Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

TÊN TRỘM NỔI TIẾNG



Sebastian làm việc nhiều giờ liên tục trong ánh sáng mờ của căn phòng sặc mùi sơn dầu. Anh mỉm cười ngắm bức tranh, rồi viết chữ nhỏ vào góc dưới bên phải bức tranh. Cánh cửa chợt mở. Một người đàn ông bước vào lên tiếng: “Nghỉ thôi chứ! Cậu có biết mấy giờ rồi không?”. 

Anh nhìn điện thoại di động của mình – đã gần 12 giờ đêm. “Tôi muốn hoàn thành bức tranh cho ông trước khi trời sáng” – Sebastian nói. “Cậu không phải gấp quá thế. Cậu mới vẽ từ hôm qua thôi mà”- ông Mertzil, giáo sư Trường Thiết kế trung tâm nghệ thuật đầy uy tín - trách yêu. Rồi ông tiến tới giá vẽ, mắt trợn tròn kinh ngạc không rời khỏi bức tranh. Còn anh đứng lặng chờ ông phán xét.

“Con trai của ta”- Giáo sư thốt lên – “Không thể tin nổi. Nó chính xác như bản gốc tới từng sợi tóc”. Đó là bức họa The Mulberry Tree (Cây Dâu) trong di cảo của họa sỹ Van Gogh người Hà Lan.

“Tôi đã chọn đúng người cho công việc này”- vẫn chưa hết cơn sốc, ông lắc lắc đầu. “Cậu có thể dọn đồ về ký túc xá được rồi đấy!” - Giáo sư nói. “Làm ơn cho tôi xin tiền công đi!” - Sebastian van nài. “Cậu sẽ nhận được tiền công của mình vào sáng mai tại văn phòng của tôi”- Vừa nói ông vừa bước vào bóng đêm.

Sebastian nói với ai đó qua điện thoại: “Ông ấy chưa trả tiền cho tôi. Ông ấy đã đi rồi!”. “Hãy nắm lấy cơ hội” - người đầu dây bên kia nói. “Vâng! Tôi sẽ kiểm tra văn phòng của ông ta để tìm số tiền đó”. Người kia cúp máy.

Sebastian cạy chiếc khóa rồi đi vào văn phòng của ông Mertzil. Giấy tờ xếp chồng lên nhau, thư mục vung vãi khắp sàn nhà, chiếc ghế của ông ta chỏng chơ cạnh kệ sách. Anh lao đến chiếc bàn lục lọi tìm kiếm. Trong ngăn kéo bên trái phía dưới anh thấy chiếc phong bì ghi tên ông ta liền nhặt lấy đút vào ba lô. Tiến gần tới cửa, anh thấy một tờ giấy trắng che thứ gì đó sau một kệ sách khác. Tiện tay kéo tờ giấy ra. Bức tranh “The Mulberry Tree” hiển hiện như nhìn chằm chằm vào anh. “Cái gì thế này?” - Thấy ánh đèn loáng lên nơi hành lang, anh vội vã để lại tờ giấy lên bức tranh rồi chạy khỏi văn phòng.

*

Sáng hôm sau ông Mertzil bước vào lớp học của ông Ross, gọi tên Sebastian và yêu cầu anh cùng ông đi ngay tới văn phòng. Ông dựng chiếc ghế lên rồi ngồi xuống. Anh đứng trước mặt ông, hai tay xỏ vào túi quần: “Ông muốn gì?”.

“Sao cậu dám hỏi tôi như vậy?” - Giọng ông căng thẳng – “Cậu đã đột nhập vào văn phòng của tôi?”.

“Tôi chỉ lấy cái gì của tôi thôi! Mọi thứ khác vẫn y nguyên. Ông là người rất lộn xộn”- Sebastian nói. Ngài giáo sư đứng lên: “Cậu có thể đi được rồi đấy!”.


Anh bước lại chỗ tờ giấy và nói: “Lúc đầu tôi nghĩ nó là bức vẽ của ông. Rồi tôi nghĩ tại sao ông phải giấu nó? Vì vậy đêm qua tôi nhấc tờ giấy lên và nhận ra rằng đó là bức họa của Van Gogh”- rồi anh giật phắt tờ giấy. Giáo sư vội giành lấy tờ giấy che lại bức vẽ như cũ.Anh quay lại vẫn thấy tờ giấy và nói: “Cho tôi được hỏi cái gì dưới tờ giấy kia?”. Giáo sư nhìn chằm chằm vào Sebastian, giọng nặng trịch: “Đó không phải là việc của cậu”.

“Tại sao ông bắt tôi phải vẽ bức tranh đó?” - Anh hét lên - “Có chuyện gì đang xảy ra ở đây?”.

Không đáp lại, ngài giáo sư bước tới chỗ điện thoại và quay số: “Xin chào! Tôi giáo sư nghệ thuật Nicolas Mertzil ở Trường thiết kế trung tâm nghệ thuật vừa bắt được tên trộm nghệ thuật của bạn”. Sebastian đứng chết cứng như trời trồng. “Chúng tôi đang trong văn phòng của tôi ở trường đại học”. “Cảm ơn anh!” - Phía bên kia cúp máy.

“Chắc cậu đã mở mắt ra để nhận thức rằng: từ lúc này trở đi cậu là kẻ đánh cắp bức họa của Van Gogh từ Bảo tàng Norton – Simon Los Angeles”.

“Tại sao ông lại làm thế? Tôi không ăn cắp gì hết” - Sebastian bắt đầu hoảng loạn.

“Cậu đã giấu bức tranh đó trong văn phòng của tôi khi cậu đột nhập vào tối qua. Không đúng sao?”.

Anh lắp bắp: “Không, không… chính ông đã lấy cắp nó. Đó là lý do ông buộc tôi vẽ bản sao, và giờ đây ông đổ tội cho tôi”. Ông Mertzil cười tự đắc: “Sẽ không ai tin cậu. Tôi là giáo sư tên tuổi, còn cậu chỉ là một sinh viên?”.

Sebastian không biết phải làm gì. Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy ngài giáo sư phạm tội. Cũng chẳng ai biết anh đã vẽ bức tranh đó. Anh lúng túng bíu tay vào chiếc ba lô của mình, nói vớt vát: “Tôi sẽ không phải đi tù vì những điều ông bịa đặt…”.

“Cảnh sát đang đến” - Giáo sư thông báo.

“Tốt hơn là không đi lối hành lang” - Sebastian thoáng nghĩ. Anh nhìn thấy chiếc cửa sổ lớn đằng sau ghế ngồi của giáo sư đang mở. Anh lao tới nhảy lên chiếc bàn rồi vọt ra ngoài trong khi cảnh sát mở tung cửa chính xông vào.

Sebastian chạy băng qua các con phố trung tâm nhộn nhịp lẫn vào đám đông. Các phóng viên phát thanh, truyền hình và dân tình đang ồn ào bàn tán về tội giả mạo của Sebastian. Không ai có thể đứng ra làm chứng vạch tội ác của ngài Mertzil.

Đến một phố vắng anh thấy bốt điện thoại bên kia đường liền chạy xéo qua. Đã 11 giờ 57 phút. Anh vào bốt và quay số 911.

“Việc khẩn cấp phải không? Thưa ông, ông phạm tội gì? Có ai bị thương không?...” Anh cười lớn qua điện thoại: “Có quá nhiều câu hỏi. Hãy nghe này: Cử cảnh sát đến Đại học thiết kế nghệ thuật trung tâm gấp và hãy bắt ngay giáo sư Mertzil”. “Ngài đùa cợt với chúng tôi đấy à? Chúng tôi không thể bắt người theo sở thích của ngài nếu không có chứng cứ”.

“Hãy mang thêm còng tay. Tôi là Sebastian Myers - tên trộm nghệ thuật đây”. Người phụ nữ trực máy lập tức báo cảnh sát điều lực lượng xuống hiện trường.

*

“Chuyện gì đang xảy ra đây?” - ngài giáo sư vặn hỏi đám cảnh sát đang lồng vào phòng ông ta. Bên ngoài, nhiều tốp vây kín xung quanh văn phòng tìm kiếm chứng cứ. Bỗng có một giọng nói quen thuộc vang lên qua sảnh văn phòng: “Ngài Mertzil! Ông không nghĩ rằng tôi phải vào tù mà không cùng ông phải không?”. Cùng lúc Sebastian xuất hiện – tay bị còng - có 2 cảnh sát kèm hai bên. “Anh ta có bằng chứng về sự dính líu của ông” - Một cảnh sát râu ria nói.

Sỹ quan chỉ huy cảnh sát bước vào và hỏi. “Bằng chứng đâu? Cậu đừng kéo chúng tôi vào làm những việc ngu ngốc đấy!”. “Thưa ngài, nó bên dưới tờ giấy ở kệ sách kia”. Một cảnh sát tiến tới giật tờ giấy che phủ. Bức họa “The Mulberry Tree” hiện ra tuyệt vời. “Đây là bức họa chúng ta đang tìm kiếm. Tại sao nó lại ở đây?” - Viên sỹ quan cảnh sát thắc mắc.

Giáo sư Mertzil đang ngồi chết lặng trên ghế lúc này mới lên tiếng: “Nếu các ngài sành chơi tranh đều biết rằng dưới cùng bên phải bức họa bao giờ họa sỹ cũng ký tên để xác nhận chủ nhân. Ở đây là chữ ký của Sebastian”. Sỹ quan chỉ huy Richards cúi xuống kiểm tra. “Ông nói đúng. Đây là chữ ký của Sebastian”. Rồi quay lại, ông hỏi: “Tại sao cậu bé lại vẽ bức họa bị đánh cắp?”. “Câu hỏi tuyệt vời!” - Sabastian mỉm cười, bước tới chỗ giáo sư. “Tại sao một giáo sư nghệ thuật yêu cầu học sinh của mình vẽ lại bức họa bị đánh cắp?” - Anh dằn giọng hỏi.

“Tại sao ư? Vì chính ông đã đánh cắp bức họa” - Sebastian hét lên. Hai cảnh sát vội tóm lấy tay anh, không cho anh lao tới túm cổ giáo sư. Hai người được hộ tống ra xe. Các nhóm cảnh sát tiếp tục trao đổi, tìm kiếm bức họa gốc qua bộ đàm. Sỹ quan Richards băn khoăn:

“Tại sao ông giáo sư lại có bức vẽ của Sebastian nhỉ?”. “Tôi đồ rằng ngài giáo sư đã chọn sinh viên xuất sắc nhất yêu cầu họ vẽ giống hệt bức họa gốc để đánh tráo. Ông ta nói với họ rằng họ không bị phạm tội vì việc đó” - Một cảnh sát khác giải thích.

Chuông bộ đàm reo lên. Cảnh sát Evans báo tin cho sếp trưởng phòng cảnh sát là họ đã tìm thấy bức họa gốc trong văn phòng giáo sư. “Cậu hãy đưa Sebastian về lại nhà ga. Còn Richards đưa ông Mertzil đi cùng xe với chúng ta”.

Xe chở Sebastian có hai nhân viên đại lý tranh Keals và Alen và cảnh sát Evans đi kèm. Keals nhanh chóng vọt xe tăng tốc. “Trưởng nhóm của chúng tôi đã liên lạc được với cảnh sát và nhận được tin vui” - Keals thông báo – “Chúng tôi đã mất 4 năm truy tìm dấu vết bức họa này”. Khoanh tay trước ngực, liếc nhìn Keals, Sebastian cười rạng rỡ: “Giờ đây anh đã có đầy đủ bộ sưu tập của Van Gogh trong ngôi nhà của mình đúng không?”. Cùng lúc điện thoại của Keals vang lên. Anh được sếp trưởng nhóm yêu cầu cho qua loa để phóng to âm thanh.

“Xin chào các bạn và nhân viên Keals cùng Alen” – Trưởng nhóm nói – “Cám ơn tất cả những nỗ lực của các bạn để bắt giữ một trong những tên trộm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới”.

Chloe Roland (Mỹ)- Đinh Đức Cần (dịch)



Văn nghệ Công an

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét