Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

PHẠM SÔNG ĐÔNG - XE ĐẠP VÀ NHỮNG ĐỈNH DỐC



Tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có cơ hội làm việc ở Viện Văn học nhưng Phạm Sông Đông quyết định theo đuổi con đường sáng tác, trở thành nhà biên kịch và góp phần tạo nên bước đột phá cho phim hoạt hình Việt Nam những năm đầu thế  kỉ XXI…


Ấn tượng mà tôi có được về Phạm Sông Đông là khi xem bộ phim hoạt hình “Xe đạp” phát trên Đài truyền hình Việt Nam cách nay đã hơn mười năm. Ở bộ phim này, tác giả chủ trương không dùng lời thoại, lời dẫn, chỉ để hình ảnh chiếc xe đạp độc diễn hành trình chinh phục đỉnh dốc. Tiết tấu căng, hình ảnh giàu sức gợi khiến cho phim trở nên hấp dẫn, mới mẻ trong mắt người xem. Bộ phim đã mang về cho nhà biên kịch và Hãng phim truyện Việt Nam nhiều giải thưởng quan trọng, góp phần đổi mới thể loại phim hoạt hình.

Trước và sau “Xe đạp”, Phạm Sông Đông cũng đã thành công với nhiều kịch bản phim hoạt hình khác như “Vợ chồng Ama và con báo”, “Cái ô đỏ”, “Xe đạp và ô tô”, “Đôi bạn” và “Cậu bé cờ lau”(viết chung)… Có thể nói, chị là người có duyên với các giải thưởng, được thừa nhận là một cây bút biên kịch phim hoạt hình uy tín trong những năm đầu thế kỉ XXI này.

Năm 2014, nhà xuất bản Kim Đồng đã chọn in 07 kịch bản của Phạm Sông Đông thành tập “Xe đạp và những kịch bản hoạt hình đặc sắc” (ảnh). Tuyển tập này thực sự có ý nghĩa về nhiều mặt cho người thưởng thức lẫn sáng tác. Cuốn sách cũng giúp cho chúng ta cảm nhận đầy đủ hơn, hệ thống hơn phong cách nghệ thuật của nhà biên kịch.

Xuyên suốt các tác phẩm của Phạm Sông Đông là hình tượng về những cái bé nhỏ với đủ các cung bậc cảm xúc, các trạng thái vận động khác nhau của đời sống hiện thực. Để hình tượng trở nên nổi bật trong mắt người xem, nhà biên kịch thường hay sử dụng thủ pháp đối lập, đặt các đối tượng bên cạnh cái to lớn, có tính cạnh tranh hoặc loại trừ. Như trong “Xe đạp và ô tô”, xe đạp phải “nép sang một bên” mỗi khi thấy ô tô “lao vun vút”, “chiếm lĩnh toàn bộ mặt đường”. Hay trong “Vợ chồng Ama và con báo”, đó là sự bé nhỏ của người phụ nữ trước con báo có hình thù to lớn và rất hung ác … 

Có thể thấy, Phạm Sông Đông rất hứng thú viết về cái nhỏ bé, cái hẩm hiu, nhưng không phải chỉ để rủ lòng thương cảm mà quan trọng hơn là phát hiện và khẳng định những giá trị mà chúng đem lại cho cuộc sống chung của mọi người. Trong kịch bản “Đôi bạn”, chị dành nói nhiều về tình cảnh đáng thương của cái bình nứt khi không còn được tung tăng làm việc như cái bình lành. Nhưng nó không phải là thứ bỏ đi khi từ trong lòng nó có một “mầm cây lớn dần, nhú ra chồi biếc”. Thì ra, khi không còn khả năng tưới cây, cái bình nứt đã biết trở thành “nơi trú ngụ, che chắn cho mầm cây”. Với “Xe đạp và ô tô”, chị cho thấy thế mạnh riêng của xe đạp trong thời đại ô tô. Vì thế, dù đã có lúc “được treo lên” nhưng khi đường tắc, khi những chiếc ô tô bất động thì “xe đạp xuất hiện, khéo léo luồn lách qua các ô tô, vượt lên phía trước”…

Kể những câu chuyện như vậy, Phạm Sông Đông luôn nhằm truyền tải một số thông điệp cuộc sống có ý nghĩa với nhiều người. Có thể nói, đó là những triết lí nhẹ nhàng, giản dị mà bất cứ ai khi tiếp xúc với các hình tượng phim của chị đều dễ dàng nhận ra và chia sẻ. Phạm Sông Đông tôn trọng khả năng cảm thụ của người xem nên chị hầu như không sử dụng hình thức phát ngôn trực tiếp các triết lí như chúng ta vẫn thương thấy trong phần lớn phim hoạt hình trước đó. Nhờ vậy, kịch bản phim Phạm Sông Đông giàu sức gợi, đong đầy phẩm chất thơ ca.

Phạm Sông Đông là con gái út của nhà văn Phạm Hổ. Đây là chỗ thú vị trong tiểu sử của cả nhà văn Phạm Hổ lẫn Phạm Sông Đông. Ở đây, chúng ta nhận ra sự tiếp nối cũng như cá tính sáng tạo của từng nghệ sĩ. Cũng như thân phụ, Phạm Sông Đông hướng tới các độc giả thiếu nhi, chọn những thể loại có hình thức nhỏ gọn và đề cao giá trị tình thương trong cuộc sống… Chỗ khác của chị là dấn thân vào thế giới nghệ thuật phim hoạt hình, một loại hình nghệ thuật có sự gần gũi nhưng khác nhiều so với văn chương. Đi trên con đường này, chị có được sự độc lập cần thiết cho quá trình sáng tác và khẳng định tài năng của bản thân.

Trong mắt tôi, Phạm Sông Đông là hình ảnh chiếc xe đạp miệt mài chinh phục đỉnh dốc. Khi vừa chinh phục đỉnh dốc này xong, chị lại thấy một đỉnh dốc khác đang dần lộ ra, mời gọi đầy thách thức. Là người con của Bình Định, Phạm Sông Đông mong ước sẽ viết được một số kịch bản phim về đề tài quê hương, về phong trào Tây Sơn… Gần đây, chị cũng đã một đôi lần trở về Bình Định, vừa thăm quê nội, vừa tích luỹ tư liệu, phục vụ cho việc hiện thực hoá ước mơ sáng tạo nói trên.

Lê Nhật Ký
(Bài đăng trên Báo Bình Định, 9/4/2017)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét