Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

VIẾT CHO THIẾU NHI - 03

 




Vì sao sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta chưa hay?



"Theo chúng tôi, có mấy điểm chưa hay rõ nhất:

a- Các nhà văn quen dùng tác phẩm của mình để “dạy dỗ” các em, lèo lái các em nghĩ theo, làm theo những thứ “chuẩn” luân lý, đạo đức. Và điều đó được thể hiện khá lộ liễu. Trong khi, một tác phẩm hay theo chúng tôi, phẩm chất đầu tiên của nó phải là sự hồn nhiên, tự nhiên, gần gũi với đời sống. Cái hay biết náu mình trong sự hồn nhiên, tự nhiên. Cái hay đó có thể chưa cảm nhận được ngay tức thì, nhưng rồi sẽ thấm dần, ngấm dần. Một tác phẩm thực sự hay thường gây được ấn tượng mạnh ngay từ khi người ta chưa kịp hiểu hết ý nghĩa của nó, và sẽ còn lưu lại trong tâm trí người ta mãi mãi.

b- Thiếu sự hài hước và trí tưởng tượng. Hài hước và tưởng tượng là hai trong số những phẩm chất cốt yếu tạo nên sự hấp dẫn cho những tác phẩm viết cho các em. Hài hước giúp người đọc duy trì được trạng thái hưng phấn, đọc mãi không  chán. Tưởng tượng dẫn dắt người ta đến những vùng đất lạ, những chân trời lạ, những thế giới lạ, giống như đi du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, các em vẫn mê đọc những chuyện khoa học viễn tưởng hoặc thần tiên, ma quỷ… Tưởng tượng là một phẩm chất vô cùng quý giá của con người. Với trẻ con, trí tưởng tượng rất cần được nuôi dưỡng, kích thích, và điều này có sự đóng góp vô giá của văn học.

c- Tốc độ chậm. Tôi muốn nói đến mạch văn, sự biến hoá của câu chữ và diễn biến của những tình tiết. Nhanh tạo ra sự cuốn hút. Với trẻ em lại càng không nên rề rà. Chỉ cần chậm lại một chút là sự chú ý của các em dễ bị ngắt quãng. Và khi đã bị “ngắt” rồi thì “nối” lại rất khó. “Ngắt” độ vài ba lần trong mấy trang đầu thì cuốn sách có nguy cơ bị bỏ dở vĩnh viễn.

d- Sự bịa đặt vụng về. Cái này khác với trí tưởng tượng, và thể hiện khá rõ trong loại truyện đồng thoại. Chúng ta bắt gặp trong không ít các tác phẩm viết cho các em có “nhân vật” cái bàn cái ghế, con chó con mèo… suy nghĩ, đi lại, nói năng, hành động như người. Nhưng đấy không phải là tưởng tượng. Đấy cũng không phải là “nhân cách hoá”. Đấy chỉ là sự gán ghép thô sơ, sự mô phỏng con người, mô phỏng đời sống con người một cách vụng về, thậm chí sống sượng".

Nhà văn TRẦN ĐỨC TIẾN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét