"Giấc ngủ trưa của Cún Cưng được gối đầu trên những cái bắp tay non tươi trắng ngà trắng ngọc của các chị thuộc U. gái một con, nên trong cơn mê Cún Cưng cũng trằn trọc ư, ử…ư, ư… chờn vờn mộng mị".
Cả tuần nay, cơ quan tôi bàn tán râm ran chuyện vị Giám đốc đương nhiệm đã có thông báo chuẩn bị nghỉ hưu, không biết rồi cấp trên sẽ bổ nhiệm ai lên thay thế nắm quyền. Dù là ai chăng nữa, thì nhất định tân Giám đốc cũng sẽ làm cho cơ quan có một đổi thay nào đó, ít nhất cũng phải mở thêm cái cửa sổ cho thoáng khí, hoặc kê lại hướng ngồi.
Có người đoán rằng, trong hai vị thuộc diện qui hoạch cán bộ kế cận hiện nay là Phó giám đốc và Trưởng phòng Kế toán sẽ có một vị được đẩy lên. Thế là trong cơ quan sẽ có phản ứng dây chuyền chuyển ghế, một số người sẽ được tịnh tiến đi lên.
Không hẳn như thế. Công việc kế cận nầy người ta đã làm gần mười lăm năm nay rồi, đã thấy đề bạt được mấy ai. Có người được thăm dò, bỏ phiếu kín bình bầu diện kế cận hết năm nầy sang năm khác, đến khi hết độ tuổi chuyển sang đi ngang, rồi chờ nghỉ hưu.
Một lần, trong một cuộc vui, tôi nâng ly xun xoe chúc mừng một người anh đồng nghiệp là Phó giám đốc, vừa được đắc cử vào ngôi kế cận Giám đốc sở (Có Quyết định về việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, ký chú và đóng dấu son hẳn hoi):
- Chúc mừng ông anh Giám đốc kế cận!
Anh ta trừng mắt đe nẹt ngay:
- Ông Giám đốc đương nghiệm đứng sờ sờ kia kìa, đừng có phạm thượng! Lo mà liệu cái thân mầy đi! Làm cán bộ tổ chức mà cứ như gà mờ lên chuồng. Mầy không thấy người ta trẻ hơn tao cả nửa con giáp và sức lực có thể vật ngã cả Voi chín ngà đấy à. Khi đi ra đường, mũ bảo hiểm là vật bất ly thân.
Lại có người săn tin đoán già đoán non rằng, cấp trên sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ, một vị nào đó đang là lãnh đạo phòng, ban cấp trên được điều xuống tôi luyện thêm thực tiễn ở cơ sở, để rồi nay mai vượt cấp đi lên.
Dự đoán nầy cũng sai nốt. Vì mối quan hệ giữa ngành với lãnh thổ, Tổ chức nhất trí tiếp nhận một lãnh đạo nữ từ chính quyền địa phương giới thiệu chuyển sang. Nghe nói chị nầy trình độ chuyên môn cũng khá, đã qua cao cấp lý luận Mác-Lê nin; xét về tuổi đời, thừa tiêu chuẩn để ứng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ một khóa nữa. Nhưng tại chị ta có thói xun xoe nịnh hót một cách quá đáng, nên vị Chủ tịch không chuộng.
Vị nữ tân Giám đốc mới về hôm trước thì ngày hôm sau cơ quan tôi đã có sự đổi thay tức thì: Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính bế đến cơ quan một chú chó con. Công bằng mà nói thì chú chó con ấy đẹp thật, chó đực lai nửa ta nửa tây, trắng phau phau và béo núc ních như chó nhồi bông.
Dù có đẹp bao nhiêu chăng nữa thì chó vẫn là con chó. Ai thấy cũng chỉ để mắt nhìn qua, theo thói quen uốn lưỡi “trót, trót” vài tiếng cho vui rồi đi lo công việc. Anh bảo vệ luôn miệng nhắc nhở: “Chớ có dại mà thò tay vào, nhỡ nó đớp cho một miếng lại mất công, tốn tiền cho mấy mũi vắc-xin tiêm phòng bệnh dại, lại thêm mất sức và tổn hại nơ-rôn thần kinh”.
Nhưng lạ thật! Chú chó con ấy được cấu tạo bằng vàng, hay là nó có thuật thôi miên, mà chỉ một lúc sau, gần như cả cơ quan ai cũng giành nhau bồng bế, không bế được thì cũng phải thò tay vuốt ve vài cái cho phải phép, rồi chép miệng, gật gù khen “Đẹp quá, đáng yêu quá he!”?
Chú chó con ấy không có phép thuật nào cả, vẫn là cấu tạo bằng thịt xương loài chó, mai này lớn lên nó cũng biết “khóc đứng khóc ngồi”, đòi “mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng” như ai. Nhưng nó quí ở chỗ: Trường phòng Tổ chức - Hành chính vừa mới rỉ tai rằng, vị nữ nhi tân Thủ trưởng là một người rất yêu quí các con vật nuôi- Đặc biệt nhất là loài chó. Và chú chó con ấy có tên gọi thật đáng yêu: Cún Cưng.
Ngay lập tức, một vấn đề được đặt ra tranh cãi sôi nổi không kém gì bàn nhân sự: Tại cơ quan có nên nuôi chó hay không? Kẻ nói có, người nói không, chia thành hai phe đối nghịch. Riêng tôi, ít ra cũng đã một lần nếm mùi chó cắn, cách đây những mười lăm năm. Ngày ấy tôi còn chạy xe bán vé xổ số kiến thiết trong huyện, không may bị con chó nhà lành đớp một miếng vào bắp chân. Vậy là phải cắn răng chịu đựng đến những bảy mũi tiêm phòng quanh lỗ rốn. Chao ôi, đời tôi rụng rốn đến hai lần!
Tôi theo phe số ít, giữ lập trường kiên quyết: Không nuôi. Hạ hồi phân giải, tuân theo nguyên tắc biểu quyết bằng giơ tay. Phần thắng thuộc về số đông.
Cũng bắt đầu từ hôm ấy, hầu như mọi người trong cơ quan ai cũng phát sinh tình yêu thương chó đến điên cuồng, ngây dại, hy sinh một cách tự nguyện vì chó. Thức ăn cho chó chẳng thiếu thứ chi. Các chị sợ Cún Cưng hao gầy ví thiếu sữa mẹ, nên mua trứng vịt lộn, xương hầm, nấu cháo thịt bò tẩm bổ; mua phổi phèo về chiên xào, chưng cách thủy cho em ăn, để mai nầy lớn lên có tiếng sủa ầm vang như hổ báo.
Trên bàn nhậu hay trong tiệc tùng cao sang, bao giờ các anh cũng nhớ nhắc các em bồi bàn gói đùm một vài miếng gì ngon ngon đem về thay món, để em ăn cho đỡ ngán. Sau mỗi bữa ăn, Cún Cưng cũng biết dùng bánh bích qui, sô-cô-la, kẹo lạc, kẹo vừng tráng miệng. Đặc biệt em cũng khoái ngồi gác cằm, dạng chân, hỉnh mũi chờ các chị cắn hạt dưa đút vào mồm nhai tóp tép…Việc chăm sóc các công việc khác cho em được đặc trách cho vài ba o tre trẻ: tắm rửa có giờ, mỗi ngày hai ba bận, khăn tắm cho em phải là loại khăn bông mềm, sạch sẽ, trắng tinh và thơm mùi nắng như ga trải giường bệnh viện; mùa đông đến, em được mặc áo quần tinh tươm như đi làm xiếc.
Giấc ngủ trưa của Cún Cưng được gối đầu trên những cái bắp tay non tươi trắng ngà trắng ngọc của các chị thuộc U. gái một con, nên trong cơn mê Cún Cưng cũng trằn trọc ư, ử…ư, ư… chờn vờn mộng mị.
Mèn ơi! Không biết cha sinh mẹ đẻ ra Cún Cưng vào cái thời khắc nào mà sung sướng tấm thân đến thế.
Ở cơ quan, ai có khó khăn, Ban Chấp hành Công đoàn đi vận động quyên góp thăm nom; phần nuôi Cún có riêng một cái hòm lạc quyên “Vì Cún Cưng”; tiền chẵn, đồng lẻ mọi người tự nguyện sung vào. Để đảm bảo cuộc sống lâu dài, chắc nay mai phải mở riêng cho Cún Cưng một tài khoản tiền mặt và cử người quản lý trông coi?
Sau mấy ngày nghỉ cuối tuần cơ quan vắng vẻ, vào một sáng thứ hai nọ, mọi người đi làm, mới nghe đánh tiếng đầu ngõ, Cún Cưng mừng quýnh lên, chạy tuôn ra, liền bị xe đụng. Xe ngã, người ngã, tất nhiên Cún cũng ngã theo. Cơ quan nháo nhào, các o lo bế Cún Cưng vào xoa dầu cấp cứu, quên mất hai mẹ con người phụ nữ đi trên xe nằm lăn lóc trên đường.
Trông thấy sự đời như thế, mấy anh trai tráng trong cơ quan không ít lần phải thốt lên rằng: ước chi mình được làm thân con Cún!?
Việc ưu ái với một con chó như thế, cũng có vài người xầm xì không hay, nhưng lập tức bị số đông liệt vào loại giới công chức dân chơi không sành điệu, thiếu tình yêu thiên nhiên, thậm chí bị chê là tư cách nhân văn thấp kém. Cứ thử nhìn ra các nước Âu, Mĩ mà soi, từ cụ già cô đơn đến các minh tinh màn bạc Hô-li-út, họ ăn ở với chó, đi đứng chơi bời với chó, ngủ nghê với chó…mà vẫn sang như Tây. Ai mà đụng đến chó của họ, lập tức họ phát đơn khởi kiện ra toà án Liên bang.
Đáp lại tình yêu thương của nhiều người, Cún Cưng siêng ăn và mau lớn. Chắc có lẽ nhờ quá gần gũi con người nên Cún Cưng vượt trội sự tinh khôn của loài chó, biết nhận biết mức độ tình cảm ở mỗi người để có những biểu hiện thích hợp: Nằm lăn kềnh, dạng chân ra để được gãi bụng; nhảy cẫng hai chân trước lên, để được dắt đi như dáng con người; cà mông vặn vẹo và ngoáy tít cái đuôi, rồi rên ư ử để được bế bồng, cưng nựng…Ai trong cơ quan không yêu thương mình Cún Cưng cũng biết và có cách hành xử riêng, khi gặp họ chỉ ngước mũi lên chào, vẫy đuôi đi theo dăm ba bước rồi âm thầm rẽ ngang lẫn tránh. Nhưng số người ấy trong cơ quan chỉ tính trên đầu ngón tay.
Ngộ nhất là Cún Cưng cũng rất ham vui luận bàn chính sự, những lần lãnh đạo họp giao ban hay tiếp khách, Cún Cưng tót lên ghế sa-lon ngồi chống hai chân trước, ngẩng cao đầu, khịt mũi, vẫy tai, điềm nhiên như một thành viên danh dự. Những lần như thế, Cún Cưng được cô Thủ trưởng xoa đầu vuốt ve trìu mến. Chỉ tiếc rằng Cún Cưng không biết đưa tay xin phát biểu ý kiến.
Không phải vì được sung sướng cưng chiều mà Cún ta lống xương lười biếng. Không cần sự phân công, bày vẽ, Cún Cưng vẫn làm việc tận tụy và hết sức trách nhiệm: Canh cửa, trông nhà, đuổi mèo, rượt chuột. Hôm nào các vị lãnh đạo đi vắng, Cún Cưng đến nằm chình ình ngay trước cửa phòng làm việc, người lạ đố ai bước vào được. Dù đó là cửa phòng ông Phó Giám đốc, ông hay đá vào đít Cún Cưng. Khi rảnh rỗi Cún lấy bóng ra sân một mình chơi tung hứng bằng mõm, rất điệu nghệ. Các chị, các o phiền lòng nhất là Cún Cưng hay nghịch giấy lộn, cứ lôi ra cắn xé, xả vung vãi khắp nhà. Hình như Cún tưởng rằng cử chỉ ấy là nếp sống văn minh đối với phái đẹp, cần phải rắc hoa trải thảm chào mừng, để các chị các o có những bước đường thơm.
Thương Cún Cưng nhất là vào mỗi chiều tan tầm, mọi người phải về nhà, Cún cũng muốn đi theo một ai đó, nhưng chẳng được rủ rê, đành ở lại cơ quan với mấy anh bảo vệ. Không buồn đời nằm phơi râu, Cún cũng biết thức cho các anh ngủ. Ban đêm các anh cứ việc chốt cổng, yên tâm mà ngủ cho đẫy giấc nồng, có kẻ trộm vào hoặc cấp trên xuống kiểm tra đột xuất, Cún sủa xồ…xồ… lên là các anh dậy ngay tức khắc. Vì vậy mà các anh ấy cũng rất yêu thương Cún, nhưng không khéo nuông chiều như các chị, các o.
Mọi người lo nhất là sợ Cún Cưng buồn tình chạy ra đường tìm bạn. Bọn Cẩu tặc lẫn khuất khắp mọi nơi hang cùng hẻm nhỏ, trông thấy Cún múp míp non tơ như thế kia, mắt chúng chớp sáng như mèo thấy mỡ, sẵn sàng đập óc ngay. Nhưng mọi người khỏi lo, Cún khôn và nhớ dai lắm. Chỉ duy nhất có mỗi một lần bị xe đụng dạo nọ; từ đó cạch đến già. Nay, ngay ngoài ngõ dù có tổ chức lễ hội đón rước Tiên Cẩu Hoàng đi chăng nữa, thì Cún Cưng cũng chỉ dám đứng trong nhìn ra, để cho bọn Cẩu tặc bên ngoài thèm chảy rỏ dãi.
Dân Cẩu tặc còn dùng trò đánh bả nữa. Đã mấy lần bọn chúng tẩm thuốc độc vào thịt nướng thơm lừng ném vào cơ quan, chỉ cần Cún Cưng bập vào là lăn quay đơ ra ngay. Nhưng Cún Cưng sành ăn lắm, chỉ ngửi qua là biết ngay và tránh né liền.
Thời gian qua mau, Cún Cưng lớn nhanh hơn nhổ giò, tiếng sủa ồ ồ như lệnh vỡ. Đáng lẽ phải đặt lại cho Cún một cái tên khác cho có vẻ thanh niên oai vệ, ví như Vá Chằn hoặc Bạch Mã chẳng hạn. Nhưng với các chị, các o thì Cún Cưng vẫn là Cún Con.
Sáng hôm ấy, tự nhiên thấy Cún Cưng buồn tư lự, không vui vẻ tung tăng như mọi khi, cứ dạo loanh quanh, đôi mắt ướt thẫn thờ. Chắc chuyển trời nên Cún Cưng khó ở. Vào giữa buổi có một vị khách đến giao dịch, một cô gái nhỏ nhắn, nét mặt hiền lành, cử chỉ nhỏ nhẹ. Cún Cưng đang nằm ở nhà trong đột nhiên đứng dậy, khịt khịt mũi mấy cái, rồi từ từ tiến đến lượn quanh cô gái ấy mấy vòng. Cô gái hơi sợ nên đứng im thin thít.
- Em đừng sợ! Cún Cưng to xác vậy chứ hiền lành và khôn lắm, không răng mô, nó muốn làm quen đấy mà – Có tiếng ai đó từ phía trong nói nhắn ra như thế.
Cún Cưng ngước mõm lên hít hít mấy cái rồi nằm sấp xuống choãi hai chân trước ra ôm chân cô gái, nghiêng đầu ngước mắt nhìn lên. Hình như Cún Cưng muốn cầu khẩn một điều gì. Thấy vậy, cô gái ngồi xuống. Và ngay lập tức gần như Cún Cưng ngã lăn vào cô gái nọ.
Mọi người tròn mắt ngạc nhiên, thấy chuyện lạ có thật. Lần đầu tiên Cún ta đến làm quen và quấn quýt với một người khách lạ. Cô gái xoa đầu Cún, Cún vồ lấy bàn tay ấy hít lấy hít để, rồi nằm kềnh ra ườn mình ưỡn bụng.
Bỗng nhiên cô gái vòng tay ôm Cún Cưng, bẽn lẽn cười rúc rích:
-Biết tỏng tòng tong cu cậu rồi! Nhà em cũng có nuôi một con chó, cũng cỡ như vầy, nhưng là con cái, vừa mới cho phối giống hôm qua. Trước khi đến đây, em có bồng và chơi với nó, nên cu cậu ở đây ngửi được mùi “gái”, cứ quấn lấy em như thế đấy. Các chị lo… cưới zdợ gấp cho nó đi!
Vừa nói dứt câu, cô gái đẩy Cún Cưng ra rồi chạy biến xuống cầu thang. Cún ta đứng tần ngần ve vẫy đuôi nhìn theo tiếc nuối. Hóa ra chuyện đực cái của loài chó cũng khá tình tứ đa đoan.
Ngay sau giờ làm việc buổi sáng, cơ quan có một “cuộc hội ý nội bộ” gồm những người quan tâm đến Cún Cưng để tìm cách cho cậu ta “đi tơ”. Cái khoản ấy con vật đến kì cũng đòi hỏi không khác chi con người.
Cún Cưng đói, các o, các chị cho ăn, khát cho uống, nóng cho quạt, lạnh lẽo cho áo quần, thậm chí cho cánh tay vừa trắng vừa tròn để Cún Cưng gối vẹt giấc nồng, nhưng đến kì đòi “đi tơ” của cậu thì mọi người chịu thua! Truy tìm trong cơ quan xem thử nhà ai có nuôi chó? Có nhiều đấy, nhưng cũng chỉ toàn giống đực rựa. Vậy là ngay trong nuôi chó cũng đã mất bình đẳng giữa đực và cái, bên trọng bên khinh, để dẫn đến hậu quả mất cân đối về giới tính.
Trước mắt, chỉ còn cách lục lọi tìm địa chỉ nhà cô khách hàng nọ, tính bài thương lượng nhờ “nàng” chó nhà cô ấy giúp đỡ Cún Cưng. Chuyện lâu dài, cơ quan cần nuôi thêm một con chó cái, để khi Cún Cưng đến kì còn có bạn, có đôi.
Cả buổi chiều và tối, Cún Cưng rất buồn, dạo loanh quanh trong cơ quan, cứ chõ mõm hít hít, khịt khịt khắp nơi; chán chê hít ngửi đánh hơi lại vươn cổ, ngước mõm nhìn lên, xừng tai nghe ngóng. Đêm đã về khuya mà trông thấy Cún Cưng như vậy, anh bảo vệ cũng cảm thấy bồn chồn lo lắng. Với kỹ năng của loài chó tinh khôn, hình như Cún Cưng đã ngửi được một chuyện gì đó?
Dạo lang thang hoài cũng buồn, Cún Cưng vào hiên nằm như mọi khi, nghếch mũi ngó ra, mắt lim dim như ngái ngủ. Bỗng Cún Cưng bật dậy, cất hai chân trước lên như ngựa phi nước đại, kêu ư ử…gầm gừ… rồi phi thẳng ra cào cấu vào cánh cổng. Hình như có con gì vừa vờn ngang qua? Anh bảo vệ chạy ra dòm quanh. Cổng sắt vẫn đóng im lìm, đèn đường sáng choang, chung quanh yên tĩnh.
Anh bảo vệ vừa quay vào nhà, lập tức Cún Cưng xô tới, nhe răng ngoạm vào ống quần kéo đi. Hai bên lôi kéo nhì nhằng một lúc, anh bảo vệ nhảy lùi lại, Cún a tới làm hung. Bỗng “Soạt…” một tiếng. Cái ống quần anh bảo vệ rách toang. Anh ta hoảng hốt lắp bắp liên hồi “Chó Cún! Chó Cún! mầy không được làm thế. Đừng…đừng… cắn tao!”. Con chó không còn nghe ra tiếng người nữa.
Anh bảo vệ chợt nhận ra Cún Cưng điên mất rồi! Lờ đờ cả ngày nay, giờ nó nổi máu cuồng điên, tấn công cả chủ. Anh ta lao ra cửa vọt chạy. Tức thì, một cuộc chó rượt đuổi người loạn xạ trong cơ quan. Tất nhiên anh bảo vệ không thể chạy nhanh hơn con chó. Anh bảo vệ chạy lại luống cuống mở cổng hòng thoát thân ra ngoài. Cánh cổng vừa hé, nhanh như chớp, con chó phóng vọt ra như một mũi tên bắn, tuôn thẳng ra đường. Anh bảo vệ đóng sầm cổng lại, đứng ôm ngực thở dốc.
Mới kịp hoàn hồn, hình như ngoài đường có tiếng chó tru, anh bảo vệ càng luống cuống hơn. Biết làm sao được bây giờ? Con chó điên, nhưng lại là Cún Cưng, con vật đáng yêu của Thủ trưởng! Không thể đụng đến được. Chợt sực nhớ ra điều gì, anh bảo vệ đáo ngược vào nhà chộp lấy cây súng và cái đèn pha. Phải hạ sát ngay con chó điên, nếu để nó tấn công người ngoài, ngày mai cơ quan sẽ rất rắc rối. Sự đời lắm khi nhiễu chuyện, lỗ bé xé cho to. Không khôn khéo cư xử đẹp lòng với thiên hạ, có khi chỉ vì một con chó chạy rông mà có người bị kỷ luật, hạng cán bộ xếp cuối bảng lương như anh ta cũng có thể bị mất việc làm.
Vừa nhào ra khỏi cổng, anh bảo vệ bỗng nghe một tiếng “cốp” khô khốc gần như cùng lúc với tiếng “oẳng…” cụt lủn; ngay sau đó là tiếng rồ ga xe máy xé trời đêm lao đi mất hút.
Chợt thấy chỗ góc phố gần đó có bóng người, anh bảo vệ tiến lại. Anh nhìn thấy một người đàn ông mặc bộ đồ rằn ri, đội cái mũ lưỡi trai màu đen kéo sụp xuống che kín trán. Ông ta có dắt theo một con vật gì đó? Anh bảo vệ pha đèn vào nó. Một con chó cái màu đen. Con chó ấy đang nằm bệt trên vỉa hè, dạng chân run rẩy, dí mũi liếm liếm vào chỗ giữa bẹn. Nó đang khiếp sợ và đau đớn!
Anh bảo vệ quay mặt, rùng mình, miệng lẩm bẩm: “Lũ người ác nghiệt! Chúng bay cũng biết dùng đến diệu kế “Mỹ nhân chó”, đã đập chết Cún Cưng ngay trên lưng bạn tình của nó, giữa cơn hoan lạc cuống cuồng”.
Trên đường vào lại cơ quan, anh bảo vệ nhặt được một quyển sổ nho nhỏ màu đen. Vào nhà giở ra xem, anh thấy người ta ghi từng dòng rõ ràng, có thứ tự hẳn hoi: Số nhà…, ngày…tháng…năm…, ghi chú (phần ghi chú lác đác có đánh dấu chéo). Trong đó, có một dòng ghi rõ địa chỉ cơ quan anh, ngày tháng năm trùng với thời gian Cún Cưng được đưa về nuôi.
Một tiếng “À…” rõ dài, anh ta vừa phát hiện ra một điều khá bất ngờ: Lai lịch chó cũng được người ta lưu vào sổ đen để theo dõi, biết đến cả thời kì động đực, đòi tơ và số phận chó cũng đã được lũ người kia định đoạt trước, vạch mưu săn bắt. Anh bảo vệ châm lửa đốt quyển sổ và kèm theo một câu chửi thề: “Đ. mẹ cái lũ đời ôn dịch! Đi bắt trộm chó mà cũng có tuồng cảnh, lớp lang; có lý lịch trích ngang, có đội quân chuyên nghiệp”.
Mất Cún Cưng rồi! Cả cơ quan buồn xo ro, mấy chị, mấy o ngồi ôm mặt khóc. Người đang âu lo là anh bảo vệ, phải gấp gấp đến bệnh viện để tiêm phòng bệnh dại. Vì trong lúc giằng co với Cún Cưng khi đêm, chân anh ta bị chảy máu. Nhưng đó lại không phải là điều quan trọng nhất. Lo nhất là ngày mai, khi Thủ trưởng đi công tác về, không biết anh ta sẽ ăn nói như thế nào đây? Làm bảo vệ cơ quan mà không giữ nổi con Cún Cưng của Sếp thì còn bảo vệ được ai!?
Bùi Tự Lực
Nguồn: Hội ngộ văn chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét