Trong
đời văn của mình, Phạm Hổ đã không ít lần viết về người thầy, khi dưới dạng
truyện kí, khi theo phong cách cổ tích. Với giọng văn đằm thắm, lối kể chuyện linh
hoạt, nhà văn đã đem đến cho bạn đọc những câu chuyện ngắn gọn mà ấn tượng về hình
ảnh người thầy thuở trước…
Trong kí ức về tuổi học
trò, Phạm Hổ nhớ nhiều nhất hai người thầy – một là thầy Liêu dạy hồi lớp ba,
và người nữa, cụ Tú Nguyễn Xuân Thinh ở trường trung học Quy Nhơn. Dưới hình thức
truyện kí, câu chuyện về hai người thầy này được nhà văn tái hiện một cách chân
thực, sinh động với nhiều chi tiết đặc sắc và bằng những câu văn đong đầy cảm
xúc, suy tư về đạo nghĩa thầy trò.
Với cụ Tú Nguyễn Xuân
Thinh, tình cảm của Phạm Hổ là ngưỡng mộ và cảm thông. Ngưỡng mộ vì, cụ là Tú
Kép “hai lần thi đỗ tú tài”; biết cả “chữ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Tây”; đặc biệt
là cụ thân sinh của tài năng thi ca Xuân Diệu. Cảm thông vì, giờ học chữ Hán đã
lâm vào cảnh chợ chiều, là “một thứ lấp chỗ trống và người dạy nó không được ai
trọng vọng”. Trong bối cảnh ấy, niềm vui của cụ Tú dường như chỉ có được từ
danh tiếng của người con trai thi sĩ và niềm ngưỡng mộ của các học trò trường
trung học Quy Nhơn dành cho cụ. Phạm Hổ viết, “riêng tôi, thỉnh thoảng cứ ngắm
kĩ cụ Tú, và vì sao, cụ lại có thể sinh ra được một nhà thơ có tài như vậy. Con
người của cụ bỗng như chất chứa một điều gì bí ẩn. Chứ không ư? Cụ phải thế
nào, và cả người mẹ làm nước mắm kia phải thế nào mới sinh ra được một tài năng
kiệt xuất như vậy chứ!”. Trong đoạn văn trên, và rộng ra toàn truyện Cụ Tú,
nhà văn Phạm Hổ đã nhiều lần nhắc đến “nước mắm” Gò Bồi với một tình cảm đầy tự
hào. Có chút gì đó bí ẩn, huyền diệu ở món đặc sản Bình Định này khi nó được gắn
nối với tài năng Xuân Diệu. Và nữa, bà vợ cả cụ Tú “ở ngoài kia, không sinh đẻ
được thằng cu, cái tý nào, vậy mà vào ăn cá Quy Nhơn, nước mắm Gò Bồi (chính nước
mắm cô vợ lẽ làm ra) bà bỗng nhiên đẻ sòn sòn liền mấy đứa”… Đó thực là những
chi tiết sống động, thú vị, có giá trị mở rộng ý nghĩa cho câu chuyện về người
thầy từ xứ Nghệ vào Bình Định dạy chữ. Rõ ràng, qua truyện Cụ Tú, tình cảm của
Phạm Hổ với người thầy và quê hương có sự hoà quyện một cách thật tự nhiên và đẹp
đẽ.
Ở truyện kí Thầy Liêu,
Phạm Hổ kể về một người thầy có “dáng người hơi thấp”, “hay đeo kính đen”, và đặc
biệt là “hay buồn ngủ trong lớp”. Thầy đam mê cờ bạc nên “suốt đêm thầy thức để
đánh bài”, “chỉ biết có ăn thua, không còn nghĩ tới điều gì khác, tới ai khác…”.
Trong mắt Phạm Hổ, điều đó đã ảnh hưởng nhiều tới công việc dạy học của thầy. Hàng
ngày, thầy vẫn lên lớp đều đặn nhưng thái độ của thầy đối với học trò lại rất
thất thường, hàn thử biểu vui buồn hoàn toàn tuỳ thuộc vào chuyện được mất của
canh bạc đêm hôm trước. Càng gần gũi thầy, Phạm Hổ càng thất vọng vì thấy thầy
có những lời nói, hành động thiếu lịch sự, trung thực…
Ngoài những truyện “người
thật, việc thật” kể trên, Phạm Hổ còn có hai tác phẩm khác về người thầy đậm chất
hư cấu là truyện Những con ốc kì lạ và Bài thi nhập học. Cả hai tác phẩm
này đều được viết theo bút pháp cổ tích, khắc hoạ vẻ đẹp người thầy ở khía cạnh
học vấn uyên thâm, ở sự tinh tế trong việc nhìn nhận, đánh giá con người…
Ở Bài thi nhập học,
Phạm Hổ kể về một người thầy “ở vùng tít trên xa”, có “sách đầy ba gian”, rất
kĩ tính trong việc chọn lựa học trò. Ai đến cầu học, ông đều yêu cầu làm một
bài thi theo kiểu giải đố, tìm chữ thích hợp để điền vào bốn bức tranh gồm hình
đôi đũa, cái nhà, vườn rau và cây nến. Trong số các câu trả lời, ông thích nhất
lời giải của người học trò nghèo khi cậu cho rằng, dụng ý của đề thi là nhắc nhở
thí sinh phải ý thức được mình là người và học là để “làm người”.
Ở truyện Những con ốc
kì lạ, vẻ đẹp người thầy là lòng bao dung, che chở. Khi biết trong hai học trò
giỏi của mình có một người là nữ giả trai, thầy đã không trách mắng, trái lại,
tìm cách giữ kín bí mật để họ được tiếp tục học hành. Khi việc bị bại lộ, ông
đã khuyên hai trò đi trốn, chờ cơ hội để tiếp tục nghề của thầy nhằm “dạy cho lớp
đàn em học cho đủ cái tốt, cái hay, cho đủ cái chữ cái nghĩa để sau này có lúc
đem tài sức ra mà giúp ích cho đời”.
Điểm chung của hai tác
phẩm nói trên là đặt hình tượng người thầy trong nhiều mối quan hệ xã hội khác
nhau, trong những tương tác thuận nghịch khác nhau. Vì thế, bên cạnh điều tốt,
cả hai người thầy đều luôn bị cái xấu rình rập, đe doạ. Điều tệ hại nhất mà họ
phải đối mặt không gì khác hơn chính là sự trả thù đê tiện của những học trò vốn
lười biếng, yếu kém, từng bị thầy trách phạt.
Trong các truyện về người
thầy của Phạm Hổ, truyện Thầy Liêu có phần đặc biệt hơn cả. Đặc biệt vì, truyện
nói về người thầy ham mê cờ bạc, cũng cay cú, tục tằn như bất cứ ai mỗi khi
thua bạc. Đặc biệt vì, thầy đã nói lời nhận lỗi với người học trò nhỏ năm xưa
khi có dịp gặp lại. Phạm Hổ nhớ lại, sau ngày Cách mạng thành công, ông có đến
thăm thầy Liêu tại nhà riêng ở Huế. Sau vài lời chào hỏi xã giao, thầy Liêu đã
thẳng thắn hỏi về cơn giận của học trò thuở trước, thừa nhận mình chỉ “dạy được
đôi cái hay trong sách vở” nhưng lại “dạy lắm cái dở trong cách sống”. Lắng
nghe những lời tâm can của thầy, nhất là lần đầu tiên trong đời được thấy một
người lớn nhận lỗi, Phạm Hổ “cảm động đến bàng hoàng” và “thấy thương thầy, quý
trọng thầy vô cùng”. Câu chuyện về thầy Liêu đã được khép lại bằng cái kết có hậu
như vậy, vừa thoả mãn tình cảm người đọc, vừa gợi được những bài học về lối sống
và xử thế.
Có thể nói, viết về những
người thầy dù từ những trải nghiệm thuở thiếu thời hay từ kí ức dân gian, Phạm
Hổ cũng đều nhằm mục đích xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật giàu ý
nghĩa. Rõ ràng, mỗi một tác phẩm của nhà văn, người đọc đều cảm nhận được “số
phận lịch sử” của người thầy trong đời sống cộng đồng và mỗi khi xã hội thay đổi.
Người thầy, như bất cứ ai, cũng có thói tật, cũng “sống nhờ” vào sự nghiệp của
con cái và học trò. Nhưng hơn hết, người thầy sống ở đời là để làm gương, dẫn dắt,
khích lệ học trò vươn tới chiếm lĩnh những giá trị cao đẹp của cuộc sống…
Lê Nhật Ký
(www.baobinhdinh.com.vn, ngày 17/11/2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét