(LNK). Có đôi chỗ người kể đã hiện đại hoá vấn đề, song điều quan trọng là truyện đã chuyển tới người đọc, người nghe nhiều thông điệp ý nghĩa...
Ngày ấy, ở một bản nọ, có đôi vợ chồng mơ ước có nhiều con. Chồng nói với vợ:
- Giàu của không bằng giàu con. Em hãy sinh cho anh mười hai đứa con em nhé!
Vợ thỏ thẻ nói:
- Đẻ nhiều thế biết làm gì có đủ cơm, áo nuôi con, lấy đâu ra chữ dạy con hả anh?
Người chồng nói:
- Chữ thì cần gì. Cơm, áo lao động làm ra dễ ợt, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Em làm trời sinh voi. Anh làm trời sinh cỏ. Chẳng phải lo.
Thế là ba năm một đôi, người vợ sòn sòn sinh được mười hai người con đúng như mơ ước.
Đàn con càng lớn càng có nhu cầu ăn uống càng nhiều. Cha mẹ chân đăm đá chân chiêu, đầu tắt mặt tối, cày ruộng, cuốc nương, hùng hục mà bồ vẫn vơi, nhà vẫn rách, cháo không có húp, quanh năm ăn sắn luộc, củ nâu xôi. Đã thế, ngày nông nhàn, cha mẹ, con cái đều lao vào cờ bạc, rượu chè, trai gái. Thế là ngày nào cũng to tiếng, chồng đánh đập vợ con. Nguy cơ chết đói đến nơi. Cha mẹ vào rừng tối ngày, đào được vài củ mài về nấu cháo với rau dại, xơi lên mâm, được mỗi người một bát con, hơi nóng bốc nghi ngút. Cha bảo lũ trẻ rằng: “Cháo nguội hãy ăn”, mới quay ra quay vào, chúng đã húp hết từ lúc nào. Người cha cầm cán chổi đánh đàn con túi bụi. Người mẹ cầm đũa cả gõ lên đầu đứa lớn vì không bảo được em bé. Người Dao, người Tày, người Sán Chay kiêng kị đánh con bằng các đồ dùng ấy nên lũ trẻ tủi thân, giận bố mẹ ghê gớm, khóc gào, phẫn chí cõng bế nhau chạy vào rừng, không về nhà nữa. Chúng đi mãi, đi mãi, hết rừng thưa vào rừng già, ra rừng rậm, đến rừng sâu. Đói bụng, chúng bắt chước con khỉ trên cây ăn quả, hái được thứ gì thì ăn thứ ấy. Chẳng mấy bữa, đầu tóc lông lá mọc dài như khỉ. Má hóp, mắt hốc, mặt nhăn, mồm vẩu chẳng khác gì khỉ. Tiếng người cũng quên dần thay vào tiếng khẹc khẹc của khỉ. Đứa con lớn như khỉ đột. Đứa con bé như khỉ đàn. Chân ngắn lại, tay dài ra. Mông ngồi cành, chai ra, lông không mọc. Leo trèo, nhảy nhót không lúc nào yên. Đôi mắt huyền vàng lấc láo.
Cha mẹ không thấy con về, vội vàng đốt đuốc nứa đi tìm thâu đêm suốt sáng, hết ngày này sang ngày khác. Đi đến đâu gọi tên các con đến đấy. Nhưng chỉ có tiếng vọng của núi dội lại. Cha đi hết rừng trên có sao Bắc Đẩu, mẹ lặn lội hết rừng dưới có sao Thần Nông, gặp nhau, lại chia đôi đường cha đi về phía mặt trăng lên, mẹ tìm ở phương mặt trời mọc, gặp nhau ở ngôi nhà sàn ọp ẹp. Mối đắp đất kín vách nhà và kín cột. Nhìn cái bồn nước lần chảy về mới nhận ra cái nhà cũ rách nát của mình. Gian giữa, gầm sàn, đùn lên một đống mối. Xung quanh mọc những cái nấm rất mập mạp ngon mắt. Cha mẹ hái nấm nấu ăn ngon ngọt như thịt gà rừng, rồi ngủ một giấc rất say, mơ thấy một ông già tóc bạc, râu bạc như cước, mặt hồng hào nói:
- Ta là Thần Núi đây! Ta biết, hai người muốn có nhiều con hơn nhiều của. Nhưng chưa biết làm ăn, giàu có để có đủ cơm áo nuôi con. Và mắc sai lầm cờ bạc, rượu chè cho nên càng túng quẫn, sinh bực dọc, đánh đập vợ con. Không những thế còn coi thường quyền được giáo dục, học chữ nghĩa để làm người của trẻ thơ và dùng cán chổi, đũa cả đánh đuổi đàn con. Do đó, chúng đã bỏ quyền làm người để vào rừng sâu làm khỉ. Ta biết hai ngươi rất ân hận, đi tìm đàn con đã ba năm nay để chuộc lỗi lầm mà chưa có hiệu quả gì. Đàn con của hai người đang làm khỉ ở suối Chín Khúc. Hai người hãy đến đó mà tìm, có thể chúng chưa hóa khỉ hoàn toàn, còn nước còn tát, hãy đón về cho chúng được quyền làm người. Nếu các con trở về thì ta có một lọ bạc trắng trong tổ mối, lấy tiền đó mà nuôi đàn con ăn học nên người. Dậy dậy ! Đi đi !
Cha mẹ cùng tỉnh dậy, không thấy Thần Núi đâu, cùng kể lại giấc mơ giống như nhau. Vợ chồng hái nấm trên đống mối, xào một gói, mua chịu gạo nếp gói bánh ót và nấu cơm lam, đeo mỗi người một túi đi tìm con. Đến suối Chín Khúc đi từ khúc một đến khúc chín thì gặp mười hai con khỉ lớn, bé đang ngồi trên cây ăn trái rừng rau ráu. Thấy hai người già đi tới, chúng cùng trố mắt nhìn, sáng quắc ánh lửa căm hờn. Cha mẹ đặt gùi xuống mở ra cho đàn khỉ nhìn thấy cơm lam, bánh ót, rồi ngẩng lên nói:
- Các con yêu quí của cha mẹ ơi ! Từ ngày các con giận cha mẹ ra đi, không ngày nào cha mẹ không đi tìm, có Thần Núi chứng giám cho mẹ cha. Ngày ấy túng quẫn, cha mẹ bực bội đã mắc sai lầm đánh đuổi các con bằng cán chổi, đũa cả là rất kiêng kị, đáng trách nên mới phải như thế này. Cha mẹ rất ân hận, đau xót và thành thật xin lỗi các con. Cha mẹ cầu mong các con hãy tha lỗi cho cha mẹ. Cha mẹ mời các con xuống ăn cơm lam, bánh ót để trở lại làm người. Các con hãy trở về nhà, Thần Núi ban cho cha mẹ một lọ bạc trắng để nuôi các con ăn học. Các con sẽ có chữ để thành người hiểu biết, cuộc sống của các con sẽ tốt hơn. Các con hãy về với cha mẹ đi !
Đàn khỉ thao láo đôi mắt kiêu bạc, nhao nhao nói :
- Đã quen ở rừng không về được nữa !
- Tự do sống trên cây, hơn ở nhà sàn mẹ !
- Quen ăn hạt dẻ, hạt gắm, không thích cơm lam, nấm mọc, tổ mối của cha !
- Có lọ bạc trắng và cơm áo, chữ, không biến khỉ thành người được đâu !
- Khẹc khẹc ! Cha mẹ có ân hận cũng đã muộn rồi !
Nói rồi đàn khỉ gãi bẹn sồn sột, chạy nhảy rào rào từ cây này sang cây khác về phía rừng sâu.
Cha mẹ ngậm ngùi dìu nhau trở về nhà cũ. Vừa đến chân cầu thang thì cùng nhau ngã xuống ngất đi và tắt thở...
Hồ Quốc Hùng sưu tầm, biên soạn
(Truyện cổ thượng nguồn sông Thao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét