Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

CÓ THỂ CHO ĐI SẼ KHÔNG NGHÈO KHÓ






"chân đi giày vải nhưng trong lòng luôn nghĩ tới những người khác là điều khiến thầy giáo cảm thấy hạnh phúc nhất! Chỉ có những người giàu có [tâm hồn] mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Có thể cho đi sẽ không nghèo khó!".



Ngày lễ hiến chương các nhà giáo hôm đó, các em học sinh đua nhau chạy tới tặng anh nào hoa tươi, thiếp chúc mừng, hạc giấy... Những khuôn mặt non nớt, ngây thơ tràn ngập niềm vui, dường như chủ nhân của ngày lễ không phải là thầy giáo mà là của chúng vậy.

Trong số những món quà mà thầy giáo nhận được, có một món quà rất đặc biệt. Món quà đó được làm bằng tấm bìa cứng, trên tấm bìa có vẽ một đôi giày. Có thể nhận thấy rất rõ là tấm bìa đó do em học sinh ấy tự cắt, vết cắt nham nhở và vụng về, hình vẽ cũng do chủ nhân của tấm thiếp tự vẽ, nét vẽ có phần run rẩy, màu sắc cũng do em học sinh đó tự tô, xanh đỏ loè loẹt. Thầy giáo mà cũng đi giày hoa ư?

Trên tấm bìa còn có một dòng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo: "Thưa thầy, em tặng thầy đôi giày da này". Tên người đề tặng là tên một học sinh nữ. Thầy giáo vừa mới tiếp quản lớp học này, còn chưa quen hết tên của học sinh. Từ hôm nhận lớp tới ngày lễ của các nhà giáo, vẻn vẹn chỉ có 10 ngày.

Thầy giáo cẩn thận cất giữ "đôi giày" đó lại, "quà nhỏ mà nghĩa tình lớn" mà!

Ngày lễ đã trôi qua nhanh chóng, một hôm, trong khi chấm bài tập làm văn của các em học sinh trong lớp, thầy đã đọc được bài văn của em học sinh nữ - người đã vẽ tặng thầy đôi giày và hiểu được lí do tại sao em ấy lại vẽ giày tặng thầy.

"Mọi người, ai cũng đi những đôi giày da, nhưng thầy giáo lại đi giày vải. Nhà thầy nhất định rất nghèo. Mình đã làm một đôi giày thật đẹp để tặng thầy. Chỉ có điều, đôi giày đó không thể sử dụng được, đó chỉ là tranh vẽ đôi giày trên tấm bìa cứng. Mình hi vọng rằng, sau này, thầy giáo sẽ được đi một đôi giày da thực sự. Mình không có tiền, nếu như mình có tiền, mình sẽ mua một đôi giày thật đẹp để tặng thầy".

Đây là những dòng tâm sự của một cô bé chưa  đầy 10 tuổi. Thầy giáo vô cùng cảm động vì điều đó. Nhưng , làm sao cô bé lại biết được giày vải là đặc điểm để nhận biết những người nghèo?

Thầy muốn hỏi em học sinh đó.

Đây là một cô bé có vẻ bề ngoài thông minh, lanh lợi, đôi mắt đen láy, tròn xoe, trong sáng. Khi cô bé đứng trước mặt thầy giáo, thầy giáo dường như đã tìm ra được đáp án rồi.

Thầy nhìn thấy cô bé đang đi một đôi giày vải viền vuông, viền quanh đôi giày vải còn có những bông hoa nho nhỏ. Đôi giày này của cô bé đương nhiên là không giống với đôi giày vải của thầy giáo rồi.

Vậy là, những câu hỏi tiếp theo được đưa ra.
- "Bố em làm ở đâu?".
- "Bố ở nhà, thất nghiệp rồi!".
- "Thế còn mẹ em?".
- "Em không biết... mẹ đi rồi!".
Thầy lại nhìn đôi giày vải hoa của cô bé thêm một lần nữa.
Thầy rút "đôi giày" bằng hình vẽ từ trong ngắn kéo bàn ra. Lúc này đây, thầy đã cảm nhận được sức nặng của đôi giày đó.
Cô bé hỏi: "Thưa thầy, nhà thầy cũng nghèo, đúng không ạ?".
Thầy nói: "Nhà thầy không nghèo, nhà em cũng không nghèo".
- "Nhưng các bạn khác nói nhà em nghèo".
Thầy giáo lại nói: "Nhà em không nghèo, nhà em rất giàu, em biết quan tâm tới người khác, biết tặng thầy một món quà ý nghĩa như vậy, thầy cảm thấy rất vui, em có vui không?".
Cô bé nhoẻn miệng cười.
"Em đi giày vải giống thầy giáo, có cảm thấy vui không?".
Cô bé gật đầu thật mạnh.
Thầy giáo dẫn cô bé vào lớp, hỏi cả lớp rằng, tại sao thầy giáo lại đi giày vải? Có em học sinh nói rằng, bởi vì giày vải rất đẹp. Có em học sinh nói rằng đi giày vải rất thoáng khí, bởi vì bà nội của em ấy cũng thường đi giày vải. Có em học sinh nói rằng đi giày vải là để giữ gìn sức khoẻ, bởi vì ông nội của em ấy thường đi giày vải mỗi khi tập Thái Cực quyền. Một điều rất kì lạ là, không em học sinh nào nói rằng đi giày vải bởi vì nhà rất nghèo. Thầy giáo nói với cả lớp rằng, đi giày vải là một phong cách đặc biệt, vừa thoáng khí, dễ chịu, lại vừa có lợi cho sức khoẻ.

Sau đó, thầy giáo còn nói với cả lớp rằng, chân đi giày vải nhưng trong lòng luôn nghĩ tới những người khác là điều khiến thầy giáo cảm thấy hạnh phúc nhất! Chỉ có những người giàu có mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Có thể cho đi sẽ không nghèo khó!

Mã Húc
Nguồn: Những câu chuyện cảm động, Nxb VH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét