(1920 - 1980) |
"Gianni Rodari có cách tiếp cận rất hài hước về những vấn đề tưởng chừng to tát và rất khó hiểu đối với trẻ nhỏ như: di cư, chiến tranh, vũ khí hạt nhân, bất công, bình đẳng và tự do. Ngoài Cuộc phiêu lưu của chú Hành, độc giả nhí Việt Nam còn biết đến một số tác phẩm khác của ông như: Cuộc phiêu lưu của Mũi tên Xanh, Giữa trời chiếc bánh ga-tô, Gelsomino ở xứ sở nói dối"(Thuỵ Oanh)
Ngày xưa có một con chó không biết sủa. Nó không sủa, không kêu
meo meo, không rống như bò, không hí như ngựa: nó không biết kêu lên một tiếng
nào hết. Nó là đại diện duy nhất của giống nó. Làm sao mà nó lại đến cái làng
không có chó này? Chính nó cũng không biết cái khuyết tật của mình, nếu không
có người chỉ ra.
Họ bảo nó:
- Tại sao mày không sủa?
- Tôi không biết, tôi là con vật nước ngoài...
- Đồ ngốc, mày không biết rằng chó thì phải sủa à?
- Tại sao thế nhỉ?
- Chúng nó sủa vì chúng là chó! Chúng sủa để chống lại bọn lang
thang đi qua, bọn mèo nghịch ngợm. Chúng còn sủa trăng nữa. Chúng sủa khi bằng
lòng, khi kích động, hoặc khi nổi cáu. Chúng sủa gần như suốt ngày, và còn sủa
cả ban đêm nữa.
- Chắc là như vậy, còn tôi thì...
- Còn mày thì sao? Ừ, quả thật mày là một hiện tượng: một ngày nào
đó mày sẽ có ảnh đăng báo.
Con chó cũng không biết trả lời như thế nào nữa. Nó không biết sủa
và cũng không biết làm thế nào để học sủa.
Một hôm, chú gà trống choai bảo với nó:
- Hãy làm như tôi đây này.
Và chú gà nổi lên hai hoặc ba tiếng gáy "ò ó ò" thật
vang dội.
- Điều đó đối với mình thật khó.
Con chó nói.
- Không đâu, đơn giản lắm. Nghe cho cẩn thận nhé. Nhìn vào mỏ của
tôi đây này. Cuối cùng quan sát tôi, rồi gắng bắt chước tôi.
Chú gà trống choai nổi lên một tràng tiếng gáy khác "ò ó
o".
Con chó thử bắt chước, nhưng nó chỉ là thoát ra khỏi mồm mấy tiếng
"kê kê" thật vụng về, làm cho lũ gà mái hoảng sợ. Chú gà trống choai
nói:
- Không sao đâu. Lần đầu được như thế, cũng không đến nỗi tồi, Cứ
thử nữa đi, nào!
Con chó lại bắt đầu lại, một, hai, ba... lần. Ngày nào nó cũng lét
lút tập, từ sáng đến chiều. Đôi khi, để cho yên tĩnh, nó đi vào rừng. Một buổi
sáng, chính ngay trong rừng, nó kêu lên một tiếng "ò ó o" rõ ràng,
nghe hay và vang đến nỗi con chồn cũng nghe thấy.
Con chồn nghĩ:
- À, chú gà trống đến thăm mình đây, mình sẽ chạy ra cám ơn chú đã
đến thăm...
Chồn lật đật, không quên mang theo cái nĩa, con dao, cái khăn, bởi
vì đối với chồn, không có bữa ăn nào ngon lành bằng con gà trống tơ. Ai cũng
biết chú chồn thấy vọng như thế nào, khi thay cho con chồn mong đợi, là con chó
ngồi tuôn ra một tràng "ò ó o". Chồn nói:
- À. Mày giăng bẫy tao đó phải không?
- Bẫy?
- Chứ gì nữa. Mày làm tao tưởng rằng có một con gà đi lại trong
rừng, hoá ra mày nấp để chơi tao. May cho tao, tao lại thấy mày đúng lúc. Cái
mẹo này quả là bất hợp pháp. Thông thường, khi chó sủa, tao biết là những người
thợ săn đang đến...
- Tôi cam doan với anh là tôi... anh nghe đây, anh biết cho, tôi
không có ý lừa anh. Tôi đến đây để luyện tập.
- Luyện tập? Cái gì vậy?
- Tôi thử học sủa. Tôi gần sủa được rồi đấy. Anh nghe xem có khá
không?
Và nó nổi lên một tràng "ò ó o" giòn giã. Con chồn suýt
nữa chết vì cười. Nó lăn ra đất, ôm lưng, cắn râu và đuôi. Con chó nhỏ của
chúng ta thấy thế, rất tủi nhục, lặng lẽ bỏ đi, đầu cúi gầm xuống, nước mắt rơi
lã chã...
Gần đấy, một con chim cu thấy chó đi qua, tỏ lòng thương hại.
- Có chuyện gì vậy?
- Không có gì đâu.
- Thế tại sao anh lại buồn rầu như thế?
- À, à... Tại vì tôi không làm sao sủa được. Không ai dạy cho tôi
cả...
- Nếu chỉ có như vậy thôi, thì tôi chỉ cho. Nghe tôi kỹ nhé, và
thử làm như tôi: cúc cu, cúc cu... Anh hiểu chưa?
- Tôi thấy có vẻ dễ.
- Rất dễ, hồi còn bé, tôi đã làm như thế. Thử đi nào: cúc cú, cúc
cu...
- Cu... - con chó kêu, - cu...
Nó thử làm như thế trong ngày hôm đó và ngày hôm sau nữa. Trong
vòng một tuần, nó đã thấy khá, nó rất bằng lòng và nghĩ:
- Thế là ta bắt đầu sủa tốt rồi. Bây giờ không còn ai chế giễu ta
nữa.
Đúng ngày hôm đó, có một cuộc đi săn. Những người thợ săn đi vào
rừng và trong bọn họ có những người cứ thấy cái gì động đậy là bắn. Họ bắn cả
chim sơn ca, thật đấy! Một người thợ săn nghe tiếng cúc cu, cúc cu phát ra từ
bụi rậm, giương súng và "pằng, pằng" bắn hai phát. Viên đạn, may quá,
không trúng con chó của chúng ta. Nó chỉ rít qua tai, kêu zíp zíp như là trong
băng hình. Hoảng hốt, con chó chạy thục mạng để tháo thân.
- Tay thợ săn này chắc là điên, bắn cả vào chó đang sủa.
Người thợ săn, trong lúc đó lại đi tìm chim. Anh ta chắc mẩm là đã
hạ được con chim.
- Con chó khốn khiếp chắc là tha con chim đi rồi. - Anh ta lẩm
bẩm. - Mà nó chạy đi đâu chứ?
Và để bớt cáu giận, anh ta bắn vào con chuột chũi đang thò đầu ra
khỏi hang. Anh ta bắn trượt, còn con chó thì cứ chạy, chạy miết...
ĐOẠN KẾT THỨ NHẤT
Con chó chạy, chạy miết... Nó đến một bãi cỏ, ở đó có một con bò
cái tơ đang yên lành gặm cỏ.
- Anh chạy đi đâu đấy?
- Tôi cũng không biết.
- Vậy thì dừng lại, ở đây có cỏ ngon lành lắm.
- Chẳng thèm. Cỏ cũng không làm cho tôi lành bệnh được...
- Anh bệnh à?
- Đúng vậy, tôi không biết sủa.
- Đó là chuyện dễ nhất đời. Hãy nghe đây: mò mò..., mò mò... Không
phải là tiếng kêu êm tai hay sao?
- Cũng không dở. Tuy nhiên, tôi không chắc đó là tiếng kêu mà tôi
đang tìm kiếm. Chị là bò cái mà!
- Tất nhiên, tôi là bò cái.
- Tôi thì không. Tôi là chó.
- Hẳn là như vậy, anh là chó. Thì sao? Không có điều gì cấm anh
học tiếng nói của tôi.
Con chó kêu lên:
- Tôi có ý kiến!
- Cái gì?
- Ý kiến đó vừa đến với tôi. Tôi sẽ học tiếng kêu của tất cả các
loài vật, và tôi sẽ xin vào đoàn xiếc. Tôi sẽ thành công lớn, tôi sẽ giàu có,
tôi sẽ lấy công chúa con vua. Tất nhiên là vua của loài chó.
- Hoan hô, một ý kiến rất xuất sắc. Thực hiện ngay đi! Nghe kỹ
nhé: mò, mò, mò...
Đó là một con chó không biết sủa, nhưng rất giỏi... "ngoại
ngữ".
ĐOẠN KẾT THỨ HAI
Con chó chạy, chạy miết... Nó gặp một bác nông dân.
- Mày chạy đi đâu mà nhanh như vậy?
- Chính tôi cũng không biết tại sao nữa.
- Thế thì về nhà tao đi. Tao cũng đang cần một con chó để giữ
chuồng gà.
- Tôi rất muốn, nhưng xin nói trước: tôi không biết sủa.
- Cũng tốt thôi. Chó sủa, bọn ăn trộm chạy trốn. Còn mày, thì bọn
ăn trộm không nghe được, chúng sẽ lại gần, mày có thể cắn chúng. Chúng sẽ bị
một trận đích đáng.
- Việc đó thừa sức tôi đấy.
Con chó nói.
Và như thế là, tuy nó không biết sủa, mà cũng tìm được việc làm,
một cái xích, và mỗi ngày được một muỗng đầy súp.
ĐOẠN KẾT THỨ BA
Con chó chạy, chạy miết... Bỗng thình lình, nó dừng lại và nghe
một tiếng động kỳ lạ đập vào tai: "Oắc oắc!"
Con chó nghĩ:
- Cái tiếng này nói với mình điều gì đấy. Nhưng nó là con vật nào
nhỉ?
- Oắc oắc!
Có phải là chú hươu cao cổ không? Không, có thể là cá sấu. Cá sấu
là một loài động vật dữ tợn. Ta phải cẩn thận khi đến gần.
Luồn qua các bụi rậm, con chó nhỏ tiến đền gần chỗ phát ra tiếng
kêu làm tim nó đập thình thịch, mà cũng chẳng hiểu vì sao.
- Oắc oắc!
- À, một con chó khác.
Các bạn hãy tưởng tượng, đó là con chó của người thợ săn trước đây
ít lâu đã bắn vào nó, vì tưởng làm nó là con chim cu.
- Chào bạn chó.
- Chào bạn.
- Cậu có thể cho mình biết cái tiếng cậu vừa kêu lên là tiếng gì
không?
- Tiếng kêu nào nhỉ? Mình nói cho cậu biết mà xử sự: mình không
kêu, mà mình sủa.
- Cậu sủa? Cậu biết sủa à?
- Tất nhiên, mình không có ý định rống như voi hay gầm như sư tử.
- Vậy thì cậu có thể dạy cho mình được không?
- Cậu không biết sủa à?
- Không.
- Nghe và nhìn kỹ đây, người ta làm thế này: oắc oắc!
- Oắc oắc!
Con chó nhỏ làm ngay tức khắc.
Trong lòng cảm động và vui sướng, nó nghĩ: "Cuối cùng, ta đã
tìm được một người thầy tốt."
Lời tác giả:
Tôi hoàn toàn đứng về đoạn kết thứ ba. Có một ông chủ tốt quan
trọng hơn là trở thành một ngôi sao trong gánh xiếc, hay có một đĩa xúp hàng
ngày.
Gianni Rodari, nhà văn Italia
(Lấy từ trang vietnamthuquan.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét