Trong di sản thơ ca đồ sộ của Nguyễn Bính, Túi ba gang là một tác phẩm
được nhà thơ viết riêng cho thiếu nhi. Tác phẩm này được in lần đầu trên
tờ Văn nghệ Hà Nam, số xuân Bính Ngọ, 1966. Kể từ đó đến nay, truyện thơ này ít
được tái bản, hầu như không được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu về
Nguyễn Bính cũng như văn học thiếu nhi. Theo chúng tôi, thực tế này cần được
lưu ý và bổ khuyết…
Trong thi nghiệp Nguyễn Bính, Túi
ba gang là một “dòng riêng”, có giá trị gắn nối nhà thơ với lịch sử phát
triển của văn học thiếu nhi Việt Nam.
Trước hết, Túi ba gang
là “tấm giấy thông hành” đảm bảo cho Nguyễn Bính đi vào lịch sử văn học thiếu
nhi trên tư cách một tác giả văn học. Nguyễn Bính viết truyện thơ Túi ba gang vào mùa đông năm 1965, tại
huyện Lý Nhân, nơi cơ quan Ty Văn hóa Nam Hà của ông về sơ tán. Theo nhóm biên
soạn Tuyển tập Nguyễn Bính (Nxb Văn học,
1986) thì Túi ba gang “có lẽ là sáng
tác cho thiếu nhi duy nhất của Nguyễn Bính”[1].
Đến nay, chúng ta cũng chưa phát hiện thêm được tác phẩm nào tương tự. Vì thế,
có thể xem Túi ba gang là một sáng tạo
đột xuất của Nguyễn Bính khi ông bất ngờ rẽ lối về phía sân chơi văn học trẻ em.
Vấn đề là, lí do nào đã thôi thúc Nguyễn Bính viết truyện thơ này cho
các em? Chúng ta không tìm được câu trả lời từ chính nhà thơ, nhưng hoàn toàn
có thể suy đoán lí do từ việc tìm hiểu đời sống văn chương Việt Nam những năm
60 của thế kỉ XX. Đó là một giai đoạn mà văn học thiếu nhi được tạo mọi điều kiện
để phát triển. Như đã biết, sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đảng và
Chính phủ kêu gọi đẩy mạnh công tác xây dựng nền văn học nghệ thuật phục vụ thiếu
niên nhi đồng. Nhiều Chỉ thị đã được ban hành, đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể -
trong đó thường xuyên nhấn mạnh tới công tác xây dựng đội ngũ sáng tác. Chỉ thị
Về vấn đề tăng cường công tác xuất bản
(ban hành ngày 2/10/1962) có đoạn như sau: “Cần động viên và tổ chức những nhà
giáo dục, những nhà văn nghệ sĩ có kinh nghiệm và tài năng sáng tác phục vụ thiếu
nhi, bảo đảm cung cấp các loại xuất bản phẩm có tính tư tưởng và tính nghệ thuật
cho các lứa tuổi khác nhau, nhằm giáo dục cho các em về truyền thống đấu tranh
anh dũng của dân tộc, về đạo đức cộng sản chủ nghĩa, về khoa học và kĩ thuật”[2].
Nhà thơ Phạm Hổ, trong bài viết Nếu tôi
có chiếc đũa thần…, cho biết chủ trương nói trên đã tác động mạnh mẽ tới nhận
thức, tình cảm của lực lượng văn nghệ sĩ, tạo nên bầu “không khí sáng tác cho
thiếu nhi sôi nổi và hào hứng”, khiến cho “nhiều nhà văn viết cho người lớn,
chưa viết cho thiếu nhi cũng bắt đầu có kế hoạch viết cho bạn đọc nhỏ tuổi…”[3].
Trong bối cảnh văn chương như vậy, Nguyễn Bính cũng như nhiều nhà văn,
nhà thơ khác không thể thờ ơ. Bởi, viết cho các em không đơn thuần chỉ là câu
chuyện tình cảm mà còn là trách nhiệm của người nghệ sĩ cách mạng. Thực tế cho
thấy, nhiều nhà văn đã lần lượt nhập cuộc, đem đến cho các độc giả nhỏ tuổi
không ít những tác phẩm hấp dẫn, ý nghĩa, như: Vũ Cận với Cuộc đời chìm nổi của chú Kíp-lê (1961), Vũ Tú Nam với Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công
(1963), Nguyễn Đình Thi với Cái Tết của
Mèo con (1963), Kim Lân với Con chó xấu
xí (1963)… Nguyễn Bính muộn hơn, song cũng kịp có mặt trong đội ngũ những
người viết cho các em ngay từ những ngày đầu văn học thiếu nhi được quan tâm
xây dựng và phát triển. Tiếc rằng, nhà thơ đột ngột từ trần khi nhiều công việc
đang còn dang dở, và trong đó hẳn có “kế hoạch viết cho bạn đọc nhỏ tuổi”.
Sự xuất hiện của Nguyễn Bính trong sân chơi văn học thiếu nhi cho thấy
cách ứng xử tích cực của các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Họ thuận lòng với chủ
trương của nhà nước, đã dốc hết tâm huyết và tài năng cho mỗi một sáng tạo vì
trẻ thơ. Kết quả, họ đã cùng với các cây bút chuyên viết cho các em như Võ Quảng,
Phạm Hổ, Trần Hoài Dương… làm nên “thời hoàng kim của nền văn học cho thiếu nhi
Việt Nam”[4]
những năm 60, 70 của thế kỉ XX.
Từ góc nhìn thể loại, Túi ba
gang là sự tiếp nối cần thiết để phát triển dòng truyện thơ cho thiếu nhi
theo hình thức viết lại truyện cổ dân gian. Khởi đầu cho lối thơ này có lẽ là nhà thơ Tú Mỡ với tác phẩm Bà Túng[5]
viết cho tủ Sách Hồng do Tự Lực văn đoàn chủ trương (số 26/1941). Truyện thơ
này được Tú Mỡ viết theo thể song thất lục bát, dựa theo cốt truyện dân gian nước
ngoài, kể chuyện bà Túng lập mưu đánh lừa Thần Chết để được ở lại cõi trần lâu
hơn. Đọc truyện, các em sẽ thích thú với những “cú lừa ngoạn mục” của bà Túng,
đồng thời qua đó hiểu được vì sao mà cái nghèo, cái túng cứ mãi đeo đẳng con
người từ hết thời này sang thời khác. Khi thuật chuyện, nhà thơ Tú Mỡ đã có một
số thay đổi cần thiết khi đưa vào tác phẩm các yếu tố phương Đông như Phật Như
Lai, túp lều tranh, Diêm Vương… nhằm làm cho Bà Túng phù hợp hơn với trẻ em Việt Nam. Tác phẩm Bà Túng là một khởi đầu thành công của
văn học thiếu nhi Việt Nam, mở ra khả năng phát triển thể loại truyện thơ theo
hướng khai thác cốt truyện dân gian, sáng tạo dựa trên những chất liệu đã có sẵn.
Do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài nên thể loại truyện thơ nói chung,
truyện thơ cho thiếu nhi nói riêng phát triển rất hạn chế. Đến nay, ngoài tác
phẩm của Tú Mỡ và Nguyễn Bính, chúng tôi thấy có những truyện thơ sau đây: Em bé cười ra đồng tiền (Tế Hanh), Túi ba gang (Nguyễn Bính), Phù Đổng Thiên Vương (Huy Cận), Sự tích năm con Trâu (Quang Khải), Túi chín gang, Chuyện bác rùa biết bay, Ông
khách giao thừa, Chuyện ở bờ ao, Một cuộc du lịch, Một bài tập làm văn, Rượu thạch
nam, Bức tranh của bé Hoàng, Chuyện ở vòng đu quay và Sự
tích rước đèn trung thu (Nguyễn Hoàng Sơn), Trạng Diều (Nguyễn Bùi Vợi), Sáo
và Cú Mèo (Phạm Đông Hưng), Nàng tiên
Ốc (Phan Thị Thanh Nhàn), Nhái Bén ra
biển (Nguyễn Châu)… Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, “truyện thơ là thể loại
khó viết. Bởi nó đòi hỏi tài năng và bản lĩnh thực sự của người cầm bút. Nếu
không khéo, rất dễ thành văn vần nôm na hay một thứ vè kể chuyện, không còn thấy
thơ đâu nữa”[6]. Chúng
tôi nghĩ, lí giải trên là có căn cứ - chính cái khó của nghệ thuật thể loại nên
các nhà thơ ít quan tâm khai thác, dù rằng truyện thơ vốn rất được trẻ em ưa
thích.
Như đã nói, Túi ba gang được
Nguyễn Bính viết vào cuối năm 1965, xuất bản vào đầu năm 1966; là một trong số
ít truyện thơ ra đời vào chặng đầu của nền văn học mới. Ở tác phẩm này, Nguyễn
Bính kể lại một câu chuyện xưa – chuyện về hai anh em và cây khế. Sau khi cha mẹ
mất, người anh tham lam giành hết gia tài, chỉ chia cho em “một mảnh vườn nhỏ
bé/Trơ trọi một cây khế/Xa tít tận cuối làng”. Người em chẳng toan tính thiệt
hơn, tháng ngày chăm chỉ làm ăn, “khi khế chín vàng cây/Vợ chồng đem chợ bán”.
Thế rồi, một hôm, chim Phượng Hoàng ở đâu bay đến ăn khế, hứa trả vàng và dặn
người em “may túi ba gang/Đem đi mà đựng”. Làm theo lời chim, vợ chồng người em
trở nên giàu có, hạnh phúc. Người anh biết chuyện, “liền hộc tốc sang chơi”, gạ
em đánh đổi gia tài. Vì tham lam nên người anh đã bất chấp lời chim dặn, may
túi sáu gang, kết cục bị vùi chôn dưới biển sâu. Theo nội dung câu chuyện, dễ
dàng nhận ra Nguyễn Bính đã viết lại truyện Cây
khế, một tác phẩm cổ tích tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam. Như vậy,
về mặt cốt truyện, Túi ba gang thuộc dòng
“truyện cổ viết lại”, hướng vào thỏa mãn nhu cầu giải trí và giáo dục của trẻ
em. Nối tiếp Tú Mỡ, Nguyễn Bính trở thành tác giả đầu tiên sau năm 1945 viết truyện
thơ cho thiếu nhi theo hướng này. Điều này vừa phát huy được thế mạnh ngòi bút
kể chuyện cổ tích của ông (Truyện cổ tích,
Quan trạng…), vừa tạo ra cơ hội “đi
tiếp” cho thể loại truyện cổ viết lại bằng thơ.
Truyện cổ viết lại, dù là thơ hay văn xuôi, đều phải đảm bảo nguyên tắc
“kế thừa có phát triển”. Nghĩa là, tác giả một mặt tôn trọng cốt truyện dân
gian, mặt khác phải đưa vào tác phẩm một số yếu tố mới. Mỗi tác giả, tùy vào mục
đích sáng tác, sẽ đưa ra những xử lí cụ thể đối với cốt truyện mà mình lựa chọn.
Khi viết Túi ba gang, Nguyễn Bính cho
thấy ông trung thành gần như tuyệt đối với cốt truyện Cây khế. Dấu ấn cá nhân, ngoài sự thuần thục của thể thơ ngũ ngôn,
hệ thống từ ngữ miêu tả hành động, nội
tâm nhân vật (tức tối, hộc tốc, hí hửng, tiếc rẻ…) được thể hiện rõ nhất ở phần
đầu và kết thúc tác phẩm.
Mở đầu tác phẩm, nhà thơ viết:
“Nhân nắng xuân đầm ấm
Vườn xuân rộn tiếng chim
Chị kể cho các em
Nghe một câu chuyện cổ.
Các em tìm trong đó
Những ý nghĩa sâu xa
Có bổ ích cho ta
Tuổi măng non tươi sáng.
Nào! Các em im lặng,
Ngồi sát lại cho vui!”.
Lời thơ dung dị, gợi lên hình ảnh người
kể chuyện thân mật và gần gũi. Người kể chuyện, trong vai người chị, mong muốn
các em sẽ tìm thấy được ý nghĩa giáo dục của câu chuyện về hai anh em Kỷ và Ất.
Sau khi thuật xong, người kể chuyện chủ động đúc kết bài học, nhấn mạnh vào những
đức tính tốt và xấu của con người:
“ Câu chuyện cổ như vậy
Các em hẳn nhận ra:
- Tham lam là xấu xa
- Thực thà là đáng quý.
Các em đừng quên nhé
Câu chuyện TÚI BA GANG!”.
Có thể nói, sự mở đầu và kết thúc như
vậy đã tạo nên ít nhất hai điểm mới cho truyện thơ Túi ba gang. Thứ nhất, nhân vật người kể chuyện “xuất đầu lộ diện”,
trực tiếp trò chuyện với bạn đọc bằng giọng điệu thân mật, khiến cho câu chuyện
thêm phần tin cậy trong cảm nhận của người nghe. Thứ hai, thông điệp giáo dục của
câu chuyện trở nên sáng rõ, hiển hiện trên câu chữ của tác phẩm: “Tham lam là xấu
xa/Thực thà là đáng quý”. Những sáng tạo như trên là cần thiết, đem lại cho Túi ba gang một vẻ riêng so với truyện kể
dân gian và cả các truyện thơ khác cùng dòng.
Vào những năm 60 của thế kỉ XX, văn học
thiếu nhi Việt Nam mang trong mình khát vọng phát triển một cách toàn diện về mặt
thể loại. Vì thế, có những thể loại không phải là thế mạnh của nhà văn Việt Nam
như truyện khoa học vẫn được khuyến khích phát triển. Thế nên, cùng với Chuyện em bé cười ra đồng tiền (Tế Hanh,
1961), Bà Túng (tái bản, 1962), Túi ba gang của Nguyễn Bính không chỉ khẳng
định sự hiện diện của truyện thơ mà còn khích lệ những cây bút khác tiếp tục
khai thác thể loại này. Thực tế cho thấy, truyện thơ đã được nối dòng, đã có
tác giả chuyên tâm như nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đầu thế kỉ XXI.
Từ góc độ nghề nghiệp, Túi ba gang đã tạo nên một tương tác thú
vị, dẫn tới sự ra đời một tác phẩm mới – truyện thơ Túi chín gang của Nguyễn Hoàng Sơn. Trong sáng tạo nghệ thuật, giữa
các nghệ sĩ vẫn thường tồn tại mối quan hệ tương tác, ảnh hưởng. Đôi khi, tác
phẩm của người này lại gợi nguồn cảm hứng sáng tạo cho người khác, hoặc để tiếp
nối, hoặc để phản biện… Ví như trường hợp nhà văn Tô Hoài viết tiểu thuyết Đảo hoang là xuất phát từ việc “đọc Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử (…), và ước ao
làm được bài thơ về cái đảo hoang ấy một lần nữa”[7].
Hoặc như Tô Hải Vân viết Phép màu của Mèo
con (Nxb Kim Đồng, 2006) sau khi đọc Làm
mèo của Trần Đức Tiến (Nxb Lao động, 2002)… Đối với trường hợp Nguyễn Bính,
chúng tôi muốn nói tới mối quan hệ giữa ông và nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn khi cả
hai đều khai thác cốt truyện Cây khế
để viết truyện thơ Túi ba gang và Túi chín gang. Hiện tại, chúng ta chưa có xác nhận cuả nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn về vấn
đề này. Nhưng chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, ông đã đọc Nguyễn Bính, đã
tìm thấy ở cốt truyện dân gian Cây khế
những khả năng sáng tạo mới. Bởi ông là nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi, đặc
biệt rất say mê với thể loại truyện thơ và mong muốn tạo được dấu ấn riêng khi
bản thân là người viết sau.
Đối chiếu hai tác phẩm, chúng ta dễ dàng nhận ra những điểm tương đồng
và khác biệt giữa Túi ba gang và Túi chín gang. Cả hai đều trung thành với
cốt truyện dân gian, cùng hướng tới phê phán lòng tham và đề cao đức tính trung
thực của con người. Khác, nếu Nguyễn Bính thuần thục với thể thơ ngũ ngôn thì
Nguyễn Hoàng Sơn lại nhuần nhị với từng câu lục bát:
- “Ất chẳng tính thiệt hơn
Cứ vui lòng nhận lấy
Hai vợ chồng trồng cấy
Mùa rau tiếp mùa khoai
Khi khế chín vàng cây
Vợ chồng đem chợ bán”
(Túi ba gang)
- “Người em chẳng chút bận lòng
Ở lều chăm khế gắng công lam làm
Người ngoan đất chẳng phụ phàng
Đến mùa khế chín trái vàng đầy cây”
(Túi chín gang)
Sự khác nhau giữa hai tác phẩm thể hiện
ngay từ tên truyện. Tên truyện Túi chín
gang như một dấu chỉ, mách bảo xu hướng khoa trương, phóng đại nhằm khắc
sâu vào tâm trí các em nội dung câu chuyện – nhất là nhân vật người anh với nhiều
biểu hiện của một người tham: bấm đốt từng ngày (đợi chim đến), kể lể cùng
chim, túi ba gang nới mỗi bề chín gang, vẫn ngồi ôm túi chín gang (dưới biển
sâu)…
Truyện thơ Nguyễn Bính và Nguyễn Hoàng Sơn mang vẻ đẹp của sự sáng rõ,
giàu tính biểu cảm. Cả hai tác giả đều công phu trong việc lựa chọn từ ngữ,
hình ảnh… nên chỉ cần đôi ba dòng thơ đã có thể khắc họa được chân dung nhân vật,
làm cho cái thiện cái ác hiện lên một cách rõ ràng, ấn tượng. Có thể nói, Túi chín gang là sự nối tiếp, bổ sung
cho Túi ba gang; cho thấy thể loại viết
lại truyện cổ luôn rộng mở cho bất cứ ai ưa thích sáng tạo trong sự thách đố của
nghệ thuật dân gian lẫn hiện đại.
Nguyễn Bính chỉ viết cho thiếu nhi duy nhất truyện thơ Túi ba gang. Và lâu nay, truyện thơ này chưa được xem xét, đánh
giá; chưa được giới thiệu rộng rãi tới bạn đọc gần xa. Vì vậy, nhân dịp kỷ niệm
100 năm ngày sinh của nhà thơ (1918 – 2018), chúng tôi nghĩ cần quan tâm hơn nữa
tới tác phẩm viết cho thiếu nhi này. Đó là cách để giúp cho công chúng cảm nhận
về nhà thơ Nguyễn Bính một cách đầy đủ, thấy được đóng góp của ông với văn học
thiếu nhi trong chặng đầu phát triển.
Rõ ràng, khi được đặt vào bối cảnh phát triển của văn học thiếu nhi thế
kỉ XX, nhất là trong sự vận động của thể loại truyện thơ, Túi ba gang đã bộc lộ nhiều giá trị rất đáng ghi nhận. Tác phẩm này
cần được đưa vào các tuyển tập truyện thơ cho thiếu nhi, cần được giới thiệu
trong nhà trường (tiểu học) để các em học sinh mở rộng kiến văn, thỏa mãn nhu cầu
hiểu biết và giải trí…
Lê Nhật Ký
(Bài in trong Kỉ yếu Hội thảo 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính do Viện Văn học và Trường ĐH Văn Lang phối hợp tổ chức)
* Toàn văn bài thơ như sau:
TÚI BA GANG
Nhân nắng xuân đầm ấm
Vườn xuân rộn tiếng chim
Chị kể cho các em
Nghe một câu chuyện cổ.
Các em tìm trong đó
Những ý nghĩa sâu xa
Có bổ ích cho ta
Tuổi măng non tươi sáng.
Nào! Các em im lặng,
Ngồi sát lại cho vui!
Ngày xưa có hai người
Anh Kỷ, em là Ất
Xảy khi mẹ cha mất
Vội chẳng kịp trối trăng,
Chỉ dặn hai con rằng
Cơ nghiệp cùng chung hưởng.
Kỷ cậy mình là trưởng
Lại vốn tính tham lam
Chẳng thương xót gì em
Cả gia tài chiếm hết.
Nào tường hoa, cây mít
Nào ao cá, nhà lim...
Chỉ chia cho người em
Một mảnh vườn nhỏ bé
Trơ trọi một cây khế
Xa tít tận cuối làng.
Ất chẳng tính thiệt hơn
Cứ vui lòng nhận lấy
Hai vợ chồng trồng cây
Mùa rau tiếp mùa khoai
Khi khế chín vàng cây
Vợ chồng đem chợ bán.
Hôm ấy vừa tảng sáng
Có một con Phượng Hoàng
Từ đâu bay vào vườn
Đậu cành, ăn mãi khế.
Ất ra vườn thấy thế
Cất tiếng bảo chim rằng:
- Nhà ta vốn nghèo nàn
Chỉ trông vào cây khế
Chim ơi! Mày ăn thế
Là khốn vợ chồng ta!
Chim Phượng chừng nghe ra
Cất tiếng kêu vội vã:
- Ăn một quả
trả nên vàng
may túi ba gang
đem đi mà đựng!
Thế rồi cứ sáng sáng
Chim Phượng lại bay về
Ăn khế ngọt chán chê
Lại kêu lên giục giã:
- Ăn một quả
trả nên vàng
may túi ba gang
đem đi mà đựng!
Vợ chồng Ất bàn định
Thử đi một chuyến xem
Vợ liền lấy chỉ, kim
Khâu cho chồng túi vải
Y theo lời chim nói
Đo túi đúng ba gang.
Sáng sau, chim Phượng Hoàng
Từ phương xa bay lại
Ất liền mang túi vải
Cưỡi lưng Phượng mà đi
Qua sóng biển ầm ì
Phượng liền sà cánh đỗ
Xuống một hòn ngọc nhỏ
Vô số là bạc vàng
Ất chẳng có lòng tham
Chỉ lượm vừa túi nhỏ
Khí mặt trời đứng ngọ
Đã giục chim bay về.
Nhờ được số vàng kia
Hai vợ chồng sung sướng
Mua trâu rồi tậu ruộng
Giúp đỡ những người nghèo
Cuộc sống thật phong lưu
Hơn người anh gấp bội.
Kỷ biết tin tức tối
Liền hộc tốc sang chơi
Ất kể rõ đầu đuôi
Kỷ máu tham bỗng nổi
Liền gạ em đánh đổi
Lấy cơ nghiệp của mình.
Vợ chồng Ất hiền lành
Nên chẳng hề suy tị
Đổi ngay nhà cho Kỷ
Không đòi hỏi gì thêm
Kỷ dọn sang nhà em
Ngày lại ngày ngóng đợi
Quả nhiên chim lại tới
Ăn khế chín trên cây
Kỷ chạy ra nói ngay
Chim cũng liền đáp lại:
- Ăn một quả
trả nên vàng
may túi ba gang
đem đi mà đựng!
Kỷ lòng mừng hí hửng
May luôn túi sáu gang
Cốt đựng cho nhiều vàng
Thoả lòng tham không đáy
Sáng sau chim bay tới
Kỷ vội cưỡi mà đi
Qua sóng biển ầm ì
Hạ xuống hòn đảo quý
Kỷ tha hồ tự ý
Nhét vàng đầy túi to
Lòng tham vẫn chưa vừa
Thấy vàng là cứ nhặt
Túi áo nhồi đã chặt
Lại giắt kín lưng quần
Chim giục giã mấy lần
Kỷ vẫn còn tiếc rẻ.
Kỷ mang nhiều vàng quá!
Chim bay qua biển khơi
Mõi rã cánh, hụt hơi
Liền hất tung Kỷ xuống.
Lòng biển sâu muôn trượng
Mặt biển rộng mù khơi
Đã dìm Kỷ chết tươi
Với lòng tham không đáy.
Câu chuyện cổ như vậy
Các em hẳn nhận ra:
- Tham lam là xấu xa
- Thực thà là đáng quý.
Các em đừng quên nhé
Câu chuyện TÚI BA GANG!
Nguyễn Bính
Nhân nắng xuân đầm ấm
Vườn xuân rộn tiếng chim
Chị kể cho các em
Nghe một câu chuyện cổ.
Các em tìm trong đó
Những ý nghĩa sâu xa
Có bổ ích cho ta
Tuổi măng non tươi sáng.
Nào! Các em im lặng,
Ngồi sát lại cho vui!
Ngày xưa có hai người
Anh Kỷ, em là Ất
Xảy khi mẹ cha mất
Vội chẳng kịp trối trăng,
Chỉ dặn hai con rằng
Cơ nghiệp cùng chung hưởng.
Kỷ cậy mình là trưởng
Lại vốn tính tham lam
Chẳng thương xót gì em
Cả gia tài chiếm hết.
Nào tường hoa, cây mít
Nào ao cá, nhà lim...
Chỉ chia cho người em
Một mảnh vườn nhỏ bé
Trơ trọi một cây khế
Xa tít tận cuối làng.
Ất chẳng tính thiệt hơn
Cứ vui lòng nhận lấy
Hai vợ chồng trồng cây
Mùa rau tiếp mùa khoai
Khi khế chín vàng cây
Vợ chồng đem chợ bán.
Hôm ấy vừa tảng sáng
Có một con Phượng Hoàng
Từ đâu bay vào vườn
Đậu cành, ăn mãi khế.
Ất ra vườn thấy thế
Cất tiếng bảo chim rằng:
- Nhà ta vốn nghèo nàn
Chỉ trông vào cây khế
Chim ơi! Mày ăn thế
Là khốn vợ chồng ta!
Chim Phượng chừng nghe ra
Cất tiếng kêu vội vã:
- Ăn một quả
trả nên vàng
may túi ba gang
đem đi mà đựng!
Thế rồi cứ sáng sáng
Chim Phượng lại bay về
Ăn khế ngọt chán chê
Lại kêu lên giục giã:
- Ăn một quả
trả nên vàng
may túi ba gang
đem đi mà đựng!
Vợ chồng Ất bàn định
Thử đi một chuyến xem
Vợ liền lấy chỉ, kim
Khâu cho chồng túi vải
Y theo lời chim nói
Đo túi đúng ba gang.
Sáng sau, chim Phượng Hoàng
Từ phương xa bay lại
Ất liền mang túi vải
Cưỡi lưng Phượng mà đi
Qua sóng biển ầm ì
Phượng liền sà cánh đỗ
Xuống một hòn ngọc nhỏ
Vô số là bạc vàng
Ất chẳng có lòng tham
Chỉ lượm vừa túi nhỏ
Khí mặt trời đứng ngọ
Đã giục chim bay về.
Nhờ được số vàng kia
Hai vợ chồng sung sướng
Mua trâu rồi tậu ruộng
Giúp đỡ những người nghèo
Cuộc sống thật phong lưu
Hơn người anh gấp bội.
Kỷ biết tin tức tối
Liền hộc tốc sang chơi
Ất kể rõ đầu đuôi
Kỷ máu tham bỗng nổi
Liền gạ em đánh đổi
Lấy cơ nghiệp của mình.
Vợ chồng Ất hiền lành
Nên chẳng hề suy tị
Đổi ngay nhà cho Kỷ
Không đòi hỏi gì thêm
Kỷ dọn sang nhà em
Ngày lại ngày ngóng đợi
Quả nhiên chim lại tới
Ăn khế chín trên cây
Kỷ chạy ra nói ngay
Chim cũng liền đáp lại:
- Ăn một quả
trả nên vàng
may túi ba gang
đem đi mà đựng!
Kỷ lòng mừng hí hửng
May luôn túi sáu gang
Cốt đựng cho nhiều vàng
Thoả lòng tham không đáy
Sáng sau chim bay tới
Kỷ vội cưỡi mà đi
Qua sóng biển ầm ì
Hạ xuống hòn đảo quý
Kỷ tha hồ tự ý
Nhét vàng đầy túi to
Lòng tham vẫn chưa vừa
Thấy vàng là cứ nhặt
Túi áo nhồi đã chặt
Lại giắt kín lưng quần
Chim giục giã mấy lần
Kỷ vẫn còn tiếc rẻ.
Kỷ mang nhiều vàng quá!
Chim bay qua biển khơi
Mõi rã cánh, hụt hơi
Liền hất tung Kỷ xuống.
Lòng biển sâu muôn trượng
Mặt biển rộng mù khơi
Đã dìm Kỷ chết tươi
Với lòng tham không đáy.
Câu chuyện cổ như vậy
Các em hẳn nhận ra:
- Tham lam là xấu xa
- Thực thà là đáng quý.
Các em đừng quên nhé
Câu chuyện TÚI BA GANG!
Nguyễn Bính
[1]
Nhận định thể hiện trong chú thích về tác phẩm, trang 187.
[2]
Dẫn theo Vân Thanh, Truyện viết cho thiếu
nhi dưới chế độ mới, Nxb KHXH, H.1982, tr.17.
[3]
Bài in trong Bách khoa thư văn học thiếu
nhi Việt Nam, tập I, Nxb Từ điển Bách khoa, H.2003; trích dẫn thuộc tr.216.
[4]
Phạm Hổ, Nếu tôi có chiếc đũa thần,
sách đã dẫn, tr.217.
[5]
Trước 1945, Tú Mỡ còn có Cóc Tía chầu Giời,
viết lại thần thoại Cóc kiện Trời. Chúng tôi không chọn tác phẩm này vì nội
dung thích hợp với người lớn hơn: “Bình dân! Hợp sức mạnh lên!/ Ta đòi quyền lợi,
yếu hèn ai cho?”
[6]
Nhận định trên nằm trong bài viết “Đọc truyện thơ của Nguyễn Hoàng Sơn”, in
trong Ông khách giao thừa, Nxb Kim Đồng,
H.2002, tr.5.
[7]
Tô Hoài (2000), “Lời Tựa”, Đảo hoang
(tái bản), Nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét