Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

XUÂN DIỆU VỚI BÌNH ĐỊNH QUÊ MÁ


Gò Bồi


 
Tình yêu quê má là một giá trị đặc biệt trong toàn bộ đời sống tinh thần của nhà thơ Xuân Diệu (1916 – 1985). Hoàn toàn có thể nói như vậy khi chúng ta nhìn vào những ứng xử của thi sĩ cả trong đời thường lẫn văn chương. 


Như đã biết, ông là kết quả của mối tình vượt không gian giữa ông đồ nho xứ Nghệ với cô làm nước mắm vạn Gò Bồi hồi đầu thế kỉ XX. Tuổi thơ của Xuân Diệu gắn với “con sông Gò Bồi nước chảy êm”, với điệu hát ru của má, của các dì các mợ, của bà con hàng xóm mà sau này, như nhà thơ xác nhận, “đã làm thành một mảnh của tâm hồn tôi, mảnh rất sâu xa, tinh tế…” (Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ). Tôi nghĩ, sự gắn nối sâu sắc của nhà thơ Xuân Diệu với quê hương Bình Định được bắt đầu từ những năm tháng ấu thơ quan trọng này. 

Khi đã ở vào tuổi trưởng thành, vì nhiều lí do, Xuân Diệu sống xa quê hương Bình Định. Hoàn cảnh ấy đã làm cho tình cảm của ông với quê má ngày một sâu sắc hơn. Tình cảm ấy đã được ông bày tỏ trên nhiều trang viết, gây được xúc động sâu xa đối với bạn đọc nhiều thế hệ.

Chỗ độc đáo của Xuân Diệu trong cách bày tỏ tình cảm với quê hương Bình Định chính là ở cách nói giàu biểu cảm của ông. Cụ thể, mỗi khi nói về Bình Định, ông thường kèm thêm mấy từ “quê má tôi” khiến cho địa danh Nam Trung Bộ này vang lên một cách đầy thân thương, tự hào. Nói cách khác, Bình Định một khi đã đi vào thơ văn Xuân Diệu sẽ không bao giờ là một địa danh trung tính mà luôn là một địa chỉ của yêu thương và tự hào.

Chúng ta sẽ bắt gặp điều đó ngay từ bài thơ Nhớ quê Nam viết năm 1959 với những dòng mở đầu như sau:
 “Ôi miền Nam, miền Nam
Quê má, quê má yêu
Quê xinh đẹp trăm chiều
Ôi miền Nam, miền Nam
Ôi Bình Định, Quy Nhơn
Đâu yêu mến cho hơn
Nơi ta lọt lòng mẹ?”

Những bài thơ sau đó, dù viết trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt hay đã thống nhất, Xuân Diệu vẫn giữ nguyên cách gọi này. Sự lặp lại thường xuyên như vậy có tác dụng tạo độ vang của tâm hồn, đồng thời khiến cho thơ văn của ông có một âm hưởng riêng, không giống như những nhà văn khác viết về Bình Định.

Đặc biệt, cách nói đó còn xuất hiện cả trong văn nghiên cứu, phê bình của ông. Chẳng hạn, trong bài Sự uyên bác với việc làm thơ viết vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời (tháng 11/1985), Xuân Diệu dành hẳn một đoạn để nói về đặc sắc của thơ ca dân gian Nam Trung Bộ. Và trong những câu chữ đó, chúng ta lại thấy hai tiếng “quê má” vang lên đầy tự hào: “Nghĩa Bình, quê má của tôi có lẽ là quán quân về mật độ dùng vần:  Vần ở chân câu, vần ở lưng câu, vần trong câu, luyến láy lăng líu như một bữa tiệc ăn, ca dao các vùng khác khó đuổi kịp”.

Như vậy, cách nói “Bình Định, quê má tôi” không chỉ có ý nghĩa khu biệt mà còn bao hàm trong đó cả một tấm tình sâu nặng của nhà thơ đối với quê ngoại. Với ông, Bình Định thật trù phú, tươi đẹp:
“Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm”
(Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong)

Nơi đó, ông đã được sinh ra và có những năm tháng tuổi thơ thật êm đềm, hạnh phúc. Trong bài “Tâm sự với Quy Nhơn”, dưới hình thức hoài niệm, ông tiếp tục nói về cảnh đẹp và tuổi thơ của mình:
- “Gành Ráng, Đèo Son với Tháp Đôi
Cảnh chung quanh đẹp vạn Gò Bồi
Nơi sinh tôi đó, chao ôi nhớ
Nằm một đêm đò, sáng tới nơi”

Trong “Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ”, nhà thơ chia sẻ với bạn đọc về niềm vui ngày Tết được đi xem bài chòi ở làng Văn Quang, được nghe các dì các chị hát cho nghe những câu hò, câu ví… Xuân Diệu cho biết, tài năng văn chương của ông đã được hình thành và phát triển chính từ mạch nguồn văn hoá dân gian của quê hương Bình Định. Có thể nói, đó chính là lí do giải thích vì sao Xuân Diệu thường hay tỏ lòng biết ơn mỗi khi viết về quê má:

- “Cảm ơn quê má muôn yêu dấu
Vẫn ấp iu hoài tuổi nhỏ ta”
(Tâm sự với Quy Nhơn)

- “Tôi lại trở về với những tình cảm nói ban đầu: yêu thương ca dao Nam Trung Bộ, cái nơi đầu tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất: quê má đẻ ra mình" (Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ)

Nếu tình cảm quê hương là một dòng sông thì ở Xuân Diệu, dòng sông ấy tuy có lúc phân nhánh song căn bản vẫn dạt dào chảy về quê má yêu thương. Bình Định, như vậy, có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn nhà thơ lớn Xuân Diệu…

Lê Nhật Ký


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét