Trong nguồn sách báo quốc
ngữ được xuất bản bởi Imprimerie de Quinhon những năm
đầu thế kỉ XX, có một số ấn phẩm dành riêng cho trẻ em. Nằm trong số đó, “Bài
Vẽ - Hoạch” là một cuốn sách có giá trị về nhiều mặt, nhất là về giáo dục đạo
đức, ứng xử cho trẻ em…
Tác giả cuốn sách này là ông Huỳnh Trước, một người
Thiên Chúa giáo sinh trưởng ở Nam Bộ. Sách do Imprimerie de Quinhon xuất bản
vào năm 1927, tại Quy Nhơn. Như nhiều ấn phẩm quốc ngữ khác do Imprimerie de
Quinhon xuất bản, cuốn sách này thực sự là một tư liệu quý về nhiều mặt – ngôn
ngữ, văn hoá và văn chương Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Trong mục “Ớ trẻ con!”, một dạng của lời nói đầu, tác
giả cho biết mục đích biên soạn cuốn sách này. Theo ông, các em là lớp người
“hay vui – cười, chơi – nhỡn, tọc mạch” song chưa biết “để trí nghĩ – suy” về
“những điều hằng xem – thấy trước mặt”. Vì vậy, để “trí khôn được tường hiểu”,
thâu nhận được “tình ý loài thọ – sanh” thì các em nhất thiết phải học hỏi,
lắng nghe lời dạy bảo của những người đi trước. Như vậy, cốt lõi giá trị của
“Bài Vẽ - Hoạch” chính là tinh thần giáo dục, khai tâm, khai trí, giúp trẻ em
phát huy những năng lực tốt đẹp vốn có của bản thân.
Toàn bộ nội dung của cuốn sách được tác giả trình bày
trong 38 trang, gồm 30 câu chuyện về cuộc sống trong gia đình và xã hội. Trong
gia đình, ông kể chuyện “Cái nón cũ”, “Đứa nhỏ đau”, “Ông nội tôi chết”, “Bà
tôi”… Ngoài xã hội, ông kể chuyện “Xe hơi chết máy”, “Đám xác”, “Lão say rượu”,
“Ngày Tết”, “Khe suối”… Nhìn vào hệ thống tiêu đề nói trên, có thể thấy, người
kể chuyện không có ý dẫn dắt tuổi thơ đi
vào thế giới kì bí hay tôn giáo mà hướng vào những sự việc, những con người
trong cuộc sống bình dị thường ngày. Ông muốn cùng các em tìm kiếm ý nghĩa cuộc
sống bắt đầu từ những gì gần gũi, thân thuộc nhất. Có thể nói, quan điểm giáo
dục của tác giả ở cuốn sách này hoàn toàn phù hợp, tích cực.
Những chuyện kể trong cuốn sách đều ngắn
gọn, có sự kết hợp linh động giữa “kênh chữ” và “kênh hình” (tranh minh hoạ),
giữa kể và tả, giữa biểu đạt và biểu cảm… Sự kết hợp này đã khiến cho lời văn
trong “Bài Vẽ - Hoạch” trở nên sống động, có đường nét của hiện thực và màu sắc
tình cảm con người. Chắc chắn rằng, vào thời điểm ra đời, cuốn sách đã được các
độc giả nhỏ tuổi đón nhận với tất cả niềm vui sướng, cảm thấy được thoả mãn nhu
cầu giải trí, phát triển ngôn ngữ và giáo dục đạo đức, nhân cách.
Về giải trí, cuốn sách tuy nói toàn chuyện thường ngày
mà vẫn không hiếm những sự lạ, đủ kích thích lòng hiếu kì của trẻ em. Tác giả kể
về chiếc xa hơi bị chết máy với hình ảnh “anh cầm tay bánh nhảy xuống (…) sửa
hết sức, quây chong – chóng cho máy bắt giung”, còn “mấy chị đờn – bà lao –
xao, xăng – văng, chéo – véo hỏi sửa được rồi chưa” (Xe hơi chết máy); chuyện
lão say rượu “mặt đỏ – gay, cặp mắt lộn – tinh, miệng thì méo – trề (…), nằm
gác mỏ trên mép mương”, rất xấu xí (Lão say rượu). Trong sách, người đọc còn gặp
những chuyện lạ đầy thơ mộng như chuyện đi
câu cá trong thời khắc “mặt – trời rà – rà xuống nước, bóng tối gần vuột đến”và
chim chóc tìm về tổ ngủ (Đi câu cá); hay chuyện tác giả hồi nhỏ đi chăn dê
thường chọn chỗ khe suối có “nước nơi đá chảy ra trong vắt, đổ xuống ri – re,
túa ra trắng như bạc” làm nơi nghỉ trưa (Khe suối)…
Về giáo dục, cuốn sách chứa đựng nhiều thông điệp cuộc
sống hữu ích đối với trẻ em, không chỉ thời trước mà ngay cả trong thời đại
hiện nay. Ưu điểm của cuốn sách này là tác giả sử dụng lối trò chuyện tâm tình,
không lên giọng giáo huấn như chúng ta vẫn thường thấy ở một số sách dạy trẻ
khác. Hầu hết những chuyện ông kể đều là
kết quả của trải nghiệm và quan sát của bản thân trong thời thơ ấu cũng như lúc
đã trưởng thành. Sau khi mô tả ngắn gọn sự việc, ông đều khép câu chuyện của
mình bằng một nhận xét, cũng có khi là một cảm xúc của bản thân. Do đó, bài học
làm người mà cuốn sách đặt ra thường nằm ở các đoạn kết câu chuyện. Quan sát chùm
chuyện nói về “Đứa ở dơ”, “Đứa làm biếng” và “Đứa làm phách”, chúng ta sẽ thấy
rõ điều đó:
- “Nó không biết quý chuộng thì – giờ, để ngày lụn tháng
qua như nước chảy dưới cầu, như ngựa qua cữa – sổ” (Đứa làm biếng);
- “Thằng Luốc tuy mập – mạp, sáng trí; mà vì ăn dơ ở
nhớp, nên bịn – rịn đau mãi, không đi học cho thường được, mà phải thua sút
chúng bạn” (Đứa ở dơ);
- “Trẻ em muốn cho kẻ yêu người vì, thì phải giữ sự
khiêm – từ, biết kính kẻ lớn nhường người nhỏ” (Đứa làm phách).
Đó là những bài học rất thiết thực cho
trẻ em mà bất cứ phụ huynh nào khi đọc cuốn “Bài Vẽ - Hoạch” này hẳn đều nhất
trí đồng tình. Cuốn sách quả đã cung cấp nhiều bài học hữu ích về kĩ năng sống,
về những phẩm chất đạo đức mà bản thân mỗi cá nhân cần đạt được trên tư cách
một con người của gia đình và xã hội.
Ở thời điểm ra đời, “Bài Vẽ - Hoạch” chắc
chắn còn là một cuốn sách giúp các em phát triển về ngôn ngữ. Khi đọc những câu
chuyện của tác giả Huỳnh Trước, các em sẽ thu hoạch được một vốn từ vựng kha
khá về gia đình, xã hội, phong tục và thế giới tự nhiên. Các em cũng học được
cách miêu tả sự vật, hiện tượng, cách làm giàu yếu tố biểu cảm, một khó khăn mà
bất cứ học trò nào cũng gặp phải khi học tập làm văn. Thiết nghĩ, những điều
vừa nói trên không chỉ là kinh nghiệm văn chương cho các thế hệ trẻ em ngày
trước. Ngày nay, “Bài Vẽ - Hoạch” còn cho chúng ta thấy được phần nào diện mạo
tiếng Việt quốc ngữ những năm đầu thế kỉ
XX, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nó trong gần một thế kỉ qua.
Bình Định tự hào là nơi phôi thai chữ
quốc ngữ, nơi có nhà in Làng Sông (hay nhà in Qui Nhơn – Imprimerie de Quinhon)
nổi tiếng một thời. Chính tại nhà in này, nhiều ấn phẩm sách báo quốc ngữ đã
được xuất bản, góp phần tích cực vào việc phổ biến, đưa lại sự thắng thế của
chữ quốc ngữ trong bối cảnh nền văn hoá chuyển sang phạm trù hiện đại.
Cuối cùng, cần ghi nhận thêm điều này: tác giả Huỳnh
Trước là một người Thiên Chúa giáo rất yêu thương trẻ em và lòng kính Chúa. Vì
vậy, ông đã xây dựng nội dung cuốn sách trên
tinh thần hài hoà, hướng tới những vấn đề giáo dục căn bản nhất, phổ quát nhất
mà bất cứ tôn giáo, dân tộc nào cũng đều coi trọng. Nhờ vậy, tác phẩm của ông
có khả năng mở rộng độc giả, trở thành cuốn sách của bất cứ trẻ em nào…
LÊ NHẬT KÝ
(Bài in trên Báo Bình Định, ngày 11/1/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét