Trong di sản sách báo quốc ngữ do nhà in Làng Sông ấn hành, chúng tôi thấy có một số tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, xuất bản vào những năm hai mươi của thế kỉ XX. Cụ thể, đó là các tác phẩm: Trước cửa thiên đàng, Ngai vàng (Lê Văn Đức), Vì thương chẳng nệ (Đãnh – Sơn), Hai chị em lưu lạc (Pierre Lục). Những tác phẩm này đều do các cây bút Công giáo biên soạn, đã bị lãng quên trong một thời gian dài.
Vào khoảng năm 1868,
nhà in Làng Sông được thành lập, đặt trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng
Sông. Nhà in này do Giáo phận Đông Đàng Trong quản lí, hoạt động gần một thế kỉ,
đến cuối năm 1952 mới ngừng hẳn. Đây là một trong ba nhà in chữ quốc ngữ đầu
tiên ở Việt Nam, may mắn còn lưu giữ được hơn 400 ấn phẩm sách báo khác nhau.
Tác phẩm Vì thương chẳng nệ của Đảnh – Sơn được
xuất bản năm 1924. Cùng với Trước cửa
thiên đàng (1923) và Ngai vàng
(1924), nó làm nên bộ ba tác phẩm “Tuồng cho đồng nhi nữ” ra đời sớm nhất ở Việt
Nam – xét trên tình hình văn bản hiện có
của văn học thiếu nhi nước nhà.
Tác phẩm Vì thương chẳng
nệ được viết theo phong cách kịch nói, một thể loại văn học phương Tây du nhập
vào Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ XX. Ở tác phẩm này, tác giả Đãnh – Sơn kể
một câu chuyện gia đình, xoay quanh các nhân vật: Mai Văn Xuân, Mai Thị Thu
(con Mai Văn Xuân), dì vú Hương và bà huyện Hậu (mẹ Mai Văn Xuân). Tương tác,
xung đột giữa các nhân vật này đều dựa trên nền tảng lòng yêu thương. Chính vì
yêu thương mà các nhân vật đã ứng xử theo lối tận hiến, “chẳng nệ” giàu nghèo,
khác biệt tôn giáo hay địa vị xã hội hiện có. Trước hết, đó là Mai Văn Xuân đem
lòng yêu thương rồi chung sống cùng với cô gái ngoại đạo (mẹ Mai Thị Thu), dù
cha mẹ hết sức cản trở. Bà huyện Hậu, trước giây phút lâm chung của con (Mai
Văn Xuân) đã mở lòng tha thứ, dù trước đó đã quyết định từ con. Cuối tác phẩm,
qua lời Mai Thị Thu, người đọc mới biết rõ thân phận dì vú Hương. Thì ra, đó là
bà ngoại của Mai Thị Thu, đã chấp nhận “sắm vai” dì vú để được bà huyện Hậu cho
theo về nhà, sớm hôm được gần gũi, chăm sóc cháu Thu.
Nội dung tác phẩm Vì thương chẳng nệ khá đơn giản song vẫn
đủ gây ấn tượng với người đọc. Trước hết, đó là số phận đáng thương của Mai Thị
Thu khi mới ba tuổi đã chịu cảnh mồ côi cả mẹ lẫn cha. Thứ hai, sự ấm áp của
tình yêu thương và trách nhiệm đối với đứa trẻ mô côi được thể hiện theo những
cách khác nhau của các nhân vật người lớn: Mai Văn Xuân gửi gắm con cho bà nội
trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà huyện Hậu mở lòng tha thứ và cưu mang, bà
ngoại “chịu” làm dì vú để chăm sóc cháu. Cuối cùng, đó là sự bất ngờ khi dì vú
Hương lộ diện thân phận đích thực. Có thể nói, tác giả Đãnh – Sơn đã chọn cho Vì thương chẳng nệ một “cái tứ” độc đáo,
do đó, sức lôi cuốn của tác phẩm được gia tăng đáng kể. Qua tác phẩm, ông nhấn
mạnh tình yêu thương là một giá trị đặc biệt của con người. Chính nhờ lòng yêu
thương mà mỗi người sẽ biết sống vị tha hơn, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, cốt
sao cho con trẻ được hạnh phúc.
Một nét đặc biệt của Vì thương chẳng nệ là tác phẩm được soạn
riêng cho nhi đồng nữ. Chủ trương đó được tác giả thể hiện ngay trên bìa sách (chính):
“Cho đồng nhi nữ”. Như vậy, vấn đề giới
đã được đặt ra từ rất sớm, hiện hữu trong nhiều tác phẩm văn chương thời bấy giờ.
Với Vì
thương chẳng nệ, tác giả Đãnh – Sơn còn muốn truyền đạt một thông điệp khác
– thông điệp về quyền làm người, cụ thể là quyền làm bà ngoại. Tư tưởng ấy nằm
trọn trong câu nói sau đây của nhân vật Mai Thị Thu với dì vú Hương: “Đừng
khóc, ngoại ôi! Ngày nay, ngoại phải để cho con kêu ngoại chán chường, lớn tiếng
chẳng có sợ ai, chẳng giấu ai. Mười tám năm trường, ngoại chẳng nệ xấu xa, ngoại
liều bỏ quyền bà ngoại, mà nay con vào dòng thì trước mặt Chúa, ngoại đặng một
quyền, một phần gia tài rất lớn”. Trong câu nói của Mai Thị Thu chứa đựng một
mong ước: bà ngoại được sống thực với chính mình, với địa vị mà mình có, và bản
thân cô cũng sẽ được “kêu ngoại chán chường” mà không phải e dè, lo sợ. Chuyện
có vẻ đơn giản nhưng đặt vào bối cảnh thời đại đòi hỏi “nam nữ bình quyền” diễn
ra rất sôi nổi ở Nam Bộ thì đó là một tiếng nói có giá trị thức tỉnh.
Như trên đã nói, Vì thương chẳng nệ là sản phẩm của một
cây bút Công giáo. Do đó, trên mỗi trang viết đều phảng phất tinh thần Kitô
giáo. Tuy nhiên, so với những tác phẩm cùng thời, nó đậm chất đời hơn. Vì vậy,
Vì thương chẳng nệ dễ có khả năng mở rộng ảnh hưởng tới bạn đọc gần xa.
Với Vì thương chẳng nệ,
từ góc nhìn lịch sử, có thể thấy Công giáo có đóng góp tích cực vào buổi đầu
hình thành văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại.
LÊ
NHẬT KÝ
(Bài đã đăng trên trang Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét