Nhà
văn Thy Ngọc (1925 - 2012) là một cây bút chuyên viết cho thiếu nhi. Vào những năm trước
1945, ông xuất bản được ba tập truyện, gồm: Vỡ
đê (nxb Cộng Lực, 1943), Hai lần
thoát xác (Nxb Tam Kỳ, 1944) và Ngọn
lửa hồng (nxb Kiến thiết, 1944). Hai cuốn sau được viết theo thể đồng thoại,
trong đó Ngọn lửa hồng đã bị thất bản.
Truyện
Hai lần thoát xác được lấy cảm hứng từ
một bài học sinh vật thú vị về vòng đời sinh trưởng của loài Bọ Dừa. Sách dài
160 trang, khổ 11,5cm X 18cm.
Trích
đoạn Gia đình Nhện Đất trong tuyển tập
này được rút từ cuốn sách nói trên, từ trang 9 đến trang 39.
GIA ĐÌNH NHỆN ĐẤT
Từ
buổi chia tay nhau, tôi chỉ quẩn quanh trong gian nhà vắng vẻ, rộng thêm nhiều
vì có một mình tôi.
Tôi
đã đóng kín cổng ngõ vì tôi không muốn đi đến đâu. Cái yên lặng không sinh khí
đã làm tôi ngủ vạ vật suốt ngày đêm. Tôi cũng chẳng thiết đến đào thêm đường để
tìm rễ. Những rễ còn lại bây giờ thừa sức nẩy dài để cung cấp một miệng tôi.
Các
anh ơi! Ở nhà tuy được no miệng, nhưng bao giờ em cũng nghĩ tới các anh đang sống
tung hoành ở bốn phương trời. Em ao ước được như các anh lắm.
Hôm
ấy quen lệ, vừa ăn bữa sáng xong, tôi co quắp nằm nghiêng, thiu thiu ngủ. Bỗng
từ trên mặt đất vang xuống những tiếng thình thịch đều đều. Tôi bèn nhỏm dậy.
Tiếng thình thịch càng gần. Đúng rồi, ở ngay trên đầu tôi rồi. Ấy thế là tôi
run lên. Bao nhiêu tâm trí chỉ dùng để nghĩ đến kế chạy thế nào cho được thoát
thân.
Nhưng
có thật là tiếng động ở trần nhà mình không? Tôi thấp thỏm lắng nghe. Tôi vừa
vươn cổ lên thì vừa vặn nhận được mấy tảng đất vụn rơi trúng đầu. Nguy thật rồi.
Chạy đâu cho thoát bây giờ? Tôi cứ loanh quanh trong gian nhà, trọi đầu vào những
bức tường.
Một
tia sáng chiếu thẳng xuống một cách bất ngờ. Trần nhà tôi lở hẳn rồi. Tôi càng thêm phần luống cuống.
Tôi chạy đâu được nữa. Đành nấp sau đống đất vụn này mà nhìn xem sao. Sau khi
đã vùi hẳn thân mình dưới tầng đất thật dày mà tôi cứ sợ là mỏng, chỉ để hở có
đầu, tôi rụt rè nhìn lên.
Trời
ơi! Kiếp sống của tôi hẳn là tuyệt tận trong ngày hôm nay. Đúng rồi, đúng nó định
ăn thịt tôi đây. Nó đào sâu để lùng bắt tôi đây mà. Nhưng sao nó biết tôi ở
đây? Sao nó biết được giờ phút này chỉ có một mình tôi ở lại nhà?
Đất
càng rơi nhiều xuống, lấp kín tôi rất mau. Cứ để nguyên như vậy, may ra tôi có
cơ thoát nạn. Song chắc gì. Nó đời nào để tôi thoát. Thôi thì đằng nào cũng chết,
tôi hãy điềm tĩnh đợi cái chết. Anh cả tôi thường căn dặn tôi như vậy. Mỗi lần
đất vụn rơi xuống tôi lại lấy chân gạt sang hai bên. Tôi nhất định biết rõ công
việc của kẻ thù.
Lỗ
hổng tuy đã to, nó có thể chui qua nhưng đường đi hãy còn nhỏ. Nó còn phải đào
lâu. Tiếng thình thịch vẫn đều đều, đủ tỏ rằng con vật không ngừng chân một lúc
nào. Như vậy dù đường xuống tới đây còn dài, cũng chẳng mấy lúc nó đào xong. Nó
có những tấm chân thành ra lợi đủ đường. Bới đất cốt nhiên là nhanh hơn tôi mà
đánh nhau hẳn là ăn đứt tôi. Tôi có sáu chân thì chống lại làm sao cho được. Mà
chân tôi thì ngắn quá. Chân nó đã nhiều lại dài gấp đôi, lông lá đam ra tua tủa
nhọn như những mũi gai. Những móng chân mới sắc làm sao! Quờ vào rễ cây, rễ cây
bị đứt, thì đụng vào tôi còn gì là tôi nữa. Bụng nó phệ tròn chứ không dài như
bụng tôi thứ bụng của kẻ ăn rất nhiều.
Một
loại sỏi rào rào rơi xuống. Tôi giật bắn người. Chóng thế ư? Đến chỗ đá sỏi tức
là đã được ba phần đường. Tôi chết đến nơi rồi.
Sao
lại không có tiếng chân đào nữa? Hay là đến chỗ đá sỏi, con vật khó đào, đành bỏ
dở. Nếu vậy may cho tôi. Hẳn là nó đã đi lên rồi. Không một tiếng động. Tôi
choài người ra ngoài.
Nó
vẫn kìa. Nó không đào nữa thật. Nó đang đi lên, nhưng lên một cách rất là chậm
chạp. Chân cẳng co cả lại và theo đà bụng mà trườn lên.
Tôi
mon men bò lên một ít nữa.
Thì
ra con vật đang đùn đất. Nó chúi đầu xuống ẩy đất vụn. Để làm gì? Chẳng nhẽ đào
sâu một đường hầm như thế này để mà chỉ lấy thứ đất vụn kia thôi ư? Không phải,
đất vụn như thế này thì ở trên mặt đất cũng có, hà cớ gì phải mất công xuống
mãi tận đây. Đúng rồi, hẳn là nó đào không được nữa, đành phải đi lên. Song le,
đất vụn nhiều quá, ẩy xuống không được thì đành phải đùn lên mới có thể ra
thoát. Tôi thản nhiên nhìn cái thất bại của nó và thề sẽ có phen tôi trả được
thù.
Nó
đã lên hẳn. May nhé. Nếu không, xuống đã không xong, mà lên cũng không được nữa
thì chỉ còn có tự chôn sống để chết mòn, chết dần. Lơ lửng.
Ánh
sáng đang rực rỡ bỗng dịu hẳn. Lại nó. Nó sồng sộc đi xuống.
Vì
đường đi đã rộng, ánh sáng dọi xuống nhiều nên tôi càng nhìn thấy rõ ràng hình
dạng và mặt mũi kẻ thù của tôi.
Đôi
nanh của nó mới nhọn làm sao, thia lia ở đầu hai hàm răng, khum khum và luôn động
đậy. Chúng đụng vào đâu hẳn là chỗ ấy phải rơi rụng cũng như những tảng đất, những
loạt sỏi đang lả tả rơi xuống đây.
Trái
với đôi nanh to kia, cả một cái đầu lại nhỏ nhắn như mất hẳn nếu không có vầng
trán vuông vức kéo lại.
Mỗi
lúc nó cúi đầu xuống thì hai hàm răng lại càng làm việc nhiều, đất vụn càng rơi
lắm. Và cả tám chân cứ tới tấp đào bới. Cái bụng phùng phình rung lên như làm
nhịp.
Nó
sắp đào hết lớp đá sỏi, bỗng thôi không đào nữa. Nó lại đi lên. Nó lại chúi đầu
làm gì vậy?
Thì
ra bây giờ tôi mới hiểu. Trong lúc đào đất chỉ có những đất vụn ở phía trước mặt
nó mới có thể rơi xuống chỗ tôi được, còn đất vụn do chân bới ở đằng sau thì chất
đống trên lưng nó. Đào nhiều tất là nặng lưng, nó phải quay lại, đùn đất ra
ngoài, rồi mới nối tiếp công việc.
Nó
còn làm gì nữa đây? Còn nhặt rác rưởi làm chi? Ăn thịt tôi mà cần phải sạch sẽ
như vậy ư? Hay là nó không biết tôi đứng chỗ này? Nhân dịp nó quay về phía sau,
tôi vội vàng cố lẩn xuống đống đất vun bên kia. Không kịp. Nó đã ngoảnh lại và
đã trông thấy tôi. Tôi run cầm cập nhìn lại nó.
Tám
con mắt của nó xếp thành hai hàng cong trên đỉnh đầu, bốn chiếc trên to, bốn
chiếc dưới nhỏ trợn trừng sáng quắc tuy không được nhỉnh như đôi mắt tôi, nhưng
cũng có thể nhìn khắp hướng một lúc được.
Tôi
chỉ khẽ động đậy nó cũng biết, đành nằm im, mắt hé nhìn.
-
Này chú! Này chú! Ngủ say thế?
Sao
nó không giết tôi đi còn hỏi làm gì nữa! Mà sao giọng tử tế, ngọt ngào làm vậy?
Tôi hoàn hồn. Nhưng tôi cứ nằm im.
-
Này chú! Dậy cho ta nhờ một chút!
Giọng
nói biết bao êm dịu. Tôi thoát chết. Sung sướng, cảm động nói không ra hơi:
-
Dạ…
Nó
nhe cả đôi nanh mà mỉm cười:
-
Chú ngoan lắm. Ta mến chú lắm. Ta muốn nhờ chú tí việc.
Tôi
nhanh nhẩu:
-
Xin bác cứ… dạy…
Nhân
dịp này, dại gì mà không xử nhũn với kẻ xét ra mạnh hơn mình. Thoát được chết, ấy
là tôi mừng.
-
Kể thì ta làm một mình cũng được, nhưng thấy chú rỗi rãi quá, ta muốn để chú
làm cho chóng xong. Ngủ lắm mụ người đi. Rỗi quá sinh lẩn quẩn vẩn vơ. Chú cùng
làm với ta cho vui.
Tôi
ấp úng:
-
Bác cứ dạy.
-
Có gì đâu, chú chỉ vơ những rác rưởi kia, đem ném lên mặt đất cho sạch mắt. Ấy dẫu
rằng ta nhờ chú làm mà kì thực chú làm cho chú đấy. Chú ở đây thì phải?
-
Vâng.
Nó
giơ một chân trước lên mà vỗ vào vai tôi:
-
Thế mà chú chẳng chịu khó sửa sang cho gọn ghẽ.
Tôi
cảm động thổ lộ tâm tình:
-
Thưa bác, mấy hôm nay cháu buồn vì nhớ các anh cháu quá, nên cháu không thiết
làm gì cả.
-
Các chú ấy đi đâu? Bao giờ về?
-
Cháu cũng không được biết…
Nó
ngắt lời tôi:
-
Ta hiểu. Vậy chú hãy làm việc đi cho khỏi buồn.
Như
được cởi mở nỗi lòng, tôi vui vẻ khuân rác rưởi lên mặt đất. Tôi đi theo đường ngõ
nhà tôi.
-
À này! Chú có phải là Bọ Dừa không?
-
Dạ.
Tôi
cũng muốn biết tên nó là gì, nhưng định hỏi lại ngập ngừng. Vì trông nó vẫn
kinh kinh làm sao.
Chỉ
trong chốc lát là nền nhà tôi lại sạch không còn một gợn đất vụn.
-
Tốt lắm! Bây giờ chú vào trong kia mà nằm nghỉ để ta làm việc cho khỏi vướng.
-
Bác cứ cho cháu làm với…
Nó
lắc đầu:
-
Nếu chú làm được ta đã để cho chú làm. Song việc này chỉ riêng có họ hàng nhện
đất nhà ta làm được thôi. Kẻ nào đụng phải là chết không kịp gỡ.
Tôi
cong người lên ra chiều thán phục Nhện Đất.
-
Đó là việc chăng dây tường và dệt lưới bắt mồi.
Rồi
chỉ vào tường nhà:
-
Bao giờ ta cũng muốn chắc chắn làm đầu. Tường này để không, e có lúc lở. Ta phải
chăng dây cho đỡ lo ngại.
Tôi
giương mắt:
-
Thế dây đâu ạ? Cháu không thấy bác đem theo.
Nhện
Đất vỗ ngực:
- Dây
ở trong người ta đây, ta muốn dùng sẽ lấy ra dùng. Chú biết sao được.
Tôi
ngây người:
-
Chú mày hãy nhìn ngực ta.
Tôi
nhìn chăm chú ở bốn đầu vú chảy ra bốn sợi dây mong manh.
-
Ta đưa cả bốn sợi này lên miệng để bện thành một sợi to rồi muốn làm gì thì
làm. Chăng đến đâu, ta rút dây ra đến đấy.
Nói
xong, Nhện Đất thoăn thoắt bò theo vòng trôn ốc, vừa bò vừa chăng dây vào đường
đi lên mặt. Hết một lượt nó bò xuống, chăng thêm dây, nhưng lần này vắt sợi nọ
vào sợi kia, rồi lại bò lên, rồi lại bò xuống đến mười lượt.
-
Chú đừng có bao giờ đi vào dây của ta nghe không. Nó lôi vào thì chết mất ngáp
đấy.
Tôi
chưa kịp nói thì Nhện Đất quờ chân quấn ngay một vòng dây vào người tôi:
-
Đấy, đố chú gỡ ra được!
Tôi
run run:
-
Xin bác tháo ra cho cháu. Nó chặt quá, cháu chịu.
- Ấy
mới là có một vòng, chứ nếu chú đụng vào kia là tất cả bằng ấy sợi dây đều quấn
luôn lấy chú, chỉ một lúc là hết gỡ.
Nhện
Đất gỡ dây cho tôi xong, tiếp:
-
Thôi ta còn phải lên trên kia, dệt lưới bắt mồi.
Tôi
khúm núm:
-
Bác cho cháu lên với.
Và
khẩn khoản:
-
Cháu xin đứng yên một chỗ. Cháu đi lối nhà cháu.
Nhện
Đất gật đầu, rồi thoắt một cái đu người lên. Tôi ngạc nhiên chẳng hiểu sao bác
ta lại tài thế, chân không chạm đất mà cũng lên tới cổng ngõ.
Lúc
tôi lên tới mặt đất, đã thấy Nhện Đất buộc dây vào mấy ngọn cỏ, quay thành hình
lục lăng, và đang thoăn thoắt đi như lướt buộc mấy sợi dây ngang vào đó, rồi lại
đi theo hình lục lăng và đưa đẩy bàn chân trước, nối thêm dây bắt qua những sợi
dây ngang. Thoáng một lúc sau trên luống cỏ đã lung linh một tấm lưới khá rộng.
-
Hãy dùng tạm một cái đã. Mai kia dệt thêm vài ba cái nữa là đủ.
-
Suýt quên, còn cái cửa nữa chứ.
Rồi
giơ chân vẫy tôi:
-
Chú bảo có nên làm cửa không?
Tôi
ngơ ngác:
-
Thưa bác cửa nào?
-
Ta định làm một cái cửa để đóng khi vắng nhà, và để che mưa nắng.
-
Bác định làm như thế nào, bao nhiêu lâu mới xong.
-
Có khó gì! Này nhé, ta bện một vòng dây đúng in như khung ngõ, rồi đất vụn đây
ta nhả bọt vào cho quánh lại. Ta trát đất dẻo vào vòng dây này, hết một lượt đất,
ta lại rải lên một lượt dây. Năm sáu lần như vậy ta đã có một tấm cửa vô cùng
chắc chắn.
Tôi
chăm chú xem và cũng thấy công việc xong trong nháy mắt.
Tấm
cửa khum khum hai đầu, lúc đặt vào ngõ đi, vừa khít.
***
Mụ
Nhện Đất béo hơn chồng. Nhưng cay nghiệt. Hôm mới đến thấy tôi mụ chu chéo lên:
-
Thế còn đứa nào kia? Sao nó lại ở đây?
Nhện
Đất xun xoe:
-
À, chú Bọ Dừa đấy. Chú ở đây thêm cho vui nhà.
-
Cái gì?...
Nhện
Đất nhìn trộm tôi, sua chân trước, thì thầm với vợ:
-
Gọi thế, chứ có nó ở đây sai vặt cho đỡ mệt mình. Mấy lại đây là nhà của nó,
mình chẳng sao cũng là đến ở nhờ.
-
Sao lại phải nhờ đứa nào?
- Ấy,
khe khẽ chứ. Vẫn biết mình thì sợ gì đứa nào, nhưng cái gì làm ngay cũng không
được. Mình sẽ tuỳ cơ.
Mụ
Nhện Đất hằn học:
-
Ngay lúc đầu thì sao không trói nó lại vứt xác nó ra ngoài kia, còn tuỳ gì nữa…
Nhện
Đất khẽ giọng:
-
Vả lại nó có ăn hại gì mình đâu mà sợ.
-
Thế nó làm gì mà ăn?
-
Nó đã có rễ cây. Sâu bọ mình kiếm được vẫn là của mình, cho nó cũng không lấy
làm gì.
Rồi
vồn vã:
-
Thôi, sau này sẽ hay.
Tôi
lắng nghe rõ, điên tiết lên. Nhưng nghĩ đến bốn chiếc nanh, mười sáu cẳng chân
và mười sáu con mắt, tôi lại đành nén giận, thản nhiên như không nghe thấy câu
chuyện vừa qua.
Mụ
Nhện Đất quay lại tôi, giọng ngọt sớt:
-
Ban nãy ta tưởng chú là ai, hoá ra chú Bọ Dừa. Ông nó nhà ta bảo rằng chú ngoan
và chăm việc lắm. Phải hãy còn trẻ ta nên chịu khó làm ăn chú ạ. Bên nhà công
việc bừa bãi, chú rỗi thì sang giúp chị nhé.
Tôi
phải gật đầu sốt sắng:
-
Vâng.
Hai
vợ chồng cùng cười ha hả. Nhện Đất thì giơ bốn chân trước mà vỗ vào người tôi.
-
Chú nhớ đấy!
Tôi
lộn cả ruột. Thì ra ngay từ hôm đầu nó tử tế với tôi cũng chỉ muốn tôi hầu hạ
nó, và để tôi quên, không tưởng nó là kẻ đến chiếm nhà mình nữa. Chao ôi! Tôi
hèn quá biết rõ tâm địa của chúng nó mà không làm gì được. Tôi biết tính sao
đây. Từ nay tôi phải hầu hạ chúng ư? Nhục nhã chưa? Ai biết tôi như thế này thì
sẽ coi tôi ra sao? Hay là tôi bỏ nơi này đi như các anh tôi? Không, không được.
Ai thay tôi trông coi nhà cửa được? Tôi nghĩ lung mà không tìm thấy một kế nhỏ.
Kể
trốn đi, cũng dễ. Vợ chồng Nhện Đất ngủ li bì suốt ngày, tôi đi lúc nào chúng
không thể biết mà giữ lại được.
Chồng
cũng như vợ đều nằm yên một chỗ, chân cẳng co rúm lại, mê mệt ngủ. Làm ầm ỹ gì
bên tai cũng chẳng biết. Chiều chiều, khi hoàng hôm đổ xuống, khi ánh nắng tắt
hẳn, hai vợ chồng mới trở dậy lên lưới đem mồi về.
Chúng
ngủ rất say, nhưng rất thính, chỉ khẽ đụng vào cánh cửa là chúng đã choàng dậy
ngay.
***
Có
một hôm hai vợ chồng đang ngủ say, bỗng choàng tỉnh dậy. Chồng lập tức đu người
lên, nâng cửa, nhìn ra.
Trái
hẳn mọi lần, nó vội vàng nhảy xổ ngay xuống. Loạng choạng suýt đập cả đầu vào
tường.
Vợ
thất thanh:
-
Làm sao thế? Làm sao thế mình?
-
Thằn Lằn… kéo cửa xuống… kéo cửa xuống đi… Mau lên… Không chết cả bây giờ…
Hai
vợ chồng run lên cầm cập, co rúm người lại, không đứa nào dám lên. Nép cả vào một
xó.
-
Thằng Nhện đâu?
Cánh
cửa tung ra. Bác Thằn Lằn! Trời ơi! Cái đầu bác như một hòn cuội, màu vàng pha
xám, gợn những vẩy nhỏ. Mắt bác tròn xoe, long lên sòng sọc.
Vợ
chồng Nhện Đất rú lên. Nằm ẹp cả xuống. Im thin thít.
-
Quân này gan thực.
Hai
vợ chồng Nhện Đất gục đầu, lễ lấy lễ để.
-
Trăm lạy ngài, ngài sinh phúc tha cho chúng con. Lạy ngài chúng con nghèo đói
khổ sở ăn mày trong vườn ngài. Trăm lạy ngài chúng con chót phạm uy ngài. Lạy
ngài…
-
Quân này to gan thực! Muốn sống lên dọn những dậy rợ trên kia đi.
-
Dạ… lạy ngài… Ngài tha cho chúng con…
-
Chúng bay không coi ai ra gì cả. Tao mới vắng có mấy hôm nay không lại đây mà
chúng mày đã thế.
-
Trăm lạy ngài… ngài tha cho chúng con.
Cánh
cửa sập xuống.
Bước
chân xa dần.
Đợi
một lúc sau, hai vợ chồng Nhện Đất mới hoàn hồn. Chồng rón rén leo lên và tụt
xuống nhảy nhót reo:
-
Nó đi mất rồi! Nó đi mất rồi!
Đang
hể hả Nhện Đất vội ngừng:
-
Lại có động.
Vợ
hốt hoảng:
-
Thằn Lằn?
Chồng
hân hoan:
-
Không.
Hai
vợ chồng cùng đu lên. Tôi rón rén đi theo và đứng nấp ở cổng nhà tôi nhìn ra. Ở
giữa tấm lưới trên luống cỏ, đang giãy giụa hai con vật nhỏ vừa bằng chân tôi.
Người
chúng xám đen, khoanh trắng, đầu tròn, chĩa thẳng ra cái mũi nhọn dài, chung
quanh phấp phới bốn sợi râu. Sáu cẳng nhỉnh hơn sợi dây lưới một ít, túm tụm
chân cả vào quãng đầu. Một con gầy đét, một con bụng bóng căng. Đôi cánh trắng
mỏng, bị lưới dính vào, căng sang hai bên. Chúng vừa giẫy, vừa kêu. Tiếng vang
vang. Tôi cố nhìn mà cũng không thấy mồm, thấy mắt chúng đâu cả.
Mụ
Nhện Đất, nặng bụng, mà lướt cũng nhanh như chồng. Mụ quờ chân, đập cả hai con
vật bị sa lưới liền một lúc:
-
Ai cho chúng mày kêu nhặng lên thế? Hở những thằng Muỗi oắt kia?
Một
con ngừng giẫy:
-
Đồ khốn nạn.
-
Này im đi. Ta giết ngay bây giờ.
Bé
người nhưng to giọng:
- Đã
sa cơ, tất là chết. Đừng doạ vô ích. Mày muốn giết ngay bây giờ cứ việc chúng
tao không cầu xin.
-
Thôi đồ hút máu người không biết tanh.
-
Này bướng.
Gã
Nhện Đất chỉ nhe nanh cắn một cái mà con muỗi bướng bỉnh lúc này đã bị đứt đôi
bụng. Máu vọt ra loang đỏ một góc lưới.
-
Còn thằng kia nữa!
Con
Muỗi thứ hai rối rít:
-
Lạy ông bà, tha cho cháu…
Mụ
Nhện Đất hét:
-
Tha mày để mày lại giỡn mặt à! Tử tế thì gì cái thứ mày. Bao nhiêu bận tha cho
họ hàng nhà mày nhưng vừa ra khỏi lưới đã réo lên chửi, rồi họp đàn, họp lũ vừa
bay vừa la om sòm. Này tha…
Con
muỗi thứ hai cũng bị đứt đôi người. Mấy chiếc chân bị rời ra mà còn giẫy giẫy
như nhịp với giọng cười ha hả của vợ chồng Nhện Đất.
Tôi
rùng mình, vội lần về.
Phận
tôi nào có khác gì kiếp muỗi. Nào có hơn gì nhau.
***
Những
lúc đứng trước lũ con, sao mà vợ chồng Nhện Đất hiền từ làm vậy. Cứ lặng yên, mặc
con muốn làm gì thì cứ làm. Những con mắt như dịu hẳn đi, không trừng trừng như
nó nhìn tôi.
Lũ
Nhện Đất con, thân chỉ to bằng đầu một con ruồi, và chân tay mảnh khảnh như
chân tay muỗi. Đứa nào cũng sam sám màu da, chứ không thẫm nâu như bố mẹ. Trông
đã có vẻ nham hiểm và tàn ác.
Chúng
đùa nghịch suốt cả ngày. Chúng đuổi nhau, chúng đánh đu lơ lửng. Hoặc buộc dây,
dài từ chạc cây chanh thòng xuống tận đất. Nhiều lúc gió đưa tạt cả vào lá cây,
chúng không sợ lại từ lá cây tụt xuống. Chúng sộc đến bất cứ một xó xỉnh nào.
Chúng trèo phứa cả lên đầu, lên lưng bố mẹ.
Mụ
Nhện Đất đôi khi dang cả tám chân tay ra đón một đứa toan vuốt ve thì nó lại lẻn
ngay ra được, chạy đi chỗ khác. Có vẻ sung sướng được như vậy, mụ cõng nó, mụ
leo đu với nó, mụ chạy đuổi cả với nó. Mụ luôn luôn hỏi săn hỏi đón xem các con
đã đói chưa, rồi chẳng đợi chúng trả lời mụ ép chúng hút nước ở người những con
vật bị bắt rõ thật nhiều. Bữa ăn thật là lộn xộn. Chúng không chịu đứng yên một
chỗ, chen lấn nhau, cãi nhau om sòm. Mụ Nhện Đất chỉ tiếc là sao mình có tám mắt
không thôi. Và mụ mong được mọc thêm vài ba chục chân nữa để săn sóc cả hăm
nhăm đứa con một lúc. Lũ con mụ tuy cũng có đứa nghịch đứa không, nhưng cái phần
không thì thật hiếm. Chẳng mấy đưa chịu nằm yên ở võng lưới ngủ say. Gã Nhện Đất
chịu khó hơn trước, ra công dệt thêm lưới bắt thêm mồi. Bây giờ cả trên cành
cây cũng đu đẩy mấy tấm lưới rộng.
Thỉnh
thoảng được buổi đẹp trời, vợ chồng con cái kéo nhau lên mặt đất rong chơi từ
lúc còn le lói ánh nắng. Lũ con mặc bố mẹ, chạy đi bất cứ đâu. Đứa chăng dây
nhăng nhít vào những cành hoa thắm, những lá xanh tươi. Đứa mắc dây đu để vẫy rối
rít chân tay trong không khí. Nhiều bận chúng hùa nhau đuổi theo mấy con kiến
đen, chăng dây ngang đường rồi chúng xúm lại đấm đá.
Những
lúc ấy mụ Nhện Đất bằng lòng lắm. Mụ thường lẩm bẩm:
- Con
nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Rồi
nhìn chồng mà nhe nanh cười.
Gã
Nhện Đất đợi con về, xoa đầu chúng dịu dàng:
-
Chết thật thôi, các con không sợ chúng nó đánh lại à?
Lũ
con vênh mặt:
-
Con chẳng sợ đứa nào cả!
Mụ
Nhện Đất sung sướng:
-
Phải, việc gì mà sợ đứa nào. Hễ đứa nào định bắt nạt, các con cứ mách mẹ. Mẹ sẽ
cắn tan xác nó ra.
Lũ
Nhện Đất con được thể, càng ngày càng nghịch ngợm hỗn láo thêm. Mà bố mẹ chúng
càng ngày càng chiều chúng một cách quá đáng.
Những
buổi đứng nhìn cảnh náo nhiệt và êm ấm của gia đình Nhện Đất, tôi chạnh nhớ tới
cảnh nhà tôi mà mủi lòng. Chúng tôi nào có bao giờ được sống một ngày như thế
bên cha mẹ.
Nhưng
sao? Tôi đã than thân trách phận rồi đó ư? Không! Không thể như thế! Từ nay tôi
không than thở vô lí như thế nữa. Lời khuyên của anh cả tôi như bừng sáng trong
óc tôi: “Còn gì đáng để chúng ta ngẩng mặt nhìn đời khi chúng ta sống tự lập
ngay từ bé!”.
***
Quen
tính đi rồi nên một buổi chiều kia, đang lúc chơi đùa trong vườn rau, một đứa
chỉ tay về phía trước mặt mà reo:
-
Kìa! Anh em ơi! Thú chưa!
Một
đứa khác hỏi dồn:
-
Cái gì thế? Cái gì thế?
-
Không trông thấy à? Một thằng cha lạ quá.
-
Nhưng trông nó kinh kinh làm sao ấy. Nó có hai cánh tay to thế kia cơ mà!
-
Sợ gì! Lại đi!
Thoạt
đầu, lũ Nhện Đất con còn đứng ở xa không dám lại gần. Vì trông con vật ghê quá
thật. Nó cứ đứng yên như vậy từ lúc nào không rõ, cho đến bây giờ. Kiểu một kẻ
đang nghĩ ngợi. Nhưng hẳn là nó chẳng nghĩ ngợi chi ráo. Cái đầu nó hẹp lắm.
Như nấp dưới đôi càng dài và to, xoè rộng một đôi gọng kìm, như biến hẳn vào
thân mình thìa lìa tám cẳng chân mập mạp ram ráp vẩy. Cái thân mình ấy cứ thon
thon về phía đuôi, ngấn từng đốt vuông, để tận cùng bằng mẩu đuôi tròn như quả
táo chĩa ra một mũi nhọn như que gai. Cái đuôi đó vất va vất vẻo không ngừng,
chẳng khác một cành cây non được gió thổi rung rinh.
Lũ
Nhện Đất con chỉ còn nhìn thấy cái đuôi đu đẩy ấy. Trèo lên, bám vào đấy mà
đánh đu hẳn là thú! Chúng mon men lại gần.
-
Các chú bé muốn gì?
-
Đừng có láo. Chúng tao là con ông bà Nhện Đất phải gọi chúng tao là các cậu,
các cô nghe không.
Con
vật cười:
-
À! Các chú bé là con vợ chồng gã Nhện Đất phải không? Thảo nào!
Nó
chưa nói dứt lời, lũ Nhện Đất con đã nhảy phăng cả lên lưng nó mà đạp đấm túi bụi.
Con vật cứ để yên, rồi bất ngờ quẫy người một cái thật mạnh làm lũ Nhện Đất con
ngã sóng soài. Nó nắm ngay lấy một đứa lớn nhất bọn.
Lũ
Nhện Đất con hoảng hốt cắm cổ chạy ngay về.
Mụ
Nhện Đất ngạc nhiên:
-
Sao các con có vẻ sợ sệt thế?
Chúng
hổn hển thuật lại chuyện.
-
Đâu! Đâu! Nó đứng ở chỗ nào?
- Ở
luống cải.
Gã
Nhện Đất gầm lên:
-
Thằng Bọ Cạp rồi!
Rồi
chẳng nghĩ ngợi gì thêm, nó săm săm chạy lại.
-
Thằng kia sao dám bắt con ta?
Bọ
Cạp vẫn dịu dàng:
-
Ông Nhện Đất đấy ư? Nào tôi có muốn lôi thôi làm gì. Chỉ tại chúng hỗn quá.
-
Con ta hỗn! Thằng này mới láo.
-
Chúng ta người lớn nên tử tế nói chuyện với nhau. Chớ vì chuyện trẻ con.
Nhện
Đất không để Bọ Cạp nói hết, đã hét:
-
Đừng già mồm. Tội mày phải chết.
Nó
nhảy xổ vào Bọ Cạp, nhe nanh nhất quyết nhè đầu mà cắn. Bọ Cạp ném Nhện Đất con
ra ngoài rồi giơ ngay càng lên, quặp được liền hai cẳng Nhện Đất vặn đứt. Nhện
Đất loạng choạng lùi lại. Mụ Nhện Đất đang cõng đứa con què xông vào trợ chiến.
Mụ định lẻn ra đằng sau lấy dây buộc đuôi Bọ Cạp lại nhưng Bọ Cạp đã biết. Nó
cong ngay đuôi lên, rồi nhè lưng mụ Nhện Đất cắm thẳng mũi nhọn xuống. Mụ cứng
đờ người, chân cẳng rung lên một hồi, rồi lăn kềnh xuống đất.
Gã
Nhện Đất điên lên. Nó nhảy ngay lên lưng Bọ Cạp.
-
Còn mi nữa! Muốn sống thì về.
-
Ta quyết sống mái với mày.
Bọ
Cạp vẫn điềm đạm:
-
Ta chẳng muốn gây ra thế này làm gì. Thôi mi hãy…
-
Mày sợ phải không?
-
A! Ta bảo tử tế mi không nghe đừng có oán trách gì nữa nhé!
Nhện
Đất chưa kịp tránh thì cái đuôi nhọn của Bọ Cạp đã đâm mạnh xuống trúng đầu
xiên qua mặt.
Nhện
Đất cũng cứng đờ thân như vợ và cũng run
chân để ngã quay ra chết.
Từ
đầu đến cuối, tôi vẫn nép ở một gốc cây nhìn mọi sự đổi thay. Vợ chồng Nhện Đất
chết, tôi không thấy mủi lòng, nhưng xót thương lũ Nhện Đất con.
Chao
ôi! Một đàn trẻ hơn hai chục đứa kia, không cha, không mẹ, còn non, còn dại, có
sống được mãi tất không có ích gì cho ai, nếu không có người dạy dỗ. Con em mà
có lỗi một phần ở cha anh. Trẻ người non dạ nào chúng đã suy nghĩ chín chắn làm
sao được.
Tôi
lặng lẽ quay gót về nhà.
Tôi
đã định nhân dịp ấy lấp phăng ngay cửa ra vào của nhà Nhện Đất để lũ con không
thể quay về mà quấy nhiễu tôi được nữa. Nhưng tôi không cam tâm. Tôi không muốn
để lũ Nhện Đất con phải bơ vơ, đã thiếu tình thương yêu của cha mẹ lại không có
cả một chỗ nương thân.
Nhưng
ba ngày sau cũng chẳng có một đứa Nhện Đất nào trở lại. Chúng đã được một chỗ
trú ẩn chắc chắn hay bị tai nạn thiệt thân cả rồi?
Tôi
bèn ra công hì hục sửa chữa lại gian nhà của cha mẹ tôi bao ngày qua đã bị kẻ
khác xâm chiếm. Lối đi lại của nhà Nhện Đất, tôi phải làm trọn một ngày mới lấp
kịp.
Gian
nhà tuy không giữ được vẻ xưa nhưng cũng còn nguyên vết cũ. Từ nay tôi lại được
sống thảnh thơi…
Thy Ngọc
(Theo
Trang viết tuổi thơ, Nxb Văn nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh, 1995)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét