Giới thiệu: Sau khởi đầu thành công với đồng thoại Cô bê 20 (NXB Kim Đồng, 1968), nhà văn Văn Biển đã quyết định gắn bó sâu sắc hơn với văn học thiếu nhi. Theo thời gian, ông lần lượt xuất bản: Mười ngày làm khách (1972), Chú bé vô hình (1996), Từ không đến có (1998), Bé tuyết (2001) và Chú Khỉ cộc đuôi (2018)... Ông người Quảng Ngãi, vốn là kĩ sư địa chất, được TT Phạm Văn Đồng gợi ý viết Cô Bê 20...
Chú bé nổi bật trong đàn
không phải chỉ nhờ cái đuôi cộc mà còn do sự nhanh trí, can đảm và nhất là tài
bắt chước. Chính điều sau này đã gây nên nỗi bất hạnh trong đời chú.
Chú có cô bạn. Cô bé nhỏ
nhắn xinh xinh, giải yếm trắng ở ngực. Khi cô bé ở trong đàn thì không lẫn vào
đâu được. Đôi bạn như hình với bóng. Dầu là lúc họ dưới đất hay đu chuyền trên
cành cao.
Các nương ngô đang mùa kết
hạt. Suốt ngày bầy khỉ kéo tới phá phách. Chúng ăn một phá mười. Cộc đuôi
thường dẫn đầu cả bọn. Cạnh chú lúc nào cũng có cô bé yếm trắng. Ăn chán chúng
lại bày trò vui. Lúc thì Cộc đuôi giả làm bác gấu, đi hai chân, bước những bước
lặc lè khệnh khạng, lúc chú đóng vai ông lão chống gậy khập khễnh từng bước
một. Thật là vui nhộn.
Trên nương ngô ngày nọ bỗng xuất hiện các bù nhìn đầu đội nón, tay vung vẩy cành tre, mặt mày bôi xanh bôi đỏ như các quan văn quan võ phường tuồng. Mỗi lúc có gió chiếc roi vung tít lên. Bầy khỉ lớn nhỏ sợ hãi dạt ra xa, len lét đứng nhìn. Cộc đuôi mon men tới gần. Chú khẽ chạm chiếc roi. ồ, chẳng làm sao cả. Chú giật chiếc roi quẳng xuống đất rồi nhảy phắt lên vai bù nhìn ngồi. Chú bắt đầu lột chiếc áo bù nhìn mặc cho mình. Chú lột tiếp chiếc mũ chụp lên đầu. Chú nhảy xuống đất, sẵn còn mấy đĩa bột màu, chú nhúng cả hai bàn tay vào rồi bôi lên đầy mặt. Xong đâu đấy, chú nhặt chiếc roi vung vẩy, phóng như bay ra khỏi nương ngô.
Kìa, cả bầy đang từ xa chờ
chú. Cô bé yếm trắng vẫn đứng đầu hàng. Cộc đuôi vừa chạy vừa vung tít chiếc
roi. Chưa bao giờ chú thấy hớn hở như vậy.
Ồ, mà sao lạ thế kia. Chú
càng chạy thì khoảng cách giữa chú và bầy đàn càng lớn. Các bạn cứ lùi dần lùi
dần cho tới lúc cả bầy bỗng quay lưng lại chạy biến đi, chúng chen nhau, xô
nhau lao như thác vỡ bờ. Tiếng kêu chí chóe vang lên cả góc rừng chiều. Cô bé
yếm trắng lúc này lại chạy trước cả đàn. Cộc đuôi càng cố sức đuổi theo thì cả
bầy ngày càng bỏ xa chú hơn...
Cộc đuôi không nhớ rõ đã
băng qua bao nhiêu khoảng rừng thưa rừng dày, lội qua bao nhiêu lạch cạn suối
sâu, vượt qua bao nhiêu thác ghềnh, mãi tới lúc mặt trời khuất núi, chú chợt
nhìn chung quanh không còn bóng dáng một ai nữa. Chú hiểu là không còn mong gặp
lại bầy đàn. Chú phục xuống nằm khóc một mình.
Đêm. Quanh chú giờ này chỉ
có cây rừng và núi đá lặng im với những tiếng động khi gần khi xa. Đâu phải
những tiếng động của rừng cây êm ả như mọi khi, tiếng cành cây gãy, tiếng bước
chân nhẹ nhàng của các chú thỏ có tật ăn khuya, tiếng côn trùng rí rích dưới
lớp lá khô... những tiếng đêm quen thuộc. Không, mỗi tiếng động lớn nhỏ bây giờ
đều kèm theo hình thù cái mõm sói với những chiếc răng nanh nhọn hoắt, những
cặp chân đầy vuốt nhọn sắc từ trong bóng tối âm u bí ẩn, bất cứ lúc nào cũng
sẵn sàng nhảy ra quắp lấy chú. Đói, khát, mệt và buồn, chú ngủ thiếp đi lúc nào
không biết. Trong giấc ngủ nặng nề đầy mộng mị, thỉnh thoảng chú lại giật mình
đánh thót, tưởng chừng như mỗi gốc cây hiện nguyên hình một con ác thú, chưa
bao giờ chú thấy cô độc như lúc này...
Chú thức dậy rất sớm, khi
tiếng chim rừng đầu tiên lảnh lót. Bốn bề vẫn im ắng như tờ. Mệt và khát, chú
lần ra suối, những con suối rất đỗi quen thuộc chảy giữa các khe núi. Chú đứng
trên bờ vục mõm xuống, bỗng giật mình lùi phắt lại. Dưới lòng suối trong veo
hiện ra một hình thù kỳ dị đang trừng trừng nhìn chú. Một con vật vừa là chú
vừa không phải chú. Một con khỉ mang râu đội mũ, mặt mày xanh đỏ dữ dằn, cứ như
muốn chồm lên vồ người trên bờ. Hoảng quá, chú kêu rú lên chạy bán sống bán
chết...
VĂN BIỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét