Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

THƠ THIẾU NHI CỦA HUY CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÚP TRẺ TIẾP CẬN

 

(LNK). Sinh viên ngành GDMN có thể tham khảo.

Được mời dạy chuyên đề về Phương pháp giúp trẻ làm quen với tác phẩm văn học, tôi chợt nhận ra rằng mảng thơ thiếu nhi đầy sức sống, trong sáng và vui tươi của Huy Cận rất phù hợp với trẻ.


Tôi đã quen điệu buồn trong thơ của chàng trai được mệnh danh buồn nhất trong phong trào thơ Mới (lấy ý Hoài Thanh):

“Một chiếc linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu” (Ê chề)

Đó là phong cách thơ Huy Cận trong thi tập Lửa thiêng (1940), trong đó Tràng giang là bài thơ tiêu biểu đã được đưa vào giảng dạy tại lớp 11. Song song đó, tôi cảm mến hai trạng thái trái ngược nhau trong thơ ông: buồn đến da diết trong Lửa thiêng và vui tươi, đầy sức sống trong những bài thơ viết cho trẻ em, nhất là trong tập Hai bàn tay em.

 Được mời dạy chuyên đề về Phương pháp giúp trẻ làm quen với tác phẩm văn học, tôi chợt nhận ra rằng mảng thơ thiếu nhi đầy sức sống, trong sáng và vui tươi của Huy Cận rất phù hợp với trẻ. Nó không chỉ giúp học sinh tiểu học tập đọc mà giúp cả các bé mầm non rất nhiều trong phát triển ngôn ngữ, trí tuệ; đồng thời góp phần bồi dưỡng, khơi mở thêm những tình cảm nền tảng tốt đẹp.

1. Văn học trong việc giáo dục trẻ và đặc điểm cảm thụ thơ của trẻ mầm non

 1.1. Ý nghĩa của văn học trong việc giáo dục trẻ em

Thứ nhất, văn học thiếu nhi góp phần giáo dục nhận thức cho trẻ. Văn chương là tấm gương phản ánh muôn mặt hiện thực đời sống. Qua tác phẩm văn học, trẻ sẽ hiểu biết hơn về cuộc sống xung quanh.

 

Thứ hai, văn học thiếu nhi giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ và làm phong phú thêm đời sống tâm lý. Khi được nghe và đọc tác phẩm văn học, trẻ sẽ dần hình thành khả năng tưởng tượng nên những hình ảnh mà ngôn ngữ thể hiện; tiếp đó, trẻ sẽ sắp xếp, đánh giá các hình tượng trong tác phẩm ấy. Từ quá trình này, trẻ sẽ phát triển dần khả năng tập trung tư duy, ghi nhớ và tưởng tượng. Song song đó, trẻ phát triển dần khả năng nghe và nói để tăng vốn từ cả về số lượng và chất lượng; các kiểu câu đa dạng dần, trẻ bớt từ chêm xen (vì cần kéo dài thời gian tư duy); biết lựa chọn từ và trật tự từ để diễn đạt ý mình ngắn gọn, có giá trị biểu cảm cao.

Thứ ba, văn học thiếu nhi góp phần giáo dục đạo đức cho trẻ. Sự phong phú, vui tươi của thế giới bên ngoài đã tác động, khơi gợi, kích thích thế giới tâm hồn trẻ, khiến trẻ bắt đầu biết cách đồng cảm với cảm xúc của nhân vật, từ đó chú ý đến thái độ, xúc cảm, tình cảm của những người xung quanh bằng cách noi gương tốt, luôn tỏ ra mình là người công bằng, chính trực, thích bảo vệ người yếu đuối, bị xúc phạm, lên án những người độc ác.

Thứ tư, văn học thiếu nhi còn góp phần giáo dục thẩm mĩ cho trẻ bằng cách cảm nhận vẻ đẹp của âm thanh, ngữ nghĩa trong ngôn ngữ văn học, cảm nhận được cái đẹp của hình tượng nghệ thuật, của tính nhạc, tính chuẩn xác, biểu cảm trong tác phẩm văn học. Trẻ cũng cảm nhận được những gì mà trẻ coi là chưa hay, chưa đẹp trong tình cảm, hành vi ứng xử hàng ngày.

Ngoài ra, văn học còn là phương tiện giao tiếp, giải trí và là một trong những liệu pháp y  tế cho trẻ.

1.2. Đặc điểm cảm thụ thơ của trẻ mầm non

Người ta thường cho trẻ tiếp cận tác phẩm truyện từ khi trẻ 24 tháng trở lên, nhưng có thể cho trẻ tiếp cận với thơ từ khi trẻ mới 6 tháng tuổi.

Từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi: trẻ học nói, thích lặp lại từ ngữ, thích những âm thanh lặp đi lặp lại vui tai. Vì vậy, giai đoạn này, người lớn thường chọn những tác phẩm ngắn, nhịp ngắn, nhiều từ láy (ở chương trình mầm non gọi là từ lấp láy).

Từ 24 đến 36 tháng: trẻ đã có thể thuộc bài thơ dài 4-8 hàng. Trẻ cũng chưa chú ý đến nội dung mà thích thú với vần và nhịp của bài thơ. Trẻ cũng chưa biết cách bộc lộ cảm xúc qua bài thơ.

Từ 36 tháng đến 6 tuổi: Vốn từ của trẻ đã tăng nhiều nên trẻ có thể cảm nhận được nội dung và hình thức của bài thơ, trẻ rất thích đọc đi đọc lại những bài thơ có vần điệu tươi sáng và có thể trả lời được những câu hỏi đơn giản, biết bộc lộ cảm xúc của mình về bài thơ.

Dựa trên đặc điểm ngôn ngữ, tâm lý của trẻ như trên, chúng ta nhận thấy rằng: thơ thiếu nhi Huy Cận phù hợp cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Bài viết này không có tham vọng trình bày hết được đặc điểm nội dung, hình thức mà chỉ quan tâm đến mảng đề tài trong thơ thiếu nhi Huy Cận mà thôi. Thơ thiếu nhi Huy Cận có đề tài rất phong phú, xuất phát từ những gì rất gần gũi, quen thuộc nảy sinh trong đời sống xung quanh trẻ.

2. Đề tài trong thơ thiếu nhi Huy Cận

2.1. Đó là thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn, gợi trí tò mò cho trẻ

Rất nhiều bài thơ của Huy Cận tái hiện nên thiên nhiên đầy sức sống, rất có hồn qua nghệ thuật nhân hóa. Mỗi hình ảnh của thiên nhiên đều gắn liền với hành động của con người, biểu thị sắc thái của con người, nhất là những hành động thường thấy ở trẻ nhỏ. Bài thơ Mỗi sớm mai về là bài thơ tiêu biểu:

“Mỗi sớm mai về

Gió lo dậy trước

Tay gió vuốt ve

Mát rờn mặt nước

 

Con sông thức tỉnh

Uốn mình vươn vai

Giấc ngủ còn dính

Trên mi sương dài…”

Âm thanh trong thơ thiếu nhi Huy Cận rất rộn rã cuốn hút bạn đọc nhỏ tuổi. Đó là tiếng ve gọi hè về trong bài Hè về…:

“Hè về

Hàng me

Ve sầu

Ve ve…

Ve gọi

Hè về

Rộn ràng

Inh ỏi

Tiếng ve

Dắng dỏi

Ai mà

Không nghe?...”        

Bài thơ có nhịp thơ đôi, câu thơ rất ngắn, âm thanh sôi động nên thích hợp cả với trẻ mới hai, ba tuổi nếu tách đoạn cho trẻ đọc. Bài thơ này ngoài thể hiện lòng yêu tiếng ve đặc trưng của mùa hè còn thể hiện sự tò mò, lý luận rất trong sáng của đứa trẻ - những điều giúp trẻ có khám phá thế giới xung quanh:

“Ve ơi

Cái cổ

Không lớn

Không dài

Mà sao

Hát mãi

Không rè

Không sai?...”

Câu hỏi dễ thương trên xuất phát chính nhờ sự liên tưởng giữa những gì bé chứng kiến ở mình và ở những người xung quanh rằng hát nhiều sẽ bị rè, bị sai… Câu trả lời của ve cho bé cũng dễ thương không kém:

“Bé ơi

Chăm học!

Sắp nghỉ

Hè rồi…

Ve còn

Giục thêm

Lúa chiêm

Chín rộ

Cuối mùa

Phượng nở

Ve rồi

Nghỉ ngơi!”                     

Ồ, thì ra không phải ve rong chơi ca hát suông mà đang thực hiện nhiệm vụ rất cao cả: nhắc bé chăm học, giục lúa chín mau … Đó là một sự liên tưởng đầy thú vị, rất đáng yêu nhưng cũng nhẹ nhàng giáo dục nhân cách cho trẻ: không nên rong chơi mà hãy làm những việc có ích.

Bài thơ Con chim chiền chiện là một bài thơ rất hay được đưa vào chương trình tập đọc cho học sinh cấp Một. Bài thơ có âm hưởng thật vui tươi, sôi động. Chẳng còn “chim nghiêng cánh mỏi bóng chiều sa” nhỏ bé, uể oải, trĩu nặng tâm tư nữa, ở bài thơ này chỉ có con chim chiền chiện “bay vút, vút cao” với “tiếng hót long lanh” vì “lòng vui bối rối, Đời lên đến thì”… Bài thơ sử dụng một loạt từ ngữ âm vực cao trong, từ láy hoặc lặp lại rất thu hút trẻ như: vút, vút cao; cao hoài, cao vợi, long lanh, sương chói; tiếng ngọc trong veo; bay cao, cao vút, hót… Tiếng chim ắt hẳn vang lắm, trong lắm mới vang xa, cao vút đến thế. Đó là tiếng chim hay tiếng lòng náo nức, ngây thơ, trong sáng, không gợn chút suy tư đang thả hồn vào khoảng trời cao rộng, rộn rã tiếng chim, rực rỡ sắc màu?

“Con chim chiền chiện

Hồn xanh quê nhà

Sáng nay lại hót

Tưng bừng lòng ta” (Con chim chiền chiện)

Thiên nhiên trong thơ thiếu nhi Huy Cận còn là những cái cây đầy sức sống vào buổi bình minh:

“Cây sấu lá nhiều

Cây bàng lá mượt

Tre ngà lá thêu” (Mỗi sáng mai về)

Hay trưa hè gắt nắng:

“Buổi trưa lim dim

Nghìn con mắt lá

Bóng cũng nằm im

Trong vườn êm ả” (Buổi trưa hè)

Bông hoa dại, con bướm trắng đẹp hơn vì đó là hình ảnh của thiên nhiên tràn đầy sức sống, một thiên nhiên “Âm thầm rạo rực”:

“Hoa dại thơm hơn

Giữa giờ trưa vắng

Con bướm chập chờn

Vờn đôi cành nắng” (Buổi trưa hè)

“Gió” là bài thơ tái hiện các trạng thái khác nhau của hiện tượng tự nhiên này. Bài thơ đã mang tính lý giải để nâng cao nhận thức của trẻ rất rõ:

“Bé ơi gió đến

Từ biển từ rừng

Gió đi vội vã

Núi đồi khom lưng.

 

Gió qua lũng sâu

Gió còn huýt gió

Mây mở to buồm

Gió phùng má thổi.

 

Vườn ngô phấn rực

Tay gió điểm hoa

Lòng gió thơm phức.

Mối tình nở hoa

 

Ngọn tre: gió cao

Liễu: gió tha thướt:

Gió đậu cành mai

Hoa cải trắng nuột.

 

Khi gió giận dữ

Gió lốc gió cồn

Cây kia mất gió

Đứng thừ hoàng hôn”.

Viết về thiên nhiên, cũng như bao nhà thơ viết cho thiếu nhi khác, Huy Cận đang giáo dục trẻ tình yêu thiên nhiên, rèn thêm cho trẻ kĩ năng quan sát các hiện tượng tự nhiên xung quanh mình, qua đó góp phần nâng cao tri thức cho trẻ.

2.2. Đó là thế giới đồ vật và những con vật, cây trồng gần gũi thân quen

Đọc thơ thiếu nhi Huy Cận, chúng ta nhận thấy những hình ảnh quen thuộc của đời sống nông dân ở nông thôn xưa. Trong đó, hình ảnh con trâu, con gà, con mèo… được xuất hiện với tần suất khá cao. Bằng nghệ thuật nhân hóa, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng phong phú, những con vật này không chỉ mang hành động, tính cách của con người mà nhiều khi mang cả lý trí của con người. Ta bắt gặp những hình ảnh như thế trong nửa sau bài thơ Mỗi sáng mai về:

“Trâu sừng cong lại

Như hai vành trăng…”

Gà mái giục luôn

Hợp tác! Hợp tác!...”

“Mèo con ngơ ngác

Meo meo, meo meo…”

Chú bò nằm nghỉ, rơm thơm giữa trưa hè cũng đi vào thơ Huy Cận giản dị, mộc mạc:

“Bò ơi, bò nghỉ

Sau buổi cày mai

Có gì ngẫm nghĩ

Nhai mãi nhai hoài…

 

Thóc hợp tác phơi

Bên sân dinh rộng

Nghe đảo từng hồi

Lúa rơm thơm nóng” (Buổi trưa hè)

Có lẽ vì con trâu gắn bó với bé, giữ một vai trò đặc biệt trong tâm thức của bé nên số lượng bài viết về trâu trong thơ Huy Cận nhiều hơn hẳn so với các con vật khác. Tình yêu thương của bé đối với con trâu thật sâu sắc, tiêu biểu qua bài Thương trâu, một bài thơ lục bát có giọng điệu tâm tình như bài ca dao:

“Người ta đi ngủ gối chăn

Con trâu đi ngủ thân trần đêm đông

Thương trâu, em chẳng yên lòng

Rạ rơm lót đệm, phên chuồng em che…”

Người đọc cảm nhận được trái tim nhân hậu của bé qua việc quan tâm đến giấc ngủ và những nhọc nhằn mà trâu phải chịu.

Con vật quanh bé còn là “Con tằm ăn dâu/ Nghe như mưa rào”, còn là con dế quen nấp đầu hồi bị giật mình vì quả bưởi rơi. “Bé” trong bài thơ Buổi trưa hè cũng như nhiều bài thơ khác của Huy Cận lúc nào cũng căng các giác quan kết hợp với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế để cảm nhận thế giới xung quanh mình.

Những con vật mà bé quan tâm còn là con tôm hay đi giật lùi (Con tôm), con lợn lủn chủn no rồi nằm lăn (Thơ đố), con cóc ngồi gọi mưa (Con cóc), con sóc nhanh thoăn thoắt, nghịch ngợm, lấy đuôi quét trời, làm xiếc điệu nghệ (Con sóc), những con cá chép, cá mè, cá trắm, cá rô (Cá), con nghé nhí nhảnh (Thi nghé), con bê con, bò mẹ, lợn nái, con gà, con dê, con cá (Trong hội mùa xuân)… Những bài thơ viết về con vật trong thơ thiếu nhi Huy Cận thật phong phú.

Thế giới xung quanh bé còn là những dòng chữ bé viết, những hình bé vẽ, những mô hình bé dựng nên, dù vụng về nhưng ngộ nghĩnh đáng yêu:

“Có chữ tên của bố

Có chữ tên của con

Chữ của bố hơi béo

Chữ của con gầy hơn

 Thứ bảy chơi vườn hoa

Con nhặt sỏi làm nhà

Con dành riêng bố ở

Phòng rộng hơn nhà ta…” (Tuần lễ của con)

Đằng sau cái mô hình nhà ở không có mái và phòng của bố rộng hơn cả nhà ta đang ở chính là tấm lòng hiếu thảo của đứa con thơ.

Tính nhân hậu của bé gắn liền với những đồ dùng, không hẳn chỉ vì nghèo khó mà còn vì sự gắn bó, yêu thương, đã truyền từ anh sang em như chiếc áo cũ trong bài Chiếc áo cũ của bé:

“Chiếc áo cũ của bé

Vải bạc, vải lành nguyên

Bé lớn rồi bé để

Cho em bé mặc chuyền…”

Việc chuyền áo cho em mặc, đối với bé, là một minh chứng rằng anh đã lớn, anh rất biết quan tâm chăm sóc em:

“Bé tự hào đã lớn

Sắn tay áo cho em…”

Bởi lẽ:

“Chim lớn cánh tập bay

Nhường chim non ấm tổ

Ôi chiếc áo, chiếc áo!

Một ruột mẹ rứt ra

Anh em cùng máu mủ

Chiếc áo liền thịt da”

Đó là những dòng thơ đầy tính luận đề, khẳng định tình yêu thương của anh em ruột thịt. Những dòng thơ ấy góp phần xây đắp trong lòng độc giả nhỏ tuổi tình cảm anh em tốt đẹp và thiêng liêng.

Những bài thơ viết về cây cối cũng đem lại cho bạn đọc nhỏ tuổi những cảm xúc thú vị. Đọc bài thơ Cây chuối, chắc hẳn trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều và trí tưởng tượng của trẻ thêm bay bổng:

“Cây chi lá lại làm cành

Hoa làm ngọn đỏ, trái thành bàn tay.

Lá non lụa nõn trải bày

Áp vào mát má những ngày trẻ thơ.

Chẳng bao tháng đợi năm chờ

Đầu xuân trồng đó, bây giờ đã ăn

Thịt vàng đã ngọt mười phân,

Cốm xanh điểm ngọc bội phần mát thơm.

Chuối xanh xanh bãi, xanh vườn

Em trồng khóm chuối sân trường cũng xanh

Chuối ơi lấy lá làm cành

Che hầm trú ẩn, lại dành trái ngon…”

Ngay cả những hình ảnh như dây điện, cột điện cắt trời xanh đi vào thơ Huy Cận cũng dễ thương vô cùng vì nó giống nét xổ, nét ngang của em trong trang vở (Điện về hợp tác xã). Không chỉ những đồ chơi dân gian như chong chóng (Chong chóng) mới đem lại cho trẻ niềm vui, những thứ trước đó vốn xa lạ với bé nay đã trở nên gần gũi qua phép liên tưởng, so sánh với những gì diễn ra xung quanh bé.

2.3. Đó là tình cảm đối với những người thân quen

Bé rất yêu mến cô giáo vì cô tập cho chúng con hát, cô dạy, cô bảo, cô kể bao điều mới lạ, cô cũng rầy nếu bé chưa tốt nhưng dù cô có rầy đi chăng nữa cũng là để con trở nên tốt hơn, hòa đồng với các bạn hơn (Tuần lễ của con). Bài thơ tưởng chừng như lời kể rất khách quan của trẻ về tuần lễ của mình cho bố nghe nhưng ẩn nấp sau đó là tình yêu quý cô giáo, sự tin tưởng, gần gũi của bé với bố:

“Con chui vào lòng bố

Thương biết mấy là thương” (Tuần lễ của con)

Tình bố con còn được ví như cành với cây gắn bó sâu sắc:

“Con đi theo bố như cành

  Bố bên con tự cây lành ra hoa”

(Mỗi chiều tới đón con về)

Mẹ với con trong bài Em bé và mặt trăng thật quấn quýt, yêu thương:

“…Mẹ là trăng, con bá cổ hôn

Con là trăng nở, mẹ ôm vào lòng…”

Hình ảnh bà cho tằm ăn được tái hiện qua “tay già lao xao” (Buổi trưa hè). Đọc câu thơ này, người đọc chợt nhớ đến câu tục ngữ “…nuôi tằm ăn cơm đứng”, câu tục ngữ khẳng định sự vất vả của nghề chăn tằm. Nhưng âm thanh do đôi bàn tay của bà khi cho tằm ăn lại hoàn toàn không hề gợi cảm giác vất vả, thậm chí còn có giọng điệu khá vui tươi. Câu thơ đã thể hiện được tác giả rất hiểu đặc điểm tâm lý trẻ thơ, trẻ thơ chưa biết sướng khổ, vất vả, khổ cực nhưng trẻ thơ thích thú với hành động, âm thanh vui tươi của cuộc sống.

Bài thơ Chị và em đong đầy tình cảm nồng thắm. Chị mới năm tuổi, em hai tuổi. Chị cao hơn em một cái đầu những chững chạc, luôn có ý thức che chở cho em, coi việc chăm sóc em là trách nhiệm của mình, nhất là khi người lớn đều vắng nhà:

“Bích từ khi có em

Không chơi búp bê nữa

Ngủ với em suốt đêm

Tay ôm, lòng che chở”.

Đọc bài thơ này, nếu bé là chị, bé sẽ biết yêu, biết che chở em hơn; nếu bé là em, bé sẽ cảm thấy quý mến, trân trọng hơn những tình cảm thiêng liêng mà chị đã dành cho mình.

Thơ thiếu nhi Huy Cận còn góp phần xây dựng tình yêu đối với những người sẵn lòng hi sinh cho đất nước. Đó là thầy giáo quyết định rời mái trường đi tòng quân (Thầy giáo đi tòng quân), anh Vừ A Dính anh hùng, mưu trí (Vừ A Dính), hai em bé miền Nam mưu trí góp phần làm tan rã trận càn của địch (Hai em bé miền Nam bẻ gãy một trận càn của địch), em bé Quảng Bình anh dũng (Em bé Quảng Bình)… Từ việc ca ngợi những anh hùng nhỏ tuổi, tác giả đã tạo nên tấm gương sáng cho các em nhỏ noi theo. Dẫu rằng giá trị lịch sử của những bài thơ như thế bị mờ dần do trẻ đang sống trong thời bình, nhưng nếu người lớn biết trích dẫn hợp lý thì đó lại là những dẫn liệu rất tốt để xây dựng tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho trẻ.

3. Kết luận

Tóm lại, thơ thiếu nhi Huy Cận rất phong phú về chủ đề và đó là những chủ đề rất gần gũi với trẻ, giúp trẻ tăng cường hiểu biết về xung quanh, từ đó đem lại cho trẻ những bài học đạo đức nhẹ nhàng.

Người ta từng tìm hiểu tại sao người Do Thái thông minh vượt bậc và một trong những lý do đã được khẳng định là người Do Thái cho con học thuộc Kinh Coran ngay từ khi rất nhỏ. Ở Nhật Bản, giáo viên mầm non thường cho trẻ học thuộc thơ haicư từ rất sớm… Kinh Coran hay thơ haicư ở đây được coi là những ngữ liệu giúp trẻ tăng vốn từ, tăng khả năng ghi nhớ, làm phong phú thêm thế giới tư tưởng, tình cảm của trẻ. Đây không phải là những ngữ liệu bắt buộc, người ta có thể thay thế những ngữ liệu này thành những ngữ liệu khác, miễn rằng những ngữ liệu ấy phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Từ sự liên hệ trên, người viết cảm thấy rằng có thể chọn thơ thiếu nhi Huy Cận làm ngữ liệu để giúp phát triển những kĩ năng trên cho trẻ, nhất là trẻ mầm non. Tuy nhiên, trong thơ thiếu nhi Huy Cận có những bài mang nặng dấu vết thời đại, thậm chí những bài đó mang sắc thái ám thị hoặc duy ý chí rất rõ, vì vậy, người lớn cần lựa chọn những bài phù hợp với cho trẻ mầm non làm quen, tránh làm cho trẻ mệt mỏi, chán nản, thiếu hứng thú.

Người lớn nên chọn những bài thơ có tính thẩm mĩ cao để cho trẻ làm quen. Đó là những bài thơ thể hiện rõ sự đánh giá đúng-sai, phải-trái, tốt-xấu, yêu-ghét… Thơ nên có vần nhịp dễ đọc, nhân vật có tính cách rõ ràng, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, tình tiết đơn giản, hài hước, kết cấu theo trục thời gian… Những tác phẩm đạt được tiêu chuẩn như thế đã được chúng tôi đề cập một phần trong bài viết.

Nhà giáo Phương Hà

Nguồn: CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG

2 nhận xét: