Mặc
dù Liên Xô đã không còn tồn tại từ nhiều năm, nhưng trong tâm trí rất
nhiều người Việt Nam vẫn còn đọng lại hình ảnh sâu sắc từ các giá trị
vật chất và văn hóa của một thời: từ những con búp bê bé nhỏ đến bưu
thiếp chụp Quảng trường Đỏ, từ bàn là xe đạp đến những trường đại học
danh tiếng.
Và di sản của âm nhạc, điện ảnh, hội họa, văn học, một thời
của văn học Xô Viết đã đi vào tâm khảm vài thế hệ người Việt Nam, trong
đó không thể không nhắc tới dòng sách văn học thiếu nhi.
Vẫn bồi hồi với chú bé Mít Đặc
Văn học cổ điển nước Nga với rất nhiều tên tuổi lớn như Gô-gôn,
Pútxkin, Tônxtôi đã đến với Việt Nam từ rất sớm, nhưng các nhà văn của
thời Xô Viết cũng có chỗ đứng không nhỏ. Suốt một thời người ta không
chỉ đọc mà sôi nổi tranh luận, bàn tán, vui buồn với những tác phẩm như Sông Đông êm đềm, Tuổi 17, Lạ kỳ thế đấy cuộc đời này,
và những nhà văn như Pau-tốp-xki, Gam-za-tốp hay Ai-ma-tốp có rất nhiều
độc giả tại Việt Nam. Dĩ nhiên cũng cần phải nói rằng trong vài chục
năm, vì nhiều lý do mà văn học Liên Xô có phần lấn át các nền văn học
khác ở mảng dịch thuật, nhưng cũng phải đặc biệt nhấn mạnh rằng tâm hồn
Nga có những điểm rất gần gũi, tương đồng với tâm hồn Việt Nam, nên sự
đồng cảm và cộng hưởng hoàn toàn có thể nhìn thấy được rất dễ dàng.
Đặc biệt là trong những năm ấy, bạn đọc nhỏ tuổi ở nước ta say sưa với
tủ sách thiếu nhi, nhất là những cuốn sách in rất đẹp (mà hiện nay cũng
khó sánh nổi) của nhà xuất bản Cầu Vồng Mát-xcơ-va, nhất là những quyển
như Mít Đặc và các bạn, Ở xứ cỏ rậm và nhiều cuốn
khác. Thiếu nhi Việt Nam theo dõi từng bước chân của Ti-mua và đồng đội,
nín thở theo dõi cuộc phiêu lưu kỳ diệu của cậu bé người gỗ
Bu-ra-ti-nô, thậm chí còn có thể nói rằng những cái tên như Va-xi-li-a,
Ta-nhi-a đã trở nên quen thuộc với các em như những người bạn cùng nói
chung ngôn ngữ. Để có được hiện tượng ấy, các dịch giả và biên tập viên
có công rất lớn. Tuổi nhỉnh hơn một chút vẫn được quan tâm đầy đủ, với
những câu chuyện phiêu lưu mang tính khoa học như trong Cuộc truy lùng của đội quân phóng xạ, Bột mì vĩnh cửu, hoặc cuộc đời của chàng trai Xa-mu-en Pinh…
Có một điều kỳ lạ là cho mãi tới sau này, những ai từng trải qua một
thời khó khăn về kinh tế ấy đều vẫn nhớ như in nhiều tình tiết trong
những cuốn truyện hồi đó, cái thời nước ta in được rất ít đầu sách (so
với hiện nay) nhưng đọc sách vẫn còn là một thói quen phổ biến trong
người dân, chưa bị nhiều hình thức giải trí hiện đại khác lấn át. Hiện
nay, khi Bác sĩ Ai-bô-lít hay Mít Đặc và các bạn được
tái bản, nhiều người đã tìm mua để đọc lại, vẫn thấy bồi hồi với những
cô bé cậu bé nghịch ngợm nhưng hướng thiện từng thân thiết suốt một
quãng đời, và tất nhiên là muốn con cái mình cũng được đọc những cuốn
sách vừa hay, hấp dẫn vừa có nhiều ý nghĩa giáo dục đó.
Văn học thiếu nhi dành cho… người lớn
Thời gian gần đây, thị trường sách thiếu nhi nở rộ, mở rộng về rất
nhiều hướng. Tuy rằng vẫn có nhiều lệch lạc nhưng phải nói rằng việc lựa
chọn của các nhà xuất bản đã dần làm giảm bớt đi được chiều hướng khá
nguy hiểm trước đây: thị trường sách thiếu nhi bị manga Nhật “độc
chiếm”. Chưa kể tới “hiện tượng Harry Potter”, nhiều đầu sách cổ điển có
giá trị của phương Tây đã được dịch ra tiếng Việt: từ tiếng Anh có Khu vườn bí mật,Gió qua rặng liễu… từ tiếng Pháp có Cuộc chiến khuy cúc, các tập về cậu nhóc Nicolas, cậu nhóc Cédric… rồi nhà văn nữ danh tiếng Thụy Điển Astrid Lingren (Pippi tất dài và Lại thằng nhóc Emil).
Ngoài ra, người đọc sách hoài cổ còn có thể tìm được một số đầu sách
thiếu nhi của Nga theo đúng kiểu dạng và lô-gic câu chuyện của thời Xô
Viết-Cầu Vồng ngày xưa, đặc biệt ở hai tác phẩm của nhà văn nổi tiếng
Eduard Uspenski: Bác Phi-ô-đo, con chó và con mèo in cách đây vài năm và gần đây nhất là Cá sấu Ghena và các bạn, đều do NXB Hội Nhà văn liên kết cùng Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản.
“Bác Phi-ô-đo” là một cậu bé làm bạn với một con chó và một con mèo
tại ngôi làng Prô-xtơ-kva-si-nô, địa danh tưởng tượng được Uspenski lấy
làm bối cảnh cho hàng loạt tác phẩm viết cho thiếu nhi trong khoảng hai
mươi năm trở lại đây. Cậu bé Phi-ô-đo rất ngây thơ có một cuộc phiêu lưu
sẽ rất khó quên cho trẻ em, và ngay cả những người lớn đọc truyện, qua
tài dẫn dắt và ngôn ngữ dí dỏm ở từng câu văn của tác giả.
Cá sấu Ghena và các bạn được Uspenski sáng tác trong những
năm 1960 (nhà văn sinh năm 1937), là một tác phẩm nổi tiếng suốt nhiều
năm qua tại Nga, thậm chí tên nhân vật Cheburaska của truyện còn thân
thuộc đến mức được nhà máy bánh kẹo Tháng Mười Đỏ sử dụng cho một loại
kẹo của mình, dẫn tới một vụ kiện bản quyền ồn ào (với phần thắng cuối
cùng thuộc về Uspenski). Trong ấn bản tiếng Việt lần này, cuốn sách gồm
ba phần, phần đầu mang cùng tên sách, phần hai mang tên Cá sấu Ghena nhập ngũ và phần ba: Cá sấu Ghena đi nghỉ phép.
Vẫn là sự tinh nghịch và những bài học khéo léo luôn thấy ở Uspenski,
nhưng đặc biệt ở tác phẩm này, những ai từng trải qua một thời bao cấp
hẳn sẽ thấy rất thú vị vì gặp lại được bầu không khí của một thuở tuy
chưa xa nhưng cũng không còn gần nữa. Chẳng hạn như ở chi tiết khi Ghena
và đám bạn đi xin phép được xây nhà, thì sự quan liêu của chính quyền
dẫn tới việc nếu muốn xin đủ số gạch xây một ngôi nhà thì phải nộp đơn
xin xây hai ngôi nhà, vì cơ quan hành chính bao giờ cũng chỉ chấp nhận
cung cấp một nửa nhu cầu của người dân. Những phê phán xã hội ý nhị như
vậy càng làm tăng độ sâu sắc trong những thông điệp của Uspenski, mà vẫn
không ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của trẻ nhỏ.
Chúng ta thường gặp trường hợp “văn học người lớn” bị trẻ em đọc trộm,
nhưng hiện tượng ngược lại cũng hay xảy ra: văn học thiếu nhi còn được
người lớn mê hơn cả con trẻ. Dường như tuổi thơ được kéo dài ra với
những câu chuyện ấy, đúng như lời người ta vẫn dùng để nói về bộ truyện Nhóc Nicolas của thiên tài nước Pháp Gosciny, đại ý trẻ con thích đọc vì thấy giống quá, còn người lớn vì thấy nhớ quá.
Trần Thiện Hoàng
Nguồn: Nhã Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét