Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

ĐỒNG DAO HIỆN ĐẠI

 



Thơ viết theo thi pháp đồng dao hay còn gọi là đồng dao hiện đại. Đó là loại thơ kế thừa đồng dao dân gian, các nhà thơ viết cho trẻ em hát và chơi ở vườn trẻ mẫu giáo, ở những sinh hoạt ngoại khoá.


Đồng dao hiện đại học tập từ đồng dao dân gian. Những gì thuộc về tinh hoa giá trị truyền thống, đồng dao hiện đại kế thừa, tất nhiên phải có những cách tân để phù hợp với đời sống hiện đại.

Cũng như đồng dao dân gian, đồng dao hiện đại tuân theo những nguyên tắc thẩm mỹ sau:

- Đó là những bài hát cho trẻ em chơi và học. Nó cũng tồn tại hai phần: Trò chơi và lời hát. Có điều trò chơi và lời hát ở đồng dao mới có những biến đổi thích hợp với đời sống hiện đại.

Không gian chơi được thiết kế ở vườn trẻ, căn phòng tương đối rộng rãi hoặc có thể đưa lên sân khấu. Dụng cụ chơi được chế tạo tùy nội dung của bài hát, như cầu tuột, cầu vồng, cầu bập bênh, các loại búp bê và những loại đồ chơi hiện đại khác.

Trò chơi có đạo diễn. Động tác  chơi có khi được thay bằng vũ điệu.

Lời hát mang giai điệu dân ca xưa hoặc phổ nhạc kiểu mới.

Phần lớn đối với đồng dao hiện đại có thể tồn tại một cách độc lập như một bài thơ. Thay vì hát, các em có thể đọc cá nhân hoặc tập thể. Tất nhiên có chơi và hát thì phần lời sẽ sống động hơn.

Nhạc điệu trong đồng dao mới cũng vui tươi, rộn ràng chẳng khác gì đồng dao dân gian.

Lời thơ có khi chỉ cần có những thay đổi về ý tứ từ một bài đồng dao truyền thống:

Chồng chồng nụ                         

Chồng chồng hoa                       

Cao cao là                                 

Ai nhảy nhỉ?                              

Chồng chồng nụ                         

Chồng chồng hoa                       

Cao cao nữa                              

Cũng vượt qua …                    

                                     (Định Hải)                

Dung dăng dung dẻ

Đàn trẻ Bắc – nam

Múa hát kết đoàn

Vui cười khúc khích

Ông trăng có thích

 Thì xuống mà chơi

Này ông trăng ơi!

Xuống chơi cho khỏe!

 Dung dăng dung dẻ …

                                    ( Nhược Thủy)

Hình thức đồng dao chỉ còn là khuôn mẫu để chuyền tải cho nội dung mới  do nhu cầu của thời đại. Nội dung tri thức và mục đích giáo dục lấn át dần hoạt động vui chơi. Tính chất có định hướng của đồng dao hiện đại đã làm cho văn bản ngôn từ của nó mang một chủ đề nhất định chứ không còn tản mạn như đồng dao dân gian.

Những bài học thường thức về tự nhiên tập trung vào một chủ điểm nhất định. Có khi chỉ trực giác vào một quả na với linh hồn sống động của nó:

Na non xanh,

Múi loắt choắt

Na nở mắt,

Múi nở to.

Na bỏ vò,

Đua nhau chín.

Hạt múi na,

Hạt nhả ra,

Đen lay láy,

Ra tháng tư,

Chín tháng bảy.

Chào mào nhảy,

Suốt mùa na …

                                   (Phạm Hổ)

Hoặc có khi chỉ mơ màng theo hoạt động nhảy nhót, hát ca của chú chích bông:

Chim chích bông,

Bé tẻo teo,

Rất hay trèo.

Từ cành na,

Qua cành bươi,

Sang bụi chuối …

Em vẫy gọi,

-Chích chòe ơi

Luống rau tươi

Sâu đang phá

Chim xuống nhá

- Có thích không

Chú chích bông

Liền sà xuống

Bắt sâu cùng

Và luôn mồm

Thích!

Thích!

Thích!

                  (Nguyễn Viết Bính)

Dù sự sống của hình tượng được đặt trong một lôgic nhất định, nhưng đồng dao mới vẫn giữ tính ngộ nghĩnh hồn nhiên của con trẻ như một nguyên tắc thẩm mỹ không thể thay thế.

Vui chơi vẫn là cách tốt nhất để các em dễ giao hòa với tự nhiên, với cuộc sống xung quanh:

Bập bênh, bập bênh

Ngọn cây vút lên

Mặt trời tụt xuống

Cả hồ rau muống

Cùng vui bập bềnh

Những nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức sẽ đến với các em dễ dàng hơn khi được chuyển tải qua một phong cách trịnh trọng tập làm người lớn của trẻ em:

Làm anh khó đấy

Phải đâu chuyện đùa

Với em bé gái

Phải “người lớn” cơ!

Khi em bé khóc

Anh phải dỗ dành

Nếu em bé ngã

Anh nâng nhẹ nhàng

Mẹ cho quà bánh

Chia em phần hơn …

                        (Phan Thị Thanh Nhàn)

Trịnh trọng mà vẫn vui vẻ, hồn nhiên làm cho nội dung xã hội của đồng dao mới luôn gần gũi với các em. Với tuổi nhỏ, không gì của người lớn có thể áp đặt  cho chúng. Có chăng chỉ bắt các em thực hiện một cách miễn  cưỡng. Khéo một chút biết tạo hứng thú cho các em, việc nhỏ tự nhiên hóa thành việc lớn:

Một sợi rơm vàng

Hai sợi rơm vàng

Bà tết chổi nhỏ, bà làm chổi to

Chổi to bà quét sân kho

Chổi nhỏ phần bé bé lo quét nhà.

                                                (Yên Giang)

Việc nhặt từng sợi rơm “một sợi, hai sợi” bỏ rơi cứ như một trò chơi: Nhưng cái bỏ rơi ấy lại trở thành quí giá vì sự góp nhặt chắt chiu. Chuyện chơi đùa trở thành nghiêm chỉnh: từng sợi rơm rơi như từng sợi vàng, việc bé con trở thành việc lớn . Bé lớn lên bởi tình yêu lao động.

Bài đồng dao của Trần Quốc Toàn chỉ có những động tác hồn nhiên của em bé mà trong đó chứa đựng cả một thế giới cảm xúc nồng nàn. Những giá trị của cuộc sống vụt lớn lên từ đôi chân “lon ton” của em bé:

Buổi sáng bé chào mẹ,

Chạy tới ôm cổ cô.

Buổi chiều bé chào cô,

Rồi sà vào lòng mẹ.

Mặt trời mọc rồi lặn,

Trên đôi chân lon ton,

Hai chân trời của con,

Là mẹ và cô giáo.

Xu hướng tăng cường nội dung giáo dục làm cho thơ viết theo thi pháp đồng dao mất dần tính chất đồng dao. Cái hạt nhân hát và chơi của đồng dao vận động trong một cấu trúc mới. Nó xuyên thấm trong từng bài học mang tính giáo huấn. Chỉ động tác vỗ tay thôi cũng thành bài học về tình đoàn kết cộng đồng:

Bàn tay con bé lắm

Vỗ lên nghe nhỏ thôi

Nhưng cả lớp cùng vỗ

Nghe to lắm mẹ ơi!

                        (Phạm Hổ)

Trò chơi “bước một hai”, trò chơi “quay vòng” ở vườn trẻ lại mang tính chất hướng nghiệp:

Em là bộ đội                            

Em bước một … hai …               

Vác súng lên vai

Em đi đánh giặc

                     (Thu Hà)

Quay vòng quay vòng

 Em chơi quay vòng

Ngồi vào buồng lái

Em thành phi công

                     (Vũ Duy Thông)

Lối cấu trúc trùng điệp của đồng dao không còn là vòng tròn khép kín đơn điệu nữa mà liên tục mở ra với nhiều tiết tấu khác nhau. Mỗi tác giả tìm cho mình một lối cấu trúc riêng.

Phạm Hổ thường biến bài thơ thành trò chơi màu sắc, đường nét theo kiểu cấu trúc hội hoạ:

Lá xanh, quả xanh

Lặng im trên cành

Lá xanh quả vàng

Chim chuyền rung rinh …

                             (Thị)

Mười quả trứng tròn

Mẹ gà ấp ủ

Mười chú gà con

Hôm nay ra đủ

Lòng trắng, lòng đỏ

Thành mỏ, thành chân

Cái mỏ, tí hon

Cái  chân bé xíu

Lông vàng mát dịu

Mắt đen sáng ngời…

                                     (Mười quả trứng tròn)

Võ Quảng thiên về cấu trúc âm thanh. Mỗi bài thơ là một thế giới thanh âm rộn ràng:

Con nghé của ta

Nghé bông nghé hoa

Nhảy nhót kêu la

“Nghé ọ! Nghé ọ!

Ớ mẹ! Ơ mẹ!

Mau đi gặm cỏ!

Mau đi uống sương!

Mau ra bờ mương! …

                         (Con nghé)

Thỏ con run rẩy

Hoảng hốt kêu la

- “Ối mẹ, ối cha!

“Ôi kìa cháy lớn!…”

                         (Thỏ con)

Vẫn cấu trúc trò chơi cho trẻ nhỏ, nhưng Định Hải khéo léo biến thành trò chơi lớn của tình hữu ái quốc tế:

Trái đất này là của chúng mình

Quả bóng xanh, bay giữa trời xanh

Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến

Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển

Cùng bay nào, cho Trái đất quay

Cùng bay nào, cho Trái đất quay

Trái đât trẻ của bạn trẻ năm châu

 Vàng, trắng, đen, dù da khác màu

Ta là nụ, là hoa của đất

Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc

Màu hoa nào, cũng quý cũng thơm

Màu da nào, cũng quý, cũng thơm…

                                  (Bài ca về Trái đất)

Đồng dao hiện đại dần dần được phong cách hóa. Khuôn khổ hình thức của đồng dao bị phá vỡ. Thơ hiện đại viết cho các em tồn tại dưới đủ các dạng thức khác nhau.

Nguồn: Châu Minh Hùng & Lê Nhật Ký, Văn học cho thiếu nhi, Trường ĐH Quy Nhơn, 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét