Nguyễn Nhật Ánh đến với văn học thiếu nhi như một lẽ tự nhiên. Đó là sự trở về của ký ức, của những hoài niệm, là sự thôi thúc của ý tưởng và hơn hết là tấm lòng của nhà văn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Nguyễn Nhật Ánh nói rằng: “Nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là nhà giáo dục”, thậm chí là “nhà giáo dục bẩm sinh”. Ông viết với trách nhiệm của một người thầy, “người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ” (Nguyễn Hương Giang).
Những tâm hồn trẻ thơ trong sáng, giàu tình nhân ái
Trong thế giới muôn màu của trẻ thơ, không chỉ có những màu sắc tươi đẹp của cuộc sống mà còn có những mảng màu tối, những mặt trái của xã hội. Bên cạnh những nhân vật được nâng niu, bảo bọc bởi vòng tay cha mẹ là những nhân vật phải tự vật lộn, đấu tranh để trưởng thành. Bên cạnh những bạn nhỏ được sống yên vui trong hạnh phúc gia đình là những bạn khác đau khổ, buồn tủi vì bố mẹ chia tay hoặc phải cô đơn, lang thang trên hè phố. Bên cạnh những người con, những học sinh ngoan hiền là những đứa trẻ ngỗ nghịch… Bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Có những số phận tưởng như đã bị cuộc đời vùi dập thế nhưng bằng cái nhìn nhân hậu, đầy cảm thông của mình, Nguyễn Nhật Ánh hướng các em tìm lại những nét trong sáng, thanh khiết vốn có trong tâm hồn và cho các em một niềm tin về ngày mai tươi sáng.
Hầu hết các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều là những người giàu lòng nhân ái. Đẹp biết bao khi chứng kiến cảnh các em nhỏ tìm cách “chia sẻ niềm vui” với tờ vé số trúng giải độc đắc. Lớn lên trong một gia đình cực kỳ giàu có nhưng Văn Châu không hề có thái độ kiêu ngạo hay phân biệt giàu nghèo. Khi biết mình trúng số, nó nghĩ ra cách chia sẻ cho các bạn. Đối với tụi trẻ, năm mươi triệu tương đương với “năm trăm con gấu bông, hai mươi lăm ngàn ổ bánh mì kẹp thịt, hai mươi ngàn chai Coca Cola, năm mươi ngàn que kem…”, một số tiền quá lớn và không ai muốn giữ riêng cho mình. Thế rồi các em đã lên một kế hoạch cụ thể để chia sẻ niềm vui ấy, từ làng mồ côi SOS, trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, đồng bào lũ lụt miền Trung đến các trường hợp cụ thể cần giúp đỡ như những gia đình bất hạnh hay những hoàn cảnh khó khăn. Anh em thằng Nở vốn rất nghèo nhưng khi biết mình được chia một số tiền lớn đã không nghĩ đến việc hưởng thụ cho bản thân mà đem chia cho các bạn cùng cảnh ngộ trong nhóm trẻ đường phố Lửa Hồng. Việc làm của Nở và Xảo thật giản dị và thiết thực: mua bánh mì, nước ngọt và kem cho các bạn. Khi nghĩ đến điều đó “mắt Nở sáng lên. – Tụi nó được ăn bánh mì kẹp thịt và uống nước ngọt một tuần chắc thích lắm”. Những hành động, ý nghĩ rất trẻ thơ ấy chỉ có thể xuất hiện ở những tâm hồn thánh thiện và nhân ái. Tuy nhiên, vì có một sự nhầm lẫn nên tờ vé số ấy không trúng độc đắc, các em không những không buồn mà còn cảm thấy đây là một dịp tốt để hiểu thêm về tình bạn, tình người. Cái kết của câu chuyện Trúng số độc đắc thật bất ngờ và cách xử lý của các em cũng thật đáng yêu. “Nhỏ Hạnh chậm rãi vuốt phẳng tờ giấy (ghi những trường hợp cần giúp đỡ) rồi gấp làm tư, cẩn thận cất vào túi áo. Xong, nó nhìn các bạn, mắt long lanh: - Biết đâu mai mốt tụi mình chẳng trúng số độc đắc thật, lúc đó tụi mình chỉ cần điều chỉnh bản danh sách này thôi, khỏi phải tìm hiểu lại từ đầu làm chi cho mất công!” (Kính vạn hoa, tập 4).
Thằng Thiều vốn vô tâm là thế nhưng khi đứng trước hoàn cảnh đáng thương của con Mận nó không tránh khỏi xúc động: “Ánh mắt tôi lại rớt xuống gương mặt u sầu của con Mận, đọng lại ở đó một lúc lâu, lòng rất đỗi hoang mang, chỉ đến khi nó ngừng khóc để bắt đầu xì mũi thì tôi mới quay mặt đi chỗ khác” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).
Tấm lòng nhân ái của trẻ thơ còn được nhà văn thể hiện trên nhiều trang viết khác với những tình huống, sự việc khác nhau. Cụ thể, đó là việc giúp đỡ bạn trong học tập, sinh hoạt cũng như giúp đỡ những người xung quanh, những người cùng cảnh ngộ. Không những thế, các em còn dành tình thương yêu cho các con vật nuôi trong nhà. Với các em, những con vật ấy khác nào một người em bé bỏng, tội nghiệp cần yêu thương che chở.
Những tâm hồn trẻ thơ giàu ước mơ, khát vọng
Ước mơ, khát vọng là một phần của thế giới trẻ thơ dù sống trong hoàn cảnh nào. Những ước mong của các em đôi khi giản dị, khiêm tốn nhưng lại làm day dứt lòng người. Đó có thể là khao khát có một con gấu bông nhưng không dám nói, mong muốn có một bữa thịt gà trong những ngày đói kém hay muốn được đãi các bạn trong nhóm trẻ mồ côi một bữa bánh mì và nước ngọt thật hoành tráng… Dù ước mơ ấy có thế nào chăng nữa với các em, nó cũng rất đáng được nâng niu, trân trọng.
Với một bé gái, búp bê, gấu bông là những món đồ chơi không thể cưỡng lại được. Nhỏ Oanh cũng vậy, nó mê một con gấu bông ở cửa hàng tạp hóa nhưng không dám nói cho ai biết. Bởi đó là món đồ chơi quá xa xỉ so với hoàn cảnh gia đình nó, “bỏ một khoản tiền lớn ra mua một món đồ chơi xa xỉ như con gấu bông kia thì quả là một ý tưởng điên rồ đối với những người quen sống chắt bóp, tằn tiện lâu nay!” (Kính vạn hoa, tập 1). Biết là vậy nhưng nhỏ Oanh không thể không nghĩ đến, ngày nào nó cũng lo lắng hỏi anh nó xem con gấu bông vẫn còn ở đó hay đã bị ai mua mất rồi. Mong muốn của cô bé thật đơn giản, hi vọng người khác đừng mua con gấu bông ấy để mình còn có cơ hội ngắm nhìn, để mỗi buổi tối nằm ôm gối, tưởng tượng đến con gấu bông ấy rồi nựng nịu “Ngủ đi, gấu bông ngoan của chị”.
Miền Trung là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt nhất trong cả nước, quanh năm phải đối diện với hạn hán, lũ lụt. Lớn lên trên vùng đất ấy, Nguyễn Nhật Ánh hiểu rất rõ cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là cuộc sống của những đứa trẻ. Có những làng quê trở nên đói kém sau khi lũ về. Sự đói kém ấy thể hiện từng ngày trong mâm cơm, “nồi cơm lưng hơn. Thức ăn ít đi. Cá thịt thưa dần, có hôm mất tích hẳn. Thỉnh thoảng có mấy bữa tôm rang thì con nào con nấy mặn chát, muối bám quanh con tôm trắng xóa như tuyết” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Những đứa trẻ vốn đang trong tuổi ăn tuổi chơi trở nên lặng lẽ, lười chạy nhảy hơn. Với chúng, ước mơ lúc này là được ăn một bữa thịt gà thỏa thích, thế nhưng nào có được. Thằng Tường và con Mận đã tìm ra giải pháp có thể làm cho mong muốn ấy trở thành hiện thực. Bọn trẻ “dùng trí tưởng tượng để bù đắp cho cuộc sống quanh năm thiếu thốn, để thỏa mãn sự thèm thuồng luôn âm ỉ trong lòng” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Lời thằng Tường: “Miếng thịt gà này là của chị nè. – Còn miếng này là phần em nè” nghe sao xót xa.
Trái ngược với những ước mơ giản dị của nhỏ Oanh, thằng Tường, con Mận là ước mơ vĩ đại của một cậu bé giàu trí tưởng tượng. Cu Mùi mong muốn “đặt tên cho thế giới”. Nó và lũ bạn dùng trí tưởng tượng để biến cái gối thành búp bê, con chó thành bàn ủi, biến cái nón thành cuốn tập, thằng bạn thân thành thầy hiệu trưởng… Thực ra, đằng sau cái trò chơi kỳ quặc ấy là một ước muốn trong sáng của trẻ thơ, muốn thế giới xung quanh trở nên mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra lần nữa, để chúng khỏi chán ngắt với việc ăn, ngủ, học lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác.
Ước mơ thường gắn liền với cuộc sống. Trong Kính vạn hoa, “Thần đồng toán” trường Tự Do, tổ sư môn vật lý, sếp sòng môn hóa học Quý ròm đam mê các thí nghiệm khoa học, vì lẽ đó nên nó có một ước mơ “nhỏ nhoi” là trở thành nhà ảo thuật tầm cỡ như David Copperpield. Tiểu Long là con nhà võ nên mơ ước của nó cũng “giản dị” không kém – trở thành diễn viên võ thuật thượng thặng cỡ Thành Long, Lý Liên Kiệt. Chỉ có nhỏ Hạnh mang một ước mơ “to lớn” gắn liền với sở thích ăn uống của mình là sau này lớn lên sẽ mở quán bán hủ tiếu bò viên…
Qua những trang viết đầy tính nhân văn, Nguyễn Nhật Ánh muốn các em tìm thấy giấc mơ của mình và nhắn gửi những bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn đến những giấc mơ con trẻ, để hiểu rõ hơn thế giới tâm hồn các em.
Như vậy, có thể thấy những nhân vật trẻ thơ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều là những cô bé, cậu bé giàu lòng yêu thương mọi người và có nhiều ước mơ, hoài bão. Những tâm hồn đẹp ấy đã giúp chúng ta nhận ra nhiều điều mà đôi khi do cuộc sống bận rộn khiến ta không bận tâm. Và Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn đầy tâm huyết, có vốn sống phong phú, yêu thương thấu hiểu tâm lý trẻ thơ mới có thể sáng tạo nên những hình tượng nhân vật đẹp và chân thực đến như vậy.
Nguyễn Thị Thúy Hằng Rút từ sách Nguyễn Nhật Ánh - hiệp sĩ của tuổi thơ
Những tâm hồn trẻ thơ trong sáng, giàu tình nhân ái
Trong thế giới muôn màu của trẻ thơ, không chỉ có những màu sắc tươi đẹp của cuộc sống mà còn có những mảng màu tối, những mặt trái của xã hội. Bên cạnh những nhân vật được nâng niu, bảo bọc bởi vòng tay cha mẹ là những nhân vật phải tự vật lộn, đấu tranh để trưởng thành. Bên cạnh những bạn nhỏ được sống yên vui trong hạnh phúc gia đình là những bạn khác đau khổ, buồn tủi vì bố mẹ chia tay hoặc phải cô đơn, lang thang trên hè phố. Bên cạnh những người con, những học sinh ngoan hiền là những đứa trẻ ngỗ nghịch… Bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Có những số phận tưởng như đã bị cuộc đời vùi dập thế nhưng bằng cái nhìn nhân hậu, đầy cảm thông của mình, Nguyễn Nhật Ánh hướng các em tìm lại những nét trong sáng, thanh khiết vốn có trong tâm hồn và cho các em một niềm tin về ngày mai tươi sáng.
Hầu hết các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều là những người giàu lòng nhân ái. Đẹp biết bao khi chứng kiến cảnh các em nhỏ tìm cách “chia sẻ niềm vui” với tờ vé số trúng giải độc đắc. Lớn lên trong một gia đình cực kỳ giàu có nhưng Văn Châu không hề có thái độ kiêu ngạo hay phân biệt giàu nghèo. Khi biết mình trúng số, nó nghĩ ra cách chia sẻ cho các bạn. Đối với tụi trẻ, năm mươi triệu tương đương với “năm trăm con gấu bông, hai mươi lăm ngàn ổ bánh mì kẹp thịt, hai mươi ngàn chai Coca Cola, năm mươi ngàn que kem…”, một số tiền quá lớn và không ai muốn giữ riêng cho mình. Thế rồi các em đã lên một kế hoạch cụ thể để chia sẻ niềm vui ấy, từ làng mồ côi SOS, trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, đồng bào lũ lụt miền Trung đến các trường hợp cụ thể cần giúp đỡ như những gia đình bất hạnh hay những hoàn cảnh khó khăn. Anh em thằng Nở vốn rất nghèo nhưng khi biết mình được chia một số tiền lớn đã không nghĩ đến việc hưởng thụ cho bản thân mà đem chia cho các bạn cùng cảnh ngộ trong nhóm trẻ đường phố Lửa Hồng. Việc làm của Nở và Xảo thật giản dị và thiết thực: mua bánh mì, nước ngọt và kem cho các bạn. Khi nghĩ đến điều đó “mắt Nở sáng lên. – Tụi nó được ăn bánh mì kẹp thịt và uống nước ngọt một tuần chắc thích lắm”. Những hành động, ý nghĩ rất trẻ thơ ấy chỉ có thể xuất hiện ở những tâm hồn thánh thiện và nhân ái. Tuy nhiên, vì có một sự nhầm lẫn nên tờ vé số ấy không trúng độc đắc, các em không những không buồn mà còn cảm thấy đây là một dịp tốt để hiểu thêm về tình bạn, tình người. Cái kết của câu chuyện Trúng số độc đắc thật bất ngờ và cách xử lý của các em cũng thật đáng yêu. “Nhỏ Hạnh chậm rãi vuốt phẳng tờ giấy (ghi những trường hợp cần giúp đỡ) rồi gấp làm tư, cẩn thận cất vào túi áo. Xong, nó nhìn các bạn, mắt long lanh: - Biết đâu mai mốt tụi mình chẳng trúng số độc đắc thật, lúc đó tụi mình chỉ cần điều chỉnh bản danh sách này thôi, khỏi phải tìm hiểu lại từ đầu làm chi cho mất công!” (Kính vạn hoa, tập 4).
Thằng Thiều vốn vô tâm là thế nhưng khi đứng trước hoàn cảnh đáng thương của con Mận nó không tránh khỏi xúc động: “Ánh mắt tôi lại rớt xuống gương mặt u sầu của con Mận, đọng lại ở đó một lúc lâu, lòng rất đỗi hoang mang, chỉ đến khi nó ngừng khóc để bắt đầu xì mũi thì tôi mới quay mặt đi chỗ khác” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).
Tấm lòng nhân ái của trẻ thơ còn được nhà văn thể hiện trên nhiều trang viết khác với những tình huống, sự việc khác nhau. Cụ thể, đó là việc giúp đỡ bạn trong học tập, sinh hoạt cũng như giúp đỡ những người xung quanh, những người cùng cảnh ngộ. Không những thế, các em còn dành tình thương yêu cho các con vật nuôi trong nhà. Với các em, những con vật ấy khác nào một người em bé bỏng, tội nghiệp cần yêu thương che chở.
Những tâm hồn trẻ thơ giàu ước mơ, khát vọng
Ước mơ, khát vọng là một phần của thế giới trẻ thơ dù sống trong hoàn cảnh nào. Những ước mong của các em đôi khi giản dị, khiêm tốn nhưng lại làm day dứt lòng người. Đó có thể là khao khát có một con gấu bông nhưng không dám nói, mong muốn có một bữa thịt gà trong những ngày đói kém hay muốn được đãi các bạn trong nhóm trẻ mồ côi một bữa bánh mì và nước ngọt thật hoành tráng… Dù ước mơ ấy có thế nào chăng nữa với các em, nó cũng rất đáng được nâng niu, trân trọng.
Với một bé gái, búp bê, gấu bông là những món đồ chơi không thể cưỡng lại được. Nhỏ Oanh cũng vậy, nó mê một con gấu bông ở cửa hàng tạp hóa nhưng không dám nói cho ai biết. Bởi đó là món đồ chơi quá xa xỉ so với hoàn cảnh gia đình nó, “bỏ một khoản tiền lớn ra mua một món đồ chơi xa xỉ như con gấu bông kia thì quả là một ý tưởng điên rồ đối với những người quen sống chắt bóp, tằn tiện lâu nay!” (Kính vạn hoa, tập 1). Biết là vậy nhưng nhỏ Oanh không thể không nghĩ đến, ngày nào nó cũng lo lắng hỏi anh nó xem con gấu bông vẫn còn ở đó hay đã bị ai mua mất rồi. Mong muốn của cô bé thật đơn giản, hi vọng người khác đừng mua con gấu bông ấy để mình còn có cơ hội ngắm nhìn, để mỗi buổi tối nằm ôm gối, tưởng tượng đến con gấu bông ấy rồi nựng nịu “Ngủ đi, gấu bông ngoan của chị”.
Miền Trung là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt nhất trong cả nước, quanh năm phải đối diện với hạn hán, lũ lụt. Lớn lên trên vùng đất ấy, Nguyễn Nhật Ánh hiểu rất rõ cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là cuộc sống của những đứa trẻ. Có những làng quê trở nên đói kém sau khi lũ về. Sự đói kém ấy thể hiện từng ngày trong mâm cơm, “nồi cơm lưng hơn. Thức ăn ít đi. Cá thịt thưa dần, có hôm mất tích hẳn. Thỉnh thoảng có mấy bữa tôm rang thì con nào con nấy mặn chát, muối bám quanh con tôm trắng xóa như tuyết” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Những đứa trẻ vốn đang trong tuổi ăn tuổi chơi trở nên lặng lẽ, lười chạy nhảy hơn. Với chúng, ước mơ lúc này là được ăn một bữa thịt gà thỏa thích, thế nhưng nào có được. Thằng Tường và con Mận đã tìm ra giải pháp có thể làm cho mong muốn ấy trở thành hiện thực. Bọn trẻ “dùng trí tưởng tượng để bù đắp cho cuộc sống quanh năm thiếu thốn, để thỏa mãn sự thèm thuồng luôn âm ỉ trong lòng” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Lời thằng Tường: “Miếng thịt gà này là của chị nè. – Còn miếng này là phần em nè” nghe sao xót xa.
Trái ngược với những ước mơ giản dị của nhỏ Oanh, thằng Tường, con Mận là ước mơ vĩ đại của một cậu bé giàu trí tưởng tượng. Cu Mùi mong muốn “đặt tên cho thế giới”. Nó và lũ bạn dùng trí tưởng tượng để biến cái gối thành búp bê, con chó thành bàn ủi, biến cái nón thành cuốn tập, thằng bạn thân thành thầy hiệu trưởng… Thực ra, đằng sau cái trò chơi kỳ quặc ấy là một ước muốn trong sáng của trẻ thơ, muốn thế giới xung quanh trở nên mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra lần nữa, để chúng khỏi chán ngắt với việc ăn, ngủ, học lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác.
Ước mơ thường gắn liền với cuộc sống. Trong Kính vạn hoa, “Thần đồng toán” trường Tự Do, tổ sư môn vật lý, sếp sòng môn hóa học Quý ròm đam mê các thí nghiệm khoa học, vì lẽ đó nên nó có một ước mơ “nhỏ nhoi” là trở thành nhà ảo thuật tầm cỡ như David Copperpield. Tiểu Long là con nhà võ nên mơ ước của nó cũng “giản dị” không kém – trở thành diễn viên võ thuật thượng thặng cỡ Thành Long, Lý Liên Kiệt. Chỉ có nhỏ Hạnh mang một ước mơ “to lớn” gắn liền với sở thích ăn uống của mình là sau này lớn lên sẽ mở quán bán hủ tiếu bò viên…
Qua những trang viết đầy tính nhân văn, Nguyễn Nhật Ánh muốn các em tìm thấy giấc mơ của mình và nhắn gửi những bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn đến những giấc mơ con trẻ, để hiểu rõ hơn thế giới tâm hồn các em.
Như vậy, có thể thấy những nhân vật trẻ thơ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều là những cô bé, cậu bé giàu lòng yêu thương mọi người và có nhiều ước mơ, hoài bão. Những tâm hồn đẹp ấy đã giúp chúng ta nhận ra nhiều điều mà đôi khi do cuộc sống bận rộn khiến ta không bận tâm. Và Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn đầy tâm huyết, có vốn sống phong phú, yêu thương thấu hiểu tâm lý trẻ thơ mới có thể sáng tạo nên những hình tượng nhân vật đẹp và chân thực đến như vậy.
Nguyễn Thị Thúy Hằng Rút từ sách Nguyễn Nhật Ánh - hiệp sĩ của tuổi thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét