Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã chuẩn bị hành trang rất kỹ càng cho nhân vật của mình. Tấm được chiều chuộng nâng niu từ thủa bé, nhưng số phận bất hạnh khiến Tấm trở thành mồ côi. Mẹ con nhà Cám lười nhác, lại thích ăn ngon mặc đẹp, tiêu tán hết sản nghiệp của cha mẹ Tấm để lại, hành hạ Tấm không thương tiếc.
“Truyện Tấm Cám” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được in lần đầu vào năm 1942 trong tủ sách Hoa Xuân, một trong những tủ sách cho thiếu nhi xuất hiện trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nội dung chính của truyện không có gì thay đổi so với bản kể dân gian (mà học sinh được học trong chương trình ngữ văn lớp 10 phổ thông). Thậm chí một số lời thoại của nhân vật vốn đã quen thuộc, nằm lòng trong tâm thức dân gian thì vẫn được giữ nguyên. Thử làm một phép so sánh nho nhỏ giữa bản kể dân gian do giáo sư Nguyễn Đổng Chi sưu tầm* với văn bản tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng** sẽ nhận thấy điều này rất rõ. Ví dụ trong truyện dân gian, Cám nói: “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng”, trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là “Tấm ơi Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, gội đầu cho sạch, kẻo về dì mắng”, hay câu gọi bống “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”, trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là “Bống ơi bống, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Một số lời thoại trong bản kể dân gian được nhà văn giữ nguyên như câu thoại của nhà vua “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo”… hoặc lời thoại của Tấm khi hóa thành cây xoan đào “lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”…Việc giữ nguyên những chi tiết và lời thoại của truyện cổ tích Tấm Cám chứng tỏ rằng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất tôn trọng và thích thú với tác phẩm văn học dân gian này. Tuy nhiên, với những sáng tạo thể hiện trong bản kể mới này của nhà văn cũng chứng tỏ ông đã suy ngẫm nhiều về những chi tiết, tình tiết trong bản kể dân gian, mong muốn “điều chỉnh” một chút để làm sao giữ nguyên được tinh thần của bản kể dân gian mà vẫn giữ được sự kín kẽ, sâu sắc và nhân hậu. Với những ai còn băn khoăn với phần kết của truyện, băn khoăn về hình tượng cô Tấm hay vai trò mờ nhạt của nhà vua trong tác phẩm, chắc chắn sẽ cảm thấy hợp lý với cách “giải quyết vấn đề” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Xin được trình bày cụ thể như sau:
1. Về nhân vật nhà vua: Có ý kiến cho rằng trong truyện cổ tích Tấm Cám, vai trò của nhà vua rất mờ nhạt, đúng ra là nhà vua rất vô tình, yêu thương Tấm đấy mà chẳng hề băn khoăn trước sự ra đi đột ngột của Tấm, bình thản chấp nhận sự thế chân của Cám trong cung cũng như chẳng bao giờ tìm cách để bảo vệ hóa thân của Tấm, dù Tấm khi đã hóa thành chim vàng anh, hay cây xoan đào cũng chỉ một lòng một dạ lo cho vua. Không biết nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có đồng tình với suy nghĩ này không song nhân vật nhà vua trong truyện Tấm Cám của ông không hề biết rằng Tấm đã chết. Cám mặc quần áo của của Tấm giả làm Tấm và khi tới cung, Cám phao lên rằng mình bị mắc một căn bệnh lạ là bệnh sợ ánh sáng, không cho nhà vua nhìn mặt, đến khi khỏi bệnh thì lại giả vờ khóc lóc rằng mình đã bị thay hình đổi dạng, thành ra xấu xí. Đây là một đoạn trong Truyện Tấm Cám của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:
“Nhưng rồi bệnh cũng phải khỏi, nhất là cái chứng bệnh giả vờ. Sáng sớm hôm ấy, vua vừa vào trong phòng thì Cám cũng vừa dậy. Lần đầu tiên Cám sai thị nữ mở cửa và kéo rèm. Vua đã mừng hoàng hậu khỏi, nhưng ánh sáng vừa rọi vào gian phòng thì Cám ngồi trước tấm gương soi bỗng kêu rú lên và ôm mặt khóc nức nở. Vua lại vồn vã hỏi căn cớ sao. Cám vẫn lấy tay che mặt khóc, mãi mới run giọng nũng nịu thưa:
- Muôn tâu bệ hạ, tiện thiếp mắc bệnh lạ, nằm bấy lâu thấy trong người thay đổi, không ngờ hôm nay trở dậy được, soi gương bỗng thấy nhan sắc khác xưa. Đau lòng vì không giữ được dung nhan thủa trước, tiện thiếp đã không cầm được nước mắt.
Vua ngọt ngào an ủi, nhưng đến khi gỡ tay hoàng hậu ra, ngài cũng không khỏi sửng sốt vì sự thay đổi. Tuy vẫn một lòng thương yêu vợ, nhưng nhà vua lúc trở ra cũng thấy bâng khuâng, vơ vẩn nghĩ đến cái bệnh đổi sắc người”.
Như vậy, với cách lý giải của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, dù rằng không phải ai cũng chấp nhận một cách thấu đáo nhưng đã kín kẽ và phù hợp với tâm lý người đọc ngày nay hơn.
2. Về nhân vật cô Tấm: nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bằng mọi cách giữ gìn cho cô sự trong sáng và lương thiện vốn có. Trong bản kể dân gian nói rằng “Ngày xưa, có Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Hai chị em suýt soát tuổi nhau. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Dì ghẻ là người rất cay nghiệt…”. Còn trong tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dành nhiều dòng cho “lý lịch” của Tấm, cụ thể như sau:
“Ngày xưa ở nước ta có một ông viên ngoại nhà ở ngay gần kinh thành. Viên ngoại là người giàu có nhất vùng. Ông hay giúp đỡ kẻ nghèo. Bà vợ cũng là một người phúc hậu. Hai ông bà hiếm hoi, chỉ sinh được một người con gái, đặt tên là Tấm. Tấm là một cô bé kháu khỉnh và dịu dàng. Ai trông thấy cũng phải yêu. Ông bà viên ngoại nâng niu con gái như hòn ngọc trên tay.
Năm Tấm lên ba thì bà viên ngoại mất. Ông buồn bã vô cùng, chỉ lấy sự uống rượu hay chơi vườn hoa cây cảnh cho khuây khỏa. Ít lâu, không chịu được cảnh góa bụa, ông lấy một người vợ kế. Một năm sau, bà kế sinh được một cô con gái đặt tên là Cám.
Cách đó ít lâu, ông viên ngoại từ trần. Lúc hấp hối, ông giối giăng
vợ những công việc trong nhà, dặn phải thương yêu con chồng như con đẻ. Bà kế khóc lóc và nhận lời trông nom săn sóc Tấm cũng như khi ông còn sống...”.
Như vậy, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã chuẩn bị hành trang rất kỹ càng cho nhân vật của mình. Tấm được chiều chuộng nâng niu từ thủa bé, nhưng số phận bất hạnh khiến Tấm trở thành mồ côi. Mẹ con nhà Cám lười nhác, lại thích ăn ngon mặc đẹp, tiêu tán hết sản nghiệp của cha mẹ Tấm để lại, hành hạ Tấm không thương tiếc. Tấm và Cám đối lập nhau như nước với lửa. Tấm ở trong hoàn cảnh nào vẫn sáng ngời đức hy sinh, vị tha. Không thay đổi cái kết của truyện kể dân gian nhưng để giữ cho nhân vật của mình trong sạch từ đầu đến cuối, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tìm một cách kể khác. Phần kết truyện, khi cô Tấm trở về cung, cô vẫn độ lượng không nghĩ đến lỗi của em, còn xin cho Cám khỏi phải tội. Ngược lại, Cám vẫn chứng nào tật ấy, tức giận vô cùng vì thấy Tấm đẹp hơn cả ngày xưa. Không phải Tấm giết Cám mà chính là sự độc ác và ngu xuẩn của Cám đã giết Cám.
“Cám nghĩ thầm rằng muốn tranh ngôi hoàng hậu, tất phải được vua yêu, mà muốn được vua yêu, tất mình phải đẹp hơn Tấm bội phần. Cám soi gương thấy mình vẫn đen, vẫn xấu. Đương băn khoăn thì có một người cung nữ già đi qua. Người cung nữ thấy Cám có ý suy nghĩ bèn hỏi duyên cớ. Cám kể hết nỗi riêng. Người cung nữ già vốn vẫn ghét Cám vì thường bị Cám hành hạ, nay được dịp báo thù bèn bảo rằng:
- Không khó gì, lệnh bà muốn đẹp thì ngồi xuống một cái hố sâu, rồi cho một người dội một thùng nước thực sôi từ đầu đến gót. Tắm nước sôi xong, thế nào lệnh bà cũng trắng hơn tuyết và đẹp hơn tiên.
Cám mừng lắm, sai lính đào ngay một cái hố và nấu một nồi nước thực sôi. Cám ngồi xuống hố, sai người dội nước cho mình tắm. Nhưng vừa dội được nửa nồi nước sôi bỏng thì Cám đã nhăn răng ra chết.
Bọn cung nữ và lính tráng từ xưa ai ai cũng thâm thù Cám. Họ ghét cả bà mẹ Cám, vì bà này hay vào cung ton hót con gái và xui Cám đánh đập mọi người. Bởi thế họ bàn nhau đem Cám làm mắm và đưa về biếu người dì ghẻ độc ác, nói là của Vua và Cám ban cho…”
Như vậy nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn giữ chi tiết Cám bị giội nước sôi và chi tiết hũ mắm, nhưng chủ thể của hành động đã được hoán đổi. Trong truyện dân gian, chủ thể của hành động là cô Tấm còn trong truyện của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chủ thể của hành động chính là quần chúng nhân dân bị áp bức bóc lột đã vùng dậy đấu tranh, trả thù những tội ác mà mẹ con Cám đã gây ra cho Tấm và bản thân họ. Việc làm này là thuận ý trời và xét về khía cạnh khác, khi nhiều người còn băn khoăn với cái kết của truyện cổ tích dân gian, thậm chí ngay cả chương trình sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 cũng lược bỏ đoạn kết của truyện theo kiểu “không dám nhìn thẳng vào sự thật” thì cách giải quyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất hợp lẽ, thuận lòng người, đồng thời không làm sai lệch, không đi xa so với nguyên tác. Cũng xin lưu ý rằng thời điểm Nguyễn Huy Tưởng viết lại truyện Tấm Cám cách đây đã 70 năm, khi nhà văn mới ba mươi tuổi và đang tham gia phong trào hướng đạo cho thiếu nhi. Có thể, cách giải quyết vấn đề của nhà văn còn điều này điều kia chưa phù hợp theo cách nhìn của các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian nhưng lại rất phù hợp suy nghĩ của người đọc hiện đại ngày nay.
Vũ Anh Thư
(*theo Nguyễn Đổng Chi, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975
**Những trích đoạn tác phẩm được rút từ “Truyện Tấm Cám” - tập truyện “Cô bé gan dạ” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - nhà xuất bản Văn học và trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét