1. Trong chương trình giáo dục hiện hành, thơ văn Võ Quảng được Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí giảng dạy ở nhiều bậc học khác nhau. Ở bậc mầm non, trẻ em bắt đầu làm quen với văn chương Võ Quảng qua tác phẩm thơ Mời vào, truyện đồng thoại Bài học tốt, Trong một hồ nước và Thêm sức chiến đấu.
Lên tiểu học, các em
được học kỹ hơn Ai dậy sớm, Mời vào (lớp 1), Anh Đom Đóm (lớp 3), Mầm non
(lớp 5) và trích đoạn văn xuôi Tiếng hò
trên sông (lớp 3). Ở bậc trung học cơ sở, học sinh tiếp tục được cùng Võ Quảng
Vượt thác (văn xuôi) trong chương
trình Ngữ văn lớp 6, tập 2. Bên cạnh đó, thơ văn Võ Quảng còn được chọn làm ngữ
liệu trong một số cuốn sách tham khảo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương
biên soạn. Có thể kể tới: Tập thơ, chuyện
lớp 1 (1976) Văn miêu tả và kể chuyện
(1991), Văn miêu tả (1998), 100 bài tập luyện cách dùng dấu câu tiếng Việt
(2003), Những truyện hay dành cho trẻ
mẫu giáo (2007)… Các sách nói trên đều do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành nhằm
hỗ trợ học sinh rèn luyện các kĩ năng tiếng Việt như làm văn miêu tả, kể chuyện,
viết câu, sử dụng dấu câu…
Thơ
văn Võ Quảng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm khai thác từ giữa những năm
70 của thế kỉ XX. Qua nhiều lần cải cách, thơ văn Võ Quảng thể hiện rõ khả năng
đáp ứng tốt các yêu cầu giáo dục của nhà trường. Do đó, tác phẩm của ông được
khai thác nhiều hơn, có mặt thường xuyên trong không gian lớp học và gia đình,
trở thành người bạn thân thiết của mỗi học sinh. Có thể nói, trong nhiều thập kỉ
qua, mối quan hệ giữa Võ Quảng và nhà trường không ngừng được khẳng định, tạo
nên những tác động tích cực vào quá trình phát triển nhận thức, đặc biệt là tâm
hồn của các em học sinh. Về phía người học, trong thẳm sâu kí ức, họ luôn nhớ về
ông với những Mời vào, Ai dậy sớm, Những chiếc áo ấm, Quê nội
và rất nhiều tác phẩm khác nữa.
2.
Thực tế nói trên đã đặt ra cho nhà trường đại học, cao đẳng nhiệm vụ phải trang
bị cho sinh viên những tri thức có tính hệ thống về đặc điểm và giá trị thơ văn
Võ Quảng. Bởi chỉ có như thế thì họ mới làm tốt nhiệm vụ giảng dạy sau khi ra
trường. Trên tinh thần như vậy, Võ Quảng được giới thiệu với tư cách một tác giả
tiêu biểu, chiếm một vị trí quan trọng trong giáo trình Văn học thiếu nhi (hay Văn học
trẻ em), thuộc chương trình đào tạo Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Trong
các giáo trình đó, Võ Quảng thường được trình bày thành một chương (hay bài giảng)
riêng, gồm các nội dung về tiểu sử văn học, đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ
văn và quan niệm của ông bàn về văn học thiếu nhi. Nhìn chung, các giáo trình đều
thống nhất cả về cách trình bày lẫn nội dung mô tả, đánh giá giá trị văn chương
Võ Quảng – một phần do quy chuẩn, phần nữa là ảnh hưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó,
Võ Quảng còn được nhắc đến trong các bộ môn như Phương pháp giúp trẻ làm quen văn học, Phương pháp dạy học tiếng Việt và Phong cách học tiếng Việt.
Cùng
với hoạt động giảng dạy, nhiều giảng viên bộ môn Văn học thiếu nhi còn tiến hành nghiên cứu, hướng dẫn (sinh viên, học
viên) nghiên cứu về thơ văn Võ Quảng, dưới dạng đề tài khoa học công nghệ, bài
báo khoa học, luận án, luận văn, khóa luận... Đề tài nghiên cứu khá đa dạng, hướng vào những
vấn đề cụ thể của thơ văn Võ Quảng như: Tìm
hiểu tập thơ Anh Đom Đóm của nhà thơ Võ Quảng (khóa luận, Bùi Thị Phương Thảo),
Võ Quảng và cuộc hòa giải giữa cảm quan
người lớn và tâm hồn trẻ thơ (bài báo khoa học, Châu Minh Hùng), Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi của
Võ Quảng (qua Quê nội và Tảng sáng)
(luận văn, Nguyễn Thị Tâm), Tiểu luận phê
bình Võ Quảng (bài báo khoa học, Lê Nhật Ký)… Theo quan sát của chúng tôi,
thơ văn Võ Quảng thường được tìm hiểu trên tư cách một đối tượng nghiên cứu độc
lập, hoặc là một thành tố của đối tượng khảo sát rộng hơn. Ở trường hợp sau,
thơ văn Võ Quảng sẽ được khảo sát chung với toàn bộ hệ thống văn học thiếu nhi
Việt Nam, hoặc trong một thể loại cụ thể nào đó. Đơn cử: Thiên nhiên – Đất nước trong thơ viết cho thiếu nhi giai đoạn 1960 –
1975 (Luận văn, Lê Huỳnh Diệu), Thể
loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (Luận án, Lê Nhật
Ký)... Những nghiên cứu nói trên đã tiếp cận thơ văn Võ Quảng từ nhiều góc độ,
xem xét trên nhiều tương quan khác nhau. Tuy chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề
lí thuyết và thực tiễn đặt ra từ cuộc đời sáng tác và thơ văn Võ Quảng song những
đề tài nói trên đã tạo nên một tiến bộ đầy tích cực trong hoạt động nghiên cứu
văn học thiếu nhi nói chung, nhà văn Võ Quảng nói riêng. Bởi như đã biết, suốt một
thời gian dài, lực lượng nghiên cứu phê bình văn học thiếu nhi ở ta rất khiêm tốn.
Ngoài Vân Thanh (Viện Văn học), chỉ có thêm một vài nhà văn, nhà báo tham gia
viết nghiên cứu phê bình văn học thiếu nhi. Hầu hết các nghiên cứu, phê bình chưa
được dựa trên một lí thuyết văn học hiện đại nào đó. Tình hình này, gần đây, mới
được điều chỉnh, bổ khuyết, khi việc tiếp cận với thành tựu học thuật bên ngoài
trở nên thuận lợi hơn. Như vậy, nhà trường đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy
hoạt động nghiên cứu văn học thiếu nhi. Với diễn biến này, một số vấn đề về lí
thuyết và lịch sử văn học thiếu nhi sẽ được giải quyết triệt để hơn, khắc phục
tình trạng “khập khiễng và không đồng bộ” giữa sáng tác và nghiên cứu, như nhà
văn Tô Hoài đã từng lưu ý. Trong trường hợp đang bàn, nhà trường cung cấp kết
quả nghiên cứu để giúp nhận diện đầy đủ hơn tài năng, vị trí của Võ Quảng trong
lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam.
Võ
Quảng bắt đầu sự nghiệp văn chương với tập thơ Gà mái hoa, xuất bản năm 1957. Khi đó, ông ba mươi bảy (37) tuổi, vừa
từ trong Quảng Nam – Đà Nẵng ra miền Bắc theo chương trình tập kết, và đang có
cơ hội thăng tiến trên con đường chính trị. Ông đã khiến nhiều người ngạc nhiên
và nghi ngại khi quyết định về công tác tại nhà xuất bản Kim Đồng, tham gia vào
công việc sáng tác cho thiếu nhi. Trong tiểu luận Cần những sáng tác tốt hơn nữa cho thiếu nhi, Võ Quảng cho rằng:
“Thiếu nhi chiếm non nửa dân số. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến thiếu nhi đều
mang tính chất đồ sộ”, và: “Tâm hồn là một việc ta thường ít chú ý, nhưng chính
đó là nơi xuất phát mọi việc làm tốt đẹp và mọi hành động vĩ đại”. Từ phát biểu
này, chúng ta có thể hiểu được lí do vì sao nhà văn quyết định rẽ lối về phía
trẻ em. Nhưng còn điều này nữa: ông đến với văn học thiếu nhi trong một thời điểm
rất đặc biệt. Đó là lúc các văn nghệ sĩ ở miền Bắc hồ hởi thực hiện chủ trương
của Đảng và Chính phủ về việc “xây dựng nền văn hóa văn nghệ thuật phục vụ thiếu
niên nhi đồng” (Chỉ thị về Công tác văn
hóa và văn nghệ phục vụ thiếu niên nhi đồng). Từ miền Nam ra, Võ Quảng
(cũng như Phạm Hổ) bị cuốn hút bởi không khí đó, đã nhanh chóng nhập cuộc, tự
nguyện “sống hết mình, thật hết mình cho tuổi thơ” (Phong Lê). Theo chúng tôi,
đây là một nét trội làm nên sức hấp dẫn của tiểu sử văn học Võ Quảng, đồng thời
là một minh chứng thuyết phục về thành quả xây dựng nền văn học mới. Đó là, chỉ
sau năm 1945 trở đi, nền văn học của chúng ta mới thực sự có những cây bút chuyên viết cho thiếu nhi.
Nghiên
cứu từ nhà trường cũng đã làm rõ giá trị lí luận từ những tiểu luận, phê bình của
Võ Quảng. Trong văn học thiếu nhi, Võ Quảng đến nay vẫn là tác giả có nhiều bài
viết bàn về bản chất văn học thiếu nhi, đặc điểm thể loại truyện đồng thoại,
truyện khoa học, truyện lịch sử… Ông cũng có nhiều ý kiến xác đáng về thơ thiếu
nhi, cách sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với từng độ tuổi. Những ý kiến của
ông rất hữu ích đối với người nghiên cứu trong việc xây dựng lí thuyết văn học
thiếu nhi nói chung, thể loại nói riêng. Cá nhân tôi, khi nghiên cứu về truyện
đồng thoại cũng đã đánh giá cao quan điểm của ông trong bài viết Lại nói về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi
(1982). Rõ ràng, từ những trải nghiệm nghề nghiệp phong phú cộng với tích lũy
sách vở và quan sát thực tiễn sáng tác lâu dài, Võ Quảng mới có thể đưa ra nhiều
nhận định thuyết phục như vậy về văn học thiếu nhi!
Các
nghiên cứu từ nhà trường đều hướng tới mục đích làm sáng tỏ và tôn vinh giá trị
thơ văn Võ Quảng. Về mặt này, có thể khẳng định, nhà trường đã làm tốt nhiệm vụ
mà chương trình đào tạo đặt ra. Mặt khác, với tinh thần khoa học, những người
làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học thiếu nhi cũng nhận thấy sự cần
thiết phải ứng xử tích cực hơn nữa với di sản thơ văn Võ Quảng. Trước hết, cần có công trình nghiên cứu
toàn diện về Võ Quảng trên tư cách một tác giả văn học thiếu nhi tiêu biểu của
thế kỉ XX. Thứ hai, nghiên cứu Võ Quảng
dựa trên lí thuyết văn học so sánh để tìm ra các biểu hiện tương đồng và khác
biệt giữa ông với một số nhà văn trong và ngoài nước. Thứ ba, cần thực hiện điều tra xã hội học để xác định nguyên nhân vì
sao bạn đọc thiếu nhi xưa nay chưa dành nhiều tình cảm cho tiểu thuyết Quê nội như với Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi). Thứ tư, khai thác giá trị miêu tả trong văn xuôi Võ Quảng nhằm phục
vụ cho quá trình học tập, rèn luyện kĩ năng làm văn của học sinh tiểu học và
trung học cơ sở. Thứ năm, khai thác
nhóm truyện đồng thoại sử dụng cốt truyện dân gian (Bài học tốt, Chuyến đi thứ
hai,…) vào việc rèn kĩ năng kể chuyện sáng tạo cho học sinh tiểu học…
3. Để thực hiện tốt các công việc trên, nhà trường rất cần tới sự hỗ trợ của các đơn vị xuất bản – trong đó có nhà xuất bản Kim Đồng. Trong nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chính là xuất bản, Kim Đồng còn phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo về thơ văn Võ Quảng (1982). Kết quả Hội thảo này đã được in thành sách Bàn về văn học thiếu nhi, rất có ý nghĩa đối với nhà trường. Mong rằng, nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tiếp tục giới thiệu thơ văn Võ Quảng tới bạn đọc, nhất là bạn đọc trong nhà trường. Theo chúng tôi, Kim Đồng nên ra một tuyển tập riêng về tiểu luận – phê bình Võ Quảng. Mặt khác, cũng từ trường hợp Võ Quảng, có thể tuyển chọn và xuất bản những tuyển tập riêng về truyện đồng thoại, truyện cổ tích hiện đại, truyện cổ viết lại… Khi được tiếp xúc với những tuyển tập như vậy, bạn đọc sẽ vừa hiểu biết về thể loại, vừa vui thích trước những câu chuyện hay, hấp dẫn.
Quy Nhơn, 2020
LÊ NHẬT KÝ
Bài nào cũng hay thầy ạ!
Trả lờiXóaCám ơn em đã đọc và đánh giá!
Xóa