khi đọc thơ văn của Phạm Hổ. Cuộc gặp cũng đã đặt ra một số vấn đề có ý nghĩa
thiết thực về việc ứng xử của chúng ta với di sản văn chương Phạm Hổ nhằm quảng
bá hơn nữa, tôn vinh hơn nữa tên tuổi cùng những giá trị nghệ thuật của ông.
Lê Nhật Ký
Bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Định, số Tết Đinh Dậu, 2017
Tranh của Phạm Hổ |
Box:
Nhà thơ Phạm Hổ sinh năm Giáp Tý (1924) tại Thanh Liêm,
Nhơn An, Thị xã An Nhơn,
tỉnh Bình Định. Anh trai ông là nhà văn Phạm Văn Ký (đoạt Giải thưởng cho tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp của
Viện hàn lâm Pháp năm
1961) và em trai là nhạc
sĩ Phạm Thế Mỹ. 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam và
NXB Kim Đồng. Ông mất ngày 4.5.2007 tại Hà Nội sau khi được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt I, để lại
nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, kịch và hội họa. Trong đó có một số tác phẩm
tiêu biểu: Thơ: Chú bò tìm bạn (Tuyển tập thơ, chọn từ hơn 15 tập thơ
in riêng từng tập, in lần thứ 3, có bổ sung, NXB Kim Đồng, 1997); Chuyện hoa
chuyện quả (Tuyển tập văn
xuôi, 1993); Kịch: Mỵ Châu -
Trọng Thủy (Kim Đồng, 1993); Thơ: Những ngày xưa thân ái (Hội Nhà văn, 1956); Ra khơi (Hôi Nhà văn, 1960); Đi xa (Hội Nhà văn, 1973); Những ô cửa - những ngả đường (Hội Nhà văn, 1982); Truyện: Vườn xoan (Hội Nhà văn, 1962); Tình thương (Phụ nữ, 1973); Cây bánh tét của người cô (Hà Nội, 1993)…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét