Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

NGƯỜI GÓP PHẦN XÂY TƯƠNG LAI CHO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM




Nhà văn Võ Quảng (1/3/1920-15/6/2007), quê ở Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam. Ông là người viết văn làm thơ cho thiếu nhi, khơi nguồn tình yêu và đam mê văn học nơi con trẻ, góp phần xây đắp tương lai cho đất nước và từ đó khơi nguồn cho sự ra đời và nở rộ của những mùa “sáng tạo mới” trong văn học nghệ thuật Việt Nam.
                                               
Trong không khí kỷ niệm 60 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, nhân kỷ niệm 97 năm ngày sinh (1/3/1920-1/3/2017) và 10 năm ngày mất của ông, xin gửi đến bạn đọc bài viết này để cùng nhớ đến ông, một tác giả tài năng đã  tâm huyết khơi nguồn và tạo dựng nền  văn học thiếu nhi tươi đẹp trong làng văn Việt Nam.
Nhà văn-nhà thơ Võ Quảng là một tài năng văn chương đặc sắc được bạn đọc trẻ em cả nước yêu quý. Ông suốt đời tâm huyết, lao động nghệ thuật hết mình vì con trẻ và nổi tiếng với câu thơ “Đi khắp miền/ Làm việc tốt” được ông viết trong bài “Mời vào”, câu thơ mang cái chất phiêu lưu hiếu động của con trẻ, cũng là sự khao khát góp phần xây đắp tương lai tươi sáng hơn cho cuộc đời. Đúng vậy, tương lai tốt đẹp tất yếu sẽ đến với tất cả những ai “Làm việc tốt”. Một chân lý thật giản dị. Đó là câu thơ làm điểm tựa cho tương lai, và với nó ta có thể hy vọng tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến với đất nước Việt Nam, cũng như những mùa sáng tạo mới bội thu hơn sẽ đến với làng văn Việt Nam.Võ Quảng sinh thời đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ cho Cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng nước Việt Nam mới độc lập hôm nay. Ông tham gia Cách mạng năm 1935, năm 1936 vào Thanh niên Dân chủ hoạt động trong phong trào Việt Minh và Văn hóa cứu quốc. Khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám ông làm Chủ tịch Ủy ban hành chính, kiêm phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Kháng chiến chống Pháp ông làm lãnh đạo ở tòa án Liên khu Năm. Hòa bình lập lại tập kết ra Bắc ông chuyển sang làm văn học nghệ thuật và chuyên viết cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm xuất sắc như bộ tiểu thuyết hai cuốn về đề tài Cách mạng tháng Tám “Quê nội”, “Tảng sáng”, tiêu tuyết “Kinh tuyến vĩ tuyến”, Các cuốn truyện “Cái thăng”, “Chỗ cây đa làng”,”Cái Mai”, các tập chuyện đồng thoại như “Bài học tốt”, “Những chiếc áo ấm”, “Vượn hú”, “Ngày Tết của Trâu Xe”... và nhiều tập thơ như “Gà Mái Hoa” “Thấy cái hoa nở”, “Măng tre”, “Anh Đom Đóm”, “Én Hát” ”Quả đỏ”, “Tôi đi”... tác phẩm của ông được nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam yêu thích. Võ Quảng cùng Tô Hoài và Nguyễn Huy Tưởng là những nhà văn đầu tiên khai sáng và dày công vun đắp cho văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông từng lãnh đạo Nhà xuất bản Kim Đồng và Xương phim hoạt hình. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam. Ông có thời gian làm ở Báo Văn nghệ cùng nhà văn Đào Vũ lo phần văn học thiếu nhi. Thông qua thực tiễn sáng tạo Võ Quảng là người đã xây dựng những nền tảng đầu tiên cho phương pháp luận sáng tác văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Với sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, ông góp phần hình thành tính chuyên nghiệp cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam và thực tế ông là nhà văn viết cho thiếu nhi chuyên tâm và chuyên nghiệp hang đầu của Việt Nam.
Đọc sáng tác của ông, đặc biệt là “Quê Nội” (ra mắt bạn đọc năm 1973) và “Tảng sáng” (1976), tiếp nữa là thơ và đồng thoại... ta nhận ra văn chương của ông vẫn mãi tươi mới và giàu tính nghệ thuật. Trong sự nghiệp văn chương của Võ Quảng bộ tiểu thuyết “Quê Nội” và “Tảng sáng” có vị trí nổi bật nhờ giá trị nghệ thuật cũng như nội dung của nó. Với nó văn học thiếu nhi Việt Nam đã thực sự có được tiểu thuyết với đúng nghĩa là cho triếu nhi. Võ Quảng đã sáng tạo được hình thức tiểu thuyết có quy mô kết cấu và nội dung phù hợp với thiếu nhi. Về tác phẩm này nhà văn Tô Hoài đã viết: “Một nhà thơ dùng lối tiểu thuyết viết lại những kỷ niệm đối với quê hương. Trong văn học Việt Nam chúng ta đã được đọc những tác phẩm hay như thế “Chiếc cáng Xanh” của Lưu Trọng Lư, “Phấn thông vàng” tập truyện ngắn của Xuân Diệu. Nhưng Quê Nội của Võ Quảng có vẻ đẹp cao rộng hơn.” Còn Nguyễn Tuân nhà văn nổi tiếng kỹ tính trong nghệ thuật thì trong lời tựa “Tảng sáng” ra lần đầu đã viết: “Tảng sáng” của Võ Quảng, dằng dặc và cuồn cuộn như con sông Thu Bồn...Võ Quảng đã thổi vào đấy cái tâm hồn trong trắng của mình”. Những con chữ như “cao rộng hơn”, như “dằng dặc và cuồn cuộn” của hai đại thụ văn chương Việt Nam đã khắc họa được rõ phẩm chất tiểu thuyết trong tác phẩm của Võ Quảng. Nhà văn Vũ Tú Nam đã có bài viết khẳng định “Tài năng miêu tả của Võ Quảng”. Nhà thơ Dương Trong Dật có bài viết đi sâu vào “Chất thơ trong “Quê nội”, nhà phê bình Vương Trí Nhàn viết “Trong “Quê nội” và “Tảng sáng”, hài hước theo sát nhân vật Cục ở từng bước đi, nhìn đâu em cũng thấy chuyện để cười”. Nhà văn Hoàng Tiến thì tâm đắc với “Thanh nhạc trong câu và từ trong văn xuôi Võ Quảng.” Đây rõ ràng là những phẩm chất mang tính nghệ thuật của “Quê Nội” và “Tảng sáng”. Còn nhà văn Đoàn Giỏi khi đọc bộ truyện này đã thú nhận: “Tôi như gặp lại một quê hương thời tiền kiếp” và ông khẳng định những cái mới trong “Quê nội” và “Tảng sáng”: “Ở đây có liên quan đến những cái ta đọc thấy mới là do tác giả đã có được một bản lĩnh. Mới trong cách nhìn, cách cảm nghĩ, cách thể hiện, cách sử dụng ngôn ngữ. Riêng đối với các em càng thấy mở ra một thế giới mới, mở ra một ước mơ, một tương lai và điều trên hết là niềm vui được sống, được thấy mình có đóng góp, hữu ích cho đời”  Như vậy, rõ ràng cùng với yếu tố nghệ thuật mà nhiều nhà văn nhà thơ đã khẳng định thì Đoàn Giỏi đã bổ sung thêm yếu tố tươi mới phù hợp với tâm lý thiếu nhi của bộ tiểu thuyết này.
Thông qua “Quê Nội” và “Tảng sáng” Võ Quảng đã thể nghiệm thành công quan niệm sáng tạo cơ bản đó là sáng tạo văn học nghệ thuật cho thiếu nhi phải phù hợp với đối tượng bạn đọc. Đây là nguyên lý cơ bản cho phương pháp luận sáng tác cho thiếu nhi được ra đời từ chính thực tiễn sáng tạo nghệ thuật của Võ Quảng. Nó là đóng góp giá trị cho thực tiễn sang tác cũng như lý luận phê bình văn học thiếu nhi và cho đến này vẫn luôn thời sự và mới mẻ. Cái mới và thú vị còn ở chỗ “Quê Nội” và “Tảng sáng” là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên viết về đề tài Cách mạng tháng Tám và tác giả lại có cách tiếp cận đề tài cũng rất mới khi ông miêu tả chính sự đổi mới của một làng quê Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Nói đến tiểu thuyết đầu tiên phải nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật và bộ đôi Cục và Cù Lao cũng là những nhân vật tiểu thuyết hiện đại đầu tiên được xây dựng thành công trong văn học thiếu nhi Việt Nam.Về hai nhân vật này giáo sư Phong Lê viết: “Ở Cục và Cù Lao, Võ Quảng đã phát hiện được một cái gì đó thật nghiêm trang và hệ trọng, và cũng thật điển hình cho cả một thế hệ trẻ thơ, trong cái vẻ riêng, ngộ nghĩnh, không lắp lại của nó.” Trong văn học thiếu nhi nhà văn Tô Hoài đã có được nhân vật “Dế Mèn”, nhà văn Vũ Tú Nam xây dựng được nhân vật “Văn Ngan tướng công”, nhà văn Nguyễn Kiên có nhân vật “Chú Đất Nung”... nhưng tất cả đều là những nhân vật đồng thoại. Còn Cục và Cù Lao là những nhân vật tiểu thuyết, là con người cụ thể gắn bó với một thời đại mới của dân tộc. Trong văn học Việt Nam. mỗi văn tài sáng giá thường có được nhân vật được bạn đọc nhớ như Vũ Trọng Phụng có Xuân Tóc Đỏ, Nam Cao có Chí Phèo, Nguyễn Công Hoan có anh Pha, Ngô Tất Tố có chị Dâu, Nguyễn Huy Tưởng có Vũ Như Tô... và Võ Quảng có Cục và Cù Lao. Điều rất mới và đặc biệt đó là trong đội ngũ các nhân vật được bạn đọc nhớ đó thì hai nhân vật thiếu nhi duy nhất là của Võ Quảng. Nhà văn Pháp Alice Kahn trong lời nói đầu bản dịch “Quê nội” sang tiếng Pháp đã viết: “Khi giới thiệu  quyển Quê nội của Võ Quảng người ta bảo tôi đây là một loại Tom Sawyer của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích Tom Sawyer với nhân vật Hucklebery. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng tôi cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn.” Rõ ràng Võ Quảng có tài xây dựng các nhân vật văn học. Ngoài Cục và Cù Lao Võ Quảng còn có các nhân vật như Phái trong “Cái thăng”, nhân vật Út trong “Chỗ cây đa làng” cùng nhiều nhân vật đồng thoại khác.. được bạn đọc yêu thích. Ông bước vào làng văn và được công nhận nhờ tài năng xây dựng nhân vật và chất văn vô cùng trong sáng đúng như Nguyễn Tuân đã nói “Võ Quảng đã thổi vào đấy cái tâm hồn trong trắng của mình”.
Võ Quảng luôn là cái duyên cho sự hình thành các ý tưởng nghệ thuật mới và luôn hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Năm 2010 Hội nhà văn và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông. Năm 2007 Câu lạc bộ nghệ thuật cộng đồng “Cốc, cốc, cốc!”được hình thành  với tên gọi lấy từ tiếng gõ cửa trong bài thơ “Mời vào” của Võ Quảng. Nhiều bài thơ của ông được các em trong Câu lạc bộ “Cốc, cốc, cốc!” vẽ thành tranh. Nhiều bức tranh của các em trong câu lạc bộ này đã được dùng để minh hoạ cho các tập thơ Võ Quảng và Phạm Hổ ở Nhà xuất bản Kim Đồng.  Đầu năm 2012, Câu lạc bộ này đã tổ chức chuyến đi triển lãm xuyên Việt “Mắt thương” bằng xe máy. Đoàn xuyên Việt có 4 thành viên, dẫn đầu là chủ nhiệm câu lạc bộ Nguyễn Việt Hòa, các bạn dùng xe máy chở theo giá, khung và tranh vẽ của các em, đi dọc chiều dài đất nước và tổ chức nhiều triển lãm phục vụ trẻ em. Hành động đó xuất phát từ ý tưởng “Đi khắp miền/Làm việc tốt” đã được được các bạn trẻ chuyển sang hành động nghệ thuật rất mới và thú vị. Chuyến đi khởi hành tại Hà Nội ngày 1/5 với việc lên Vĩnh Yên viếng mộ nhà văn Võ Quảng. Cả nhóm xuyên Việt hướng vào vùng sâu vùng xa, vừa mang ý nghĩa nhân đạo vừa nằm trong tâm lý tuổi trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm. Đoàn qua Nghệ An về Hà Tĩnh, đến Quảng Bình rồi vào Huế và Đà Nẵng. Điểm nhấn của chuyến đi là trong các ngày 16,17 và 18/5/2012 các bạn trẻ đã về thăm quê hương của Võ Quảng ở Đại Lộc Quảng Nam, đến tận trường Mỹ Hòa nơi Võ Quảng thuở ấu thơ từng học để tổ chức triển lãm và giao lưu với học sinh của Trường Mỹ Hòa. Các bạn còn thăm nhà thờ tộc Võ ở thôn Thượng Phước, đi dạo bên sông Thu Bồn... Trước đó có người đoán số cho Việt Hòa và nói: “Cứ đi rồi sẽ đến Thu Bồn.” Và với chuyến đi này Hòa đã tới được điểm đến mơ ước của mình. Hòa cũng là người mê đọc “Quê nội” và “Tảng sáng” của Võ Quảng. Trong chuyến đi xuyên Việt của “Cốc, cốc cốc!” nhiều triển lãm đã được tổ chức, trong đó có triển lãm thiếu nhi được tổ chức trên đèo Hải Vân. Tranh được các bạn trẻ trưng bày nhìn từ xa mang hình đất nước Việt Nam. Tất cả xe qua đèo đều có thể đi chậm và xem được tranh của các em. Đoàn đi qua Tây Nguyên đến thành phố Hồ Chí Minh, tại đây đúng ngày 1/6 các bạn trẻ tổ chức thành công triển lãm tranh và được trẻ em thành phố Hồ Chí Minh nhiệt liệt hoan nghênh. Chuyến triển lãm xuyên việt bằng xe máy này là một hành động nghệ thuật rất mới và độc đáo. Các bạn trẻ trong câu lạc bộ “Cốc, cốc, cốc!” đang làm theo câu thơ của Võ Quảng “Đi khắp miền / Làm việc tốt”.
Đúng Tết Độc lập ngày 2/9/2012, tại nghĩa Trang cây số 4 của thành phố Vĩnh Yên, gia đình cũng đã chuyển mộ cho nhà văn Võ Quảng. Chiều 1/9 gia đình chúng tôi có mặt tại thành phố Vĩnh Yên và năm giờ chiều ra mộ ông làm lễ cúng thần linh, thổ địa, trời Phật... xin đưa ông sang chỗ mới. Đi cùng gia đình còn có anh Nguyễn Ngọc Phan An, kỳ thủ cờ tướng xứ Bắc, bạn của bác Võ Châu Tấn con trưởng của nhà văn Võ Quảng. Hành lễ giúp chúng tôi là bác thầy cúng địa phương râu tóc bạc phơ với giọng đọc sang sảng. Đồ lễ được bày ra, hương khói được thắp lên, bài văn cúng được khởi đọc với giọng đọc như hát của bác thầy cúng. Nắng chiều tràn ngập mặt đất. Tác giả bài viết này là con trai thứ của ông đang mải nghe giọng đọc du dương như rót vào tai của bác thầy cúng. Bỗng cháu Trần Thị Thắm, cháu ngoại nhà văn Võ Quảng thì thầm: Cậu nhìn kìa. Theo tay cháu, tôi thấy một vầng mây trắng, nom tựa búp hoa sen. Cháu Thắm nói thêm: Cậu nhìn xem, đám mây trắng nom giống người ngồi thiền. Tôi nhìn kỹ thấy đúng vậy, cụm mây có hình một vị Phật đang ngồi thiền. Cái dáng hiền hiền hao hao giống ông. Sinh thời trong làng văn Võ Quảng vốn hiền hậu khiêm nhường, cuộc sống lại thanh bạch được nhiều người ví với Phật. Nhà thơ Vũ Ngọc Bình có bốn câu thơ viết về ông“Võ Quảng lành như Phật/Khỏe đôi tay văn thơ/”Măng tre” và “Quê Nội”/Như thật mà như mơ”. Sau đó tôi có kể chuyện này cho một người quen theo đạo Phật nghe, bà bảo đó là Phật đón đi về làm người nhà Phật. Cúng lễ xong, thợ bắt đầu phạt nấm cho ngôi mộ. Mộ Võ Quảng được trẻ chăn trâu ở đây chăm sóc cẩn thận, phần do gia đình gửi các em và cũng do bọn trẻ quý ông. Chúng thương khoe nhận ra tên ông trong sách học của chúng. Trên mộ các em trồng cây hoa vàng đẹp rực rỡ. Bám trên bia mộ tôi thấy có những chú bọ ngựa xanh có đôi càng dài nghêu và vài con ốc sên đi lại rụt rè chậm chạp... Đó là những nguyên mẫu sinh thời trong chuyện đồng thoại “Những chiếc áo ấm” của ông. Nhiều lần lên mộ thắp hương tôi thấy có chú bê lông vàng từ đâu nhảy tới, nó ghé mũi ngửi ngửi những bông hoa chúng tôi đặt trên mộ. Cảnh tượng đó giống hệt như trong bài “Thấy cái hoa nở” của Võ Quảng. Quanh ông như vẫn đang tồn tại một thế giới nghệ thuật tươi mới và sống động. Khi cây cỏ trên mộ được phát quang thì cũng là lúc trăng rằm tháng Bảy hiện ra đẹp lộng lẫy. Thợ đào xuống sâu đến nắp thượng quan thì dừng lại. Hai giờ sáng ngày Tết độc lập năm 2012 việc bốc mộ chính thức bắt đầu. Công việc được làm tỉ mỉ cẩn thận. Bác An, người mà theo họ hàng thì tốp thợ phải gọi là ông, thỉnh thoảng lại nhắc: Chúng mày làm cẩn thận, không được để thiếu để sót. Nếu thiếu cụ về đòi đấy. Vui chuyện anh An chỉ lên đỉnh đồi nói: Trên kia là mộ của bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, (người đầu tiên chủ trương khoán ruộng cho dân). Ông ấy theo thứ bậc trong họ là em của tớ đấy. Xem ra, quanh đây tất cả đều là họ hàng cả. Cái tình quê ở Việt Nam cứ quấn túm lấy nhau đến là hay.
Võ Quảng quê ở Quảng Nam bên con sông Thu Bồn và núi Ngũ Hành Sơn thơ mộng. Nơi ông nằm đây cũng là vùng quê mới của ông, một vùng đất phong thủy hữu tình, nơi có sông Hồng chảy qua, có Tam Đảo, có Ba Vì, vùng đất huyền thoại gắn với truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh đua tài vì nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Khoảng bốn giờ sáng việc đưa ông lên phần mộ mới bắt đầu. Tại nơi mới mộ được đào và chuẩn bị sẵn. Sau đó, tiểu được đặt vào quách và được trang trọng đặt xuống mộ. Mộ của ông được làm ba tầng, ốp đá có gắn bia và ảnh Võ Quảng. Khoảng 5 giờ sáng thì công việc hoàn tất. Đây đó, gà “Tảng sáng” bắt đầu rộn ràng gáy vang chào ngày Tết Độc Lập đẹp rực rỡ. Tiếng gà rộn ràng như tiếng gà mở đầu những trang văn “Quê nội” đẹp như mơ, tiếng gà thuở đó báo hiệu đất vào kỷ nguyên Độc Lập, còn tiếng gà hôm nay báo hiệu đất nước mở cửa hội nhập đang chuyển mình vào tương lai. Chuyện vui liên quan đến Võ Quảng đó là đầu năm 2015 Xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cho in tác phẩm của ông trong bộ di sản văn chương đoạt Giải thưởng nhà nước, việc này như cái duyên thật hay diễn ra cũng đúng dịp kỷ niệm 95 ngày sinh của ông. Năm nay kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông sẽ rất ý nghĩa nếu thành phố Hà Nội lấy tên ông đặt cho một con đường, đó sẽ là là con đường đưa thủ đô hơn nghìn năm tuổi tiến bước vào tương lai. Đó là con đường giúp các em “Đi khắp miền/Làm việc tốt” như trong thơ của ông. Trong cuộc sống hôm nay nhà thơ nhà văn Võ Quảng như vẫn đang làm việc tốt, điều đó thể hiện ở chỗ di sản của ông luôn góp phần tạo nên tương lai cho đất nước. Một năm cũ qua đi một năm mới 2017 đã tới và “Võ Quảng hiền như Phật” chắc chắn vẫn mãi phù hộ cho chúng ta vươn đến những mùa vàng bội thu trong văn học nghệ thuật Việt Nam.
Võ Gia Trị
Nguồn: vanviet.vn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét