Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

BẾP LỬA NHÀ SÀN CỦA NGƯỜI BANA KRIÊM

 


1. Vai trò và tác dụng của bếp lửa nhà sàn

 Nhà sàn của người Ba Na Kriêm khi xưa, dù nhà lớn hay nhỏ, ít nhất đều có từ một đến hai bếp lửa. Người Ba Na Kriêm khi xưa cho rằng, bếp lửa là hồn, là sự sống của con người chứ không phải như con tú vật trong thời kỳ chưa có lửa. Có lửa là có tất cả, từ thớ ăn, thứ uống, thứ hút, thứ đốt, cúng quải các vị Thần-Yang, cúng quải ông, bà tổ tiên. 


Do vậy mà các cụ già cho rằng, bếp lửa nhà sàn là một vị thần, được gọi là: Yang Tơ ‘mo hu mà đại diện là: ông táo chủ- Tơ ‘mo hu tơm. Đã được gọi Yang là to lớn lắm, có thể coi tương đương như các Thần núi,Thần trời,Thần đất…các cụ giải thích: Thần núi thì cho rừng núi, Thần trời thì cho mưa, nắng, Thần đất thì cho nơi ở của vạn vật trên thế gian này, còn Thần-Yang lửa- Tơ ‘mo hu là cho sự tồn tại của mỗi gia đình, mỗi con người, trong đó có gia đình người Ba Na Kriêm. Trong gia đình nhà sàn của người Ba Na Kriêm, họ cho rằng có rất nhiều Thần-Yang, trong đó có: Yang Tơ ‘mo hu tơm. Trong sự tồn tại và phát triên của cuộc sống Người Ba Na,Yang Tơ ‘mo hu hay Yang Hnam tức là Yang nhà cửa, luôn thường xuyên trông coi, phù hộ, cho tất cả các thành viên trong gia đình gặp nhiều may mắn trong cuộc sống hằng ngay. Thần-Yang bếp lửa là vị thường xuyên trông coi trực tiếp về ăn uống khi no, khi đói, khi mạnh khỏe, khi ốm đau, cuộc đời khi sáng, khi tối, khi ấm, khi lành…cho mọi thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình đều mong muốn Thần-Yang Tơ ‘Mo hu đừng nên làm những việc ác, việc đau khổ cho gia đình. Mọi thành viên trong gia đình đều luôn tôn trọng, khi lửa to, lửa nhỏ, khi bếp có lửa hay không có lửa, trong những ngày có cúng quải, gia chủ cũng cúng mời Thần-Yang nhà cửa, Thân-Yang Tơ ‘Mo hu đến uống rượu, ăn thịt cùng chung vui với gia đình.

Mấy già làng thường hay nói cho chúng tôi nghe về lửa mặt trời: là quý thật, cho ngày sáng sủa cho mọi người, cho vạn vật nhìn thấy nhau, cho mọi người đi rừng, đi rẫy, rồi cho ban đêm để mọi người xấu mặt nhau, để mọi người đi ngủ…còn ngọn lửa nhà sàn thì cho sáng liên tục. Ban ngày cũng sàng, cho nấu, cho mướng, ban đêm chũng cho ánh sáng, cũng nấu, cũng nướng được. Ánh lửa, gần với mọi người, là của mọi người, muốn bất cứ lúc nào cũng được. Người bảo sáng, là làm lửa sáng ngay. Người bảo tắt là làm lửa tắt ngay.Muốn lửa sáng to là to, bảo sáng nhỏ thì nhỏ…lửa ăn, ở, gần gũi bên người đời, đời, khiếp, khiếp. Từ đó mà vai trò và tác dụng rất lớn đối với đời sống con người. Lửa đối với con người rất gần gũi và thang quen, theo các cụ già làng rút ra có mấy tác dụng lớn như thế này:

Thứ nhất- lửa có tác dụng rất quan trọng trong nấu nướng:

Trước hết lửa tác dụng rất quan trọng hoạt động nấu và nướng. Theo các nhà Kinh điển có nói, từ khi có lửa đời người bước vào thời kỳ văn minh, còn các già làng người Ba Na bảo, thời kỳ ăn chín, uống chín, là một thời kỳ đổi đời bước ngoặc chưa từng có trong tiến trình lịch sử. Chỉ mới đây thôi, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các cán bộ Cách mạng vận động đồng bào Ba Na phải: ăn chín. uống chín, mặc dù chưa hiểu hiệu quả như thế nào, nhưng bà con thực hiện rất tốt, đã phát động nên phong trào mạnh  mẽ, mọi người đã sử dụng lửa, rồi nấu chín, thực hiện ăn chín, uống chín. Cuộc sống đã cảm thấy hay, không phải đau đường ruột, không bị mắc cơn sốt rét, trẻ con không còn ốm đau, mọi người cảm thấy trong người luôn khỏe mạnh…cũng nhờ ăn chín, uống chín.

Thứ hai- lửa có tác dụng sưởi ấm lòng mọi người:

Thời ông, bà, tổ tiên người Ba Na ngày trước rất khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ban ngày đi rừng, đi rẫy, thân trùng trục, đầu đội trời, chân đạp đất, trời nắng, trời mưa còn trú tạm dưới hang gộp, dưới bóng cây, còn những ngày đêm lạnh buốt không biết nhờ vào đâu nếu không có lửa sưởi ấm. Trời mưa lạnh ở trong hang hay nhà sàn, nhóm nhen lửa vừa nấu cơm, nướng củ, vừa sưởi cho ấm người. Rồi những đêm mưa, giá lạnh, gia đình nhóm ửa, mọi người tụm năm, tụm bẩy đưa chân gần bếp lửa, yên giấc ngủ cho đến tận sáng.

Thứ ba- lửa có tác dụng soi sáng trong đêm tối.

Lửa có tác dụng rất lớn cho các thành viên hoạt động về ban đêm. Đi rừng, đi rẫy về tối, nhờ có ngọn lửa sáng mà mọi người được ngồi lại quay quần bên mâm cơm tối. Ngồi con mắt nhìn thấy nhau, mẹ cho con bú, ông hút thuốc, bà ăn trầu, rồi nghe chuyện kể, nghe các cụ hát bài Hơ ‘mon…Ngọn lửa còn rất sang trong những đêm vui hội gia đình, vui Hội làng thâu đêm. Ngọn lửa soi sáng đường cho cặp vợ chồng trẻ từ rừng, rẫy về làng, soi sáng đường cho ông, bà về đến chòi để giữ rừng, giữ rây.

Thứ tư- lửa thường xuyên ở trong con người:

Nguồn để làm ra lửa. nó không cồng kềnh như con dao, cái điếu thuốc, cái cây rựa mà nó là bật lửa, bao diêm chỉ nhỏ chừng bằng hai ngón tay người lớn, bằng như cái bánh in, rất nhỏ nhẹ, để vào trong túi áo, túi quần, chỗ nào cũng được, khi cần thiết lấy ra để hú thuốc, để nhen nhóm lửa, để đốt đóm, đốt đuốc soi đường đi đêm. Khi lên rừng, lên rẫy, hay đến sang bạn chơi, đi ngủ lúc nào nguồn lửa, cũng luôn ở trong thân chủ.

Trong vài chục năm gần đây, mỗi hộ gia đình của người Ba Na Kriêm không có nhiều cặp vợ chồng, mà chỉ có hai cặp, thường là căp ông, bà già và cặp vợ chồng con cả hoặc em út ở trông nom ông bà ở tuổi xế chiều, cho nên trong nhà sàn cũng chỉ có hai bếp lửa, ở hai vị trí khác nhau. Vị trí cặp vợ chồng ở có một bếp lửa, được gọi là bếp phụ, còn bên vị trí chỗ ở của ông bà, có một bếp, được gọi là, bếp chính, hay bếp chủ. Theo truyền thống, xét về mô hình, cấu trúc hay hình thức, cả hai bếp tương đối giống nhau, cả về mô hình, to nhỏ, về cấu tạo, tính chất và cả cách sử dụng bếp lửa

2- Bếp lửa nhà sàn của người Ba Na Kriêm:

Bếp lửa nhà sàn của người Ba Na Kriêm, dù bên bếp chính hay bếp phụ đều tồn tại trong sự bảo vệ, che chở và đùm bọc của Thần-Yang Tơ ‘Mo hu tơm và của tất cả thành viên trong gia đình. Tuy mỗi bếp một gốc nhà, mỗi bếp đều có nỗi “ vui buồn riêng”, có những  việc ứng xử, trọng khinh khác nhau, tuy không nhiều, không lớn, không chênh lạch lắm, nhưng đều có nhiều điểm tương đồng nhau trong thái độ phục vụ nhu cầu cuộc sống của tất cả các thành viên trong gia đình.

 - Sự giống nhau:

Thứ nhất: Cấu tạo khung bếp đều là hình tròn, lấy đoạn day Oh Nga làm vành đều dẻo dai và chắc chắn.

Thứ hai: đều được đặt trên sàn nhà ở một vị trí đã chọn, nhất định.

Thứ ba: Trong cà hai khung bếp, bếp phụ và bếp chính đều được đổ một lớp đất mịn, được nặn, ép thật đều và thật chặc, bề mặt đất hơi nhô lên, tròn trịa. Lớp đất này, cộng với những tàn bụi của than củi, dần dần sẽ thành lớp tro trắng, mà người Ba Na Kriêm được gọi là: Tơ Nuh unh. Kki nào tro bếp đầy quá, gia đình xúc ra đem đổ vào các gốc cột nhà, có tac dụng để kiến khỏi lên nhà.

Thứ tư: Cả hai bếp chính và phụ đều được đặt ba hòn đá-ông táo, khi nhóm lửa đều sử dụng cây củi khô, trước khi đi rừng, đi rẫy trong ngày đều phải dập, tắt lửa ở cá hai bếp đề phòng hỏa hoạn.

Thứ năm: Cả hai bếp đều sử dụng lửa để nấu, nướng các thứ ăn, thứ uống, nơi sưởi ấm cho các thành viên trong gia đình khi ngủ đêm, khi gặp mưa, gió lạnh.

Cả hai bếp lửa chính, bếp phụ đều có  mấy điểm chung nói tóm lại là như vậy. tuy nhiên, bên cạnh đó, hai bếp cũng có nhiều điểm khác nhau, thể hiện:

- Sự khác nhau của hai bếp lửa:

+ Về bếp phụ                                       

Truyền thống của người Ba Na Kriêm thường là, khi bước vào hà sàn, bên phải cửa chính là có bếp lửa chính tức là bếp lửa chủ, còn hướng phía trái cánh cửa, là bếp phụ, tức là bếp cặp vợ chồng con. Bếp phụ được đặt sát phên tường chiều rộng cơar ngôi nhà, ngay cạnh cửa sổ và cách chếch cửa chính khoảng ba hay bốn mét tùy theo nhà sàn rông hay hep, là nơi sinh hoạt của con cháu trong nhà. Bếp phụ của người BaNa Kriêm, có khác chút ít so với bếp chính, thể hiện ở mấy điểm:

Thứ nhất: Nếu so với bếp chính hay bếp chủ thì vòng tròn khung của bếp lửa phụ có nhỏ hơn một ít. Đường kính của khung vòng tròn bếp chính cho là một mét (1m), thì vòng khung của bếp phụ chỉ có thể tám mươi phân (0,80m). Tại sao cóa sự chênh lệch đó, theo các cụ diễn giải:

 Thứ hai:Theo suy nghĩ dân gian của các cụ, đã gọi, chính là phải lớn hơn phụ hay, đã gọi  chủ là phải hơn hẳn các thành viên; ông là phải hơn cha, anh là phải hơn em, nhà Rông phải to hơn ngôi nhà gia đình…

Thứ ba: Mặt thực tế, nơi sinh hoạt quanh bếp lửa phụ có thể ít hơn, thường chỉ là có cặp vợ chồng và một, hai con cái. Hoạt động trong nấu nướng cũng không nhiều và thường xuyên, chỉ là giúp phụ khi mà bên bếp chính có yêu cầu. Bếp phụ chỉ đảm đương những sự vụ vặt, phục vụ cho nhu cầu của các thành viên trong nhà như: nấu rượu cần, nấu cám heo, phơi khô quần áo,…Vị trí bên bếp phụ cũng là nơi trẻ con hay chơi bời, đùa nghich, làm cho khu vưc, bếp lửa ít có bầu không khí nghiêm túc trong sinh hoat.

Thứ tư: Khi đi rừng đi rẫy…Thường là cặp vợ chồng trẻ này thương vắng nhà, có nhiều bửa thì đi rừng, đi rẫy, hoặc đi thăm anh em, bạn bè, một buổi, tối mới về nhà,  cũng có lúc đi rẫy hai, ba ngày, thậm chí mười ngày nửa tháng mới về. Trong trường hợp đi lâu ngày như thế, ở nhà thì bếp lửa phải bỏ, không ai nhen nhóm. Các cụ cho rằng, ngày trước bếp lửa nhà mà bỏ lâu ngày, người Ba Na có câu: “Yă mơ nghlok mah cuôich lai, vai mah dăng…”, có nghĩa là: bếp đã haong vắng, con nhện đã dăng tơ…thì kiêng kỵ lắm. Sống trong một gia đình phải có nề nếp, kỷ cương, con cái có đi đâu lâu ngày, phải báo cho ông, bà chủ biết để mà trông nom bếp lửa, hai, ba ngày có thể nhen nhóm lửa một lần, để gia đình lúc nào cũng ấm cúng.

Thứ năm: Về hòn đá-ông táo thường là đều ba hòn được xếp đặt khoảng cách nhau ngay ngắn. Khi có công việc nấu nương, thì được đem ba hòn đá-ông táo ra đặt trong khung bếp, nấu nướng xong rồi có thể dời ông táo đi.

Bếp lửa phụ cũng có đặt ngay ngằn ba hòn đá-ông táo- Tơ ‘mo hu, nhưng không được không được thường xuyên, lúc cần nấu nướng thì để, không thì có thể dời ba ông táo đi, khi cần lại đặt vào đúng vị trí hòn đá nào đúng vị trí của hòn táo ấy.

+ Về bếp lửa chính:

* Quan niệm về bếp lửa chính:

Về bếp lửa chính hay được gọi là bếp chủ mà người Ba Na Kriêm được gọi là: unh tơm, tức là bếp lửa gốc hay bếp chủ. Trước đây mấy cụ cho rằng, trong nhà sàn của người Ba Na tồn tại mấy loại lửa: Bật lửa để hút thuốc, lửa nến sáp mật ong, lửa bên bếp phụ và lửa bên bếp chính, theo tập tục quy định, bếp lửa bên vị trí ông, bà nghỉ ngơi được chọn làm unh Hnam tức là bếp chủ. Các loại lửa kia là cái thứ, là lửa phụ lúc có, lúc không, còn lửa bên bếp chính là ánh sáng, là hồn sông, là sự no ấm, hạnh phúc của gia đình,  cho nên đòi hỏi bên bếp chủ lúc nào chũng phải có lửa.

Bếp lửa chính hay bếp chủ có vai tró rất lớn trong gia đình của người Ba Na Kriêm, nếu gia đình có ông chủ, nhân vật chính, nhân vật chủ, được mọi thành viên trong gia đình kính nể, tôn trọng thì bếp chủ cũng đảm đương nhiều công việc quan trọng trong bếp lửa và được ông, bà chủ đề cao, sùng bái. Là Thần-Yang trong gia đình:

Thời ông bà, tổ tiên người Ba Na Kriêm  sống theo tin ngưỡng đa thần, coi thế gian này chỗ nào cũng có các Thân-Yang ở cả:

. Trên không gian bao la, có Thần ông trời.

. Trên không gian rừng núi mênh mông, có Thần rừng, Thần núi.

. Trên mặt đất, có Thần-Yang đất.

. Trên mặt đất có nhiều con sông, con suối, có Thần-Yang đak.

. Trong làng có Thàng-Yang Pơ‘lei.

. Trong mỗi gia đình, có Thần-Yang unh Hnam.

. Trong vòng khung bếp lửa nhà sàn, cóThần-Yang Tơ‘Mo hu.

Bếp lửa nhà sàn luôn được ông, bà chủ và các thành viên trong gia đình coi trọng. Trong một năm, có nhiều ngày cúng quảy lớn, nhỏ trong gia đình, như: lên nhà mới, lễ Hội mừng sức khỏe gia đình, ăn cốm lúa mới, ngày thổi tai bé mới sinh…Tất cả đều liên quan tới các Thần-Yang trong nhà như: Thần-Yang cột nhà, mái nhà, sàn nhà, bếp lửa nhà sàn-Yang Tơ ‘Mo hu… Các quy mô cúng, quảy dù lớn hay nhỏ, vui hay buốn cũng mời tới Thần-Yang Tơ ‘Mo hu đến chứng kiền và cùng vui, buồn với gia đình. Trong gia đình khi có người ốm, đau nặng hoặc ăn ở không được suông sẻ, các cụ đều cho là, một số thành viên trong gia đình đã có ăn uống hay sinh hoạt không tốt với các Thân-Yang. Các cụ cho rằng: Trong gia đình các thành viên biết ăn, ở đoàn kết, thương yêu, giúp đở lẫn nhau, thì các Thần-Yang trong nhà mới quý mến, cho nhiều sức khỏe, làm ăn khâm khá, gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

* Cấu trúc của bếp chủ:

. Khung bếp lửa rộng hơn khung của bếp phụ và mô đất đắp lên cũng cao hơn.

. Cách đặt hòn đá-ông táo, cũng có ba hòn được đặt ngay ngắn trên khung bếp. Việc sử dụng ống táo có khác hơn so với bên bếp phu. Hai hòn đá-ông táo, được gọi là hai táo được đặt bên ngoài khung, được sử dụng linh hoặt, khi cần nấu, thì đem đặt hai ông táo vào, còn hết nấu có thể dê ra ngoài khung bếp, nhường bếp để lùi củ mỳ, nướng chim, nướng thịt, để bếp lửa rộng rãi hơn, cho nhiều củi thêm, để lửa cháy to thêm, mọi người cùng ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa, nhất là những ngày, tháng đêm, gió lạnh. Một hòn đá-ông táo được đặt sâu trong khung bếp được gọi là ông táo chủ, mà người Ba Na Kriêm gọi là: Tơ ‘mo hu tơm, tức là, ông táo gốc. Ông táo chủ được đặt cố định, hai ông táo kia thường xuyên được di dời, khi cân, song  ông táo gốc là bất di, bất dịch.

* Việc nấu, nướng ở bếp chủ, được quy định cụ thể, rõ ràng, thứ gì được nấu hay không được nấu, các thành viên trong gia đình đều có ý thức. Một gia đình dù lớn hay gia đình nhỏ, có thể từ hai đến ba cặp vợ chồng, nhưng đều cùng có một ông chủ nhà, cùng có chung bếp chủ, ông táo chủ.Tập tục gia đình quy định, đều làm chung một cái rẫy, đến mùa thu hoạch lúa, hoa màu trên rẫy đều tập trung vào gia đình, vào trong một kho lúa, mà người Ba Na gọi là: xum ‘ba; thực hiện, cùng làm, cùng ăn, hết cùng nhịn. Việc làm một số nghề khác như: săn bắt chim thú, hái lượm, bắt xúc cá, tôm, ếch nhái…được con chim thú dù lớn hay nhỏ, được rau, củ, quả, hay cua, ốc, tôm, cá nhiều hay có ít cũng đem về gia đình nấu chung, ăn chung. Một quy định đáng kể nữa là: các thứ ăn, thứ uống, nấu ở bếp nào cũng được, nhưng nồi cơm cho cả gia đình ăn, hay một cặp vợ chồng nào đó ăn thì cũng đều được nấu tại bếp chủ. Khi hỏi việc này, được các cụ diễn giải như thế này: Người Ba Na coi ông chủ nhà như là một vị thần, người không phải có tiền, có bạc hay giầu san gì, mà người có phong cách sống gương mẫu, điểm đạm, giản dị, sống hà đồng và biết tôn trọng tất cả các thành viên trong gia đình. Trong cuộc sống hằng ngày, ông chủ có sức hút lạ thường, khiền mọi người phải kính nể, do vậy mà mọi người rất gần gũi ông, quyến luyến với ông, cuộc sống hằng ngày không thể thiếu ông được. Lúc ông đi rẫy, đi rừng hay sang nhà bạn uống rượu, các thành viên ở nhà, đến bữa ăn vẫn coi như ông đang ngồi cùng ăn cơm. Từ lòng kính yêu và trân trọng ông chủ nhà như vậy, cho nên nồi cơm phải được nấu từ bếp chủ để gia đình cùng ăn chung hằng ngày.Tuy chỉ là cơm, hoặc cơm độn củ mỳ, củ nâu, củ mài; bữa ăn khi có thịt, có khi bữa rau, bữa củ là chủ yêu, song mọi người đều cảm thấy sung túc và hạnh phuc. Thiết nghĩ, tập tục đó rất là hay, nhiều gia đình của người Ba Na Kriêm vẫn còn duy trì cho đến mãi ngày nay.

* Giàn bếp: Tập tục trong bếp lửa nhà sàn truyền thống của người Ba Na Kriêm thường bắc buộc phải có: Khung bếp, mô đất, ba hòn đá-ông táo, củi đun và giàn bếp. Theo tập tục truyền thống ở người Ba Na Kriêm, chỉ bếp chính hay bếp chủ mới có giàn, các cụ cho rằng có mấy lý do:

Một là: Thịt cũng như các thứ củ, quả khác mà ăn không hết, hoặc để giành ăn dần thì phải được để trên giàn bếp phơi cho khô.

Hai là: Các thành viên trong gia đình phần lớn đi rừng, đi rẫy cả ngày, thậm chí hai, ba ngày mới về nhà, chỉ có ông, bà chủ, tuổi già, sức yếu thường hay ở nhà, hằng ngày vãn duy trì được ngọn lửa trong bếp. Chỉ có hơi lửa thường xuyên mới làm khô ráo được các vật đặt để trên giàn.

Ba Là: Cấu tạo của giàn bếp rất đơn giản, chỉ đặt và buộc bốn cây, dài chừng một mét (1m), thành một hình vuông. Trên hình vuông đó người ta đặt nhiều cây nhỏ, đều nhau, được buộc lại cho chặt, sau đó đem treo lên trên, cách khung bếp lửa chừng một mét rưởi (1,5m). Khoảng cách này là kính nghiệm thực tế của thời ông, thời bà cho hay, các ụ cho rằng: Nếu trường hợp buộc gian thấp quá, trong khi nhóm, nhen lửa hoặc trong nấu, nướng, quá trình đứng, ngồi đễ bị vướng. Nếu trường hợp giàn giáo treo cao quá (trên hai mét), thì khi lên đặt hoặc lấy các thứ xuống để sử dụng, sẽ khó khăn. Cho nên các cụ cũng đã lo trước khi treo giàn lên cao chừng nào cho vừa.

3- Việc sử dụng cây củi khi nhóm lửa:

Trong việc sử dụng lửa, để nấu nướng, hay để sưởi ấm, cây củi đóng một vai trò rất quan trọng, sự quan trọng đó được thể hiện:

-  Cây củi phải thật khô ráo, đúng truyền thống:

Điều  trước tiên phải là những loại cây thật khô ráo, cây ở trong râm, cây nằm dưới đát, cây ở dười nước hay cây mục…cũng là những cây khô, nhưng không được ráo, cho nên khi nhóm lửa đều là loại cây cháy không mạnh, tức là lửa bén chậm, khói nhiều, ngọn lửa không to và cho than, tro không được tốt. Người đi rừng lấy củi, chủ yếu là chị em phụ nữ, phải biết tìm chọn đúng ba, bốn loại cây truyền thống, chứ không phải thấy cây khô nào cũng bớ về. Người Ba Na Kriêm xưa nay vẫn còn lưu giữ tập tục là: Trong ngày cưới hôn, con dâu đến nhà chú rễ là phải cõng hai gùi củi (brong,Tơ Oaih hay rei), không phải là loại cây tròn khô, mà là cây củi được chẻ ba, chẻ bốn, to bằng cổ tay người lớn, thẳng, đẹp và điều quan trọng là phải đúng cây củi khô truyền thống. Tại sao lại không lấy cây khô tròn, các cụ cho rằng: Loại cây khô tròn, có thể không phải là cây củi truyên thống, dễ tim, dễ chặt, chỉ có những cô con gái lười biếng, không siêng năng, không cần cù, chịu khó, không biết gì, mới tìm, chọn củi loại cây này.

- Cây củi thường xuyên có sẵn trong nhà:

 Thời xa xưa, khi con người bắt đâu biết sử dụng lửa,  đời sống của con người Ba Na rất khổ đủ điều.Trong những ngày, tháng nắng ấm dễ dang tim, lấy được cây khô để nhóm, nhen lửa, còn đến những mùa mưa, bão, thì rất là khó khăn. Cây khô bị ướt, như bị ngâm trong nước, thì làm sao nhóm, nhen lửa cháy được. không có lửa lấy gì mà nấu nướng, lấy gì mà sưởi ấm…Từ thực tế đố, những kỷ nguyên về sau này, tổ tiên người Ba Na Kriêm đã bắt đầu biết phải có dự trữ cây củi ở trong nhà. Trước đây, trong nhà sàn của người Ba Na Kriêm thường có chỗ để củi khô:

Một là: ở dưới gầm nhà sàn, có thể là kho cây củi, dự trữ được trong vài tháng.

Hai Là: Trên trần cao giữa nhà sàn, đây có thể là kho dự trữ cây củi thứ hai, cứ vài ba, bốn ngày, gia đình treo lên lấy một lần. Tại kho này, số củi để tương đối lớn, có thể dự trữ đến hết thời gian mưa, bão, (khoảng ba tháng), không tính củi sử dụng trong các ngày cúng lễ của gia đình

Ba là: Nơi ở bên trái gốc nhà, gần cánh cửa ra vào, có thể vừa là chỗ để bầu nước sinh hoạt hằng ngày, kề với đó là đặt một nhóm cây củi, đây là kho cây củi dự trữ thứ ba, khi cần, gia đình có thể sử dụng trong một, hai ngày.

Bốn là: sát mé vị trí khung bếp lửa, có đặt nhóm (một gùi) cây củi, chủ yếu là để gia đình thường xuyên sử dụng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, một đợt gia đình nhóm lửa, có thể sử dụng từ bốn đến năm cây củi, trong khoảng hai tiếng đồng hồ, (lửa cháy lên tục), số cây củi này sẽ cháy thành tro. Như vậy trong một ngày từ sáng đến cả đêm gia đình có thể tiêu cháy hết chừng một gùi cây củi (cây củi loại to bằng cổ chân người lớn), nếu cây củi loại nhỏ tính chắc còn nhiều hơn.

4. Việc sử dụng cây củi và ngọn lửa trong nhà sàn:

Lửa vừa mới bắt đầu nhen nhóm: Cây củi được sử dụng trong khung bếp không dài quá và cũng không ngắn quá, mà thường chỉ dài chừng bảy mươi cho đến tám mươi phân (0,70-0,80m). Cây củi được thường xuyên sử dụng trên bếp lửa phải cỏ từ sáu cây đối với những củi nhỏ và bốn đến năm cây đối với củi cây lớn.Tại sao phải như vậy? các cụ diễn giải rằng: Khi mới bắt đầu nhóm lửa, người ta sửa dụng nhiều bụi, vụn bùi nhùi, hay cây que nhỏ ,là những thứ bắt lửa nhanh nhất, sau đó mới đến những cây củi nhỏ bằng ngón chân cái người lớn. Qúa trình nấu nướng chín, song xuôi rồi mới được cho ba, bốn cây củi loại bình thường, chủ yếu là để  sưởi ấm hoặc để sáng nhà vào ban đêm.

- Cách nhen nhóm lửa trong nhà sàn:

Từ thời ông, thời bà xa xưa cho tới mãi ngày nay, cách nhen nhóm lửa truyền thống trong nhà sàn phải theo các trình tự sau đây:

+ Bước một: sử dụng bùi nhùi để cầu lửa- Bùi nhùi và các thứ để bắt lửa như: lá cây, rơm rạ hay lá tranh thật khô ráo…khi quet lửa vừa bật sáng, nhanh chóng đưa các thứ bùi nhùi vào, tức khác ngọn lửa sẽ cháy to, ta sẽ có lửa một cách dễ dàng.

+ Bước hai: hóm củi cỡ các que nhỏ- Khi đã có ngọn lửa, ta đặt xuống mặt bếp khung lửa nhà sàn, cho các loại que, củi cây nhỏ từ ngón tay trở xuống đặt nhẹ nhàng và hơi thưa ra, trên ngọn lửa. Lúc này, yêu cầu đòi hỏi:

. Các loại que, cây củi nhỏ phải được đặt nhẹ nhàng, nếu đặt mạnh quá thì ngon lửa bị đè xuống, rồi sẽ bị tắt.

. Các loại que, cây củi loại nhỏ phải được đặt hơi thưa, không nên đặt, nhóm lên nhiều quá, thì ngọn lửa bị nén chặc, rối cũng sẽ bị tắt.

. Khi ngọn lửa vừa mới nhóm lên thường là yếu ớt, cho nên, vừa đặt củi rất nhẹ nhàng, đồng thời vừa lấy hơi nhẹ nhàng thổi để ngọn lửa mỗi lúc cháy thêm to lên.

+ Bước ba: Nhóm lửa bước hai với cây củi cỡ nhỡ- Cơ bản là yên tâm, không còn sợ lửa bị tắt. Giai đoạn này, chủ yếu chỉ sử dụng cây củi cỡ khoảng từ ngón chân cái cho đến bằng cổ tay người lớn, là giai đoạn để ngọn lửa cháu to, cháy kỹ chuẩn bị lấy than, và cũng là giai đoạn bắt đầu sử dụng lửa cho công việc nấu nướng.

+ Bước bốn: Nhóm lửa bước ba với cây củi cỡ lớn- Giai đoạn này, phần nấu nướng cơ bản đã xong, cho nên cây củi chủ yếu sử dụng loại cây to bằng cổ chân người lớn, nhằm phục vụ cho các nhu cầu:

Một là: nấu rượu cần, nấu cám heo, nấu bánh tét, chủ yếu trong dịp tết tươi.

Hai là: để sưởi ấm cho cả nhà, nhất là ngủ đêm.

Ba là: lùi các loại củ, nướng, lụi các loại thịt.

Bốn nướng, đốt lông các loài con chim lớn, con thú loại nhỏ.

Phải biểt cách nhen nhóm lửa: Sử dụng ngọn lửa phải phù hợp với nhu cầu của người đang sử dụng bếp vào công việc gì:

Thứ nhất- khi đang nấu cơm: Kính nghiệm thực tế của người lớn cho thấy, đòi hỏi cây củi không phải nhiều, ngọn lửa cháy không phải to lắm, nồi cơm đã sôi và cạn dần thì chỉ cần than lửa là đủ cơm chín ngon. Thời buổi bây giờ, trẻ nhỏ chín, mười tuổi đã biết nấu chín bằng nồi cơm điện.Trước đây, công việc nấu cơm vất vả lắm, nhóm lửa như thế nào, lửa to, nhỏ bằng nào cho vừa, nồi cơm sôi rối, tiếp tục xử lý sao?. Chúng tôi được biết, các em đi theo học các trường nội trú, kể cả các trường Đại học, cao đẳng, ít khi tiếp xúc công viện bếp núc, mặc dù đã trên dưới hai mươi tuổi vẫn chưa biếtt cách nấu cơm, nấu canh là như thế nào. Mặc dù đang sống và học tập trong thời đại ngày nay, công việc nhen, nhóm lửa, việc nấu cơm, nấu canh bằng lửa cây củi là không tồn tại nữa, song, thiết nghĩ, đó là tập tục đẹp. Cần mẫn từ những công việc tưởng chừng nhỏ nhoi, như: chọn cây củi, nhen nhóm lửa, lấy sức, ra mồ hôi, nước mắt, thổi hết hơi để có được ngọn lửa, từ những công việc như vậy, đã tạo nên cho ông cha ta có sức sống dịu dàng và mãnh liệt, vất vả mà rất thành công trong mọi công việc.

Thứ hai- khi thui lông chim, thú: Thực tế cho thấy, công việc này cần có ba loại lửa, mỗi loại phù hợp cho từng con chim thú một.

. Loại thui lông các con thú lớn:

Loài con thú lớn như: Con nai, con trâu, con heo rừng, con sơn dương, con gấu…là những con thú lớn rất khó thui lông. Ngày nay những loài thú này, người tà có thể không cần phải thui lông, mà chỉ lột hết phần da là xong.Trước đây những con thú này đều thui nguyên con, khi nào thui xong người ta mới mổ xẻ thành những phần nhỏ. Khi thui những con thú này không cần phải có bếp, chỉ cần hai, ba cây to bằng bắp đùi, bắt ngang qua ngọn lửa là được rồi. Đòi hỏi phải có nhiều cây củi, cháy thật to, liên tục, khi thui hết loonh mới thôi. Con vật lớn như vậy, đòi hỏi phải có, ít nhất từ hai đến ba người, mỗi người cầm một cẳng con thú, rồi lật đi, lật lại, rất vất vả mới thui xong một con thú. Khi thui xong, cũng cần nhiều người cắt, mổ, xẻ, băm, thái thịt con vật rồi đem chia phần cho dân làng, đem nấu nướng chí cùng ăn cho no nê. 

Loài con thú cỡ nhở: Như các loài, con chồn, con nhím, con dọc, con khỉ, con trăn…thui các con loàn này cũng không cần bếp, hòn đá-ông táo, ngon lửa cũng không cần to lắm, công việc đỡ vất vả hơn, chỉ cần một người, vừa thui, vừa lật con thú qua lại, vừa lấy cây cạo lông là được. Khi mổ xẻ con vật cỡ nhỡ này cũng chỉ một người là đủ công việc và cũng không phân chia nhiều như loài con thú lớn.

Loài con chim cỡ lớn: Như con chim đại bàng, con gà rừng, con kông, con trĩ…là những con chim loài lớn, khi thui lông cũng nhẹ nhàng, không cần phải có bếp, hòn đa-ông táo, lửa cũng không cần cháy to lắm, chỉ một người vừa thui, vừa nhổ sạch lông, rồi đến công việc mổ, xẻ cũng chỉ một người.

Loài chim, con vật cỡ nhỏ: như con sóc, con chuột, con cu đất, con chim xanh, con bồ câu…là những loài chim hay con vật cỡ nhỏ. Thui lông rất dễ dàng. Lửa cháy vừa, nhỏ thôi, một người, một buổi có thể thui được nhiều con, mổ,xẻ cũng rất nhẹ nhàng. Thịt các loại con này ăn rất ngon, nó chỉ phục vụ trong gia đình hoặc hai, ba người ăn thôi.

Ở đây, lửa loại cháy nhỏ, nhẹ được  sử dụng phổ biến nhất, loại ngọn lửa này, yêu cầu bếp, hòn đá-ông táo có cũng được, không có cũng được, nó vẫn được người Ba Na Kriêm, từ xa xưa cho đến nay vẫn còn thường xuyên sử dụng. Công dụng của ngọn lửa loại này chủ yếu là: nấu, nướng xong là ăn liền. Thịt của tất cả con chim, thú cỡ lớn, cỡ nhở được cắt, băm thái nhỏ đều bỏ vào nồi, vào ống đem ra lửa bếp nấu, nướng.

Thứ ba- Nhu cầu mức độ lửa khác nhau ở trong bếp lửa nhà sàn:

+ Nấu cơm: Nồi cơm chừng năm, sáu người ăn, được đặt ngay ngắn trên ba hòn đá-ông táo, cây củi được nhóm lên chỉ cần ba, bốn cây cỡ nhỏ bằng ngón chân cái và khoảng hai, ba cây lớn hơn là đủ. Ban đầu có thể cho ngon lửa tăng cao lên để nước trong nồi cơm chóng sôi, kki nước trong nòi cạn dần, lửa trong bếp cũng từ từ hạ nhỏ lại và cuối cùng, theo người Ba Na Kriêm tiếp tục có hai cách xử lý để nồi cơm chín đều:

Cách thứ nhất là, cho nồi cơm cạn nước, hãm lửa lại, tiếp tục để nồi cơm trên ba hòn đá-ống táo cho đến nồi cơm chín kỹ mới bắt xuống.

Cách thứ hai là, cũng cho nồi cơm cạn hết nước, rồi khới hết than củi ra kề bên hai ống táo, sau đó bắt nồi cơm xuông, đem đặt vào trên mặt lớp than đó. Cách thứ hai này,có thêm công việc là phải thường xuyên xoay vòng nồi để cơm được chín đều.

+ Cơm nướng: Gạo được rửa sạch bỏ vào trong ống cây Lờ ô hay cây Mờ o, mà người Ba Na Kriêm gọi là ‘long treng là tốt nhất. Có thể sử dụng cây Mờ o, chỉ chừng bằng bắp tay người lớn, không được to quá và cũng không nên nhỏ quá, cho đổ ngập mức gạo trong ống, mỗi lần có thể đốt (nướng) từ ba đến bốn ống, nhiều hay ít là tùy số lượng người tham gia ăn. Nướng cơm trong ống cũng gần như nấu cơm trong nồi vây. Ban đầu cũng cho ngọn lửa tăng lên, hãm ửa lại khi trong ống đã cạn nước, và cuối cùng cũng chỉ nướng trên than củi. Tuy nhiên, cũng phải thêm một công việc là phải thường xuyên trở ống để làm sao cho cơm được chín đều.

+ Lùi củ: Các loại củ, như củ mỳ goòng, củ lang, khoai sọ, củ mài, củ nâu…chủ yếu là để ăn phụ, lót dạ thêm, chứ không phải thứ ăn chính. Khi lùi, người ta chỉ vùi kín, các loại củ nói trên dưới đống tro và than lửa, sau đó chờ một khoảng thời gian mười lăm, hai chục phút là củ chín.

+ Thui lồng gà, lồng chim nho: Cũng trên bếp lửa nhà sàn, có đầy đủ ba ông táo, củi, ngọn lửa được nhóm vừa để đủ thui lông thường là con gà, và các loài con chim nhỏ, con bồ câu, con chào mào, con sóc, con chuột…ngọn lửa vẫn giữ mức cháy nhỏ bình thường cho đến khi thui xong các loài chim.

+ Nấu thịt, nấu canh rau: Tất cả các loài thịt, từ con lớn, cho đến các loại con chim, thú nhỏ, con tôm,cua, ốc, cá hay đến rau, củ, quả đều được băm, thái nhỏ, để nấu cho khoảng chục người ăn, bỏ vào trong nồi, bắt lên trên ba ống táo, người chủ nấu sử dụng ngọn lửa không to lắm, nhưng phải cháy đều cho đến khi nồi rau, thịt chín.

Thứ tư- Lửa phục vụ cho sưởi ấm: Cuộc sống của người Ba Na Kriêm trước đây rất khổ cực đủ điều. Cái quan trọng nhất là cái ăn, no bụng duy trì cuộc sống, mặc, trước hết là cái để che thân, sau là ấm thân thể con người. Ngọn lửa bếp nhà sàn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Có cái lửa, mà làm nên ngôi nhà sàn ấm cúng. Trong quá trình nấu nướng, việc sử dụng ngọn lửa ở mức độ có khác nhau.Việc lửa cho các thành viên trong gia đình sưởi ấm là phải có thường xuyên. Khi mưa, gió lạnh lẽo, hoặc đi rừng, đi rẫy về bị dầm mưa, giá lạnh, về đến nhà là họ cần ngọn lửa được nhen to ở mức cho phép để được sưởi ấm, đồng thời làm cho áo, váy bận bên mình cũng chóng khô. Khi ngủ đêm ngọm lửa luôn duy trì thường xuyên. Đêm ngủ không có tấm áo mặc, không có tấm chăn đắp, mọi người chỉ đưa bàn chân quanh bếp là có hơi ấm của lửa. Khi ngọn lửa bị hãm liu riu, thì sẽ có người ngồi dạy, nhóm cho lửa chấy to hơn, mọi người cứ thế mà yên, ấm ngủ cho tận sáng. Trong các trường hợp đi rừng, đi rẫy cũng vậy, ban ngày lao động cực nhọc, đêm về lại ngồi hoặc ngủ quay quần quanh bếp lửa. Lửa không phải nhóm nhẹ như ở trong nhà sàn, trái lại được cho phép nhóm củi nhiều hơn, cháy thiệt to, để mọi người đang ngủ ở xa hay gần đều nóng, ấm, yên giấc trong đêm ngủ rừng. Ngọn lửa ở trong nhà sàn hay ở trong rứng phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm đều cần thường xuyên cháy liên tục. Chỉ duy khác ở chỗ, lửa trong nhà sàn cháy nhỏ, êm dịu và người được thụ hưởng ít, lửa được nhen, nhóm trong rừng cháy rất to và người sưởi ấm cũng rất đông.

Thứ năm: lửa có tác dụng giữ cho nhà sàn lâu bền:

Các cụ thường đem một số nhà, như nhà chòi rẫy, nhà Tơ Đưm hay nhà kho lúa để so sánh xem sự bền lâu của các nhà.Theo các cụ cho biết, nhà mà không có người ở thường xuyên, thường hay mốc meo. Cây thì mọc ăn, bếp thì nhện giăng tơ, trần thì chim, chuột làm ổ, nền, gầm nhà thì làm nơi chỗ ẩn nấp của các loại rắn, rết… cho nên ngôi nhà dễ bi chóng mục, nát. Một ngôi nhà, bình thường có thể sử dụng được trong ba, bốn năm. Nhưng nến mà ngôi nhà mà không có ai ở thường xuyên thì, chỉ trong hai hoặc ba năm là không thể ở được rồi. Còn những ngôi nhà, như nhà gia đình trong làng, thường xuyên có người ở, thì cũng sử dụng được năm, sáu năm. Ngọn lửa nhà sàn không chỉ sưởi ấm cho mọi thành viên trong gia đình, mà có hơi lửa còn làm cho các sâu mọt không đục, khoét cây cối trong nhà, cim chuột, rắn rết cũng không giám bò tới, làm cứng cáp thêm cây, day, lá…tăng sức bền thêm cho ngôi nhà.

5- Ngọn lửa trong việc cúng quải:

Theo truyền thống, trong việc cúng quải của người Ba Na Kriêm bắt buộc phải có tập tục và các vật cúng lễ sau đây:

Thứ nhất:- Phải có cột cúng – Chơ mrưng xơ drô.

Thứ hai: - Phải có các vật cúng, như rượu cần, con heo, gà…

Thứ ba: - phải có lửa, thể hiện bằng ngọn nến sáp mật ong rừng.

Khi cúng quải, ngọn nến sáp mật ong luôn được đính ngay ở cây cần của người cúng hoặc ngay cột cúng – Chơ mrưng xơ drô. Tuy từng nội dung cúng quải, có lúc cúng ở cột cúng, chủ yếu là các Thần-Yang ở ngoài trời, có lúc cây cần và ngọn nến luôn đi theo ông cúng các Thần-Yang ở trong nhà, như:

Yang Jrăng Hnam, tức là thần-Yang cột nhà.

Yang Tơ Pơng, kơ chai Hnam, tức là Thần-Yang sà dọc, sà ngang nhà.

Yang ‘Măng Hnam, tức Thần-Yang cửa ra vào.

Yang Unh Go, Tơ ‘Mo hu, tức Thân-Yang bếp lửa.

Theo tập tục, trong quá trình cúng không được để ngọn nến tắt. Theo quan niệm của các cụ cho rằng: Ngọn nến là người, là lời thông báo, là lời mời đến các Thân-Yang xa, Thần-Yang gần và linh hồn ông, bà, tổ tiên biết để đến chứng kiến ngày cúng quải và mời các vị cùng đến ăn thịt, uống rượu cần, chung vui cùng gia đình, với lý do như vậy, ông cúng mà làm tắt ngọn nến là kỵ lắm.

YANG DANH

Nguồn: Văn hóa dân gian Bình Định (2011 - 2020) nghiên cứu & sưu tầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét