Trong nền văn xuôi đương đại Việt Nam, nhà văn Tô Hoài có thể xem như vị “tiền hiền” khai sinh mảng truyện viết cho thiếu nhi. Truyện dài “Dế mèn phiêu lưu ký” (DMPLK) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, làm say mê bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi. Chùm truyện ngắn thiếu nhi của ông cũng không kém phần đặc sắc.
Có thể nói hơi chủ quan, nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy rằng: dù đã thành công
ở khá nhiều đề tài, thể loại; nhưng mảng nổi trội trong sự nghiệp sáng tác của
Tô Hoài vẫn là… văn học thiếu nhi!
Nếu tạm chia văn học thiếu nhi làm hai hình thái – một, viết VỀ
tuổi thơ; và hai, viết CHO tuổi thơ – thì truyện thiếu nhi của Tô Hoài có xu hướng
nghiêng về hình thái thứ hai. Cái thế giới chó, mèo, chuột, chim, vịt, gà,
ngan, ngỗng… của ông vừa cổ tích vừa hiện thực, vừa “vật” vừa “người”; quyến
rũ, lôi cuốn trẻ em vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú, say mê; và trên bước đường
phiêu lưu ấy, các em đã học được biết bao lẽ phải, điều hay về đạo đức, về nhân
cách để chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mai sau. “Học” mà như “chơi” – bởi
các em không phải chịu áp lực về tâm lí, không hề mang cảm giác bị dồn ép, buộc
ràng. Một nhà văn cầm bút viết cho thiếu nhi, có lẽ, còn cần thêm kỹ năng và
thiên chức của một nhà giáo dục. Tô Hoài đã làm được, làm tốt điều này. Có vẻ
ông đã rất tỉnh táo, đã xác định rất rõ rằng: ông đang viết CHO thiếu nhi. Viết
cho thiếu nhi mà hấp dẫn, giáo dục được thiếu nhi đã là một thành công lớn;
nhưng hiệu quả tác phẩm của Tô Hoài không dừng lại ở đó – bởi không chỉ hấp dẫn
trẻ em, truyện thiếu nhi của Tô Hoài còn hấp dẫn cả… người lớn! Về điểm này,
bút pháp Tô Hoài đã đạt đến hiệu quả nghệ thuật kiểu như “Tây du ký” của Ngô Thừa
Ân. Hiệu quả ấy có thể do cố ý, mà cũng có thể do vô tình. Nhưng dù cố ý hay vô
tình, đó cũng là thành công lớn thứ 2. Thành công ấy minh chứng cho tài năng
lớn của người cầm bút. Có thể nói không ngoa rằng: truyện thiếu nhi của ông còn
viết cho cả… người lớn.
Trước tiên, ta thử xem xét về giá trị hình tượng nhân vật. Truyện
thiếu nhi của Tô Hoài ít sử dụng nhân vật – người. Hình như ông tâm đắc hơn với
đối tượng nhân vật – loài vật. Ông để tâm nghiên cứu kĩ đặc điểm, tính cách của
từng giống vật – không phải với con mắt một nhà khoa học mà bằng con mắt một
nghệ sĩ, một nhà văn. Quan sát loài vật, ống kính nhà văn của ông nhanh chóng
“chộp” những đặc điểm, tính cách đặc thù, tiêu biểu, có khả năng biểu hiện tính
cách của mỗi loại người. Mục đích cuối cùng của ông là mượn vật để nói người;
nhưng cách “mượn” này không cưỡng ép; bởi ông vẫn tôn trọng đặc điểm và tính
cách cố hữu của từng giống vật. Mô tả một gã trai mới lớn kiêu căng, rởm đời,
ưa làm đỏm qua hình tượng chú… dế mèn, ông viết: “… Đầu tôi to ra và nổi lên
từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như
hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng
dũng (…). Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả 2 chân lên vuốt
râu…”. Đọc đoạn văn trên, không ai có thể… cãi về tính chuẩn xác của tác giả
khi mô tả bộ dạng một chú dế mèn. Nhưng rõ ràng không phải ông đang muốn miêu
tả… dế mèn. Mục đích của ông là phác hoạ tính cách; và tính cách ấy đang hiển
hiện lồ lộ qua từng câu, từng chữ trong đoạn văn đầy ấn tượng kia!
Tuy nhiên, tính cách “nhân hoá” của những con vật của Tô Hoài
không hoàn toàn thuộc về thế giới trẻ thơ như ta thường gặp trong mảng truyện
thiếu nhi. Rất nhiều nhân vật của ông mang tính cách… người lớn; có những kiểu
nói năng, suy nghĩ và hành xử trong “thế giới người lớn”. Về điểm này, truyện
ông mang tính ngụ ngôn rất rõ; và chính cái chất ngụ ngôn ấy khiến người lớn
cũng thấy hấp dẫn, say mê. Đó là những tính cách rất sống, rất “đời” – cả về
cái tốt lẫn cái xấu.
Vấn đề thứ 2 đáng nói, là tính hiện thực ẩn giấu đằng sau cái “thế
giới ảo” mà Tô Hoài đã kì công tạo dựng cho trẻ thơ. Điều này thì tôi không tin
ông vô tình; chắc chắn đó là chủ ý của tác giả. Trong truyện “4 con gà”, đằng
sau cuộc phiêu lưu đầy kịch tính của 4 chiếc trứng gà mất mẹ là bức tranh xã
hội nông thôn đương thời với mối quan hệ địa chủ – tá điền đầy bất công; với
cảnh sống cơ cực, lầm than của người nông dân vô sản. Giá trị tố cáo của truyện
không chỉ tồn tại ở chi tiết “nổi” (như mối quan hệ giữa thằng Tại – cu Hểnh)
mà còn ẩn giấu đằng sau những chi tiết “chìm”; thoạt trông tưởng vu vơ; nhưng
kì thực đầy cay đắng. Một… con gà mái nhà điền chủ đi lạc mà “tất cả mọi người
trong ấp” phải đổ nhau đi tìm! Oai quyền của điền chủ quả là ghê gớm! Còn thân
phận tá điền? “… Chỉ có vài ba đàn gà như thế, nhà bác tá Nghĩa có lẽ cũng
phong lưu…”. “Vài ba đàn gà” mà đủ để “phong lưu” thì ắt hẳn người nông dân
khốn khổ kia đang sống ở mức… dưới bần cùng!
Trong truyện “Dê và Lợn”, bức tranh xám về mối quan hệ thống trị-
bị trị còn tàn ác, nghiệt ngã hơn. Cả một lũ dân đen- hiển hiện qua hình ảnh
Dê, Lợn, Bò, chuột… - cùng chen chúc trong cảnh sống ngục tù “… cực trăm đường.
Bị hành hạ. Bị khoán ăn. Lại còn cái chết lúc nào cũng lượn quanh trên cổ…”.
Sống no đủ, phè phỡn họa chăng chỉ có bọn ngoại bang thống trị (thằng Xược) và
đám đao phu û(Chó), mật thám (Mèo). Cái khát vọng tự do của Dê và Lợn kia phải
chăng cũng là khát vọng độc lập, tự do của quần chúng cần lao? Dù mưu sự không
thành, nhưng khát vọng ấy vẫn cứ âm ỉ, chờ dịp để bùng lên: “… Tôi thì vẫn muốn
đi, lúc nào cũng muốn đi. Nếu có dịp, tôi và anh lại đi(…). Không thể nằm chết
trong cái tù túng thế này…”. Ừ, thì họ sẽ đi; nhưng đi đâu? Cái chuyện “đi đâu”
ấy, nhà văn không thể (và cũng không dám) nói thẳng; nhưng độc giả tinh ý nào
cũng có thể tự hiểu, tự tìm…
Y Nguyên
Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn, 13/6/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét