Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

TRẦN HOÀI DƯƠNG TRÊN TIẾN TRÌNH TRUYỆN CỔ TÍCH HIỆN ĐẠI





Ở tuổi hai mươi, nhà văn Trần Hoài Dương (1943 – 2011) ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn đầu tiên viết cho thiếu nhi Em bé và bông hồng (Nxb Kim Đồng, 1963). Vào thời điểm đó, các văn nghệ sĩ ở miền Bắc đang hồ hởi, quyết tâm xây dựng nền văn học nghệ thuật phục vụ thiếu niên nhi đồng. 

Nhờ sức lôi cuốn của không khí văn chương thời đó cộng với sự khích lệ của nhà văn Tô Hoài, Trần Hoài Dương quyết định dấn thân vào con đường sáng tác cho tuổi thơ. Ông nhanh chóng khẳng định văn tài, trở thành một gương mặt mới, tiêu biểu của văn học thiếu nhi Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI.

Trần Hoài Dương là một cây bút văn xuôi đa dạng. Ông khai thác thành công nhiều thể loại, trong đó có truyện cổ tích hiện đại. Ở thể truyện này, ông có các tác phẩm sau: Bà cháu, Nụ tầm xuân, Con thiên nga bé bỏng, Bộ lông rực rỡ của chim Thiên Đường, Nàng công chúa biểnHuyền thoại về loài chim cánh cụt. Tuy số lượng không nhiều nhưng các truyện cổ tích nói trên của Trần Hoài Dương rất đặc sắc, được bạn đọc yêu thích rộng rãi, và được sử dụng giảng dạy trong nhà trường. Có thể nói, mảng sáng tác này là một đóng góp quan trọng của Trần Hoài Dương vào thành tựu chung của văn học thiếu nhi Việt Nam, nhất là với tiến trình thể loại truyện cổ tích hiện đại.

Chúng ta đều biết, trẻ em thời hiện đại vẫn say mê đọc truyện cổ tích. Bên cạnh nguồn truyện kể dân gian, các em cũng mong muốn được đọc những câu chuyện mới do nhà văn sáng tác. Từ thực tế này, Trần Hoài Dương nối tiếp các nhà văn tên tuổi như Khái Hưng, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ… đã sáng tác cho các em những câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa…”. Kết quả, thể loại truyện cổ tích hiện đại ra đời, gắn liền với vai trò của nhiều thế hệ nhà văn trước và sau năm 1945. Trong đó, lớp nhà văn có công mở đầu là Khái Hưng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Nghiêm… (trước 1945); lớp tiếp nối lần lượt là Phạm Hổ, Ngô Quân Miện, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương, Nguyễn Trí Công, Nguyên Hương… (từ sau 1945 đến nay).

Trần Hoài Dương thuộc thế hệ nhà văn tiếp nối, sáng tác truyện cổ tích vào những năm cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Đó là một giai đoạn phát triển "đặc biệt" văn học thiếu nhi nước nhà, gắn với tình trạng khủng hoảng do tác động gay gắt của kinh tế thị trường. Trong nỗ lực tìm cách vượt qua khủng hoảng, ông nhận thấy phải phát triển loại hình văn chương kì ảo nhằm dẫn bạn đọc vào những trải nghiệm thú vị trong thế giới phi thực, nhiều tưởng tượng. Lưu ý tới điều này để thấy, hoạt động sáng tác của nhà văn Trần Hoài Dương trong hoàn cảnh này không chỉ có ý nghĩa góp phần duy trì dòng chảy thể loại mà còn cho thấy phát triển truyện cổ tích là đúng hướng, hoàn toàn phù hợp với tâm lí tiếp nhận của bạn đọc thiếu nhi.

Khi sáng tác truyện cổ tích, Trần Hoài Dương không chọn cách dựa vào một cốt truyện dân gian có sẵn rồi viết thành câu chuyện mới. Ông chủ trương chỉ tái sử dụng một số yếu tố thi pháp dân gian quen thuộc như motif biến dạng, sinh nở thần kì, kiểu kết thúc có hậu hay triết lí “cứu vật, vật trả ơn”… Trên cơ sở đó, nhà văn thực hiện các sáng tạo theo tinh thần của nghệ thuật tự sự hiện đại. Mỗi một tác phẩm của ông – dù dài hay ngắn – đều là kết quả của một ngòi bút công phu, luôn luôn trung thành với mục tiêu “viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ”.

Truyện cổ tích của Trần Hoài Dương gồm những câu chuyện về lòng yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với loài vật, cỏ cây. Trong truyện Nàng công chúa biển, ông gọi lòng yêu thương là “dưỡng chất trần gian” nuôi lớn con người cả về thể xác lẫn nhân cách. Nó cũng là thứ thuốc có thể làm “ấm mềm trở lại”, “hồi sinh trở lại” những trái tim đã hóa đá và dung chứa linh hồn quỷ dữ. Có thể nói, chủ đề “lòng yêu thương” được trở đi trở lại nhiều lần đã làm nên đặc điểm riêng của mảng truyện cổ tích Trần Hoài Dương. Nói cách khác, lòng yêu thương là cảm hứng chủ đạo, chi phối tới mọi sáng tạo về nhân vật, ngôn ngữ và cấu trúc tác phẩm. Cố nhiên, ở từng tác phẩm, nhà văn đều có cách thể hiện riêng, không lặp lại nhằm tránh cho bạn đọc cảm giác đơn điệu, tẻ nhạt. Chẳng hạn, ở truyện Con Thiên nga bé bỏng, ông nói về vẻ đẹp của lòng nhân ái thông qua việc vợ chồng ông lão nghèo khó cứu mạng, cưu mang chim Thiên nga. Tình cảm ấy đã khiến cho Thiên nga cảm động, từ chối cơ hội trở lại xứ sở thần tiên mà “ở lại mãi mãi với bố mẹ nuôi”, “chấp nhận một cuộc sống trần thế lam lũ nhưng có biết bao tình thương”. Với truyện Bà cháu, nhà văn kể về cuộc sống của hai anh em trước và sau khi bà ngoại mất. Đó là hai cuộc sống đối lập, nghèo khổ và giàu sang, đã làm cho họ ngộ ra rằng: không gì hạnh phúc hơn khi bà cháu được bên nhau, dù “thật vất vả nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình thương mến”…

Triết lí tình thương được nhà văn Trần Hoài Dương thể hiện khá linh hoạt qua từng câu chuyện cổ tích của ông. Ở đây, ông ít nhiều gần gũi với nhà văn hiện thực Nam Cao khi chú trọng tới giá trị của lòng yêu thương con người trong cuộc sống. Cảm giác đó càng rõ hơn khi chúng ta tiếp cận với nhân vật ông lão “quỷ biển” trong truyện Nàng công chúa biển. Đó là một nhân vật bị tha hóa bởi sự độc ác của mụ phù thủy. Mụ đã biến ông lão từ một con người hiền lành, cần cù làm ăn và rất yêu thương vợ con thành một con quỷ biển độc ác, thường hay nổi sóng hại người, hằng năm bắt dân vạn chài cống nộp trẻ em. Motif “bán linh hồn cho quỷ sứ” được nhà văn sử dụng đắc địa, tạo nên một lớp truyện đầy ám ảnh đối với người đọc. Trong nỗi cô đơn đầy tuyệt vọng, ông lão đã bị mụ phù thủy chuốc rượu rồi ra bản giao kèo, buộc ông ra đảo “canh giữ kho báu ngọc trai của mụ” và “phải quên kiếp sống con người, xa lánh cõi trần, đổi cho mụ một trái tim khác”. Kể từ đó, ông lão lâm vào tình trạng bi kịch, tuy vẫn mang hình con người nhưng trái tim đã trở nên vô cảm, độc ác. Đôi khi, lão ý thức được số phận, mang máng nhớ về cuộc sống bình yên khi xưa nơi túp lều có người vợ hiền và đứa con nhỏ dại đáng yêu. Những lúc như thế, tâm hồn lão như nổi sóng, đau đớn và khát khao thoát khỏi tình trạng thực tại. Theo chúng tôi, đây là nhân vật có diễn biến đời sống phức tạp, giàu nội tâm; là một thành công nổi bật của nhà văn về phương diện khắc họa hình tượng cổ tích. Như trên đã nói, Trần Hoài Dương gần gũi với nhà văn Nam Cao nhưng nhân vật của ông không phải chết đau đớn trên con đường đi tìm lương thiện. Ông lão “quỷ biển” trong câu chuyện Nàng công chúa biển đã dám đứng lên chống lại mụ phù thủy, bảo vệ em bé và “được trở lại kiếp sống con người”. Chỗ khác nhau này, cố nhiên không phải là vấn đề tài năng mà do đặc trưng thể loại chi phối. Với truyện cổ tích, một kết thúc có hậu là cần thiết vì nó hoàn toàn phù hợp với mong ước của trẻ em.

Trong số các truyện cổ tích của Trần Hoài Dương, Nàng công chúa biển là một tác phẩm đặc biệt. Trước hết, đây là tác phẩm có quá trình sáng tác kéo dài, từ tháng 3/1979 cho đến tháng 3/2009. Ngay sau đó, tác phẩm được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, ra mắt đúng vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi, 1/6/2009. Như vậy, đúng 30 năm sau ngày khởi viết, truyện Nàng công chúa biển mới có cơ hội tới tay bạn đọc. Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều lí do khác nhau, song căn bản, vẫn không ngoài mong muốn của tác giả là đem tới cho bạn đọc một sản phẩm văn chương có chất lượng. Điều đáng nói, truyện Nàng công chúa biển dài gần 200 trang, thể hiện một nội dung đời sống rộng lớn, liên quan tới nhiều nhân vật khác nhau. Đây là lần đầu tiên văn học thiếu nhi Việt Nam sở hữu một truyện cổ tích có quy mô cỡ tiểu thuyết như thế. Theo chúng tôi, đây là một hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển thể loại truyện cổ tích hiện đại, cần được tiếp tục khai thác.

So với những tác phẩm có dung lượng ngắn gọn, truyện Nàng công chúa biển mở ra nhiều cơ hội sáng tạo hơn. Cụ thể, tác giả trần thuật câu chuyện theo hướng mở rộng miêu tả kết hợp với biểu cảm nhằm tái hiện nội dung đời sống một cách đa diện, đa dạng và sinh động hơn. Thực tế cho thấy, Trần Hoài Dương đã khai thác tối đa phương thức miêu tả vào việc khắc họa chân dung nhân vật, sự kiện và thiên nhiên ngoại cảnh trên tư cách môi trường vận động của nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật em bé được ông giới thiệu bằng những đường nét miêu tả như sau: “Nhưng trái với ước nguyện của người mẹ, đứa bé ra đời không phải là một bé trai mà là một bé gái đẹp như thiên thần. Vừa mới sinh ra mà tóc đã đen dày, da dẻ trắng hồng như trứng gà bóc. Đôi mắt đen lay láy, long lanh sáng, mắt bồ câu hơi xếch thật duyên dáng”. Phương thức biểu cảm cũng được ông sử dụng nhiều nhằm bày tỏ thái độ, quan niệm hay triết lí về cuộc sống. Như đoạn văn sau đây, nội dung chính là quan niệm, là niềm tin của ông về khả năng cải hóa cái ác bằng cái đẹp: “Để chiến thắng cái Ác, không nhất thiết phải dùng sức mạnh của gươm giáo, bạo lực. Có khi, chính sự dịu dàng, thanh khiết của cái Đẹp, của cái Chân Thiện Mỹ cũng là sức mạnh to lớn cảm hóa, cải tạo, biến đổi cái Ác trở lại con đường hoàn lương…”. Những đoạn văn nhứ thế khá nhiều trong tác phẩm, nếu tập hợp lại đầy đủ, chúng ta có thể cảm nhận được rõ rệt hơn tư tưởng của nhà văn Trần Hoài Dương. Trong trường hợp này, Nàng công chúa biển dường như mở rộng sự chia sẻ sang đối tượng bạn đọc người lớn. Nói cách khác, Trần Hoài Dương viết Nàng công chúa biển không đơn giản chỉ dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi.

Tóm lại, truyện cổ tích có một vị trí quan trọng trong văn nghiệp của Trần Hoài Dương cũng như của nền văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại. Lâu nay, các truyện cổ tích của ông thường được in chung với truyện đồng thoại, truyện sinh hoạt và các mẩu chuyện nhỏ. Điều đó đã ảnh hưởng ít nhiều tới nhận thức của người đọc về tài năng viết truyện cổ tích hiện đại của nhà văn. Theo chúng tôi, các sáng tác cổ tích của Trần Hoài Dương nên được xuất bản thành tập riêng, chắc chắn sẽ được bạn đọc đón nhận với tất cả lòng trân quý, yêu thích.

LÊ NHẬT KÝ

Bài in lần đầu trên tập san Người yêu sách - 20 năm Miền xanh thẳm, tháng 5/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét