Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

THỊ MẦU


Cánh đồng làng Bùng Thượng đứng từ xa trông như một tổ ong lớn. Bầy ong đen, nâu, có chỗ cả đỏ, vàng và biêng biếc tím tụ lại nghìn nghịt quanh chỗ con chúa nằm, tức đình Trinh Liệt. Dễ cả ngàn vạn người, làng xã lân cận cũng kéo sang. Mùa gặt vừa xong. Những cánh ruộng lô nhô gốc rạ bị dày xéo bẩn thỉu.


Đám trẻ con được dịp nô đùa thoả sức, lúc tụ ùn ùn, lúc tán lưa thưa. Có đứa dẫm cứt thối hoăng, chùi qua loa vào chân rạ rồi lại lăn vào cuộc chơi.
Cắc tùng tùng tà rà tùng tùng tùng
Cắc tùng tùng tà rà tùng tùng tùng!
Trống dẹp đám khua đến lần thứ mấy mươi, làm rúng động đám đông đang bắt đầu mỏi mệt vì đợi chờ, cuộc hành lễ  mới bắt đầu. Các bà tế nữ quan vuốt tóc mai xiêm áo, sửa lại vành khăn, mặt mũi nghiêm nghị. Cụ Nhận thọ nhất làng được dắt ra khỏi cơn gà gật, nhấp hớp nước sâm hãm cố ngồi cho ngay lưng. Con bé cháu ngoại sau lưng cụ chăm chú đấm khẽ vào vai, vào lưng bà, chốc chốc cười một mình. Chả là Thắm vừa xem ti vi, thấy mình giống thị nữ đấm lưng cho thái hậu. Thế thôi, còn đoạn lườm nguýt đứt đôi người chàng thị vệ thì chả biết.
Những ông đông xướng, tây xướng khăn xếp áo the, sau khi đằng hắng mãi, đã ngân nga:
- Khởi chinh cổ!
- Củ soát tế vật!
- Nghênh thần cúc cung bái!
Bẩy tám lệnh được xướng ra, lâu quá làm cụ Nhận lại li bi thiếp đi, thì chủ tế mới đến lượt. Xấp giấy ông cầm trong tay là bản văn quan trọng nhất của lễ hội, cần phải được bố cáo rõ ràng, to tát, cho thấu đến tai quần chúng, cả bọn trẻ đang nô như giặc ngoài kia. Giáo dục truyền thống mà! Bởi thế, èm èm một hồi vào micrô, ông mới mở nó ra.
“Bùng Thượng thôn, Bảo Chung xã, Lương Nhan huyện, Sơn Nam tỉnh, Việt Nam xã hội chủ nghĩa công hoà quốc. Nhằm ngày mười tháng mười tết Cơm mới năm Đinh Mão tức mười sáu tháng mười một năm hai nghìn không trăm... Được sự lãnh chỉ đạo của đảng uỷ, uỷ ban nhân dân, mặt trận Tổ quốc xã cùng sự phối kết hợp tham gia của các đoàn thể thanh niên, phụ lão, cựu chiến binh, nông dân tập thể. Bản chức hương xã cùng giai cấp nông dân Bùng Thượng dọn mình sạch sẽ, kính cẩn dâng hương…”
“Bà Chúa Chuối Buồng, tên nôm Thị Mầu, tức Ngọc Nga quận chúa, tức Chiêu Hương liệt nữ, sinh ra trong một gia đình bần cố nông nghèo túng, cả nhà đắp chung tấm chiếu, kiếm ăn rất chi lần hồi. Khi mẹ lâm bồn, bỗng nhiên thân cây chuối ngoài vườn oằn xuống, buồng quả to vụt lên đánh thốt, dậy mùi thơm ơi là thơm. Bèn được đoán định một tương lai nẩy nở, tốt nái, sinh mắn như gà, như hoa quả đơm bông. Bà gào to lắm, hễ không được mẹ nhét tấm vú vào mồm thì còn làm điếc tai cả tổng. Đến nỗi mà…”
Trong hậu cung, ban thờ thành hoàng bỗng rực lên. “Cháy…! Cháy…!”. Ông chấp sự hô líu lưỡi. Người đổ xô lại. Nhưng vầng sáng, như viên sét hòn lượn đi lượn lại, đã vụt qua lớp ngói dầy bay lên cao.
                                  *
Trên đầu là khoảng xanh vời vợi, thăm thẳm, nhìn đắm con mắt. Dưới kia, bầy ong đông đúc lúc tăm tắp, lúc nhốn nhao theo lệnh trống chiêng. Và ta, bay lượn ở giữa, như con chim chiện cứ treo mình từ nghìn đời, hót mà chả ai lắng nghe. Ta là ai? Sinh ra lúc buồng chuối cựa mình chín tới thì đúng rồi. Nhưng những “quận chúa” với “liệt nữ” khó nghe quá. Thực tình ta muốn là cô bé Thị Mầu tóc đỏ đuôi gà đang  chắt chuyền nghển nghển trong đám đông chứ chả phải treo mình thế này.
Ngày ta sinh ra có tràng hoa cuốn cổ. “Con bé không đanh đá nhưng đa đoan”, thầy bói phán ta có tương lai gieo neo. Mẹ ta cù mì như củ khoai ngất đi. Còn bố, thỉnh thoảng có dòm vào giường cô hàng xóm, quay ra chỗ khác. Bên ấy vừa lọt lòng con Thị Kính, phận phải bị đổ oan tình.
                             *       
Bài văn tế dừng lại, chẳng hiểu theo thể thức nào, nhưng chắc có phần để người đọc nghỉ lấy hơi. Trống chiêng rộn lên, đoàn tế nữ tiến hai lùi một cung kính. Thừa lúc ai nấy đều nghển cổ, Kễnh quỳ xuống chắp hai bàn tay xỉa rất mạnh vào đít thằng Cộ đứng đằng trước. Rất kinh hoàng, nó thấy tay mình ướt sũng, thối hoăng. Đám đông tán loạn.
Giọng đọc đã cất lên làm trật tự trở lại. “Vào thời Bà Chúa chào đời, Bùng Thượng là vùng đất bờ sôi ruộng mật. Hạt thóc lép vãi xuống cũng trỗ cờ đâm bông oằn thân lúa. Hẳn là vì hấp thụ được linh khí trời đất mà tuy chỉ ăn rặt hương hoa, Bà Chúa vẫn lớn nhanh như thổi. Mười bốn tuổi, mình mẩy vươn thẳng như dóng tre, chúm chím đôi chũm cau, da dẻ ngọt lịm như phù sa sông Bùng. Mười sáu thì nhất làng rồi...”
                             *
Mỗi khi ta ra giếng làng kín nước, đám đàn ông có vợ dán mắt vào bắp chân ta nâu hồng. Lũ trai tân thật ngộ, đứa hấp háy thảng thốt, đứa ngây ngây vào đám bèo ong. Chị Nhài con dâu ông lý Mùi bảo “xưa chị nhất làng, giờ thì em ăn đứt...”. Ta cười ngượng. Chị Nhài hai mốt, đã ba con mà môi ăn giầu cắn chỉ, răng đều tăm tắp, mắt sâu như lòng giếng. Nhưng chị buồn, ta biết, vì phải ông chồng cao to đen hôi vầy vợ như vần cối, chắc chẳng bao giờ được ôm ấp nâng niu. Và lũ em chồng. Sao mà những mũi xanh mắt ghèn tanh hôi. Sao mà những tám đứa. Mẹ chồng chị mềm oặt như manh giẻ, chùi chân còn phát khiếp. Dẫu sao, Nhài là chỗ mong ước của khối chúng chị em.
Ta với Thị Kính trèo lên cây cậy lấy nhựa phất diều. Cu Đán cầm lồng chim qua, bảo có đổi lấy diều. Ta bảo chả báu, chim trong lồng còn gì là quý, Kính tụt xuống ngắm mãi con sáo đá, “thương nhỉ thương nhỉ” mãi.
Đến thúc sưu, nhìn ta đập lúa ngoài sân, lý Mùi bảo:” Con gái lưng dài như chó liếm cối, lồn bằng lá tre, gả chồng đi thôi. Để ta nói với cụ đồ Phan sang hỏi. Có ưng không?”. Cha ta ấp úng: “Dạ, con đang tính chưa ra…”. Mẹ chạy vào: “Được chòi mâm son lại còn tính. Dạ, ông cứ đặt đâu chúng con ngồi yên không vẫy tai”. Ta giằng mạnh cái néo, quăng ôm lúa ra rõ xa.
Ông đồ họ Phan có con trai là Thiện Sĩ mặt trắng ẻo lả, tướng trói gà không chặt, suốt ngày nói chữ Thánh hiền. Đi giữa đàng thấy mảnh giấy bẩn có chữ  Nho, anh ta rửa tay, giũ áo kính cẩn nhặt lên đem đốt, bảo không để gót phàm phu xéo vào. Chúng ta đang cấy dưới ruộng ới “xuống đây với chúng em cậu ơi”, thì đăm chiêu rằng “tôi chả dám. Đang học để sang năm nữa đi trường Nam thi Hương. Các chị nghịch lắm, để mà rơi mất chữ à.”
Thiện Sĩ được nhà giao phận sự thi đỗ, làm quan cho vinh hiển. Chả biết có quyết chí? Vì ta thấy ngủ nhiều, thỉnh thoảng ho khan, da bủng, nói năng không giống kinh sách thì cũng đối tỷ những câu không đâu vào đâu, cứ như thằng ấm đầu. Ta thích nho sinh như Đức Trường hơn, chẳng chăm chỉ lắm nhưng mắt nghịch ơi là nghịch. Giá thử Trường chưa có vợ... Nhưng ta là gái, có thế đã làm được gì sất?
Dầu sao Tết năm ấy ta đã ăn sêu của nhà đồ Phan. Thiện Sĩ có thích ta? Chắc là có! Mơn mởn thế này mà.
Sao mà ta chẳng biết mình có thích cậu chàng một téo...
                                           *
Chả hiểu tung toé đâu vào con gà mái già. Cậu trống choai theo sau lấy giọng bấy bớt hát đứt quãng, chạy vòng quanh rồi nhẩy lên rất khó khăn. Cảnh ấy làm đám tế bớt trang nghiêm. Ông com lê com táo trịnh trọng hấp háy với ông răng thuốc lào hoành tráng: “Mái già thế mà chê thanh niên, nhể”.
                                           *
Ra giêng ta đi hội Sủi làng bên. Đang nô với chúng chị em thì gặp Thiện Sĩ tay cắp ô tay cầm quạt. Ai nấy tản ra làm cả hai lúng túng. Ta “chào cậu” rồi đứng yên, chỉ nghe tiếng phành phạch. Bỗng nhiên hỏi “cậu có thích chèo Trương Viên không?”. Thiện Sĩ rạp người vái lên sân trò rồi quay lại ấp úng: “Nôm na mách qué ta không rành. Còn chị sao sắn cao quần hổn hển làm vậy. Đức Khổng Tử dậy đàn bà con gái phải giữ lễ…”, mắt cụp xuống. Má ta đang rực cả lên, sao có cái giống không nhìn? Ta đứng ra bề chịu lời nhưng nghĩ  đến mục quang của Đức Trường, sao mà sáng, phát lộ bề bề.
Chèo Trương Viên vui ơi là vui, xong rồi thì buồn, làm ta cười rưng rức. Những hề mồi, hề gậy dẹp đám, những cu Sứt cu Khoèo, giá cuộc đời chỉ toàn thế; một ngày Tết kéo dài cho đến lúc người ta lụ khụ rồi nhắm mắt xuôi tay, vui thế mới vui…
                             *
Theo một thể lệ trong cuốn “Quy định về lễ hội” sở văn hoá mới phát ra, cuộc cúng tế chỉ bắt đầu ở đình Trinh Liệt, rồi dẫn rượu qua những nơi xẩy ra các sự kiện trọng đại trong đời Bà Chúa. Lếch thếch, nhem nhuốc theo cỗ kiệu rước bài vị, cả ngàn người lèn trên con đường ra cánh đồng Đơm. Chen chúc quá, đến nỗi có người rớt xuống sông tiêu. Số giẫm cứt trâu nhiều vô kể.
“Hiến Tông là một vì vua anh minh cao cả, thường vi hành trong dân gian để thị sát chúng sinh, xem chức sắc hương xã lãnh chỉ đạo thế nào. Nhằm ngày… ấy nọ, Ngài vi hành về Bùng, lập hành cung trên cánh đồng Đơm…”.
                                           *
Ngày ấy nọ làm sao ta nhớ nổi. Chỉ biết lúc ấy đất trời đẹp vô tả. Ngoài đê sông tiêu, buồm nâu trôi lững thững. Những con bách thanh lắm điều tranh nhau đống cứt. Lúa trỗ thơm ngậy ngà đến rạo rực, đánh thức một cái gì rất khó nói. Ta vừa nhổ cỏ vừa đoán xem “nó” là cái gì, cái ta muốn màu hồng hay biêng biếc, mông chổng lên mà đầu phải gằm xuống, rất là không thích thế. Thì thầy lý Mùi dẫn một quan viên áo gấm thêu hoa thêu chữ tới, gọi cả bọn dưới ruộng lên.
- Ngài Ngự thích ăn chuối tiêu chín tới. – Vị quan viên cất giọng the thé – Nhà các chị ai có?
Ta mau mắn dẫn hai vị về nhà. Hiềm vì cây chuối mọc sát chuồng tiêu, thơm ngon đấy nhưng dễ uế tạp. Ông lý rất băn khoăn, nhưng vị quan viên gạt đi. “Trong cung có kén được hoa thơm quả ngọt mọc ở đâu đâu!”
Vậy là ta bươn bả bưng buồng chuối mười sáu nải, đúng bằng tuổi ta. Đồng Đơm rạp cờ phướn võng lọng, hương xã và các chú lệ tất bật căng lều dựng hành cung. Ta xăm xăm xông vào đám, thì vị quan viên “họ” lại, bảo xuống ao khoả chân lấm với lại vuốt lại đám tóc mai ướt rượt mồ hôi đi. Ta đặt buồng chuối xuống, dù khẽ khàng mà một quả buồng sau vẫn rụng, toả hương bồng bềnh.
Có con đỉa bám vào bắp chân. Đương chổng lên, đắp nước bọt vào miệng nó thì có tiếng thét: “Không được quay lại! Quỳ xuống!”. Ta luống cuống ngâm nửa người xuống làn nước trâu đầm, nghe nhồn nhột vài con nữa ở đùi, ở bụng. Mặt gằm sát nước, chỉ biết sau lưng có tiếng hia bước khe khẽ, dao mác thậm thịch. Một tẹo thì họ trở lui. Chả ai bảo sao, cơ mà ta phải ngâm chốc nhát nữa mới dám lên.
                             *
“Chính tại nơi đây, chỗ chúng ta đang dừng chân, tức cánh đồng Đơm, đã diễn ra cuộc trùng phùng với đấng quân vương. Bà Chúa được lâm hạnh...”
                                           *
Buổi chiều ta đang đẽo chạc ổi cho em Tam thì họ đến. Truyền rằng: “Thị Mầu con Binh Lượng ra hành cung hầu hạ!”. Mẹ ta cuống lên bứt xơ mướp bảo cọ sạch chỗ nhựa cậy, xin phép cho cháu tắm gội tý chút ạ. Gì gì đều gạt đi, rằng không cần, nhà chị có phúc lắm mới được gọi vậy.
Ta tất tả đi. Mẹ khóc, không hiểu sao. Cha mặt cứ đuỗn ra, rít chín thôi thuốc lào ngã chổng kềnh. Nhác thấy sau búi tre đồ Phan và Thiện Sĩ, bố con đều nhàu nhĩ, thảng thốt. Ta không muốn. Hình như chả ai muốn. Nhưng nỗi sợ đã làm tất cả hoá đá.
Vị the thé bảo ta bước lại chỗ màn quây, bên trong có chum có gáo, bắt tắm rửa. Rồi lính khiêng đến thùng gỗ lớn kín đầy nước nóng, bỏ vào hương nhu, lá bưởi, xả nhánh, rễ hương bài, những thứ mẹ xông cho ta lúc nóng sốt. Trong buồng quây chỉ còn vị quan viên, ông bắt ta cởi hết xống áo bước vào ngâm. Thẹn đến chín người, mà ông ta như đứng trước thân cây xoan.
Truyền rằng Mầu ngươi được đức Thánh thượng chọn. Hãy làm Ngài vui lòng, ngâm nước thơm cho bớt mùi nông phu đi. Không được làm gì uế tạp cho xú khí khỏi vương vào da dẻ. Vì thế mà ta muốn đi tiểu đến chết mà chẳng dám. Nhưng tránh sao được vài giọt nhểu ra.
Một người đàn bà, có lẽ là cung nữ gì đấy, quấn ta lại bằng vuông lụa bạch mát ơi là mát, chỉ để hở mặt mũi. Ba người lính nâng ta bê sang một “căn phòng” khác, cũng chỉ bằng mùng quây lại, đặt nằm ngay xuống đất. Quay sang trái rồi sang phải, té ra là triền đê sông tiêu, chỗ ta hay cắt cỏ và nô nghịch, có khi lăn tròn từ mái xuống dệ. Bên trên, trời xanh ơi là xanh, chẳng gợn vảy mây. Ta khát khô cổ, chẳng dám kêu.
Rồi Đức Kim Thượng bước vào, bóc tấm vải bọc thân ta trần truồng, ngắm nghía giờ lâu mới ấp mặt hít hà. Tay ngài khô và lạnh, bộ râu lưa thưa quét trên da chẳng dễ chịu. Ngượng ngùng và sợ hãi, ta cứ nhắm nghiền mắt, cứng hết người. Mình rồng phủ lên người ta nhưng không đi vào, chỉ hít hà đám tóc rối, dụi trên cần cổ. Nhột nhạt không chịu nổi. Lủng lẳng giữa hai chân Ngài là đám bèo nhèo, mềm oặt. Được một khắc Ngài nhỏm dậy mặc lại long bào. Ta thu lu trong tấm lụa, gục đầu xuống gối chẳng dám nhìn.
- Cô là thôn nữ ở Bùng à? Da không mịn nhưng mình mẩy thơm lắm.
Đức Vua lẩm bẩm, không rõ là có nói với ta. Lấy hết can trường, ta ngẩng lên nhìn vào Ngài. “Bệ hạ có vừa lòng không ạ?”.
-Trẫm xong rồi. Nhà ngươi vẫn là trinh nữ.
                                      *
“Bà Chúa đã đem thân thể trinh nguyên, hun đúc tú khí những hoa trái tươi ngon, bờ xôi ruộng mật, tiếng trống chèo rộn rã, mái rạ bốc khói chiều hôm của một nơi thôn ổ bình dị, của cả quê hương dâng lên trọn vẹn cho Đức Vua.  Trên đồng Đơm, chỗ triền đê này, long thể đã chấp nhận chúng, hun đúc lại, như một cuộc giao hoà giữa đất và trời, trên và dưới, âm và dương, lòng dân với ý thánh tôn cao cả. Nó cho thấy sự bình dị của ngôi sang, sự vươn tới thánh thiện của kẻ dưới...”
Giọng  chủ tế ngân nga. Ông trưởng ban văn hoá xã, người soạn bản văn đứng cách mấy bước gật gù: “Có thế chứ. Đọc có hồn lắm!”.
                                           *
“Người vẫn là trinh nữ!”. Khỏi nói thì ta cũng dư biết điều ấy. Đức Ngài đã xốc xống áo, lấy lại vẻ cao vời bước ra khỏi buồng quây. Để lại cho ta một phận đàn bà (ta đã mất cái ấy rồi, trong mắt thiên hạ) với bao đa đoan, mình không còn là mình. Và là ai, thì chưa  biết.
Trong chung chiêng, ta không được ở lại căn nhà có mẹ hiền đảm, bố củ mỉ cù mì và lũ em hôi hám. Ta không được như chị Nhài, sang hai nhăm đã năm đứa. Căn buồng bà đẻ kín mít, tanh tưởi, có thúng tro để các thức bẩn thỉu dưới gậm giường, nhưng chị được an phận là mình, làm con gà mái sòn sòn đến hết trứng chứ chả chung chiêng như ta.
Làng Bùng, rồi cả tổng Diêu Canh xúm lại dựng ngôi nhà cho cô gái đã thọ lộc vua. Tre pheo, lợp lá gồi, nhưng nó thoáng rộng, có kiểu cách chứ không bí rị như nơi cha mẹ. Bộ trường kỉ tre, cái sập gụ, lồng chim trước hiên, thật là thích. Ta ăn trắng mặc trơn, có một người tớ gái sàn sàn tuổi luôn “tâu lệnh bà”, dằn dỗi mãi thì rằng làng bắt thế. Mãi mới chuyển sang “thưa cô” được, mà chỉ lúc hai đứa với nhau. Thiện Sĩ chả còn là gì. Cái hôm anh ta tuân lệnh chánh tổng viết đôi câu đối đem đến treo, ta nắm tay (chả gì ta cũng có hơi trai rồi) hỏi: “Cái việc của em với chàng thì sao?”. Sĩ rụt vội, mặt xanh xám nhìn quanh: “Phận ấy kể như không có. Coi là tôi mất phần sêu hai Tết”. Khinh khi anh chàng hèn hạ, ta chợt nhận thấy từ nay kinh khủng biết bao.
                             *
“Bà Chúa có lòng nhân từ, hay giúp giập người xung quanh. Trong khi chờ đức Hiến Tông cho kiệu về rước lên kinh, nàng chữa bệnh cho trẻ, dậy dân nghề canh cửi. Một dải ven sông tiêu mướt bờ dâu, cả tổng lách cách tiếng thoi đưa. Hiềm vì mình rồng ở xa quá…”
                                           *
Từ nay ta là kẻ trên trong làng, hơn hẳn bà chánh vàng đeo đầy người. Lũ vợ đám lý trưởng, lý mua càng không là gì. Sang thế mà xa cách, trống toang toàng toàng. Có đứa trẻ sài đẹn, ta mài miếng quế thanh cho uống. Sang nhà Nhài gỡ đám tơ rối, hăng hái, cậm cụi kẻo phát điên. Đêm về nhà như cái lồng hổng thênh thang mỗi bóng mình. Ta chạy về chốn cũ, ngả người trên chiếc giường con gái, nó ngắn ngủn để không thể nằm ngửa. Cha mẹ  ra xua.
-Con lậy mẹ cho con về. Cám khoai mặc lòng, còn hơn nằm xuống lại nghĩ đến ma. Con còn con gái, chẳng nhẽ không được lấy chồng, hoa nguyệt rồi chửa đẻ nữa sao?
- Phỉ phui con ơi. Gì thì cũng đã rồi, không chữa được.
Chánh tổng, lý trưởng, cả đồ Phan đến, dõng dạc: “Cô nương đã là riêng của đức Kim Thượng, không thể tự nhiên như đám nụ cà hoa mướp ngoài kia nữa”. Ta lủi thủi về “nhà” theo chú dõng, mở lồng cho những sáo sậu vàng anh bay ra.
Nhà Thị Kính có đám hỷ. Anh chàng đã sêu Tết ta xống áo nghênh ngang đón cô ấy về. Chả hay đã quên ta hẳn…
                             *
“Bà Chúa là người đức hạnh, ở vậy đợi chờ, một lòng chỉ tưởng đến Quân Vương. Ngài Ngự ở xa, trăm công nghìn việc toàn đại sự, chưa đoái lại nơi thôn dã từng dừng chân, qua đêm trên cánh đồng Đơm. Đến bữa Bà Chúa xới hai lưng cơm, một dâng lên Ngài Ngự đang ở xa, một cho mình…”
                             *
Ăn không ngồi rồi rực mỡ, ta hệt mấy vợ lính vắng chồng, đêm đổ thóc ra xay, vần cối huỳnh huỵch, mồ hôi nhoẹt dải yếm mà không thể ngủ. Trời rét chết đám cải mới vãi mà phải ra ao trầm mình cho lũ bèo mơn man. Thân ta nóng ran khi nghĩ đến bàn tay người ấy mân mó đôi nhũ hoa, dù nó lạnh ngăn ngắt. Đức Vua không mạnh, điều ấy rõ, nhưng vẫn có hơi lạ khi phủ lên ta, mở ra một cõi  chưa từng trải, chỉ có thể bước vào chứ không quay lại được. Ta tưởng sang đôi tay Thiện Sỹ lóng ngóng treo câu đối hôm nào, chả biết nó có nóng. Trời đất ạ, ta không được quyền tơ tưởng nhục thể kia mà.
Trong tốp thợ đến dựng nhà ngang có Đức Trường, trượt thi hương nên vứt bút  lông sang cầm đục chạm. Chàng cởi trần cột nóc, không vai u thịt bắp mà mảnh mai, săn chắc. Lưng ấy chắc “đục” phải biết. Lúc Trường tra xong con xỏ, tụt xuống, ta bưng bát chè tươi lại,  sóng sánh: “Uống cho đỡ khát, bác phó”. Chàng uống tự dưng, mắt không cụp, trong khi ta bất giác rụt tay lại. Rồi vắt vẻo trên cây đà mà hát.
Bớ cây xoan đào
sao cứ đu đưa
có biết con chiện
đã mỏi cánh rồi
Mỏi cánh rồi thì phải bay thôi...
Ới làng nước ơi
có thấu chăng cái nỗi bay bay...
Ta trở vào, hình như sắc mặt có dậy, ngồi trong nghe tiếng gõ khoan nhặt mà đoán người đang làm gì. Làm gì chả biết. Có một lúc lại vén ống quần lá toạ dí vào gốc chuối. Bố láo bố toét đến thế là cùng!
Đêm, đang lọc xọc cài then thì có bàn tay chặn lại. Đức Trường lách vào, sừng sững nhìn. Đương khi mắt ta lảng tránh thì xấn lại ôm thin thít. Ta xây xẩm như phải cảm, trong đầu có đám rối không cho chống đỡ. Cho đến lúc Trường xìu xuống, hổn hển trên người ta, ta mới hết cả hồn. May, là con “thị nữ” đang tuổi ăn tuổi ngủ đã pho pho.
                             *
“Những đêm vò võ, ngày khắc khoải chờ mong không làm mòn lòng thuỷ chung. Bà Chúa một mực chỉ hướng về Chúa Thượng. Nàng thường dừng tay đưa thoi, nhủ con hầu rằng “ấy, Ngài đang rong ruổi trên mình ngựa, chả bình Chiêm thì cũng là dẹp động Mán thôi”.
                                           *
Ôi chao là những run rẩy đợi chờ. Nghĩ đến là nóng ran. Gặp nhau là mê man rồ dại, điên cuồng ghì xiết. Mắt ta long lanh, môi khô ráo, má dậy rực rỡ đến nỗi con hầu ngạc nhiên: “Sao hôm nay chị nhuận sắc thế?”. Được cái là nó tốt giấc, chập tối đã díp mắt, ta bảo để bát đĩa đấy là lên giường không vẫy tai.
Đêm sau Trường đến muộn, khi đám dõng đã sát phạt trong điếm. Đẩy cánh cửa không cài then, chàng lách vào, đứng áp tường nhìn ta đăm đắm.
- Có chuyện gì ư? – Ta hỏi.
- Tôi chả ngờ cô nương vẫn còn trinh tiết.
- Em chỉ là của rơi của vãi của bề trên. Đức Kim Thượng có biết làm gì đâu. Có đâu như chàng. Em trọn vẹn là của chàng.
- Điều ấy làm tôi sợ. Bề nào tôi cũng đã có vợ, cô nương gì gì cũng vẫn là của cải của  Vua. Đức Ngài đã rờ đến thì không thể chạm vào như hút cái điếu chung.
Ta chan hoà nước mắt. Sự khai mở vừa dồi dào đã vụt tắt. Sao Trường không thể coi ta như con Thị Mầu hái đỗ bẻ ngô bình thường. Nhưng chàng đã đặt tay lên vai ta: “Thôi nào, đây nhớ đấy cả ngày, nước mắt mất cả vui”.
Sự thể còn hân hoan hơn hôm đầu. Ta đã dạn dĩ, chủ động hơn trong dâng hiến. Ta cũng kiếm tìm chàng, lắng nghe những đợt sóng của mình, biết chờ đợi, dâng nó lên đúng lúc. Ta đã là một đàn bà thành thục, tỏ rằng mọi bổn phận, đức hạnh đều chỉ là mớ rau con tép so với niềm vui này. Còn gì lớn hơn, trọn vẹn, thần thiêng hơn là đôi bên trọn vẹn trao gửi, dìu nhau đến tột đỉnh sung sướng, nó làm ta phải cố mà kìm lại tiếng rên dài. Mái nhà, con mèo cái ném tiếng tru vào đêm đen.
                             *
“Trong hàng xóm có bao nhiêu vợ lính vắng chồng là bấy nhiêu nhà được Bà Chúa đến thăm, nhủ rằng phải gìn giữ tấm thân trinh liệt. Bà Chúa là tấm gương cho cả tổng Diêu Canh, có 142 đàn bà đêm ngày tằm tơ canh cửi cho chồng đang chiến trận hay sôi kinh nấu sử tận kinh đô”.
                                           *
Rồi ta tắt tháng, nôn khan. Chúm nhũ hoa thâm đen, đến kì không còn bẩn mình. Một đêm vuốt ve xuống dưới, Đức Trường ngẩn người thảng thốt. Chàng đã không còn hăng hái, hỏi chả bảo sao.
Mấy hôm không sang. Ta gọi lý trưởng bảo thay khung cửa, hình như tre ngâm dối mà chóng mọt. Đến đục đẽo là ông lão sáu mươi, bảo Trường đã bê vợ con làm ăn nơi xa, khéo đang kéo cưa lừa xẻ trên tận Hưng Hoá. Nghĩa là rừng xanh nước độc rồi...
Mình dưới lên lùm lùm. Làng mang đến những lá lẩu chết tiệt, bảo uống cho ra thai. Ta chẳng bỏ con. Nó chẳng những là máu thịt, mà còn là hồn cốt, kỉ niệm của những ngày đẹp nhất trong đời ta – mãi ta mới ngộ ra thế. Con của Trường ra đời sau những bẽ bàng, cô quạnh, nhưng thật xinh đẹp. Ta rờ rỡ vén yếm cho con bú, bầu vú thây lẩy, mọc gai gạo không còn gọn ghẽ, hề gì. Bảo làng rằng làm gì thì làm, ta tình cờ gặp bố nó trong buổi thăm vườn dâu. Gọt đầu bôi vôi lột quần áo dong đi khắp chạ, cứ việc!
Hương câm đồ điếc bàn mãi, mất ba chum rượu với lũ lỹ lòng lợn thịt chó, không nhất định được. Chả ai dám phạt quý cô nương đã được thọ ân sủng từ ngôi cao tót vời. Nhưng ta bị cướp mất con, đưa sang chùa. Ngực ta rừng rực tức, đêm tru như con chó cái. Con hầu cũ phải đòn vọt, đổi đi. Ngoài kia, người ta vuốt lại cho phẳng sự tình, yết với chúng dân là Bà Chúa đổ bệnh vì mong chờ Ngài Ngự lâu quá.
Được cái người nuôi con là tiểu Kính, bỏ lên chùa vì có chuyện gì đấy với nhà chồng.
                             *
“Bà Chúa bắt đầu nhận con nuôi. Năm đứa trẻ vô thừa nhận được đem về, tắm táp khỏi tanh hôi, vận áo mới. Căn nhà sơ sài đầu làng sáng bừng lên trong tiếng ầu ơ bi bô, mặt mũi bà mẹ rạng rỡ vì bận việc công đức”.
“ Chẳng bao lâu chúng lớn lên, bay nhẩy, giúp bao việc có ích cho đời. Nhưng đi đâu về đâu thì vẫn nhớ về tấm lòng bao dung...”.
                                           *
Ta đã bẩn mình, người gọn ghẽ trở lại, dù da bụng có những vết rạn như sóng bể. Gái một con long lanh, ta làm tức mắt đám đàn ông trong làng. Thật tội nghiệp, họ hau háu vào gáy, vào lưng, bắp chân ta, nhưng trước mặt phải “tâu lệnh bà”, mắt mũi cụp xuống. Cũng có gã táo tợn chằm chằm như sắp nuốt sắp vồ nhưng chẳng dám tiến xa hơn. Bố bảo chẳng dám dùng chung với Vua.
Nghĩ càng giận và thương Đức Trường. Chàng thật táo gan ăn cắp phẩm oản trên ban thờ, đánh thức nơi thiêng liêng những điên cuồng rồ dại. Bỏ mà đi thật hèn hạ! Nhưng chàng phải bảo mạng sống chứ! Không sống còn đâu hưởng những hoạ phúc trên đời. Ở nơi xa, trong lán xẻ giữa rừng sâu, chàng còn nhớ những đêm tưng bừng. Ơ này, giọt máu của chàng đang trong tay Thị Kính, cô nàng an phận cũng chả được số mạng tha nào…
Giờ thì ta đẹp cho ai, óng ả, ròn nẩy cho chó đực nào? Hẳn chẳng phải cho quân vương, cái gã người chả ra ngợm bèo nhèo một dúm vô tích sự, cái thằng nghìn lần đáng chết khiến ta nhớ đến phải nghiến răng kèn kẹt. Chị Nhài đã đẻ đứa thứ bẩy, hôi như cú, vú thòng quá cạp quần, mà ta còn chẳng được bằng.
Thiện Sĩ lại sang, phết phẩy gì đó trên bức hoành, cụp mắt khi ta bước lại. “Chàng quên hẳn em rồi à?”, ta nắm tay mềm thượt trêu, Sĩ lúng túng giật ra rồi ù té chạy.
Giận đứa thư sinh mặt trắng. Muốn đấy, tiếc lắm mà chẳng dám nói ra. Ta lấy mai đào chỗ đất Sĩ đứng đổ chuồng trồ. “Choang!”. Thẳng tay ném cối đá xuống sân, kình lực mạnh khiến nó vỡ đôi. Ta khoẻ thế ư?
Ngoài kia gươm khua. Đám khố đỏ khố xanh ra trận. Hương dõng làng cũng đi sạch. Những căn nhà trống toang. Đàn bà đêm đêm ra ao ngâm. Thơ giết giặc của Thiện Sĩ  thật hào sảng.
                                           *
“Giặc đến. Bà Chúa nấu cơm trộn muối vừng nắm lại, bọc lá chuối chia cho quân sĩ ra trận, như muốn gửi lòng mình đến nơi đức Quân Vương đang xông pha”.
                                           *
Ta xuống tóc, bôi mặt, giận giầy cỏ xung vào một đội lính. Việc khiêng vác, lăn lê huỳnh huỵch có coi vào đâu, chỉ tội nằm chung với mấy chú trống choai ngửi mồ hôi và rắm rít.  Vui lắm, khi nghe câu  “da mịn nhỉ, đằng ấy là gái đố thoát khỏi tay tớ”. Ta lui lại kịp khi bàn tay vô tư kia định thộp vào ngực. Cậu bé ấy ỉa đống cứt đến là lực lưỡng, hay hát những câu bông lơn như Đức Trường.
Tướng quân họ Đỗ xuống bếp khi ta đang lúi húi bên vại cà. “Ta biết cậu là ai”, nói rồi dằn xuống mạnh tợn. Ta đẩy ra nhưng mắt sâu râu rậm cứ ập vào nhột nhạt không thể tả. Xong rồi người ấy xuống lệnh “tối tối lên hầu ta ở quân doanh”.
- Nhà ngươi không sợ chết ư?
- Chết vì đàn bà là sướng nhất! – Họ Đỗ vuốt râu - Đất nước này lịch sử do ở tay đàn bà cả.
- Thế còn lính tráng, những người mở mang biên cương?
- Mở mang xong chả biết làm gì cả.
- Còn kẻ sĩ với  những câu thơ để đời...
- Hạng ấy càng không đáng nói đến!
 Được mươi đêm vui thú thì tong. Nhát gươm giặc xẻ tướng quân làm đôi, chỗ dưới bụng còn nằng nặng cứng cỏi. Ta quá sợ hãi không dám vào chỗ mai táng, nhìn xuống dưới hỏi liệu có ra thằng con rậm râu nữa...
Trên sức xuống,  rằng tên Mầu ở đội hoả đầu phải xuất ngũ về quê. Chia tay với những mộc mạc mến thương chân chất và những đôi chân quấn xà cạp mùi rất nặng. Chú lính vồ trượt ngực ta hôm nào trao cái cối trầu, dặn “của mẹ tôi đưa để ngửi hơi, cậu đem về hộ, sợ rằng cũng không sống được lâu”.
                             *
“Đồng Đơm để trống. Buồm ngoài sông tiêu xếp lại. Làng xóm toàn khăn tang, những tiếng hờ ai oán”.
                                           *
Chùa làng chả còn tiếng  trẻ. Kính Tâm, đã lên sư bác, bảo “đã thành con Bụt rồi là lẫn vào bụi trần. Còn chút máu thịt của chị, chỉ cần biết nó còn đang yên lành trên đời là được rồi. Mà Mầu chả được cái tích sự gì cả, chỉ làm mọi sự rối tinh lên. Tôi đã khuyên Mầu an phận rồi kia mà”.
Gươm khua mãi, người ngựa đều đã mỏi. Quân sĩ máu me đầy mình lê bước qua làng, mặt mày không đau đớn thì cũng buồn  rượi. Trong những cơ đội lên thế chỗ có những gương mặt quá trẻ làm ta nao lòng. Khi thúng xôi, khi nong cà, ta tìm cách tiếp sức cho họ, để được mau trở về quê hương hoà bình. Giấc mơ hiền hoà yên ổn luôn xát muối vào lòng mỗi người dân. Cứ thế này thì bao giờ câu ca tiếng hát mới tỉnh tình tinh, những nhân tài bình tĩnh ngồi nghĩ việc lớn cho đời?
Có những chiến thương vào tá túc, được ta chạy thuốc, phục sức. Cậu lính cụt tới háng khóc rưng rức: “Chị ơi, đời đẹp vậy mà em ra vậy”. “Trẻ thì đây, chị cho biết sự đời”, ta nói sau hồi trầm ngâm. Chúng ta nhập vào nhau thật tự nhiên, không kiểu cách, như là để bù đắp những thất thiệt cho cả hai. Xong cậu bé roi rói tươi “giờ thì em chết được rồi”.
Một hai đận thế. Rồi thương binh không được dừng ở ngôi nhà tre gần đường cái quan nữa. Nhưng lính lên phía trước vẫn đi qua. Ta giao hoà với các cậu trẻ măng, mặt búng ra sữa được. Trẻ, khoẻ và vụng về trong ân ái, họ nâng niu ta lắm. Muốn thì chị cho, tiếc làm gì cái thuộc về người ta mà người ta không muốn giữ.
Những đêm hân hoan bi thảm. Chân cẳng chạy vội ngã dúi dụi trước nhà. Ấp a ấp úng, nhút nhát mà cuống quýt, vui không tả nổi. Xong rồi lại vội về với cơ đội kẻo mà lộ chuyện bị đấm đá đạp. Dầu vậy  họ không thể nín miệng. Giấc mơ về ngôi nhà có người đàn bà đẹp một mình ám ảnh cả đạo binh lên phương Bắc.
Làng họp, tất nhiên chỉ toàn hương chức. Hương câm, đồ điếc ai nói nấy nghe. Lý Mùi lẩy bẩy. Đồ Phan bình tĩnh tách bạch: “Bà Chúa đã quá mệt nhọc với việc chăm sóc quân sĩ, nên nghỉ ngơi cho nhàn hạ, kẻo mà Chúa Thượng trở về phải nhọc lòng trước nhan sắc tàn phai”.
Tiểu Kính Tâm đã hoá. Con ta lẫn vào đám trần gian. Đương khi đau đớn tơi bời, ta bị gọi ra trước đám kì mục kì nát chứng kiến cuộc khấn vọng. Rằng, chúng thần bất tài vô hạnh, cố giữ cho tổng một tấm gương trinh liệt mà không được. Tâu Đức Hiến Tông đang chạy giặc nơi xa, sức đã cùng, lực đã kiệt, chúng thần phải quả quyết một chọn lựa mạnh tợn, kẻo rồi mai này bị quở.
Còn chưa thủng thì bị ghì xuống, lột ra. Đồ Phan, chính là lão già đủ nho y lý số ấy, quết vào cửa mình ta thứ nhựa sền sệt, đâu như để trám thuyền. Chân đè tay ghì, những lực lưỡng không cho giãy giụa, đến khi nhựa khô hẳn. Ta không đi nhanh được nữa, mỗi bước cất lên đau đớn vô cùng.
- Đồ chó má các ngươi. Độc ác, tàn ngược quá quỷ dạ xoa!
Ta điên tiết gào lên, nghĩ đến cái của nợ nó cắt tất cả mọi sinh lực, vui thú, làm mình ra tàn tật. Đồ Phan kính cẩn:
- Cô nương sẽ quen dần. Tôi đã để một lỗ làm chỗ bài tiết.
- Cha con đẻ mẹ chúng mày. Ta mắc tội gì mà khiến bạo hành?
- Chúng tôi chỉ là con chó giữ của cho Chúa Thượng. Cô nương dùng hoang phí quá phải bít lại.
- Ta là đàn bà. Ta muốn sống như buồng chuối kia qua thì chát xanh thời chín tới chứ không phải cái thây đi lại nói năng.
- Chúng tôi đã nhiều lần khuyên ngăn, cô nương chẳng thủng. Phàm đã được thọ lộc của Chúa Thượng thì phải giữ lòng son, làm tấm gương sáng cho chúng dân soi vào.
- Chúa Thượng nào? Nó chỉ là con chó không có dái, trèo lên bụng ta còn lẩy bẩy.
Hương chức thất sắc xông lên bịt mồm ta, lấy chỉ buồm ra khâu, để lại một chỗ đổ nước cháo. Đẵn cành dâu rấp kín chỗ ta đứng, chúng quay vào đám lòng lợn tiết canh, lâu lâu nhảo ra ngó.
Canh giữ là mấy chú hương dõng, có dao mác nhưng chả oai hùng gì. Dù vậy thì ta cũng hết sức làm loạn. Máu đổ ra các cửa. Ngực đỏ bầm cương lên rỉ sữa máu. Dưới đùi chốc chốc một dòng âm ấm, nhặng bu vào mà ta không thấy tanh.
Sáng ra có tiếng năn nỉ “Lệnh bà không uống tí nước cháo thì chết chúng con”. Ta đứng lên chuệnh choạng ra cửa đình. Trước mặt là đống bãi tươi non, sáo sậu líu lo, những câu trai gái ve nhau, vạn vật trong cơn sinh nở bất diệt.
                                           *
“Bà Chúa thăng khi mới hai mốt tuổi, sau một cơn bạo bệnh, hai ngày đêm không ăn gì, hớp cháo cầm hơi cũng bỏ.Đến lúc mê sảng chỉ một mực đòi gặp Chúa Thượng. Làng làm ma  nghiêm nghị, táng ở núi Sam, mối đùn mỗi ngày mỗi to”
“Văn biểu nhận tội trình lên kinh do họ Phan chấp bút, rằng đã không chăm sóc, yên ủi được người con gái đã được thọ ân sủng của Đức Vua, xin chịu mọi hình phạt. Im phăng phắc chờ. Rồi có tờ sức về miễn tội cho chức dịch, nhủ cần đem tấm gương trinh liệt, trung thành với Đức Ngài của Bà Chúa soi sáng cho dân theo”
“Bấy giờ đất nước đã yên hàn. Thanh bình trở lại. Làng kêu xin bộ Lễ, bộ Lễ trình lên ngôi cao vời. Đức Hiến Tông chả tiếc gì người con gái đã tận tuỵ vì mình, phong cho Bà Chúa Trinh Liệt tước Trung đẳng Linh thần”
“Suốt mươi năm làng quay đi quay lại, thấy chả còn ai dũng cảm hy sinh, chả ai đi xa học nghề truyền lại, mà rặt những loại nông phu chăm chỉ, thầy đồ ăn giỗ trẻ. Bèn cật sức kêu xin nữa, thì được phong Thượng đẳng Tối linh thần cho Bà Chúa, làng được thờ phụng làm thành hoàng, ghi rõ trong sổ bộ Lễ. Bấy giờ mới cậy sức dân đóng góp xây nên ngôi đình Trinh Liệt nguy nga tráng lệ như ngày nay”.
                                           *
Phần lễ đến đây là hết. Hội dâng lên rùng rùng những trống chèo, lênh khênh đám cà kheo. Cộ muốn trả thù Kễnh,  tranh thủ lúc nó dướn lên xem  tụt quần  xuống đầu gối lộ con chim đã mọc năm xu thuốc lào.
Cụ Nhận mệt, sai Thắm đưa về. Ông di tích gọi nó vào lấy lộc, bảo ôm cam quýt với chuối với sung vào lậy tạ Bà Chúa. Trong hậu cung, Thắm thất kinh thấy pho tượng nhuốm máu toàn thân, giỏ cả vào chân nó.
2006
Trần Chiến
(Vanvn.net) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét