Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

CÁI CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM...


Các tác giả văn học dân gian người Việt thật đã khéo chọn "cái cò" (hay “con cò”) làm hình ảnh biểu trưng trong ca dao.

Trước hết, chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với các nhà nghiên cứu rằng trong ca dao, từ cò (hay con cò, cái cò) chỉ một con vật rất gần gũi với nông dân và thường được dùng để biểu trưng cho người nông dân vất vả lầm than, nhưng trong trắng thanh cao và nhiều ước vọng. Biểu trưng này có cơ sở thực tế là dáng vẻ của loài cò: lúc thì nó lặng lẽ cặm cụi theo luống cày, lúc thì nhàn nhã rỉa lông rỉa cánh bên bờ ruộng, có lúc lại dang rộng cánh bay lả bay la trên đồng xanh bát ngát...

 
Tuy nhiên, nói như trên vẫn là chưa đủ. Cũng trong ca dao Việt Nam, ta còn gặp những "con cò" trong hoạn nạn, bị áp bức và rất nhiều khi oan khuất. Chẳng hạn đó là "con cò" trong cơn mưa:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mờ mịt, ai đưa cò về.
 
Hoặc đó là "con cò" bị gộp chung vào danh sách những kẻ có thể "bị làm thịt":
Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
 
Hay có lúc giữa một đám đông mà riêng "con cò" lại bị quy tội "phá hoại sản xuất":
Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò!
 
Kể cả những câu ca đã đem lại nhiều tranh cãi vì không rõ là có ai “áp bức” ai không và ai “áp bức” ai:
Cái cò mày mổ cái trai
Cái trai quặp lại, lại nhai cái cò…
 
Và không phải ngẫu nhiên ta lại gặp ở đâu đó có một "con cò" đang lâm nạn:
Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...

Tạ Văn Thông
(Nguồn: Fb cá nhân tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét